Hệ thống pháp luật

Mục 1 Chương 2 Thông tư 19/2016/TT-BXD hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở và Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

Mục 1. MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ PHÁT TRIỂN NHÀ Ở

Điều 4. Trình tự, thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở

Trình tự, thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở quy định tại Khoản 4 Điều 9 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP được thực hiện như sau:

1. Trường hợp chưa xác định được nhà đầu tư thì thực hiện theo quy định sau:

a) Sở Xây dựng nơi có dự án chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP và có tờ trình theo mẫu hướng dẫn tham khảo tại phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đề nghị Bộ Xây dựng thẩm định; nội dung liên quan đến quy hoạch, bản vẽ quy hoạch trong hồ sơ thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị. Mẫu văn bản đề nghị Bộ Xây dựng thẩm định thực hiện theo hướng dẫn tham khảo tại phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bộ Xây dựng thực hiện thẩm định và có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 10 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP; tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở thực hiện theo mẫu hướng dẫn tham khảo tại phụ lục số 04 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trường hợp đã có nhà đầu tư thì thực hiện theo quy định sau:

a) Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP tại Sở Xây dựng nơi có dự án; nội dung liên quan đến quy hoạch, bản vẽ quy hoạch trong hồ sơ thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị;

b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, Sở Xây dựng có trách nhiệm gửi hồ sơ lấy ý kiến của các cơ quan nhà nước có liên quan về dự án. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến, cơ quan được lấy ý kiến phải có văn bản trả lời về những nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình liên quan đến dự án gửi Sở Xây dựng;

c) Trong thời hạn 25 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, Sở Xây dựng có tờ trình kèm theo hồ sơ, gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đề nghị Bộ Xây dựng thẩm định. Mẫu văn bản đề nghị Bộ Xây dựng thẩm định thực hiện theo hướng dẫn tham khảo tại phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Bộ Xây dựng thực hiện thẩm định và có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 10 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP; tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở thực hiện theo mẫu hướng dẫn tham khảo tại phụ lục số 04 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Trình tự, thủ tục đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở

1. Trình tự, thủ tục đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở quy định tại Khoản 5 Điều 9 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP được thực hiện như sau:

a) Trường hợp chưa xác định được nhà đầu tư thì thực hiện theo quy định sau:

- Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 của Nghị định số 99/2015/NĐ- CP trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để xin ý kiến của Hội đồng nhân dân cùng cấp; nội dung liên quan đến quy hoạch, bản vẽ quy hoạch trong hồ sơ thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị;

- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến của Hội đồng nhân dân cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo mẫu hướng dẫn tham khảo tại phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư này; trường hợp không chấp thuận chủ trương đầu tư thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho Sở Xây dựng biết.

b) Trường hợp đã có nhà đầu tư thì thực hiện theo quy định sau:

- Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP tại Sở Xây dựng nơi có dự án; nội dung liên quan đến quy hoạch, bản vẽ quy hoạch trong hồ sơ thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị;

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, Sở Xây dựng có trách nhiệm gửi hồ sơ lấy ý kiến của các cơ quan nhà nước có liên quan về dự án. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan được lấy ý kiến phải có văn bản trả lời về những nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình liên quan đến dự án gửi Sở Xây dựng;

- Trong thời hạn 25 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, Sở Xây dựng có tờ trình gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để xin ý kiến Hội đồng nhân dân cùng cấp;

- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến đồng ý của Hội đồng nhân dân cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo mẫu hướng dẫn tham khảo tại phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư này; trường hợp không chấp thuận chủ trương đầu tư thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho Sở Xây dựng và nhà đầu tư biết.

2. Trình tự, thủ tục đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở quy định tại Khoản 6 Điều 9 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP được thực hiện như sau:

a) Trường hợp chưa xác định được nhà đầu tư thì thực hiện theo quy định sau:

- Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án; nội dung liên quan đến quy hoạch, bản vẽ quy hoạch trong hồ sơ gửi kèm được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị;

- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ trình kèm theo hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án của Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo mẫu hướng dẫn tham khảo tại phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư này; trường hợp không chấp thuận chủ trương đầu tư thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho Sở Xây dựng biết.

b) Trường hợp đã có nhà đầu tư thì thực hiện theo quy định sau:

- Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP tại Sở Xây dựng nơi có dự án; nội dung liên quan đến quy hoạch, bản vẽ quy hoạch trong hồ sơ thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị;

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, Sở Xây dựng có trách nhiệm gửi hồ sơ lấy ý kiến của các cơ quan nhà nước có liên quan về dự án. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến, cơ quan được lấy ý kiến phải có văn bản trả lời về những nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình liên quan đến dự án gửi Sở Xây dựng;

- Trong thời hạn 25 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, Sở Xây dựng có tờ trình kèm theo hồ sơ gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án;

- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ trình kèm theo hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án của Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo mẫu hướng dẫn tham khảo tại phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư này; trường hợp không chấp thuận chủ trương đầu tư thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho Sở Xây dựng và nhà đầu tư biết.

Điều 6. Thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở đối với các dự án xây dựng nhà ở quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 9 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP

1. Cơ quan chủ trì thẩm định có văn bản kèm theo hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư gửi Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng để thẩm định các nội dung liên quan đến nhà ở.

2. Nội dung thẩm định bao gồm:

a) Sự cần thiết thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở;

b) Tỷ lệ và số lượng các loại nhà ở tính theo đơn vị ở (căn hộ chung cư, nhà biệt thự, nhà ở riêng lẻ); tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở;

c) Việc xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, diện tích để xe công cộng và để xe cho các hộ gia đình, cá nhân sinh sống trong phạm vi dự án;

d) Diện tích đất dành để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê theo quy định của Luật Nhà ở, phương án quản lý hoặc bàn giao cho địa phương quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng;

đ) Trách nhiệm của chính quyền địa phương và chủ đầu tư trong việc thực hiện dự án và xây dựng các công trình hạ tầng xã hội của dự án, trừ trường hợp khu vực dự án đã có sẵn các công trình hạ tầng xã hội.

Điều 7. Hồ sơ pháp lý đăng ký làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại

1. Hồ sơ pháp lý đăng ký làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại bao gồm các giấy tờ sau đây:

a) Văn bản đăng ký làm chủ đầu tư dự án của nhà đầu tư, bao gồm các nội dung: tên, địa chỉ nhà đầu tư, các đề xuất của nhà đầu tư, dự kiến tiến độ thực hiện dự án;

b) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư kèm theo giấy tờ chứng minh có đủ số vốn được hoạt động kinh doanh bất động sản (vốn Điều lệ) theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản;

c) Giấy tờ chứng minh năng lực tài chính của chủ đầu tư áp dụng như quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 12 của Nghị định số 76/2015/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ quy định chi Tiết thi hành một số Điều của Luật Kinh doanh bất động sản.

2. Trường hợp thuộc diện chỉ định chủ đầu tư theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP thì ngoài giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này, nhà đầu tư còn phải có thêm giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 8. Trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại

1. Trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư đối với trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 18 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP được thực hiện như sau:

a) Trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá, pháp luật về đất đai;

b) Trường hợp cơ quan phê duyệt kết quả đấu giá là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thì trong văn bản phê duyệt kết quả đấu giá phải bao gồm cả nội dung công nhận nhà đầu tư trúng đấu giá làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở; văn bản này được gửi 01 bản cho Sở Xây dựng để theo dõi, tổng hợp;

c) Trường hợp cơ quan phê duyệt kết quả đấu giá không phải là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì cơ quan phê duyệt kết quả đấu giá gửi văn bản đề nghị kèm theo kết quả đấu giá và hồ sơ pháp lý của nhà đầu tư trúng đấu giá đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để công nhận chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của cơ quan phê duyệt kết quả đấu giá, kết quả đấu giá và hồ sơ pháp lý của nhà đầu tư trúng đấu giá, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành văn bản công nhận nhà đầu tư trúng đấu giá làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở; văn bản này được gửi 01 bản cho Sở Xây dựng để theo dõi, tổng hợp.

2. Đối với việc lựa chọn chủ đầu tư quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 18 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP thì Sở Xây dựng chủ trì tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công nhận chủ đầu tư dự án theo mẫu hướng dẫn tham khảo tại phụ lục số 06 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Trường hợp nhà đầu tư có đủ Điều kiện để được giao làm chủ đầu tư dự án theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP thì thực hiện theo trình tự như sau:

a) Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này tại Sở Xây dựng nơi có dự án;

b) Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Sở Xây dựng tổ chức họp Tổ chuyên gia (quy định tại Khoản 4 Điều này) để xem xét, đánh giá năng lực của nhà đầu tư; nếu nhà đầu tư đủ Điều kiện làm chủ đầu tư dự án thì Sở Xây dựng có văn bản kèm theo biên bản họp Tổ chuyên gia và hồ sơ pháp lý của nhà đầu tư gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để công nhận nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án theo mẫu hướng dẫn tham khảo tại phụ lục số 06 ban hành kèm theo Thông tư này; nếu nhà đầu tư không đủ Điều kiện làm chủ đầu tư dự án thì Sở Xây dựng có văn bản thông báo để nhà đầu tư biết rõ lý do.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Tổ chuyên gia để xem xét, đánh giá hồ sơ năng lực của nhà đầu tư đối với trường hợp lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức quy định tại Khoản 3 Điều này. Thành phần Tổ chuyên gia bao gồm đại diện các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quy hoạch - Kiến trúc (đối với các thành phố trực thuộc Trung ương có Sở Quy hoạch-Kiến trúc) do Sở Xây dựng làm thường trực.

Điều 9. Huy động vốn phục vụ cho phát triển nhà ở thương mại

1. Việc huy động vốn thông qua hình thức thu tiền trả trước của người mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai quy định tại Khoản 3 Điều 69 của Luật Nhà ở phải tuân thủ quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 19 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP.

Điều kiện nhà ở hình thành trong tương lai được bán, cho thuê mua thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 55 của Luật Kinh doanh bất động sản. Việc xây dựng xong phần móng của công trình nhà ở (kể cả công trình nhà ở có Mục đích sử dụng hỗn hợp) được xác định là giai đoạn đã thi công xong phần đài và giằng móng hoặc tới độ cao mặt bằng sàn của tầng thấp nhất của công trình nhà ở đó.

Trường hợp chủ đầu tư áp dụng biện pháp thi công top-down (thi công sàn các tầng trên của công trình nhà ở trước khi thi công phần đài và giằng móng hoặc trước khi thi công mặt bằng sàn của tầng thấp nhất của công trình) theo thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt thì việc thi công xong mặt bằng sàn đầu tiên của công trình được xác định là tương đương với việc đã xây dựng xong phần móng của trường hợp thi công theo phương pháp thông thường.

2. Hồ sơ gửi Sở Xây dựng đề nghị thông báo đủ Điều kiện được huy động vốn theo quy định tại Khoản 3 Điều 19 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP bao gồm các giấy tờ sau đây:

a) Văn bản đề nghị thông báo đủ Điều kiện huy động vốn;

b) Bản sao có chứng thực quyết định chủ trương đầu tư hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; quyết định phê duyệt kèm theo hồ sơ dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật về nhà ở;

c) Văn bản xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai về việc đã thực hiện xong giải phóng mặt bằng theo tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt;

d) Bản sao có chứng thực biên bản bàn giao mốc giới của dự án theo tiến độ dự án được duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai.

3. Hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định tại Khoản 3 Điều 19 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP có các nội dung chính sau đây:

a) Tên và địa chỉ của các bên tham gia ký kết hợp đồng;

b) Hình thức huy động vốn;

c) Số lượng vốn cần huy động; các kỳ huy động vốn;

d) Phương thức phân chia lợi nhuận;

đ) Thời hạn hoàn trả vốn;

e) Quyền và nghĩa vụ của các bên;

g) Giải quyết tranh chấp;

h) Các thoả thuận khác.

4. Trường hợp góp vốn thành lập pháp nhân mới để được giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thì việc lập hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng hợp tác kinh doanh được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.

Thông tư 19/2016/TT-BXD hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở và Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

  • Số hiệu: 19/2016/TT-BXD
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/06/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đỗ Đức Duy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 813 đến số 814
  • Ngày hiệu lực: 15/08/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH