Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 19/2010/TT-BTNMT quy định đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định trình tự, thủ tục đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học trong phòng ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải tại Việt Nam để ban hành Danh mục chế phẩm sinh học sử dụng trong phòng ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải tại Việt Nam (gọi tắt là Danh mục chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam).

2. Các chế phẩm sinh học sử dụng trong phòng ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải (sau đây gọi chung là chế phẩm sinh học) đã đăng ký theo quy định của pháp luật hiện hành không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước; tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân) có hoạt động liên quan đến đánh giá hồ sơ đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học; sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, khảo nghiệm chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải là sản phẩm có nguồn gốc sinh học được dùng để xử lý chất thải gồm: vi sinh vật, enzym và các chất chiết suất từ động vật, thực vật và vi sinh vật, không bao gồm các sinh vật biến đổi gen.

2. Khảo nghiệm chế phẩm sinh học là hoạt động đánh giá đặc tính, hiệu quả và tính an toàn của chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải ở điều kiện và quy mô nhất định.

Điều 4. Nguyên tắc lưu hành chế phẩm sinh học

1. Tổ chức, cá nhân có chế phẩm sinh học phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để xem xét, cấp Giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học trước khi đưa vào lưu hành, sử dụng.

2. Giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trên cơ sở kết quả khảo nghiệm và kết luận của Hội đồng Khoa học chuyên ngành đánh giá hồ sơ đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học.

3. Tổ chức, cá nhân đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học phải trả phí và lệ phí theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 5. Thành lập, chức năng, nguyên tắc làm việc của Hội đồng khoa học chuyên ngành đánh giá hồ sơ đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường có trách nhiệm thành lập Hội đồng Khoa học chuyên ngành đánh giá hồ sơ đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học (sau đây gọi tắt là Hội đồng). Hội đồng phải bảo đảm ít nhất 07 (bảy) thành viên bao gồm: Chủ tịch Hội đồng, Thư ký và các ủy viên Hội đồng là những người có trình độ từ đại học trở lên về chuyên môn phù hợp với yêu cầu, có kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên ngành sinh học, công nghệ sinh học và công nghệ môi trường.

2. Hội đồng có chức năng tư vấn giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đánh giá hiệu quả và tính an toàn đối với sức khỏe con người và sinh vật của chế phẩm sinh học.

3. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập thể, thảo luận công khai, trực tiếp giữa các thành viên của Hội đồng và kết luận theo đa số.

Điều 6. Trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng

1. Trách nhiệm và quyền hạn của các ủy viên Hội đồng:

a) Tham gia các hoạt động trước, trong và sau phiên họp chính thức của Hội đồng khi có yêu cầu;

b) Nghiên cứu hồ sơ, tài liệu liên quan đến chế phẩm sinh học đăng ký lưu hành và nhận xét bằng văn bản về các nội dung của Hồ sơ;

c) Thực hiện nhiệm vụ tại phiên họp Hội đồng một cách khoa học, trung thực, khách quan. Viết phiếu đánh giá tại phiên họp chính thức của Hội đồng;

d) Quản lý các tài liệu được cung cấp theo quy định của pháp luật và nộp lại tài liệu này cho Cơ quan Thường trực Hội đồng sau khi kết thúc nhiệm vụ;

đ) Được hưởng thù lao theo chế độ tài chính hiện hành khi thực hiện nhiệm vụ.

2. Trách nhiệm và quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng:

Ngoài trách nhiệm và quyền hạn của ủy viên Hội đồng theo quy định tại khoản 1 Điều này, Chủ tịch Hội đồng còn có trách nhiệm và quyền hạn sau:

a) Điều khiển phiên họp của Hội đồng theo đúng quy định của Thông tư này và pháp luật liên quan;

b) Tổng hợp, xử lý các ý kiến trao đổi thảo luận tại phiên họp chính thức của Hội đồng, chuẩn bị ý kiến kết luận để đưa ra Hội đồng thông qua và công bố kết quả đánh giá của Hội đồng;

c) Chịu trách nhiệm về các hoạt động và những đánh giá, kết luận của Hội đồng.

3. Trách nhiệm và quyền hạn của Thư ký Hội đồng:

Ngoài trách nhiệm và quyền hạn của ủy viên Hội đồng theo quy định tại khoản 1 Điều này, Thư ký Hội đồng còn có trách nhiệm và quyền hạn sau:

a) Ghi biên bản phiên họp của Hội đồng một cách đầy đủ, trung thực;

b) Cung cấp phiếu đánh giá chế phẩm sinh học cho các ủy viên Hội đồng; phiếu đánh giá bao gồm những nội dung chính sau: đánh giá thành phần, đặc tính, hiệu quả của chế phẩm sinh học so với tài liệu của nhà sản xuất cung cấp; tính an toàn đối với sức khỏe con người và sinh vật;

c) Hoàn chỉnh và chuyển giao biên bản phiên họp chính thức của Hội đồng, toàn bộ hồ sơ và các tài liệu liên quan khác cho Cơ quan Thường trực Hội đồng;

d) Đọc các báo cáo có liên quan trong phiên họp Hội đồng.

Điều 7. Hoạt động của Hội đồng

1. Điều kiện tổ chức phiên họp chính thức của Hội đồng:

a) Có mặt của Chủ tịch Hội đồng và ít nhất 2/3 số lượng ủy viên Hội đồng theo Quyết định thành lập của cơ quan tổ chức việc thẩm định, đánh giá;

b) Có mặt của đại diện tổ chức, cá nhân đề nghị đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học và cơ quan khảo nghiệm chế phẩm sinh học;

c) Có đầy đủ hồ sơ và các bản nhận xét của ủy viên Hội đồng.

2. Nội dung và trình tự phiên họp chính thức của Hội đồng:

a) Đại diện tổ chức, cá nhân đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học trình bày nguồn gốc, quá trình sản xuất, thành phần, cách sử dụng, hiệu quả, hiệu lực và tính an toàn của chế phẩm sinh học;

b) Ủy viên thư ký đọc báo cáo kết quả khảo nghiệm của cơ quan khảo nghiệm chế phẩm sinh học; báo cáo kết quả giám sát, kiểm tra thực hiện kế hoạch khảo nghiệm;

c) Phần hỏi đáp những vấn đề chưa rõ giữa các thành viên Hội đồng và đại diện tổ chức, cá nhân đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học, cơ quan khảo nghiệm chế phẩm sinh học;

d) Các thành viên Hội đồng trình bày ý kiến nhận xét, đánh giá;

đ) Các ủy viên Hội đồng, đại biểu và đại điện tổ chức, cá nhân đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học, cơ quan khảo nghiệm chế phẩm sinh học tiến hành thảo luận;

e) Chủ tịch Hội đồng công bố kết quả kiểm phiếu đánh giá và đọc dự kiến kết luận của Hội đồng;

g) Các ủy viên Hội đồng nêu kiến nghị (nếu có) về chỉnh sửa, bổ sung dự kiến kết luận của Hội đồng;

h) Đại diện tổ chức, cá nhân đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học phát biểu ý kiến;

i) Chủ tịch Hội đồng công bố kết luận của Hội đồng; kết luận này phải được ít nhất 2/3 tổng số ủy viên Hội đồng nhất trí và được ghi rõ trong phiếu đánh giá.

3. Biên bản phiên họp chính thức của Hội đồng ghi lại diễn biến phiên họp và ý kiến thảo luận, nhận xét của các ủy viên Hội đồng tại phiên họp chính thức của Hội đồng và được Chủ tịch Hội đồng và Thư ký Hội đồng ký và ghi rõ họ tên.

Điều 8. Cơ quan Thường trực Hội đồng

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường bố trí một (01) tổ chức, bộ phận chuyên môn thuộc Tổng cục có chức năng, nhiệm vụ phù hợp làm Cơ quan Thường trực Hội đồng Khoa học chuyên ngành đánh giá hồ sơ đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học.

Điều 9. Nhiệm vụ và hoạt động của Cơ quan Thường trực Hội đồng

1. Giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường tiếp nhận, nghiên cứu và xử lý hồ sơ, tài liệu liên quan do tổ chức, cá nhân đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học gửi đến.

2. Chuẩn bị, cung cấp và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên Hội đồng nghiên cứu hồ sơ, tài liệu liên quan phục vụ cho hoạt động của Hội đồng.

3. Đăng tải hồ sơ đăng ký lưu hành trên trang thông tin điện tử (website) của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường hoặc các phương tiện thông tin khác nhằm thu thập ý kiến của những tổ chức, cá nhân liên quan.

4. Đề xuất Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường tổ chức hoặc uỷ quyền cho Chi cục Bảo vệ môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Chi cục Bảo vệ môi trường địa phương) kiểm tra, giám sát kế hoạch khảo nghiệm sử dụng chế phẩm sinh học.

5. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để Hội đồng tiến hành phiên họp.

6. Tiếp nhận hồ sơ, kết quả khảo nghiệm, kết quả đánh giá hồ sơ của Hội đồng để xử lý và tiến hành các thủ tục cần thiết trình Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường xem xét, quyết định cấp Giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học.

7. Xem xét hồ sơ và đề nghị Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cấp gia hạn Giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học.

Điều 10. Danh mục chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam

1. Chế phẩm sinh học được cấp Giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học phải lập thành Danh mục chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam và đăng tải trên trang thông tin điện tử (website) của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường.

2. Định kỳ 06 (sáu) tháng một lần, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường có trách nhiệm lập, trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban Danh mục chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam.

Thông tư 19/2010/TT-BTNMT quy định đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 19/2010/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 12/10/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Thái Lai
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 603 đến số 604
  • Ngày hiệu lực: 10/12/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH