Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 185-TT/PC

Hà Nội, ngày 26 tháng 9 năm 1983

THÔNG TƯ

CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 185-TT/PCNGÀY 26-9-1983 HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU LỆ BẢO VỆ ĐƯỜNG BỘ

Ngày 21-12-1982 Hội đồng Bộ trưởng đã ra nghị định số 203-HĐBT ban hành Điều lệ bảo vệ đường bộ. Căn cứ vào điều 22 của Điều lệ , Bộ giao thông vận tải ban hành thông tư hướng dẫn và giải thích thêm để các ngành, các cấp, các đơn vị và mọi công dân thi hành đúng tinh thần nội dung của Điều lệ.

A. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA.

Các hệ thống đường bộ trong toàn quốc ngày càng được củng cố và mở rộng để đáp ứng với sự phát triển kinh tế, bảo vệ quốc phòng và sự đi lại của nhân dân. Do vậy việc bảo vệ các hệ thống đường bộ rất quan trọng, là nghĩa vụ của các ngành, các cấp, các đơn vị kinh tế - quốc phòng và mọi công dân dể bảo dảm giao thông được an toàn thông suốt trong mọi tình huống.

Trong thời gian qua việc bảo vệ cầu, đường, phà phao... ở các địa phương chưa được đề cao và chú trọng thường xuyên nên đã để xảy ra nhiều vụ vi phạm như xây dựng nhà cửa, công trình,... sát bên đường, ảnh hưởng đến tầm nhìn của lái xe, cản trở việc mở rộng đường sá; họp chợ, phơi phóng, để vật tư hàng hoá... Ngay trên lề mặt đường gây cản trở giao thông. Nghiêm trọng hơn là việc lấy cắp gỗ, đá, cọc tiêu, biển báo... của các công trình đường bộ đang khai thác, đe doạ đến sự ổn định của công trình và sự an toàn của các phương tiện vận tải, nhân dân qua lại.

Nguyên nhân cơ bản của những vi phạm trên là do chưa xác định được trách nhiệm phải bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa của mọi người.

Do đó Điều lệ bảo vệ đường bộ được Hội đồng Bộ trưởng ban hành có ý nghĩa rất lớn và là cơ sở pháp lý để tăng cường công tác bảo vệ và ngăn chặn, xử lý mọi vi phạm đến các công trình của đường bộ.

B) HƯỚNG DẪN VÀ GIẢI THÍCH MỘT SỐ ĐIỂM CỦA ĐIỀU LỆ

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG.

1. Trách nhiệm bảo vệ (điều 1,2).

Các hệ thống đường bộ là tài sản xã hội chủ nghĩa và chiếm vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân nên mọi tổ chức và công dân có nghĩa vụ bảo vệ - mà không chỉ riêng thuộc trách nhiệm ngành giao thông vận tải, để bảo đảm giao thông đường bộ luôn được trật tự, an toàn, thông suốt và thuận tiện cho việc cải tạo, mở rộng đường sá sau này.

Tuy vậy các Sở giao thông vận tải, liên hiệp các xí nghiệp và xí nghiệp liên hợp xây dựng giao thông khu vực (sau đây gọi tắt là các cơ quan quản lý đường bộ) phải là nòng cốt trong việc giữ gìn, bảo vệ đường sá; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan để tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong cán bộ, công nhân viên , lực lượng vũ trang và nhân dân quán triệt để thực hiện điều lệ nghiêm chỉnh. Tất cả các tổ chức, cá nhân xâm phạm hoặc gây hư hại đến các công trình giao thông đều bị xử lý thích đáng.

2. Những công trình phải bảo vệ (điều 3).

Điều lệ quy định những công trình giao thông đường bộ phải được bảo vệ. Trong đó cần phải chú ý tới các công trình, cầu lớn vì có những công trình phụ ở xa công trình chính như hố neo - cầu cáp, cầu treo, cầu phao, trụ chống va trôi... cũng phải được bải vệ chu đáo và các công trình sau đây:

a) Đường vòng, đường tránh cầu, bến phà phụ và bến dự phòng.

Tại một số cầu, bến phà giao quan trọng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước có xây thêm các đường vòng, đường tránh cầu, bến phà phao dự phòng để bảo đảm giao thông liên tục, kịp thời trong mọi tình huống. Trong tình hình vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu hiện nay, các công trình này vẫn phát huy tác dụng; các cơ quan quản lý đường bộ trên phương án bảo đảm giao thông (kể cả khi phải phục vụ xe quá tải, quá khổ...) kiểm tra lại các đường vòng tránh cầu, bến phà dự phòng đã có và lựa chọn giữ lại ở mỗi cầu lớn một đường vòng tránh - ở mỗi bến phà phao một hay hai bến phà dự phòng còn tốt sau đó thông báo cho chính quyền sở tại biết để cùng phối hợp bảo vệ chu đáo bảo vệ khi cần thiết sử dụng được ngay.

b) Rãnh đỉnh, lá chắn dòng nước,

Những công trình này có tác dụng ngăn cản và vướng dòng nước trong mùa mưa lũ chảy theo hướng quy định để bảo vệ cầu, đường, bến phà phao, tường kè chắn đất... không bị sụp lở, xói mòn hay trôi đổ.

Rãnh đỉnh, lá chắn dòng nước ở xa công trình cần được bảo vệ, lại phát huy tác dụng theo mùa nên phải kiểm tra khơi rãnh sửa chữa trước mùa mưa lũ và phổ biến cho nhân dân xung quanh biết rõ tác dụng để không san lấp rãnh hoặc lấy đá của lá chắn.

c) Các công trình phụ trợ.

Những công trình này nhằm bảo đảm cho việc lưu thông, quản lý, khai thác đạt hiệu quả cao và an toàn cho xe cộ, bộ hành trên đường. Bao gồm:

- Trạm kiểm soát giao thông, trạm phân luồng hướng dẫn giao thông

- Những nhà chờ xe ở dọc đường,

- Những đoạn tránh xe chỗ nền mặt đường hẹp.

- Bãi để vật liệu, xe máy thi công sau mỗi ngày làm việc (tránh để trên lề mặt đường làm cản trở giao thông),

Các ụ đất đắp hai bên đường (ở ngoài nền đường) để trồng cây, vườn ươm cây của đơn vị quản lý đường...

3. Phạm vi áp dụng điều lệ (điều 4)

Điều lệ quy định áp dụng cho các hệ thống đường quốc lộ, đường tỉnh và đó là những tuyến đường quan trọng của quốc gia và địa phương cần phải được bảo vệ với mức độ cao nhất bảo đảm luôn luôn thông suốt và an toàn.

Đối với các hệ thống đường huyện, đường xã, đường đô thị, đường chuyên dùng các Sở giao thông vận tải tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Uỷ ban nhân dân tỉnh) quy định cụ thể về phạm vi hành lang bảo vệ và các biện pháp bảo vệ trên nguyên tắc chung của điều lệ này, như sau:

a) Về phạm vi hành lang bảo vệ:

- Đối với đường, nói chung là dưới 10 mét tính từ chân mái đường đắp và từ mép đỉnh mái đường đào trở ra hai bên. Khoảng cách cụ thể sẽ căn cứ vào tình hình địa chất thuỷ văn và yêu cầu an toàn giao thông dể quy định nhưng không được nhỏ dưới 5 mét.

Tuyến đường nào địa phương đã có kế hoạch mở rộng được cấp trên phê chuẩn sẽ quy định hành lang bảo vệ cho thích hợp nhưng tối đa là 10 mét.

Đối với hệ thống đường đô thị thì những phố, đường giao thông có vỉa hè thì hành lang bảo vệ là bề rộng của vỉa hè, còn những đường mà hai bên chưa xây dựng nhà cửa xẽ căn cứ vào quy hoạch đô thị để quy định phạm vi hành lang bảo vệ cho phù hợp với loại đường đô thị sau này.

- Đối với cầu, sẽ căn cứ vào mức độ yêu cầu về kỹ thuật của công trình cần phải được bảo vệ để quy định cho thích hợp.

- Đối với phía trên không: Nói chung theo như điểm 3, điều 7 của điều lệ đã quy định.

b) Về các quy định khác: Có thể vận dụng các quy định của điều lệ để áp dụng cho các hệ thống đường này.

Riêng đối với hệ thống đường đô thị thì cần quy định chặt chẽ hơn, đặc biệt chú ý nghiêm cấm việc đào bới mặt đường vỉa hè một cách tuỳ tiện; chiếm dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi để vật liệu hàng hoá, phơi các thứ, họp chợ, bán hàng, đậu xe bừa bãi... Cần quy định cụ thể việc đi lại trên từng đường phố với các loại xe để bảo đảm giao thông được trật tự, an toàn, không xảy ra ách tắc và mất vệ sinh mỹ quan thành phố.

4. Trách nhiệm giữa Bộ giao thông vận tải và Uỷ ban nhân dân các tỉnh về việc bảo vệ đường bộ (điều 5 và 6).

Với trách nhiệm quản lý chuyên ngành và quản lý theo lãnh thổ, đối với việc bảo vệ các công trình giao thông đường bộ, Hội đồng Bộ trưởng đã quy định nhiệm vụ cơ bản giữa Bộ giao thông vận tải và Uỷ ban nhân dân các tỉnh.

Để bảo đảm việc thi hành điều lệ được nghiêm chỉnh, các cơ quan quản lý đường bộ ngoài việc quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa cầu đường... thường xuyên, bảo đảm giao thông an toàn, cần triển khai một số nhiệm vụ như sau:

- Tổ chức lực lượng tuần tra thường xuyên trên đường để phát hiện sớm những hư hỏng kịp thời sửa chữa và giám sát việc chấp hành các quy định của điều lệ này.

- Để lực lượng tuần tra có hiệu lực khi thi hành nhiệm vụ, mỗi cán bộ, nhân viên phải có giấy uỷ nhiệm kiểm tra an toàn giao thông vận tải và phạt vi cảnh, băng đeo theo mẫu thống nhất của Bộ (trong thông tư số 175-PC ngày 21-9-1978 của Bộ hướng dẫn thi hành điều lệ phạt vi cảnh) và được phép lập biên bản xử lý các vi phạm đến các công trình giao thông đường bộ theo pháp luật hiện hành (tại điều 21 điều lệ).

- Phối hợp với các ngành có liên quan như công an, quân sự, văn hoá thông tin, các đoàn thể và chính quyền các cấp huyện, xã ở ven đường quốc lộ, đường tỉnh hoặc trong thành phố, thị xã mở các đợt tuyên truyền với mọi hình thức, phổ biến rộng rãi những quy định của điều lệ bảo vệ đường bộ. Đôn đốc nhắc nhở, giám sát việc thực hiện của các cơ quan, xí nghiệp, mọi người và xử lý kịp thời những vụ vi phạm để đề cao pháp luật xã hội chủ nghĩa.

- Kiểm tra, xác định trọng tải, khổ, giới hạn của từng tuyến đường, cầu cống, phà phao... để phục vụ cho các loại xe cơ giới qua trọng tải, qua khổ và xe xích đi lại an toàn, nhanh chóng để bảo vệ các công trình đường bộ. hàng năm các cơ quan quản lý đường bọ phải tổng hợp tình hình đường xá do mình quản lý báo cáo về Bộ. - Hàng năm có kế hoạch phòng chống thiên tai, địch phá hoại, bảo vệ các công trình giao thông, báo cáo Uỷ ban nhân dân các tỉnh để giao nhiệm vụ cho các ngành, các đoàn thể, các cấp chính quyền hỗ trợ tích cực ngành giao thông vận tải khi cần thiết nhằm huy động lực lượng, vật tư, thiết bị. .. được nhanh chóng, lập lại giao thông trong thời gian ngắn nhất.

Đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh giao cho các ngành, các cấp chính quyền phải quán triệt và nghiêm chỉnh thực hiện điều lệ này, nhất là những huyện, xã ở ven đường có trách nhiệm bảo vệ các công trình đường bộ, coi như là một trong những nhiệm vụ chính của Uỷ ban. Trường hợp đặc biệt cần cấp đất đai để xây dựng công trình gì trong hành lang bảo vệ, trước khi duyệt cấp đất phải thống nhất với ngành giao thông vận tải.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC BẢO VỆ

1. Phạm vi hành lang bảo vệ (điều 7).

Hành lang bảo vệ là phạm vi giới hạn khu vực không dược xâm phạm để giữ gìn cho các công trình được ổn định; Để bảo vệ cho việc đi lại trên cầu, đường... được an toàn và thuận lợi cho việc mở rộng đường xá sau này.

Khoảng cách ghi trong điều này đã được xác định cụ thể cho từng loại công trình và là mức tối thiểu, vì vậy không được châm chước là đặc biệt là đối với phía trên không để bảo đảm an toàn cho các loại xe chở hàng trên mui xe hay xe cần cẩu... đi lại trên đường vừa không làm hư hỏng đường dây vừa tránh nguy hiểm cho phương tiện (nhất là đối với đường dây điện cao thế).

Các cơ quan quản lý đường bộ cần cắm mốc (vĩnh cửu) giới hạn hành lang bảo vệ đối với cầu, đường bến phà phao... Để các cơ quan, xí nghiệp, nhân dân biết không xây dựng nhà cửa, công trình hoặc làm bất cứ việc gì dù có tạm thời (trừ trồng cây lương thực, hoa màu đã quy định trong nhiều năm, điều 8 của điều lệ này) hay lấy cắp đất, đá... Trước mắt cần nắm mốc ngay ở những khu vực đông dân cư, các đầu mối giao thông và những khu vực đã có quy hoạch cho phép xây dựng ở ven đường của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

2. Giải quyết những trường hợp xây dựng trong hành lang bảo vệ (điều 8).

a) Kể từ ngày ban hành điều lệ này, mọi việc xây dựng mới như nhà cửa, kho tàng, công trình... dù nhỏ hay lớn, dù tạm thời hay vĩnh cửu trong phạm vi hành lang bảo vệ mà không được phép của cấp có thẩm quyền đều là vi phạm điều lệ này.

b) Do trước đây việc chấp hành các luật lệ giao thông vận tải không được nghiêm túc, nhiều cơ quan, xí nghiệp, nhân dân đã tuỳ tiện xây dựng nhà cửa, công trình... sát đường, có nơi vào cả mặt đường ảnh hưởng lớn tới sự đi lại trên đường và sự mở rộng đường sá. Để giải quyết những điều này, điều lệ đã quy định rõ:

Chỉ tạm thời cho phép những công trình, nhà cửa... xét thấy mức độ ảnh hưởng tới sự ổn định của công trình giao thông và sự an toàn giao thông không lớn lắm, nhưng cấm phát triển thêm. Tuy vậy khi cần thiết mở rộng đường xá hoặc yêu cầu bảo đảm an toàn giao thông cao hơn vẫn phải thu hẹp lại hay dỡ bỏ toàn bộ ngay.

- Trường hợp những nhà cửa, công trình có nguy hại đến sự ổn định của công trình giao thông (như gây lún, sụt lở, đổ vỡ dần đến huỷ hoại) thì dứt khoát phải bỏ dỡ. Nếu chỉ ảnh hưởng đến tầm nhìn người lái xe hoặc cản trở sự lưu thông của các phương tiện trên đường, tạo thành các tụ điểm mất an toàn giao thông thì dỡ bỏ những phần gây trở ngại dối với những công trình xây vĩnh cửu và dỡ bỏ toàn bộ đối với lều quán, nhà cửa tạm thời.

Việc bồi thường cho các công trình; nhà cửa nếu phải dỡ bỏ (toàn bộ hoặc một phần) chỉ giải quyết cho các trường hợp có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây và theo đúng quy định của nhà nước về việc quản lý đất đai.

Việc di chuyển những công trình, nhà cửa... và xét bồi thường rất phức tạp quá trình nhiều năm trước đây để lại cần phải xem xét cụ thể để giải quyết đúng với các chính sách của Đảng và Nhà nước. Các cơ quan quản lý dường bộ phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, các ngành có liên quan như công an, quân sự, tài chính, quản lý công trình công cộng, quản lý nhà đất... Dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh tiến hành khảo sát, lập danh mục các công trình nhà cửa... nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ cần giải quyết , lên kế hoạch cụ thể công trình, nhà cửa nào phải dỡ bỏ ngay hay tạm thời cho phép để lại hoặc thu hẹp lại và có giấy phép xây dựng hay không báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh (phần có liên quan đến Bộ thì giử báo cáo về Bộ) xem xét giải quyết được nhanh , gọn, đúng chính sách đã quy định.

Trước mắt giải quyết những công trình , nhà cửa... Nằm trong phạm vi 5 mét (tính từ chân mái đường đắp hoặc mép đỉnh mái đường đào trở ra) nếu có ảnh hưởng đến sự ổn định của cầu dường hoặc làm cản trở giao thông thì tùy theo mức độ phải di chuyển:

- Đối với lều quán thì dỡ bỏ ngay.

- Đối với nhà cửa, công trình... làm tạm thời thì thời gian di chuyển không quá 1 năm.

- Đối với nhà cửa, công trình... xây dựng vĩnh cửu thì thời gian di chuyển không quá 3 năm.

Nếu do yêu cầu cấp bách cần phải thu hẹp công trình, nhà cửa... thì dù tạm thời hay vĩnh cửu đều phải tiến hành ngay.

Từ 5 mét trở ra cho đến hết phạm vi hành lang bảo vệ. Bộ Giao thông vận tải sẽ cùng Uỷ ban nhân dân các tỉnh xem xét kết hợp với việc mở rộng, cải tạo nâng cấp đường của từng tuyến, từng khu vực để ấn định thời gian di chuyển cho thích hợp.

c) Hiện nay hầu hết các tuyến đường còn quá hẹp chưa vào cấp kỹ thuật, nên Điều lệ đã quy định tất cả công trình, nhà cửa kho tàng, lò vôi, lò gạch... làm mới phải xây dựng ra ngoài hành lang bảo vệ đường bộ 15 mét để sau này việc cải tạo mở rộng đường xã được thuận tiện không gây thiệt hại cho các cơ quan, xí nghiệp và nhân dân; mặt khác khi cần mở rộng công trình, nhà cửa... cũng không vi phạm hành lang bảo vệ.

Một vấn đề thực tế cần đặc biệt quan tâm là các trạm vật tư, kho tàng, của hàng ăn uống, hoặc bách hoá, ... ở cạnh đường có xe ra vào hoặc đỗ lại thường xuyên phải có bãi để xe riêng hay quy định nơi đậu có trật tự ngoài lề mặt đường để không ảnh hưởng tới giao thông. Đối với một số trạm vật tư, kho tàng, cửa hàng... đã xây dựng cũng phải cố gắng tìm vị trí đỗ xe, còn đối với xây dựng mới nhất thiết phải làm bãi đỗ xe. Cơ quan xây dựng cũng như cơ quan cấp giấy phép xây dựng cần phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định này. Các cơ quan quản lý đường bộ đôn đốc nhắc nhở khi thấy cơ quan nào xây dựng mà chưa đề cập đên bãi đỗ xe thì báo cáo với Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết.

d) Để phục vụ lợi ích chung, những trường hợp khó khăn đặc biệt cần phải xây dựng các công trình, đê điều, kênh mương... trong hoặc sát hành lang bảo vệ đường bộ thì cơ quan xây dựng công trình phải được Bộ Giao thông vận tải quản lý (nếu là đường do Bộ Giao thông vận tải quản lý) Uỷ ban nhân dân tỉnh (nếu là đường do Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý) chấp thuận và chỉ được tiến hành thi công sau khi đã thống nhất các biện pháp bảo vệ cầu, đường...

Về nguyên tắc thì trường hợp này là vi phạm Điều lệ nhưng do quá khó khăn nếu phải khắc phục xây dựng ra xa hành lang bảo vệ sẽ tốn kém lớn, thì Bộ Giao thông vận tải, Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ vào đề án thiết kế công trình, đến đặc điểm yêu cầu bảo đảm tối thiểu sự ổn định của công trình đường bộ và an toàn giao thông để xét duyệt và kinh phí tăng cường công trình giao thông do công trình khác vi phạm vào hành lang bảo vệ phải đài thọ.

e) Để tận dụng đất đai trong hành lang bảo vệ. Điều lệ có cho phép trồng cây lương thực, hoa màu và cây công nghiệp. Tuy vậy chỉ được trồng những loại cây thu hoạch trong thời gian ngắn, không trồng cây lưu niên loại lớn có bộ rễ đâm ngang, tán lá rộng để bảo đảm ổn định của nền mặt đường, không ảnh hưởng tới tầm nhìn của lái xe và mùa gió bão không đổ ra đường làm ách tắc giao thông hoặc gây tai nạn trên đường. Khi có yêu cầu mở rộng, cải tạo đường sá phải trả lại đất cho ngành giao thông vận tải trong thời gian ngắn nhất.

Khi trồng bất kỳ loại cây nào cũng phải theo đúng quy định cách 1 mét đối với chân mái đường đắp và 6 mét đối với đỉnh mái đường đào để khỏi sạt lở mái đường.

3. Những đường ngang nối từ đường chính (điều 11).

Trên các tuyến đường bộ, có nhiều đường ngang nối từ đường chính vào các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, xóm làng... Phần lớn những đường ngang thấp hơn đường chính, nên chỗ tiếp giáp đường chính thường bị đào xẻ làm sạt lở mái đường, lề đường, nhiều chỗ đã lấn tới vào tới mép đường gây nguy hiểm cho xe cộ, bộ hành qua lại. Do vậy, nghiêm cấm việc hạ thấp hoặc bạt xẻ... vào nền mặt đường chính để bảo đảm sự ổn định của đường chính, mặt khác Điều lệ còn quy định chỗ tiếp giáp đường ngang phải có một đoạn bằng đường chính mục đích để nhằm bảo đảm sự đi lại được bình thường trên đường ngang.

Đối với những đường ngang hiện có nếu thấp hơn đường chính thì cơ quan, xí nghiệp... sử dụng đường ngang phải tôn cao bằng đường chính chỗ tiếp giáp một đoạn (ít nhấy là 2 mét) rồi mới vuốt dốc, Nếu đường ngang cao hơn (ở vùng đồi, núi) không được để đường vượt cao hơn lề mặt đường chính, đoạn tiếp giáp phải làm bằng hoặc có độ dốc rất nhỏ (tối đo là 2,%) và phải có công trình thoát nước không để nước xói vào đường chính.

4. Những công trình được phép xây dựng có ảnh hưởng lớn tới cầu đường (điều 12).

Những công trình như khai khoáng; đê đập chắn nước; sân bay... có ảnh hưởng tới một phạm vi rộng đến các công trình giao thông như làm ngập lụt hoặc không an toàn đối với cầu đường, bến phà phao. Khi đã được Hội đồng Bộ trưởng phê chuẩn thì cơ quan có công trình phải làm các công trình giao thông thay thế. Việc thiết kế các công trình giao thông thay thế phải được Bộ Giao thông vận tải hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh thống nhất để bảo đảm đúng chuẩn tắc kỹ thuật như công trình cũ.

Để bảo đảm thông liên tục, an toàn, việc cắt bổ cầu, đường, bến phà cũ chỉ được tiến hành sau khi công trình giao thông mới là thay thế đã hoàn chỉnh, bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật như thiết kế và có đầy đủ hệ thống cọc tiêu, biển báo. Khi bàn giao phải có biên bản cụ thể và đầy đủ hồ sơ của công trình để tiện cho việc quản lý sau này.

5. Việc ngăn cấm, hạn chế giao thông (điều 13).

Việc ngăn cấm đường một cách tuỳ tiện sẽ gây ách tắc giao thông, làm mất trật tự trên đường hoặc không an toàn nếu hướng dẫn xe đi vào những tuyến đường khác chưa đủ hệ thống an toàn, mặt khác rất ảnh hưởng tới kế hoạch vận chuyển và sự đi lại của nhân dân. Do vậy việc ngăn cấm đường phải hết sức thận trọng, chỉ trường hợp cấp bách do yêu cầu an ninh chính trị, trật tự xã hội, chiến đấu thì mới ngăn cấm đường và cố gắng hạn chế trong thời gian ngắn nhất cũng như thời gian thích hợp nhất để ít ảnh hưởng tới sự giao thông bình thường. Khi cần thiết, thủ trưởng cơ quan công an cấp tỉnh ra lệnh ngăn cấm đường hoặc hạn chế giao thông phải báo cáo các cơ quan quản lý đường bộ biết trong một thời gian cần thiết để có điều kiện chuẩn bị phối hợp, điều khiển phân luồng để khỏi ùn tắc giao thông gây mất trật tự trên đường và bảo đảm an toàn trên tuyến phân luồng.

Các trạm kiểm soát giao thông (của đơn vị giao thông, công an) cần làm cố định ở những địa điểm cần thiết trên tuyến đường, không gây trở ngại cho các xe cộ. Các cơ quan thuế quan, kiểm lâm nhân dân khi cần kiểm soát trên đường trên đường giao thông công cộng để được thực hiện nhiệm vụ của mình thì chỉ được tổ chức kết hợp kiểm soát ở các trạm kiểm soát giao thông hay ở các bến xe.

6. Nghiêm cấm mọi việc xâm phạm đến công trình giao thông (điều 14).

Về nguyên tắc mọi việc xâm phạm vào công trình giao thông đường bộ đều là vi phạm điều lệ này.

Tuy vậy trong thực tế cần phải phục vụ lợi ích chung, nhất là nông nghiệp, thì tạm thời phải cho phép như đắp con chạch trên lề mặt đường để chống lụt; xẻ đường, bơm nước qua đường để chống hạn, chống úng cứu lúa... Nhưng phải thi hành đúng quy định là có phương án phòng chống lụt, úng... trước do Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt; thống nhất với ngành giao thông vận tải về vị trí, mức độ xâm phạm vào công trình giao thông. Trước khi tiến hành phải báo cáo cho cơ quan quản lý đường biết để phân luồng hoặc hạn chế giao thông. Khi làm xong nhiệm vụ cơ quan chống lụt, úng, hạn có trách nhiệm sửa chữa, thu dọn trả lại đường sá như cũ, hoặc có thể hợp đồng với ngành giao thông vận tải sửa chữa cho bảo đảm kỹ thuật và chất lượng.

Nếu cơ quan chống lụt, úng, hạn không thu dọn, sửa chữa hoặc sửa chữa không bảo đảm chất lượng kỹ thuật như cũ thì sau một tháng cơ quan quản lý đường bộ phải thu dọn, sửa chữa lại và mọi phí tổn cơ quan chống lụt, úng, hạn phải đài thọ.

7. Trách nhiệm và quyền hạn của cán bộ, nhân viên giao thông, cảnh sát giao thông làm nhiệm cụ bảo vệ đường sá (điều 20).

Để việc chấp hành điều lệ này được nghiêm túc và có hiệu quả, Hội đồng Bộ trưởng đã quy định trách nhiệm, quyền hạn của cán bộ, nhân viên chuyên trách bảo vệ các công trình giao thông đường bộ, nhân viên cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên đường nhằm nâng cao pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Những cán bộ, nhân viên được giao chuyên trách bảo vệ cầu, đường... cần nghiên cứu, học tập để nắm vững tinh thần, nội dung của điều lệ này cùng các luật khác như Luật đường bộ; Điều lệ phạt vi cảnh; quy tắc bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường ô tô; Quy định việc đi lại trên đường ô-tô công cộng đối với các loại xe có trọng tải lớn, xe có bánh xích; Báo hiệu đường bộ; các quy định về lưu thông trong thành phố của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương v.v..., thể thức lập biên bản và xử lý vi phạm. Riêng việc tạm thời định chỉ những công trình đang làm cần hết sức quan trọng, chính xác để khỏi gây trở ngại, lãng phí cho đơn vị đang xây dựng. Trường hợp thật cụ thể xét không đình ngay sẽ dẫn tới tai nạn giao thông, ách tắc giao thông và hư hỏng công trình đường bộ như đào xẻ ngang dọc đường, dẫn nước qua đường; dựng tường khẩu hiệu, lều quán bán hàng, nhà cửa che mất tầm nhìn... Mỗi khi tạm đình chỉ công trình đang thi công phải lập biên bản gửi ngay lên cấp trên và thủ trưởng đơn vị công trình để giải quyết. Đồng thời có thể liên hệ với lực lượng cảnh sát nhân dân, quân cảnh (nếu công trình đó của lực lượng vũ trang) để cùng phối hợp giải quyết cho có hiệu quả.

Khi làm nhiệm vụ, cán bộ, nhân viên giao thông cần có giấy uỷ nhiệm, băng đeo, biên lai như đã hướng dẫn ở điểm 4, phần I trong thông tư này.

III. THƯỞNG, PHẠT

Điều lệ đã quy định thưởng cho những tổ chức, cá nhân có thành tích bảo vệ các công trình đường bộ, ngăn chặn được những tai nạn giao thông, phát hiện những tổ chức , cá nhân đã vi phạm cầu, đường phà phao... Việc khen thưởng cần chính xác, kịp thời để động viên những tổ chức, cá nhân có thành tích, kể cả địa phương, có phong trào bảo vệ đường tốt. Trường hợp đã ngăn chặn được những vụ việc vi phạm lớn bảo vệ an toàn cho công trình và sự đi lại trên cầu, đường phà phao cần thưởng vật chất thích đáng. Hàng năm các cơ quan quản lý đường bộ cần tổng kết phong trào bảo vệ đường bộ, phối hợp với các cấp chính quyền ven đường và các ngành có liên quan phát động phong trào bảo vệ đường bộ trong các cơ quan, xí nghiệp và nhân dân.

Về các hình thức xử lý, điều lệ quy định cụ thể:

- Phạt tiền theo Điều lệ phạt vi cảnh (ban hành kèm theo nghị định số 143-CP ngày 27-5-1977 của Hội đồng Chính phủ) đối với những vi phạm có tính chất đơn giản, rõ ràng và mức độ thiệt hại không nghiêm trọng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc các biện pháp hành chính khác như làm xiêu ngả cọc tiêu, biển báo hiệu, chăn trâu bò trên đường; buộc trâu bò vào cọc tiêu, hàng cây hai bên đường, cột biển báo; phơi rơm rạ, để vật tư hàng hoá trên đường...

- Bắt bồi thường thiệt hại đối với những vi phạm nghiêm trọng hoặc những vi phạm đã cố tình không chấp hành điều lệ làm hư hỏng đến công trình đường bộ như tuỳ tiện cho xe bánh xích chạy trên đường làm hỏng mặt đường; xe quá khổ, quá tải làm hư hỏng lan can, ván mặt cầu, đổ gẫy cọc tiêu, biển báo; đào đường, vỉa hè... thì ngoài việc phạt vi cảnh còn lập biên bản xác định mức độ hư hỏng buộc người hoặc cơ quan vi phạm phải bồi thường.

- Truy tố trước pháp luật đối với những vi phạm có tính chất đặc biệt nghiêm trọng gây tổn thất lớn đến công trình đường bộ như xe quá tải đi không có giấy phép làm sập cầu, lấy cắp sắt thép, ván cầu, đào xẻ đường không có giấy phép gây đổ xe..., thì tuỳ theo tính chất vi phạm và mức độ thiệt hại mà đưa ra truy tố trước pháp luật.

Các điều trong điều lệ đã quy định rõ ràng, đầy đủ thì thông tư không đề cập tới nữa.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện các ngành, các địa phương, các đơn vị có liên quan phản ánh cho Bộ giao thông vận tải biết những vướng mắc để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Nguyễn Tường Lân

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 185-TT/PC-1983 hướng dẫn thi hành Điều lệ bảo vệ đường bộ do Bộ giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 185-TT/PC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 26/09/1983
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Nguyễn Tường Lân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 18
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản