Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18-NV

Hà Nội, ngày 29 tháng 03 năm 1961

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC DÁN ẢNH VÀO SỔ PHỤ CẤP THƯƠNG TẬT VÀ GIẤY CHỨNG NHẬN THƯƠNG BINH

Kính gửi: Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh và khu vực Vĩnh Linh

Công văn số 1582-TB4 ngày 30-03-1957, Bộ Thương binh trước đây đã quy định dán ảnh vào sổ phụ cấp thương tật và giấy chứng nhận thương binh. Nhưng cho tới nay, một số địa phương và nhiều anh em thương binh chưa thi hành đúng. Nhiều sổ phụ cấp thương tật và giấy chứng nhận không dán ảnh, hoặc dán ảnh chụp không đúng quy cách, như: ảnh khổ 2 x 3 ảnh tô màu, ảnh chụp người đội mũ, chụp người và phong cảnh hay chụp cả người… Do đó, đã xảy ra những trường hợp lợi dụng, như: thương binh đánh mất sổ hay giấy chứng nhận, người khác nhặt được đem lợi dụng để hưởng quyền lợi thương binh; thương binh cho bà con, bạn bè mượn giấy chứng nhận thương binh để được miễn hoặc giảm tiền vé xe tàu, văn công, điện ảnh v.v…

Những thiếu sót kể trên đã gây nhiều khó khăn cho các cơ quan thi hành chính sách trong việc kiểm soát việc sử dụng sổ phụ cấp thương tật và giấy chứng nhận thương binh, làm tổn thương đến phẩm chất của thương binh, và cũng chứng tỏ còn có một số thương binh chưa thực sự tôn trọng quyền lợi mà Đảng, Chính phủ và nhân dân ưu đãi cho mình.

Sổ phụ cấp thương tật và giấy chứng nhận thương binh, ngoài giá trị xác minh tư cách thương binh, còn có tác dụng làm căn cứ để hưởng những quyền lợi như: lĩnh phụ cấp thương tật, miễn hoặc giảm tiền vé xe tàu, văn công, điện ảnh…mà chỉ có người thương binh được cấp sổ và giấy chứng nhận mới được sử dụng sổ và giấy chứng nhận ấy để hưởng những quyền lợi tinh thần và vật chất dành riêng cho mình.

Vì vậy, Bộ nhắc lại và hướng dẫn một số điểm như sau:

1. Sổ phụ cấp thương tật và giấy chứng nhận thương binh đều phải dán ảnh của thương binh và có đóng dấy kèm trên ảnh. Nếu không có dán ảnh và đóng dấu kèm, thì người sử dụng giấy chứng nhận thương binh không được hưởng một số quyền lợi như: miễn hoặc giảm tiền vé xe tàu, văn công, điện ảnh…

2. Từ nay, những hồ sơ mới lập, những sổ mà giấy chứng nhận cần đổi mới, những đơn khai mất sổ, mất giấy chứng nhận thương binh chuyển về Bộ, nhất thiết phải có ảnh đính kèm thì Bộ mới xét giải quyết; nếu không, Bộ sẽ hoàn lại.

3. Ảnh dán vào sổ phụ cấp thương tật và giấy chứng nhận thương binh là ảnh khổ 4 X 6, chụp nửa người, không đội mũ, không tô màu.

4. Đối với những anh em có sổ và giấy chứng nhận chưa dán ảnh thì đưa ảnh cho Ủy ban hành chính từ cấp huyện trở lên hay cơ quan, đơn vị, nơi đang ở hoặc công tác để dán ảnh vào sổ và giấy chứng nhận và đóng dấu của Ủy ban, cơ quan hay đơn vị kèm trên ảnh. Các Ủy ban, cơ quan hay đơn vị,mỗi khi dán ảnh, phải xét kỹ xem có đúng ảnh của thương binh được cấp sổ hay giấy chứng nhận không và ảnh có chụp đúng quy cách không? Ảnh phải dán bằng thứ hồ thật dính, dấu đóng kèm trên ảnh phải rõ ràng, nơi nào có dấu nổi thì nên dùng để đóng.

5. Những sổ phụ cấp thương tật hay giấy chứng nhận thương binh đã dán ảnh rồi, tuy ảnh chụp không đúng quy cách, nhưng đã có đóng dấu kèm và xét còn rõ ràng, thì tạm thời vẫn được tiếp tục sử dụng, khi nào rách nát sẽ đổi lại sau theo đúng quy cách.

Các Ủy ban cần phổ biến rộng rãi thông tư này tới các cơ quan, các đơn vị quân đội, các Ủy ban hành chính huyện và tất cả anh em thương binh trong địa phương mình, đồng thời nghiên cứu kế hoạch thực hiện cho đúng.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Tô Quang Đẩu

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 18-NV năm 1961 về việc dán ảnh vào sổ phụ cấp thương tật và giấy chứng nhận thương binh do Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 18-NV
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/03/1961
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Tô Quang Đẩu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 31
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản