Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18-BYT-TT

Hà Nội, ngày 24 tháng 06 năm 1964

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC THÀNH LẬP CÁC TRẠM MẮTỞ CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Kính gửi:

- Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Các sở, ty y tế.

Thực hiện thông tư liên Bộ Y tế - Nội vụ số 04-LB-TT ngày 24-02-1964 hướng dẫn cải tiến tổ chức cơ quan y tế địa phương, Bộ Y tế ra thông tư này hướng dẫn về việc thành lập các trạm mắt ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, một số điểm như sau:

I. NHIỆM VỤ

Trạm mắt có nhiệm vụ:

1. Giúp các Sở, Ty Y tế lập các kế hoạch phòng, chống bệnh mắt hột và các bệnh mắt khác, tổ chức thực hiện các kế hoạch đó, hướng dẫn, kiểm tra và theo dõi việc thực hiện, sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm cho việc chỉ đạo phòng, chống bệnh mắt hột và các bệnh mắt khác.

2. Xây dựng củng cố tổ chức màng lưới phòng chống mắt hột và các bệnh mắt khác ở mỗi địa phương, đồng thời hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho tuyến dưới và các cơ sở y tế khác trong phạm vi địa phương.

3. Tổ chức điều tra cơ bản tình hình bệnh tật, phân loại, đăng ký, thống kê tỷ lệ, phát hiện tình hình dịch tễ học về mắt hột và các nguyên nhân phát sinh sự lan truyền các bệnh mắt khác.

4. Tuyên truyền giáo dục ý thức vệ sinh, phòng bệnh, chống bệnh mắt hột và các bệnh mắt khác, đồng thời vận động công nhân, cán bộ và nhân dân tham gia phòng, chống bệnh mắt hột và các bệnh mắt khác thành phong trào rộng rãi ở mỗi địa phương.

5. Có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ chuyên khoa của trạm và tuyến huyện, xã, bệnh viện, bệnh xá, công, nông lâm trường, xí nghiệp, cơ quan và trường học những điểm cơ bản về bệnh mắt hột và một số bệnh cấp cứu về mắt khác, cách phát hiện, xử trí theo nhiệm vụ từng tuyến.

6. Tổ chức khám bệnh điều trị ngoại trú và phụ trách khám và chữa bệnh cho số bệnh nhân về mắt nằm điều trị nội trú trong các bệnh viện.

7. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tiến hành nghiên cứu khoa học về bệnh mắt hột và các bệnh mắt khác, có trọng tâm, trọng điểm.

II. TỔ CHỨC VÀ BIÊN CHẾ

a) Tổ chức: Trạm mắt là một đơn vị tổ chức trực thuộc các Sở, Ty Y tế chịu sự quản lý trực tiếp về mọi mặt của các Sở, Ty Y tế, đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Viện mắt ở trung ương.

Tổ chức các trạm mắt gồm các bộ phận sau đây:

1. Bộ phận dịch tễ học, kế hoạch, thống kê tổng hợp phụ trách các mặt công tác: nắm tình hình dịch tễ học về mắt hột và các bệnh mắt khác, xây dựng các kế hoạch, thống kê tổng hợp theo dõi việc thực hiện kế hoạch, đồng thời có kế hoạch dự trù, cấp phát, dụng cụ, đào tạo bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học v.v…

2. Bộ phận phong trào phụ trách các mặt công tác: xây dựng củng cố tổ chức màng lưới phòng, chống bệnh mắt hột và các bệnh mắt khác, đồng thời hướng dẫn kiểm tra và theo dõi việc thực hiện kế hoạch công tác tổ chức, qua đó mà bồi dưỡng nghiệp vụ cho các bộ tuyến trước về quản lý tổ chức và kỹ thuật chuyên môn.

3. Bộ phận chuyên môn phụ trách các mặt công tác: tổ chức khám bệnh, điều trị ngoại trú và phụ trách khám bệnh và chữa bệnh cho số bệnh nhân về mắt nằm điều trị nội trú trong các bệnh viện, đồng thời thực hiện kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ về mắt ở các tuyến.

Dựa vào tổ chức nói trên, nơi nào có đầy đủ có điều kiện, phương tiện về cơ sở trang bị chuyên môn và khả năng cán bộ thì có thể nghiên cứu tách bộ phận nội trú ra khỏi bệnh viện và thống nhất tổ chức nội, ngoại trú thành một cơ sở, do trạm trưởng trạm mắt quản lý trực tiếp về mọi mặt, nhưng phải tiến hành từng bước và thận trọng.

b) Biên chế:

Trạm mắt do một trạm trưởng phụ trách và các trạm phó giúp việc. Trạm trưởng do Giám đốc hoặc Phó giám đốc Sở, Trưởng hoặc Phó Ty Y tế hay cán bộ có trình độ tương đương phụ trách.

Về biên chế phải căn cứ vào khối lượng công tác dân số, địa dư, các điều kiện cần thiết khác ở mỗi địa phương, khả năng cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, số biên chế Nhà nước đã quy định cho các đội mắt hột và chỉ tiêu biên chế phân bổ hàng năm cho địa phương mà quy định cho phù hợp, nhằm bảo đảm mọi hoạt động của trạm, các Sở,Ty Y tế nghiên cứu bổ sung dần dần cho các trạm hoạt động, và có thể bố trí số lượng như sau: 25 người cho các tỉnh lớn, 20 người cho các tỉnh trung bình và nhỏ, kể cả biên chế phục vụ số giường bệnh nội trú về mắt trong các bệnh viện (số biên chế nội trú thuộc bệnh viện quản lý). Đặc biệt như Hải Phòng có số giường bệnh nội trú về mắt nhiều hơn so với các tỉnh thì vẫn giữ nguyên, để cùng trạm mắt thực hiện chức năng nói trên ngoài ra Hà Nội có phòng mắt và bệnh xá 40 giường đang chữa nội, ngoại trú và chỉ đạo phong trào về mắt thì vẫn giữ nguyên, để hoạt động theo chức năng trạm mắt nói trên.

Số biên chế cán bộ của trạm mắt sẽ lấy ở các bộ phận sau đây:

- Các đội mắt hột theo quy định của Nhà nước đã duyệt.

- Các cán bộ hiện đang làm công tác ở các phòng nhãn khoa trong các bệnh viện tỉnh. Trường hợp còn thiếu thì bổ sung dần cho đủ để hoạt động, ngược lại số hiện có cao hơn so với quy định thì vẫn giữ nguyên để hoạt động và nghiên cứu bổ sung dần cho các tuyến huyện, thị v.v…

III. CƠ SỞ, TRANG BỊ, KINH PHÍ VÀ CON DẤU CỦA TRẠM

- Nhà cửa, trang bị chuyên môn và các dụng cụ thông thường khác cho trạm dựa vào cơ sở sẵn có để hoạt động, trường hợp còn thiếu, các Sở, Ty Y tế nghiên cứu đề xuất, dự trù cụ thể cho sát với hoàn cảnh ở mỗi địa phương và do Ủy ban hành chính địa phương cấp.

- Về kinh phí do trạm hoạt động hàng năm dự trù vào ngân sách địa phương.

- Trạm mắt được sử dụng con dấu riêng để giao dịch. Mẫu dấu do một văn bản khác quy định sau.

IV. QUAN HỆ CÔNG TÁC VÀ LỀ LỐI LÀM VIỆC

- Căn cứ vào chủ trương kế hoạch của Bộ Y tế và các Sở, Ty Y tế, trạm mắt có nhiệm vụ lập các kế hoạch, chương trình công tác cho sát với tình hình ở mỗi địa phương, kế hoạch đó phải được các Sở, Ty Y tế thông qua và ghi vào chỉ tiêu kế hoạch của Ủy ban hành chính địa phương.

- Các Sở, Ty Y tế căn cứ vào kế hoạch đó trực tiếp chỉ đạo trạm đồng thời có kế hoạch kiểm tra và theo dõi việc thực hiện.

- Các trạm mắt và các bệnh viện có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với nhau để làm tốt công tác phòng, chữa bệnh mắt cụ thể là trạm có nhiệm vụ hướng dẫn kỹ thuật cho bộ phận nội trú về mắt trong các bệnh viện.

- Các trạm mắt cần có chương trình công tác cụ thể để phối hợp chặt chẽ với các trạm chuyên khoa khác ở mỗi địa phương để làm tốt công tác phòng, chữa bệnh mắt hột và các bệnh mắt khác.

- Các trạm mắt có nhiệm vụ hướng dẫn kỹ thuật cho tuyến trước và các cơ sở y tế khác trong phạm vi địa phương, đồng thời có kế hoạch cho các cơ sở này xây dựng, củng cố tổ chức màng lưới phòng, chống bệnh mắt hột và các bệnh mắt khác.

- Các trạm mắt có trách nhiệm phản ảnh, báo cáo tình hình hoạt động của mình (thông qua các Sở, Ty Y tế) gửi cho Viện mắt ở trung ương được kịp thời và chính xác.

V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Bộ Y tế đề nghị Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu thực hiện thông tư này để các trạm mắt hoạt động càng sớm càng tốt.

Bộ Y tế ủy nhiệm cho Viện mắt ở trung ương hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ ở một văn bản khác.

Trong quá trình thực hiện, gặp khó khăn, trở ngại, đề nghị phản ảnh cho Bộ Y tế biết để nghiên cứu bổ sung hoặc sửa đổi cho thích hợp.

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ




Bác Sĩ Phạm Ngọc Thạch

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 18-BYT-TT-1964 hướng dẫn việc thành lập các trạm mắt ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 18-BYT-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 24/06/1964
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Phạm Ngọc Thạch
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 27
  • Ngày hiệu lực: 24/06/1964
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản