Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 18/2016/TT-BXD hướng dẫn về thẩm định, phê duyệt dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

Chương II

THẨM ĐỊNH DỰ ÁN VÀ THIẾT KẾ, DỰ TOÁN XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

Điều 5. Trình tự thẩm định dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình

Trình tự thẩm định dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình theo quy định tại Điều 11Điều 30 của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP được hướng dẫn cụ thể như sau:

1. Người đề nghị thẩm định có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ trước khi trình thẩm định dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình.

2. Trình thẩm định dự án:

a) Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước: Hồ sơ trình thẩm định được gửi đến cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp để thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng;

b) Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách: Hồ sơ trình thẩm định được gửi đến cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp để thẩm định thiết kế cơ sở (hoặc thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình đối với dự án có yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật) và đến cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư để thẩm định các nội dung khác của Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, thiết kế công nghệ (nếu có);

c) Đối với dự án sử dụng vốn khác: Hồ sơ trình thẩm định được gửi đến cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp để thẩm định thiết kế cơ sở (hoặc thiết kế bản vẽ thi công đối với dự án có yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật) đối với dự án đầu tư xây dựng có công trình cấp đặc biệt, cấp I, công trình công cộng, công trình có ảnh hưởng lớn đến cảnh quan, môi trường và an toàn cộng đồng. Cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư thẩm định các nội dung khác của Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, thiết kế công nghệ (nếu có);

d) Đối với các dự án còn lại không thuộc đối tượng thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư thẩm định toàn bộ các nội dung của Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.

3. Trình thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và dự toán xây dựng công trình:

a) Đối với công trình thuộc dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước: Hồ sơ trình thẩm định được gửi đến cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp để thẩm định;

b) Đối với công trình thuộc dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách: Hồ sơ trình thẩm định được gửi đến cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp để thẩm định. Riêng đối với phần thiết kế công nghệ, thiết kế của công trình cấp IV, công trình xây dựng lưới điện trung áp, hồ sơ trình thẩm định được gửi đến cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư để thẩm định;

c) Đối với công trình của dự án sử dụng vốn khác thuộc đối tượng do cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Nghị định 59/2015/NĐ-CP: Hồ sơ trình thẩm định được gửi đến cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp để thẩm định thiết kế xây dựng và đến cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư để thẩm định thiết kế công nghệ (nếu có) và dự toán xây dựng;

d) Đối với công trình không thuộc đối tượng thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư thẩm định toàn bộ các nội dung của thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và dự toán xây dựng công trình.

4. Cơ quan thẩm định tổ chức thực hiện thẩm định theo trình tự, nội dung quy định từ Điều 5 đến Điều 9 của Thông tư này.

Điều 6. Hồ sơ trình thẩm định dự án, thiết kế cơ sở và thiết kế, dự toán xây dựng công trình

1. Người đề nghị thẩm định trình một (01) bộ hồ sơ (hồ sơ gốc) đến cơ quan thẩm định theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này để tổ chức thẩm định. Trường hợp cần lấy ý kiến phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan, cơ quan thẩm định yêu cầu người trình thẩm định bổ sung hồ sơ đối với những nội dung lấy ý kiến.

2. Hồ sơ trình thẩm định phải bảo đảm tính pháp lý, phù hợp với nội dung đề nghị thẩm định. Hồ sơ trình thẩm định được xem là hợp lệ khi bảo đảm các nội dung quy định tại Khoản 3, 4, 5 của Điều này, đúng quy cách, được trình bày bằng tiếng Việt hoặc song ngữ (ngôn ngữ chính là tiếng Việt) và được người đề nghị thẩm định kiểm tra, đóng dấu xác nhận.

3. Hồ sơ trình thẩm định dự án, thiết kế cơ sở gồm: Tờ trình thẩm định và danh Mục hồ sơ trình thẩm định theo quy định tại Mẫu số 01 Phụ lục II của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP.

4. Hồ sơ trình thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng gồm: Tờ trình thẩm định và danh Mục hồ sơ trình thẩm định theo quy định tại Mẫu số 04 Phụ lục II của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP.

5. Hồ sơ trình thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình gồm: Tờ trình thẩm định và danh Mục hồ sơ trình thẩm định theo quy định tại Mẫu số 06 Phụ lục II của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP.

Điều 7. Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ trình thẩm định

1. Cơ quan thẩm định có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra sự đầy đủ, tính hợp lệ của hồ sơ trình thẩm định được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện. Hồ sơ trình thẩm định được trả lại cho người đề nghị thẩm định khi bị từ chối tiếp nhận trong các trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này.

2. Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, cơ quan thẩm định có trách nhiệm xem xét, gửi văn bản yêu cầu bổ sung hồ sơ trình thẩm định đến người đề nghị thẩm định (nếu cần, việc yêu cầu bổ sung hồ sơ chỉ được yêu cầu một (01) lần trong quá trình thẩm định) hoặc trả lại hồ sơ thẩm định trong trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều này. Trong thời hạn hai mươi (20) ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan thẩm định, nếu người đề nghị thẩm định không thực hiện việc bổ sung hồ sơ thì cơ quan thẩm định dừng việc thẩm định, người đề nghị thẩm định trình thẩm định lại khi có yêu cầu.

3. Người đề nghị thẩm định có trách nhiệm nộp phí thẩm định cho cơ quan thẩm định. Mức phí thẩm định dự án, thiết kế cơ sở và thiết kế, dự toán xây dựng công trình theo quy định của Bộ Tài chính.

4. Cơ quan thẩm định từ chối tiếp nhận hồ sơ trình thẩm định trong các trường hợp:

a) Trình thẩm định không đúng với thẩm quyền của cơ quan thẩm định;

b) Dự án, thiết kế cơ sở và thiết kế, dự toán xây dựng công trình không thuộc đối tượng phải thẩm định theo quy định của pháp luật về xây dựng;

c) Hồ sơ trình thẩm định không đảm bảo về tính pháp lý hoặc không hợp lệ theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Thông tư này;

d) Đối với hồ sơ nhận qua đường bưu điện thuộc các trường hợp quy định tại Điểm a, b và c của Khoản này, cơ quan thẩm định phải có văn bản gửi người đề nghị thẩm định nêu rõ lý do từ chối thực hiện thẩm định.

Điều 8. Thực hiện thẩm định

1. Việc thẩm định được thực hiện khi cơ quan thẩm định nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này và kết thúc khi có văn bản Thông báo kết quả thẩm định. Thời hạn thẩm định theo quy định tại Khoản 4 Điều 11 và Khoản 8 Điều 30 của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP.

2. Nội dung thẩm định theo quy định tại Điều 58, Điều 83 của Luật Xây dựngĐiều 6, Điều 10 của Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

3. Trong thời gian năm (05) ngày làm việc kể từ ngày bắt đầu thực hiện thẩm định, cơ quan thẩm định có trách nhiệm gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Thời hạn tham gia ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định tại Khoản 3 Điều 11 và Khoản 3 Điều 30 của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP.

4. Trong quá trình thẩm định, cơ quan thẩm định có quyền:

a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp các thông tin tài liệu, số liệu cần thiết để phục vụ công tác thẩm định;

b) Mời tổ chức, cá nhân có chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm phù hợp tham gia thực hiện thẩm định;

c) Yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn trực tiếp tổ chức tư vấn thẩm tra phục vụ công tác thẩm định hoặc xem xét sử dụng kết quả thẩm tra của chủ đầu tư (trường hợp chủ đầu tư đã thực hiện thẩm tra theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 của Thông tư này);

d) Yêu cầu chủ đầu tư giải trình, làm rõ các nội dung liên quan đến thẩm định khi cần thiết;

đ) Tạm dừng thẩm định và thông báo kịp thời đến người đề nghị thẩm định các lỗi, sai sót về phương pháp tính toán, tải trọng, mô tả bản vẽ, sơ đồ... trong nội dung hồ sơ dẫn đến không thể đưa ra kết luận thẩm định. Trường hợp các lỗi, sai sót nêu trên không thể khắc phục được trong thời hạn hai mươi (20) ngày thì cơ quan thẩm định dừng việc thẩm định, người đề nghị thẩm định trình thẩm định lại khi có yêu cầu.

Điều 9. Kết quả thẩm định và thông báo kết quả thẩm định

1. Kết quả thẩm định phải có đánh giá, kết luận về mức đáp ứng yêu cầu đối với từng nội dung thẩm định và toàn bộ nội dung trình thẩm định theo mẫu quy định tại Phụ lục II Nghị định 59/2015/NĐ-CP; các kiến nghị đối với người quyết định đầu tư, chủ đầu tư. Nội dung xem xét, đánh giá của cơ quan thẩm định được hướng dẫn cụ thể như sau:

a) Đối với thẩm định dự án, thiết kế cơ sở: Đánh giá về sự phù hợp, mức độ đáp ứng đối với chủ trương đầu tư, yêu cầu, nội dung lập dự án, lập thiết kế cơ sở, các tiêu chí phản ánh sự cần thiết phải đầu tư xây dựng, tính khả thi và mức độ hiệu quả của dự án;

b) Đối với thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng công trình: Đánh giá về sự phù hợp, mức độ đáp ứng đối với các yêu cầu, nhiệm vụ, nội dung của thiết kế, dự toán xây dựng công trình;

c) Xem xét, cập nhật kết quả thẩm tra phục vụ thẩm định, ý kiến thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường và các ý kiến của cơ quan, tổ chức liên quan (nếu có).

2. Cơ quan thẩm định có trách nhiệm thông báo kết quả thẩm định đến người đề nghị thẩm định theo hình thức gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện.

3. Hồ sơ trình thẩm định sau khi chỉnh sửa, hoàn thiện được cơ quan thẩm định kiểm tra, đóng dấu thẩm định trên một (01) bộ hồ sơ dự án, bản vẽ thiết kế cơ sở, bản vẽ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình. Mẫu dấu thẩm định theo quy định tại Phụ lục I của Thông tư này. Người đề nghị thẩm định có trách nhiệm nộp bản chụp (photocopy hoặc file PDF) tài liệu báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở, thiết kế và dự toán xây dựng công trình đã đóng dấu thẩm định cho cơ quan thẩm định.

4. Khi kết thúc công tác thẩm định, cơ quan thẩm định có trách nhiệm:

a) Lưu trữ, bảo quản một số tài liệu gồm: Tờ trình thẩm định; các kết luận của tổ chức, cá nhân tham gia thẩm định; văn bản góp ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan; Thông báo kết quả thẩm định; các bản chụp tài liệu đã đóng dấu thẩm định theo quy định tại Khoản 3 Điều này;

b) Chuyển trả cho người đề nghị thẩm định các tài liệu trình thẩm định trừ các tài liệu lưu trữ quy định tại Điểm a Khoản này.

Điều 10. Thẩm tra phục vụ công tác thẩm định dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình

Thẩm tra phục vụ công tác thẩm định dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình theo quy định tại Điều 11Điều 30 của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP được hướng dẫn cụ thể như sau:

1. Căn cứ yêu cầu thẩm tra của cơ quan thẩm định, chủ đầu tư có trách nhiệm lựa chọn trực tiếp tổ chức tư vấn có đủ Điều kiện năng lực để thực hiện thẩm tra phục vụ công tác thẩm định.

2. Trường hợp Chủ đầu tư thực hiện việc thẩm tra trước khi trình thẩm định, cơ quan chuyên môn về xây dựng xem xét việc sử dụng kết quả thẩm tra để phục vụ công tác thẩm định.

3. Tổ chức tư vấn được lựa chọn thực hiện thẩm tra phục vụ công tác thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Có đủ Điều kiện năng lực hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật;

b) Đã được đăng tải thông tin năng lực hoạt động xây dựng trên Trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng theo quy định tại Điều 69 của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP. Trường hợp tổ chức tư vấn thẩm tra chưa đăng ký thông tin năng lực hoạt động xây dựng thì phải được cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng chấp thuận bằng văn bản;

c) Độc lập về pháp lý, tài chính với chủ đầu tư và với các nhà thầu tư vấn lập dự án, thiết kế, dự toán xây dựng công trình.

4. Quy trình lựa chọn trực tiếp tư vấn thẩm tra phục vụ công tác thẩm định theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn về xây dựng được quy định cụ thể như sau:

a) Cơ quan thẩm định có đề xuất về yêu cầu, phạm vi công việc thẩm tra phục vụ công tác thẩm định gồm một số nội dung chủ yếu sau:

- Các nội dung quy định tại các Điểm c, d, đ Khoản 2 và Khoản 3 Điều 58 của Luật Xây dựng đối với thẩm định dự án, thiết kế cơ sở;

- Các nội dung quy định tại các Khoản 4 Điều 58 của Luật Xây dựng đối với thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật;

- Các nội dung quy định tại Khoản 1, 3, 4, 5, 6, 7 Điều 83 của Luật Xây dựng đối với thẩm định thiết kế và dự toán xây dựng công trình.

b) Căn cứ yêu cầu thẩm tra của cơ quan thẩm định, chủ đầu tư gửi đề nghị thẩm tra kèm theo yêu cầu, nội dung thẩm tra và dự thảo hợp đồng (gồm các nội dung như: phạm vi công việc, thời gian thực hiện, chất lượng công việc cần đạt được, giá trị hợp đồng, trách nhiệm giải trình...) đến tổ chức tư vấn được dự kiến lựa chọn thực hiện thẩm tra;

c) Trên cơ sở đề nghị thẩm tra của chủ đầu tư, tổ chức tư vấn gửi đề xuất thực hiện công tác thẩm tra để chủ đầu tư xem xét, đàm phán, ký kết hợp đồng.

5. Thời gian thực hiện thẩm tra dự án, thiết kế cơ sở và thiết kế, dự toán xây dựng công trình theo quy định tại Khoản 5 Điều 11 và Khoản 4 Điều 30 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP. Trường hợp cần gia hạn thời gian thực hiện thẩm tra thì chủ đầu tư phải có văn bản thông báo đến cơ quan thẩm định để giải trình lý do và đề xuất gia hạn thời gian thực hiện.

6. Chủ đầu tư có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá đối với Báo cáo kết quả thẩm tra do tư vấn thực hiện trước khi gửi đến cơ quan thẩm định. Mẫu Báo cáo kết quả thẩm tra phục vụ thẩm định thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục I của Thông tư này.

Điều 11. Phân cấp, ủy quyền thẩm định dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình

1. Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành có thể đề xuất với người có thẩm quyền để quyết định phân cấp cho Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình từ cấp II trở xuống sử dụng vốn nhà nước do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quyết định đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh.

2. Căn cứ Điều kiện cụ thể của địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định việc thực hiện phân cấp hoặc ủy quyền thẩm định dự án và thiết kế, dự toán xây dựng đối với các dự án, công trình thuộc thẩm quyền thẩm định của các Sở Quản lý công trình xây dựng chuyên ngành cho phòng có chức năng quản lý xây dựng thuộc UBND cấp huyện, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

3. Việc phân cấp theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 của Điều này và các trường hợp ủy quyền, phân cấp thẩm định khác (nếu có) phải bảo đảm các nguyên tắc, Điều kiện theo quy định tại Khoản 6 Điều 34 của Luật Tổ chức Chính phủĐiều 13, Điều 14 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Điều 12. Thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng

Trình tự thẩm định dự án có yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật thực hiện theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này. Riêng thẩm quyền thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 13 của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP được hướng dẫn cụ thể như sau:

1. Cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định tại Điều 76 của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP chủ trì thẩm định:

a) Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội quyết định đầu tư, trừ những dự án được phân cấp cho Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 của Thông tư này;

b) Thiết kế bản vẽ thi công (trừ phần thiết kế công nghệ), dự toán xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quyết định đầu tư, trừ những dự án được phân cấp cho Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 của Thông tư này;

c) Thiết kế bản vẽ thi công (trừ phần thiết kế công nghệ) công trình cấp đặc biệt, cấp I sử dụng vốn khác.

2. Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì thẩm định:

a) Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh do cấp tỉnh quyết định đầu tư, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật có công trình từ cấp II trở xuống do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội quyết định đầu tư theo quy định về phân cấp tại Khoản 1 Điều 11 của Thông tư này, trừ các dự án quy định tại Khoản 3 Điều này;

b) Thiết kế bản vẽ thi công (trừ phần thiết kế công nghệ), dự toán xây dựng công trình cấp II, cấp III sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh do cấp tỉnh quyết định đầu tư, do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quyết định đầu tư theo quy định về phân cấp tại Khoản 1 Điều 11 của Thông tư này, trừ các công trình quy định tại Khoản 3 Điều này;

c) Thiết kế bản vẽ thi công (trừ phần thiết kế công nghệ) công trình công cộng, công trình có ảnh hưởng lớn đến cảnh quan, môi trường và an toàn của cộng đồng sử dụng vốn khác được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh, trừ công trình quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Phòng có chức năng quản lý xây dựng thuộc UBND cấp huyện, các Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước; thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách theo quy định về phân cấp tại Khoản 2 Điều 11 của Thông tư này.

Điều 13. Các quy định khác về thẩm định dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình

1. Đối với dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình theo tuyến đi qua hai tỉnh trở lên thuộc đối tượng do cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thì cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì thẩm định.

2. Đối với dự án gồm nhiều công trình có loại, cấp công trình khác nhau, cơ quan chủ trì thẩm định là cơ quan có trách nhiệm thẩm định công trình chính hoặc công trình có cấp cao nhất của dự án.

3. Đối với dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng đối tác công tư (PPP), cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/02/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư là đơn vị chủ trì tổ chức thẩm định dự án. Việc thẩm định thiết kế cơ sở và thiết kế, dự toán xây dựng công trình được thực hiện như đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 và Khoản 1 Điều 25 của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP.

4. Cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư chủ trì thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng của dự án có nội dung chủ yếu là mua sắm hàng hóa, cung cấp dịch vụ nhưng có cấu phần xây dựng gồm các hạng Mục công trình, công việc không quyết định đến Mục tiêu đầu tư, an toàn trong vận hành, sử dụng và có tỷ trọng chi phí phần xây dựng nhỏ hơn 15% tổng mức đầu tư dự án; chủ trì thẩm định đối với báo cáo kinh tế kỹ thuật dự án sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư.

5. Dự án sử dụng vốn hỗn hợp có phần tham gia bằng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư thì dự án được thẩm định như đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách.

Thông tư 18/2016/TT-BXD hướng dẫn về thẩm định, phê duyệt dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

  • Số hiệu: 18/2016/TT-BXD
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/06/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Quang Hùng
  • Ngày công báo: 03/08/2016
  • Số công báo: Từ số 811 đến số 812
  • Ngày hiệu lực: 15/08/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH