Hệ thống pháp luật

BỘ VẬT TƯ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 179-VT/QL

Hà Nội, ngày 02 tháng 02 năm 1978

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHỈ THỊ SỐ 344-TTG NGÀY 24-9-1977 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC QUẢN LÝ THU HỒI VÀ SỬ DỤNG PHẾ LIỆU KIM LOẠI

Chỉ thị số 344-TTg ngày 24-9-1977 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định những nguyên tắc cơ bản về quản lý thu hồi và sử dụng phế liệu kim loại và giao Bộ Vật tư thống nhất quản lý thu hồi, phân phối các loại phế liệu kim loại; quy định chế độ, phương thức thu hồi và cung ứng phế liệu kim loại cho các nhu cầu của nền kinh tế quốc dân.

Chấp hành Chỉ thị trên, Bộ Vật tư hướng dẫn thi hành như sau:

1. Phế liệu kim loại nói trong Chỉ thị số 344-TTg là những nguyên liệu, vật liệu, những vật phẩm bằng kim loại (kim loại đen và kim loại màu) đã mất giá trị sử dụng ban đầu qua các quá trình sản xuất, lưu thông và tiêu dùng, bao gồm:

a) Phế liệu kim loại thải ra trong quá trình sản xuất, sử dụng:

- Thiết bị, máy móc, dụng cụ, phụ tùng, chi tiết và những kết cấu kim loại cũ hỏng; những đầu mẩu, mảnh vụn, rìa rẻo, phoi, bụi, xi kim loại… bị loại thải ra qua quá trình sản xuất.

- Sản phẩm bằng kim loại thải ra do không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, không thể dùng theo công dụng của sản phẩm (phế phẩm).

- Bao bì, đai nẹp, ốc vít… bằng kim loại cũ hỏng.

- Sản phẩm kim loại là vật tư hàng hóa bị mất phẩm chất.

b) Phế liệu kim loại do chiến tranh để lại hoặc do quân đội thải ra: vũ khí, khí tài quân sự, các thiết bị, phương tiện vận tải, bốc dỡ, thi công, các công trình bị hư hỏng, v.v… hoặc nằm ở các căn cứ quân sự, trên dọc dường, bến cảng, dưới lòng sông, biển hồ… hoặc chôn dấu dưới đất hoặc đã được cơ quan Nhà nước, đơn vị quân đội, tập thể hoặc nhân dân tạm giữ.

c) Những vật dụng bằng kim loại do nhân dân thải ra.

2. Tất cả các loại phế liệu kim loại bất kể từ nguồn nào đều là vật tư do Nhà nước thống nhất quản lý. Việc thu hồi, cung ứng và sử dụng phải theo đúng chính sách, chế độ của Nhà nước và quy định của thông tư này.

3. Thu hồi và sử dụng phế liệu, kim loại.

Tất cả các loại phế liệu kim loại đều phải được thu hồi và tận dụng. Việc thu hồi phế liệu kim loại màu phải theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước như quy định trong Chỉ thị số 164-TTg ngày 14-9-1970 của Thủ tướng Chính phủ.

a) Các cơ sở sản xuất, xây dựng và trách nhiệm và nghĩa vụ tổ chức tốt việc thu hồi, phân loại, bảo quản những phế liệu kim loại đơn vị thải ra trong quá trình sản xuất, xây dựng. Đơn vị phải phổ biến, giáo dục cho công nhân về ý thức thu hồi, đồng thời phải có những biện pháp tích cực tạo mọi điều kiện thu hồi như đặt sẵn các phương tiện chứa đựng phế liệu ngay tại chỗ làm việc của công nhân; quy định những chỗ tập trung phế liệu của đơn vị, các biện pháp hành chính và kinh tế (thưởng, phạt) v.v…

Phế liệu kim loại phải được phân loại, không để lẫn loại, nhất là giữa phế liệu kim loại màu với phế liệu kim loại đen và giữa các loại phế liệu kim loại màu với nhau; không lẫn rác rưởi và những phế liệu khác không phải là kim loại. Đơn vị có phế liệu kim loại có trách nhiệm tập trung phế liệu vào những nơi nhất định, không được bắt đơn vị thu mua phải thu nhặt rải rác.

Cơ sở sản xuất phải hết sức tận dụng phế liệu kim loại vào sản xuất chính và sản xuất phụ của đơn vị. Nếu không tận dụng hết, đơn vị báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị và với công ty vật tư của Bộ Vật tư được phân công quản lý thu hồi, cung ứng phế liệu kim loại; ở các tỉnh là công ty vật tư tổng hợp, ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh là các công ty chuyên doanh phế liệu, ở Bắc Thái là công ty kim khí Bắc Thái (dưới đây gọi tắt là công ty vật tư) để điều hòa, điều động cho các nhu cầu khác.

Việc tận dụng, đề nghị Nhà nước cấp hoặc đề nghị điều phế liệu kim loại đi phải được thể hiện ngay từ khi xây dựng kế hoạch, ghi vào chỉ tiêu kế hoạch của đơn vị; trong quá trình thực hiện, số phế liệu ngành quản lý sản xuất hoặc địa phương không điều hòa, điều động cho các đơn vị khác trong ngành, địa phương để sử dụng lại trong kỳ kế hoạch thì đơn vị phải giao lại cho công ty vật tư thu hồi. Nếu công ty vật tư không điều động trực tiếp cho đơn vị khác thì công ty vật tư phải thu mua về kho của mình để cung ứng cho các nhu cầu của nền kinh tế quốc dân, không để ảnh hưởng đến mặt bằng sản xuất của cơ sở sản xuất. Việc thu mua được tiến hành thông qua hợp đồng kinh tế. Đối với phế liệu đơn vị sử dụng không thể tận dụng và công ty vật tư không thu mua vì không thể sử dụng cho các nhu cầu kinh tế quốc dân thì công ty vật tư và đơn vị phải lập biên bản để đơn vị tiến hành hủy bỏ. Hàng tháng các cơ sở sản xuất phải thông báo cho công ty vật tư về số phế liệu kim loại thải ra, số phế liệu đơn vị tận dụng, số phế liệu xin điều đi (trong đó ghi rõ số cơ quan quản lý cấp trên điều cho các đơn vị khác trong ngành, địa phương, số phế liệu đề nghị công ty vật tư thu hồi), số phế liệu được điều đến (do cấp trên điều đến, do công ty vật tư cung ứng).

b) Thu hồi phế liệu kim loại do chiến tranh để lại và do quân đội thải ra:

- Những phế liệu kim loại do chiến tranh để lại trong các căn cứ quân sự và những vũ khí, khí tài quân sự của quân đội bị hư hỏng thải ra, các đơn vị quân đội có trách nhiệm thu gom, chọn lọc. Những thiết bị, máy móc, chi tiết còn dùng được hoặc còn có thể sửa chữa phục hồi để dùng cho các nhu cầu của quân đội thì các đơn vị quân đội được dùng lại theo quy định của Bộ Quốc phòng. Số phế liệu không sử dụng đến thì đơn vị giao cho công ty chuyên doanh phế liệu theo sự phân công khu vực của Tổng công ty kim khí.

Các đơn vị quân đội phải bảo đảm tháo gỡ, tẩy rửa hết các chất nổ, chất cháy và các hóa chất nguy hiểm khác trong số phế liệu giao cho các công ty vật tư.

- Những phế liệu kim loại do chiến tranh để lại tại các địa phương, ngoài các căn cứ quân sự, thì công ty vật tư ở tỉnh nào có trách nhiệm thu hồi toàn bộ trên địa phận tỉnh đó. Nếu phải trục vớt thì công ty vật tư tự tổ chức hoặc ký kết hợp đồng với các tổ chức trục vớt của các ngành để thu hồi (trừ những trường hợp trục vớt tàu đắm thì theo quy định của văn bản số 527-VP5 ngày 9-2-1977 của Phủ thủ tướng về việc thành lập ban trục vớt tàu đắm và những văn bản hướng dẫn thi hành trục vớt tàu đắm). Những thứ thu hồi nếu xét thấy còn dùng được cho quốc phòng thì các công ty vật tư báo cho cơ quan chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố xem xét và nhận lại. Những thứ còn lại, trước hết được dùng cho nhu cầu trong địa phương, số không dùng đều giao lại cho công ty chuyên doanh phế liệu.

c) Thu hồi phế liệu kim loại trong nhân dân:

Chỉ thị số 344-TTg ngày 24-9-1977 đã quy định: “Những phế liệu kim loại là đồ dùng sinh hoạt cũ hỏng của nhân dân thải bỏ thì do hệ thống thương nghiệp hoặc liên hiệp xã thủ công ở địa phương thu hồi”, vì vậy ngành nội thương và liên hiệp xã sẽ quy định tổ chức và phương thức thu mua.

Số phế liệu kim loại thu mua được, ngành nội thương dùng để gia công sản phẩm tiêu dùng và bán lại cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, phần không sử dụng đến thì bán lại (theo giá quy định của Nhà nước) cho công ty vật tư để cung ứng cho ngành luyện kim.

4. Cung ứng phế liệu kim loại.

a) Mọi nhu cầu sản xuất quốc doanh, hợp tác xã và tư nhân sản xuất theo kế hoạch Nhà nước, nếu cần phế liệu kim loại để sản xuất những sản phẩm chính và phụ, đều được Nhà nước cung ứng phế liệu kim loại.

b) Cung ứng phế liệu kim loại theo quy định sau đây:

- Cung ứng phế liệu kim loại màu phải theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước như quy định trong Chỉ thị số 164-TTg ngày 14-9-1970 của Thủ tướng Chính phủ.

- Cung ứng phế liệu kim loại đen.

Đơn vị cần phế liệu kim loại đen để sản xuất sản phẩm chính và phụ, hàng năm, nếu tính toán thấy tận dụng phế liệu do mình thải ra không đủ, đơn vị lập nhu cầu với công ty vật tư, ghi rõ mặt hàng, số lượng, chất lượng và mục đích sử dụng. Công ty vật tư xét cấp theo nhu cầu cho các đơn vị sử dụng trong địa phương.

Phế liệu kim loại đen dùng để luyện, đúc kim loại (hồi liệu), các công ty vật tư cung ứng theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.

- Cung ứng phế liệu kim loại theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước hay theo hình thức đề xuất nhu cầu như nêu trong điểm b đều phải thông qua hợp đồng cung ứng ký kết giữa đơn vị có phế liệu hoặc giữa công ty vật tư với đơn vị sử dụng có tư cách pháp nhân (trừ trường hợp được miễn ký hợp đồng theo điều lệ về chế độ hợp đồng kinh tế).

Đối với những đơn vị không có tư cách pháp nhân và đối với tư nhân được Nhà nước cho phép sản xuất nếu muốn được cung ứng phế liệu thì phải qua xác nhận của cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị của liên hiệp xã, cấp huyện trở lên đối với sản xuất tiểu thủ công.

- Phương thức cung ứng phế liệu kim loại.

Đối với những đơn vị có nhu cầu phế liệu thường xuyên và lâu dài, công ty vật tư có trách nhiệm ghép mối cho các đơn vị đó quan hệ với các cơ sở có khối lượng lớn phế liệu thải ra để hai bên ký hợp đồng và trực tiếp thanh toán với nhau. Để thực hiện cách này được tốt, cac cơ sở sản xuất có thể phát hiện nguồn phế liệu và đề xuất với công ty vật tư ghép mối quan hệ nói trên.

Những trường hợp không thể ghép mối quan hệ trực tiếp thì cung ứng phế liệu qua kho của công ty vật tư. Công ty vật tư có trách nhiệm thu mua phế liệu, phân loại, chọn lọc, chế biến để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

Riêng việc cung ứng phế liệu kim loại cho ngành luyện kim thì thống nhất do các công ty chuyên doanh phế liệu của Bộ Vật tư đảm nhiệm căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước. Các công ty chuyên doanh phế liệu trực tiếp ký kết hợp đồng với các cơ sở luyện kim theo sự phân công của Tổng công ty kim khí và có trách nhiệm ký hợp đồng vận tải với các cơ quan vận tải để đưa phế liệu đến tận kho bãi của các cơ sở luyện kim.

Số phế liệu kim loại dùng cho luyện kim do các công ty tổng hợp thu mua, thu hồi được, công ty vật tư tổng hợp giao lại cho công ty chuyên doanh phế liệu theo chỉ tiêu do Bộ Vật tư giao và theo sự phân công, điều động của Tổng công ty kim khí để cung ứng cho các cơ sở luyện kim. Khi giao phế liệu để luyện kim, các công ty vật tư có trách nhiệm cắt chặt cho phù hợp với phương tiện vận chuyển. Trường hợp cơ sở luyện kim yêu cầu cắt chặt, đóng ép cho phù hợp với điêu kiện sản xuất, nếu công ty vật tư có khả năng thực hiện thì hai bên phải ghi rõ trong hợp đồng và cơ sở luyện kim phải thanh toán tiền gia công này.

5. Thanh toán và giá cả.

a) Khi thu mua phế liệu kim loại do sản xuất thải ra hoặc phế liệu trong quân đội không phải do chiến tranh để lại, đơn vị thu mua phải trả cho đơn vị có phế liệu theo giá mua phế liệu Nhà nước quy định.

b) Khi thu hồi phế liệu kim loại do chiến tranh để lại trong quân đội, cơ quan, xí nghiệp và trong nhân dân, công ty vật tư chỉ phải trả một khoản tiền thù lao thích đáng về công thu nhặt, các chi phí bảo quản, cưa cắt, tháo gỡ, v.v… một cách hợp lý nhưng không vượt quá giá phế liệu theo quy định của Nhà nước.

c) Việc thanh toán tiền hàng giữa bên mua và bên bán được thực hiện theo chế độ của Nhà nước về thanh toán không dùng tiền mặt (trừ trường hợp mua phế liệu trong nhân dân).

6. Quản lý sử dụng phế liệu kim loại.

Quản lý tốt việc thu hồi và sử dụng phế liệu kim loại là một công tác rất quan trong nhằm thực hiện tiết kiệm vật tư, sử dụng hợp lý kim loại và phế liệu thải ra, giải quyết một phần những khó khăn về thiếu vật tư hiện nay cũng như sau này, vì vậy:

a) Phế liệu kim loại phải được sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả kinh tế đúng với công dụng của nó. Những sản phẩm chế từ phế liệu kim loại phải bán cho các cơ quan thu mua của Nhà nước, trừ những trường hợp Nhà nước quy định cho cơ sở được tự tiêu thụ.

b) Ngoài việc tận dụng phế liệu kim loại cho sản xuất của chính đơn vị có phế liệu, và bán phế liệu không dùng đến cho các đơn vị khác hoặc cho công ty vật tư theo quy định trong thông tư này, nghiêm cấm các đơn vị và cá nhân mua đi, bán lại phế liệu kim loại để kiếm lời, dùng phế liệu kim loại để đổi chác trái với các quy định của Nhà nước.

c) Phải tăng cường kiểm tra sử dụng phế liệu kim loại nhằm thực hiện nghiêm chỉnh chế độ quản lý thu hồi và sử dụng phế liệu kim loại. Trách nhiệm này, trước hết là của cơ sở sản xuất và cơ quan quản lý cấp trên của cơ sở.

Với chức năng thống nhất quản lý thu hồi và phân phối phế liệu kim loại cho các nhu cầu kinh tế mà Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Vật tư (Chỉ thị số 344-TTg), công ty vật tư có nhiệm vụ kiểm tra từ khâu phế liệu thải ra, thu hồi và sử dụng, nhằm phát hiện những vi phạm chế độ quản lý Nhà nước đã quy định. Để làm tốt nhiệm vụ này, công ty vật tư được quyền yêu cầu các đơn vị khi đề xuất nhu cầu phế liệu kim loại phải chứng minh với công ty vật tư về mục đích và nội dung sử dụng để phân phối cho hợp lý; có quyền kiểm tra tại chỗ, phát hiện những vi phạm chế độ đê góp ý với đơn vị hoặc kiến nghị với các cấp có thẩm quyền, nếu cần thiết.

Trong trường hợp phát hiện đơn vị hoặc cá nhân vi phạm chế độ quản lý thu hồi và sử dụng phế liệu kim loại, công ty vật tư có quyền kiến nghị xử lý theo pháp luật hiện hành và có quyền tạm thời đình chỉ cung ứng phế liệu kim loại cho đơn vị đó đến khi đơn vị hoặc cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị bảo đảm có những biện pháp quản lý của mình một cách có hiệu lực.

Công tác quản lý thu hồi và sử dụng phế liệu kim loại rất quan trọng, nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp. Để làm tốt công tác này, các ngành, các địa phương phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về vấn đề này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có những vướng mắc hoặc ý kiến đề xuất, đề nghị phản ánh kịp thời cho Bộ Vật tư để nghiên cứu sửa đổi hoặc quy định bổ sung cho thích hợp.

Căn cứ vào thông tư này, Tổng công ty kim khí cần hướng dẫn và có những biện pháp cụ thể cho các công ty vật tư thi hành.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ VẬT TƯ

THỨ TRƯỞNG

Trần Trung

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 179-VT/QL-1978 hướng dẫn thi hành Chỉ thị 344-TTg-1977 về việc quản lý thu hồi và sử dụng phế liệu kim loại do Bộ Vật tư ban hành

  • Số hiệu: 179-VT/QL
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 02/02/1978
  • Nơi ban hành: Bộ Vật tư
  • Người ký: Trần Trung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 4
  • Ngày hiệu lực: 17/02/1978
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản