Hệ thống pháp luật

UỶ BAN KHOA HỌC NHÀ NƯỚC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 172-KHH-TT

Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 1963

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH “BẢN ĐIỀU LỆ TẠM THỜIVỀ VIỆC NGHIÊN CỨU, XÂY DỰNG, XÉT DUYỆT, BAN HÀNH VÀ QUẢN LÝ CÁC QUY PHẠM, QUY TRÌNH KỸ THUẬT DÙNG TRONG SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP”

Tình hình trong sản xuất công nghiệp những năm gần đây cho thấy rằng công tác quản lý kỹ thuật của chúng ta làm chưa được tốt, đã để xẩy ra những trường hợp làm hư hỏng máy móc, thiết bị sản xuất, không bảo đảm chất lượng sản phẩm, thiếu an toàn lao động và lãng phí nguyên vật liệu. Ở một số Bộ và Tổng cục tuy đã có nghiên cứu ban hành những chế độ quản lý kỹ thuật nhưng việc làm này còn thiếu tổ chức chặt chẽ và việc chấp hành các chế độ nói chung chưa được nghiêm chỉnh. Trước tình hình ấy Hội đồng Chính phủ ngày 24-8-1963 đã ra nghị định số 124-CP ban hành bản “Điều lệ tạm thời về việc nghiên cứu, xây dựng, xét duyệt, ban hành và quản lý các quy phạm, quy trình kỹ thuật dùng trong sản xuất công nghiệp”.

Mục đích việc ban hành việc điều lệ này là “ để tăng cường quản lý sản xuất, quản lý kỹ thuật trong các xí nghiệp công nghiệp nhằm nâng cao tính tổ chức và kỷ luật trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, bảo đảm chất lượng và quy cách sản phẩm, bảo đảm an toàn lao động cho công nhân và bảo vệ tốt máy móc thiết bị”. (Trích nghị định số 124-CP của Hội đồng Chính phủ).

Căn cứ vào nghị định nói trên của Hội đồng Chính phủ và bản điều lệ tạm thời, Ủy ban khoa học Nhà nước giải thích thêm và hướng dẫn thi hành một số điểm cần thiết sau đây:

1. Bản điều lệ này áp dụng đối với tất cả những quy phạm, quy trình kỹ thuật dùng trong sản xuất công nghiệp. Đối với những quy phạm, quy trình thuần túy thuộc phạm vi kỹ thuật xây dựng cơ bản đã có quy định trong thông tư số 2506 UB-CQL ngày 12-9-1961 của Ủy ban kế hoạch Nhà nước. Đối với những quy phạm, quy trình khác dùng trong xây dựng cơ bản nhưng có tính chất sản xuất công nghiệp cũng phải áp dụng điều lệ này.

Trước đây các bộ và tổng cục dùng những danh từ khác nhau như quy phạm, quy trình, quy tắc, quy chương, quy chuẩn, pháp quy, điều lệ kỹ thuật v.v… để chỉ các chế độ khác nhau về quản lý kỹ thuật. Nay điều lệ quy định thống nhất ban hành dưới hai hình thức: quy phạm và quy trình kỹ thuật, quy phạm kỹ thuật do Chính phủ, một Bộ hoặc Tổng cục ban hành, xí nghiệp không ban hành quy phạm; quy trìnhkỹ thuật do Bộ hoặc Tổng cục vàxí nghiệp ban hành,Chính phủ không ban hành quy trình kỹ thuật. Về nội dung trong quy phạm, quy định các nguyên tắc cơ bản, các mẫu mực và điều kiện kỹ thuật chung, còn trong quy trình quy định những chi tiết kỹ thuật và trình tự kỹ thuật tiến hành sản xuất. Quy phạm của Nhà nước quy định những vấn đề quan trọng liên quan đến nhiều Bộ, nhiều ngành do Chính phủ hoặc một cơ quan ngang Bộ được Chính phủ ủy nhiệm ban hành. Quy phạm, quy trình kỹ thuật của Bộ hoặc Tổng cục quy định những vấn đề liên quan đến nhiều cơ quan và xí nghiệp thuộc Bộ hoặc Tổng cục và do Bộ hoặc Tổng cục ban hành. Quy trình kỹ thuật của Bộ hoặc Tổng cục có khi là một quy trình chung, làm cơ sở để chó các xí nghiệp trong Bộ dựa vào đấy mà xây dựng quy trình kỹ thuật của xí nghiệp, hoặc những quy trình đối với một số sản phẩm quan trọng mà Bộ thấy cần phải trực tiếp quản lý về mặt kỹ thuật. Quy trình kỹ thuật của xí nghiệp quy định những vấn đề thuộc các khâu sản xuất kỹ thuật trong xí nghiệp do Giám đốc xí nghiệp ban hành trong phạm vi xí nghiệp.

2. Bản điều lệ quy định các xí nghiệp, các cơ quan quản lý kỹ thuật và nghiên cứu kỹ thuật trong Bộ hoặc trong Tổng cục hàng năm phải có kế hoạch xây dựng hoặc sửa đổi những quy phạm và quy trình kỹ thuật nhằm dần dần mở rộng phạm vi quản lý kỹ thuật vào tất cả các ngành sản xuất và các khâu sản xuất, đồng thời không ngừng cải tiến các chế độ quản lý kỹ thuật trên cơ sở sản xuất phát triển và kỹ thuật phát triển. Kế hoạch phải có trọng điểm: những ngành sản xuất và những khâu sản xuất nào quan trọng nhất mà chưa có quy phạm, quy trình kỹ thuật thì nên làm trước, rồi dần dần mở rộng sang những ngành, những khâu khác. Đối với những quy phạm, quy trình đã biên dịch hoặc biên soạn để tạm dùng trước đây cũng phải đặt kế hoạch sửa chữa lại hay xét duyệt lại cho đúng những thủ tục quy định trong bản điều lệ để được ban hành chính thức.

Sau khi đã có kế hoạch thì xí nghiệp, Bộ và Tổng cục phải dựa vào lực lượng cán bộ kỹ thuật của xí nghệp hay của Bộ, Tổng cụcđể tổ chức việc nghiên cứu dự thảo. Cần phải sưu tầm và tham khảo những tài liệu có liên quan đến những quy phạm và quy trình định xây dựng như: các quy phạm và quy trình kỹ thuật của nước ngoài, các tiêu chuẩn, các quy phạm và quy trình kỹ thuật đã được ban hành tạm thời hoặc chính thức trong nước cũng cần phải điều tra tình hình sản xuất, thu nhập các kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được xác nhận và những kinh nghiệm thực tế có liên quan đến những quy phạm, quy trình sẽ dự thảo. Các quy phạm, quy trình kỹ thuật đều phải bảo đảm những yêu cầu về tiết kiệm nguyên vật liệu, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thiết bị và an toàn lao động đồng thời áp dụng được trong điều kiện thực tếcủa nước ta. Bản dự thảo viết xong cần tổ chức lấy ý kiến của cán bộ công nhân viên và của những cơ quan có liên quan bằng những hình thức linh hoạt tùy theo tình hình của mỗi cơ quan và xí nghiệp. Ví dụ như có thể tổ chức cho cán bộ và công nhân nghiên cứu và lấy ý kiến tập thể, cũng có thể tổ chức lấy ý kiến cá nhân của một số chuyên gia, cán bộ kỹ thuật hay của những người sản xuất tiên tiến. Ở cán bộ và tổng cục, những cơ quan phụ trách biên soạn cần gửi bản dự thảo quy phạm, quy trình kỹ thuật tới các cơ quan có liên quan kèm theo một bản thuyết minh, cố gắng nói rõ được sự cần thiết và tác dụng, những cơ sở khoa học kỹ thuật, những số liệu những kinh nghiệm và những điều giải thích cần thiết khác. Các cơ quan nhận được bản dự thảo có trách nhiệm góp ý kiến trả lời cho cơ quan dự thảo với những điều giải thích cần thiết và trong thời hạn theo yêu cầu của cơ quan dự thảo. Cơ quan dự thảo cần nghiên cứu kỹ những ý kiến đã nhận được để sửa lại bản dự thảo của mình nếu thấy cần thiết.

3. Trong bản điều lệ có phân biệt hai giai đoạn: thi hành tạm thời và ban hành chính thức; giai đoạn thi hành tạm thời là để khảo nghiệm xem những điều quy định đã thật hợp lý hay chưa, nên có những sửa đổi gì cho thích hợp. Sau khi bổ sung cho tốt hơn và nhận thấy việc áp dụng không gặp trở ngại gì lớn thì cho ban hành chính thức.

Những quytrình kỹ thuật dùng trong xí nghiệp sau một thời gian thi hành tạm thời sẽ do Giám đốc xí nghiệp quyết định cho ban hành chính thức. Trước khi cho thi hành tạm thời hay ban hành chính thức, cần phải được Bộ hoặc Tổng cục đồng ý để tránh trình trạng xí nghiệp thay đổi quy trình kỹ thuật một cách tuỳ tiện.

Các cơ quan ban hành sẽ căn cứ vào nội dung, tính chất và phạm vi áp dụng của các quy phạm, quy trình để quyết định phạm vi phổ biến và quyết định những quy phạm, quy trình nào hay những điểm nào trong quy phạm, quy trình cần phải giữ bí mật.

4. Những quy phạm và quy trình đã ban hành chính thức phải được đăng ký vào một quyển sổ riêng do cơ quan ban hành lưu trữ để tiện cho việc quản lý theo dõi.

Việc đăng ký và lưu trữ các quy phạm của Nhà nước do Phủ Thủ tướng đảm nhiệm; ở các bộ và tổng cục thì vụ Kỹ thuật phụ trách đăng ký và lưu trữ những quy phạm, quy trình dùng trong Bộ, trong Tổng cục. Ở xí nghiệp thì phòng kỹ thuật phụ trách việc đăng ký và lưu trữ những quy trình dùng trong xí nghiệp.

Các quyết định ban hành những quy phạm kỹ thuật của Nhà nước, các quy phạm và quy trình kỹ thuật của Bộ và Tổng cục được đăng trên công báo, nói vắn tắt nội dung và phạm vi hiệu lực, để giúp cho các cơ quan có liên quan kịp thời biết và thi hành.

Các cơ quan quản lý sản xuất, quản lý kỹ thuật và thủ trưởng các đơn vị, có trách nhiệm quản lý tốt việc thi hành các quy phạm và quy trình kỹ thuật, kết hợp việc nâng cao tinh thần trách nhiệm và trình độ kỹ thuật với việc đôn đốc, kiểm tra làm cho cán bộ công nhân, viên chức coi trọng các quy phạm và quy trình kỹ thuật, bảo đảm tính nguyên tắc trong việc chấp hành. Nói chung việc chấp hành các quy phạm, quy trình kỹ thuật phải thật thà và nghiêm chỉnh, những trường hợp vì điều kiện khách quan không thể chấp hành được, cần phải báo cáo và xin ý kiến cơ quan ban hành.

Đối với những trường hợp vi phạm quy phạm, quy trình kỹ thuật, các cấp thủ trưởng sẽ tùy theo trường hợp nặng, nhẹ mà quyết định những hình thức kỷ luật thích đáng, từ phê bình, cảnh cáo đến hạ tầng công tác hoặc khai trừ ra khỏi xí nghiệp, cơ quan; nếu gây ra nhiều tổn thất nghiêm trọng cho Nhà nước và thiệt hại đến tính mạng của cán bộ công nhân viên thì có thể bị truy tố trước pháp luật.

5. Theo tinh thần bản điều lệ, vụ Kỹ thuật của cán bộ và tổng cục là cơ quan chính có trách nhiệm giúp Bộ chỉ đạo và tổ chức việc xây dựng và quản lý các quy phạm, quy trình kỹ thuật, đồng thời theo dõi và hướng dẫn nghiệp vụ các cơ quan kỹ thuật cấp dưới trong công tác này. Phòng kỹ thuật của các xí nghiệp có trách nhiệm giúp Giám đốc xí nghiệp tổ chức việc xây dựng và quản lý các quy trình kỹ thuật.

Trong khi thi hành bản điều lệ tạm thời này, các cơ quan xí nghiệp có thể trao đổi ý kiến vớiỦy ban khoa học Nhà nước (ban Khoa học kỹ thuật) để cùng giải quyết những trường hợp mắc mứu khó khăn, đồng thời giúp choỦy ban khoa học Nhà nước theo dõi được tình hình để nghiên cứu đề nghị với Chính phủ những điểm bổ sung cần thiết.

6.Ủy ban khoa học Nhà nước trân trọng đề nghị các bộ, các tổng cục tổ chức phổ biến rộng rãi nghị định số 124- CP của Hội đồng Chính phủ, bản điều lệ tạm thời và thông tư hướng dẫn này, trong tất cả các cơ quan và xí nghiệp để cho việc chấp hành được tích cực và nghiêm chỉnh, nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý kỹ thuật.

K.T CHỦ NHIỆM
ỦY BAN KHOA HỌC NHÀ NƯỚC
PHÓ CHỦ NHIỆM




Lê Khắc

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 172-KHH-TT năm 1963 hướng dẫn thi hành Bản điều lệ tạm thời về việc nghiên cứu, xây dựng, xét duyệt, ban hành và quản lý các quy phạm, quy trình kỹ thuật dùng trong sản xuất công nghiệp do Ủy ban Khoa học Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 172-KHH-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/10/1963
  • Nơi ban hành: Ủy ban Khoa học Nhà nước
  • Người ký: Lê Khắc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 38
  • Ngày hiệu lực: 30/10/1963
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản