Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG-BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17-TT-LB

Hà Nội, ngày 11 tháng 08 năm 1956 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

VỀ VIỆC TRẢ LƯƠNG VÀ PHỤ CẤP CHO QUÂN NHÂN PHỤC VIÊN CHUYỂN NGÀNH

Theo chính sách của Chính phủ thì quân nhân phục viên chuyển ngành sang các cơ quan chính quyền, xí nghiệp, doanh nghiệp quốc gia được sắp xếp vào các thang lương hiện nay thi hành ở những nơi ấy.

Trong thời gian mới chuyển ngành, vì chưa sắp xếp được nên mỗi người vẫn hưởng sinh hoạt phí và phụ cấp theo cấp quân sự (sinh hoạt phí, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên) trong một thời hạn không được quá 6 tháng. Khi anh chị em đã quen việc, cơ quan, xí nghiệp sử dụng sẽ xét đức, tài và lịch sử công tác hoặc nghề nghiệp của mỗi người mà sắp xếp vào thang lương thích hợp.

Về phụ cấp con thì những người đã được hưởng ở bên quân đội, vẫn tiếp tục được hưởng khi chuyển ngành dù là sang cơ quan chính quyền, đoàn thể, xí nghiệp, công trường hay đi học. Những người chưa được hưởng phụ cấp con khi ở bên quân đội, nhưng khi sang cơ quan hay xí nghiệp được bố trí vào một công tác thuộc loại có phụ cấp con thì cũng được hưởng phụ cấp con kể từ ngày nhận công tác đó.

Chính sách trên đây đã được Bộ Nội vụ quy định cụ thể trong các thông tư số 886-PQC ngày 14-5-1955 và số 1372-PQC ngày 8-9-1955, nhưng các cấp, các ngành thi hành chưa được thống nhất.

Về quần áo: Trong thời gian còn hưởng chế độ quân nhân, anh chị vẫn được cấp quân trang, nhưng việc thanh toán chưa được quy định cụ thể.

Để thi hành đúng chính sách của Chính phủ đối với quân nhân phục viên, để thống nhất việc trả lương và làm cho mọi người an tâm, phấn khởi công tác khi chuyển ngành. Liên Bộ chúng tôi quy định như sau việc trả lương và phụ cấp cho quân nhân phục viên chuyển ngành từ 01-7-1956 trở về sau và cách giải quyết những trường hợp quân nhân chuyển ngành từ 30-6-1956 trở về trước.

A. ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN CHUYỂN NGÀNH TỪ 01-7-1956 TRỞ VỀ SAU

I. VỀ LƯƠNG BỔNG:

Quân nhân phục viên chuyển ngành, tùy theo cấp bậc, được hưởng lương bổng trong thời gian 6 tháng đầu theo đúng chế độ ở bộ đội, cụ thể gồm có những khoản sau đây:

1. Gạo và thức ăn (kể cả ngày lễ, ngày tết được ăn thêm), tiền củi, muối, phụ cấp tiêu vặt ấn định cho một tháng:

- Chiến sĩ 22.680đ

- Tiểu đội phó 23.580đ

- Tiểu đội trưởng 24.480đ

- Trung đội phó 25.830đ

- Trung đội trưởng 27.180đ

- Đại đội phó 28.980đ

- Đại đội trưởng 30.330đ

- Tiểu đoàn phó 38.360đ

- Tiểu đoàn trưởng 39.710đ

- Trung đoàn phó 41.960đ

- Trung đoàn trưởng 43.760đ

- Đại đoàn phó 53.760đ

- Đại đoàn trưởng 55.730đ

2. Phụ cấp thâm niên mỗi tháng:

- 1 thâm niên 450đ

- 2 " 900đ

- 3 " 1.350đ

- 4 " 1.800đ

- 5 " 2.250đ

3. Các thứ phụ cấp khác:

- Nữ quân nhân được hưởng thêm mỗi tháng 450đ phụ cấp vệ sinh.

- Thương binh có sổ lương hưu thương tật vẫn được trả theo thể lệ hiện hành.

Đau ốm cần bồi dưỡng được hưởng theo chế độ ở các cơ quan, xí nghiệp.

4. Ngoài ra không có khoản phụ cấp nào khác nữa.

Thí dụ: một chiến sĩ có 1 thâm niên, đã lĩnh quân trang ở đơn vị rồi, thì khi sang chính quyền, hàng tháng được lĩnh 22.680đ 450đ = 23.130 đồng.

II. QUÂN TRANG

Trước khi rời đơn vị, anh chị em đã được cấp phát quân trang theo thời vụ rồi, nên số tiền quân trang hàng tháng quy định dưới đây chỉ trả khi hết hạn dùng số quân trang đã được cấp. Thí dụ: một quân nhân chuyển ngành tháng 8-1956 đã lĩnh quân trang thu-đông 1956 ở đơn vị thì hết tháng 12-1956 là hết hạn dùng quân trang; nhưng tháng 1-1957 vẫn còn được hưởng chế độ bộ đội nên được phát thêm tiền quân trang như sau:

- Từ chiến sĩ đến trung đội 6.000đ. một tháng

- Đại đội 6.500đ "

- Tiểu đoàn 8.000đ "

- Trung đoàn 9.900đ "

- Đại đoàn 11.500đ "

Đối với mỗi quân nhân, chế độ trên đây thi hành trong 6 tháng kể từ ngày chuyển ngành. Từ tháng thứ 7 trở đi, cơ quan, xí nghiệp sử dụng quân nhân phục viên phải sắp xếp anh chị em vào thang lương để lĩnh lương và phụ cấp theo cấp bậc mới. Tuy nhiên, đối với những người có nghề chuyên môn, hoặc khả năng công tác đã rõ thì dù chưa hết thời hạn 6 tháng, cơ quan, xí nghiệp cũng có thể sắp xếp ngay vào thang lương để anh chị em khỏi bị thiệt thòi, trong trường hợp mức lương mới cao hơn sinh hoạt phí cũ cộng với quân trang.

Khi giới thiệu quân nhân chuyển ngành, các đơn vị bộ đội có thẩm quyền cần ghi thêm vào giấy thôi trả sinh hoạt phí là quân trang đến bao giờ thì hết hạn để cho cơ quan mới dễ thanh toán.

Chế độ trên đây chỉ áp dụng đối với những quân nhân chuyển ngành từ 01-7-1956 trở về sau. Đối với những anh chị em đã chuyển ngành  trong thời gian từ 01-7-1955 đến 01-7-1956 những đến 01-7-1956 hãy còn hưởng chế độ bộ đội thì cũng được điều chỉnh theo mức lương và tiền quân trang trên đây (sinh hoạt phí thì điều chỉnh từ 01-7-1956 còn tiền quân trang thì tính từ 01-1-1956 cho loại chuyển ngành 6 tháng cuối năm 1955 và từ 01-7-1956 cho loại chuyển ngành trong 6 tháng đầu năm 1956)

B. ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN CHUYỂN NGÀNH TRƯỚC 01-7-1956

I. ĐỐI VỚI NHỮNG QUÂN NHÂN CHUYỂN NGÀNH TRƯỚC 01-7-1955

a. Những quân nhân chuyển ngành từ 01-7-1955 trở về trước đều đã được sắp xếp vào thang lương mới và đã truy lĩnh kể từ 01-7-1955.

b. Những quân nhân phụ viên được cử đi học các trường chuyên nghiệp, tạm thời vẫn được hưởng mức lương hiện đang lĩnh đến khi nào ban hành chế độ lương cán bộ, công nhân viên đi học các trường chuyên nghiệp thì sẽ hưởng theo chế độ ấy.

Đối với những quân nhân phục viên đến nay đang hưởng chế độ học sinh (40 kg gạo một tháng) thì nay điều chỉnh lại theo mức dưới đây:

- Sinh hoạt phí theo chế độ bộ đội gồm tiền ăn và phụ cấp tiêu vặt;

- Khoản tạm ứng 40% hay 50% tùy theo là ở địa phương hay ở Hà-nội;

- Phụ cấp thâm niên; và cho truy lĩnh kể từ ngày vào học.

c. Nếu chuyển sang công trường thì hưởng theo chế độ công trường kể từ ngày 01-12-1955 (nghị định số 651-TTg ngày 30-12-1955 của Thủ tướng Phủ).

II. ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN CHUYỂN NGÀNH TỪ 01-7-1955 ĐẾN 31-12-1955

1. Đối với những quân nhân chuyển ngành từ 01-7-1955 đến 31-12-1955 đã được sắp xếp vào các thang lương mới và kể từ 01-1-1956 đã được hưởng khoản truy lĩnh theo cấp bậc mới quy định trong thông tư số 207-TC-HCP ngày 07-5-1956 của Bộ Tài chính, có 3 trường hợp phải giải quyết:

a. Nếu số tiền lương theo cấp bậc mới cao hơn mức sinh hoạt phí cũ (gồm các khoản gạo và thức ăn phụ cấp tiêu vặt phụ cấp thâm niên muối củi) cộng thêm tiền quân trang theo cấp bậc như đã quy định trên đây, thì không phải điều chỉnh.

Thí dụ: một quân nhân chuyển ngành từ tháng 11-1955 (đã lĩnh quân trang thu đông 1955 rồi), từ 1-1-1956 được hưởng sinh hoạt phí 22.830đ 6.000đ (quân trang) = 28.830đ và đến tháng 4-1956 được xếp vào bậc 15 với mức lương cao hơn là 29.380đ. Theo nguyên tắc thì người đó hưởng theo chế độ bộ đội 6 tháng từ tháng 11-1955 đến tháng 4-1956 và chỉ được hưởng mức lương 29.380đ từ tháng 5-1956 thôi. Nhưng nếu người đó đã được truy lĩnh rồi thì không phải trả lại.

b. Nếu số tiền lương theo cấp bậc mới thấp hơn mức sinh hoạt phí cũ (gồm các khoản gạo và thức ăn phụ cấp tiêu vặt phụ cấp thâm niên muối củi) cộng với tiền quân trang, thì anh chị em được truy lĩnh số tiền chênh lệch kể từ tháng 1-1956 đến tháng có quyết nghị sắp xếp mặc dầu đến tháng ấy đã hết hạn 6 tháng hưởng theo chế độ bộ đội.

Thí dụ: Một tiểu đoàn phó chuyển ngành từ tháng 9-1955 sang một cơ quan ở Hà-nội (đã lĩnh quân trang thu đông 1955 rồi) hàng tháng đã lĩnh sinh hoạt phí theo chế độ bộ đội là 39.030đ. Đến cuối tháng 1-1956 được xếp vào bậc 11 thang lương 17 bậc và đã truy lĩnh từ 1-1-1956 rồi. Theo mục A khoản II trên đây thì từ tháng 1 đến tháng 4-1956 được hưởng thêm mỗi tháng 8.000đ quân trang. Như vậy tổng số lương được lĩnh là 39.030đ 8.000đ = 47.030đ.

Nhưng mới được truy lĩnh theo bậc 11 thang lương 17 bậc tức là 42.625đ một tháng nên nay được lĩnh phần chênh lệch từ tháng 1 đến tháng 4-1956, mỗi tháng 47.030đ - 42.625 = 4.405đ.

Kể từ tháng 5-1956 trở đi thì hưởng theo mức lương bậc 11.

c. Nếu đến ngày sắp xếp vào ngạch bậc mới mà chưa hết thời hạn (6 tháng) hưởng theo chế độ bộ đội và số tiền lương theo chế độ bộ đội (kể cả quân trang) cao hơn mức lương ở bậc mới thì anh chị em được tiếp tục hưởng theo chế độ bộ đội cho đến hết hạn 6 tháng; bậc lương mới chỉ áp dụng kể từ tháng 7.

Trường hợp đã truy lĩnh theo bậc mới rồi thì anh chị em được truy lĩnh thêm khoản tiền chênh lệch tính theo cách quy định ở mục b trên đây, về những tháng còn được hưởng chế độ bộ đội.

2. Nếu đến nay vẫn chưa sắp xếp anh chị em vào thang lương mới thì cần tranh thủ sắp xếp ngay. Về 6 tháng đầu năm 1956, được truy lĩnh tiền quân trang quy định ở mục A khoản II. Bậc lương mới áp dụng từ 1-7-1956.

3. Những người chuyển đi học ở các trường chuyên nghiệp thì tiếp tục hưởng chế độ bộ đội cho đến khi ban hành chế độ lương cán bộ nhân viên đi học và sẽ được truy lĩnh tiền quân trang kể từ 1-1-1956.

4. Nếu chuyển sang công trường thì bắt đầu từ tháng thứ 7 kể từ ngày chuyển ngành mới hưởng theo chế độ lương công trường. Từ 1-1-1956 trở về sau, đối với những tháng còn được hưởng chế độ bộ đội, thì được trả thêm số tiền chênh lệch giữa mức sinh hoạt phí cũ (cộng với tiền quân trang) và mức lương công trình.

Thí dụ: Một chiến sĩ chuyển ngành từ tháng 11-1955 sang công trường (đã lĩnh quân trang thu đông năm 1955 rồi), hàng tháng được hưởng sinh hoạt phí theo chế độ bộ đội là 22.830đ; đến tháng 12-1955 chế độ lương mới ở công trường ban hành đã lĩnh 27.000đ một tháng.

Theo nguyên tắc được hưởng chế độ bộ đội trong 6 tháng kể từ tháng 11-1955 đến tháng 4-1956.

Như vậy:

- Từ tháng 1-1956 đến tháng 4-1956 được hưởng sinh hoạt phí và quân trang là: 22.830đ 6.000 = 28.830đ.

Nhưng mới lĩnh lương theo chế độ công trường 27.000đ thì nay được lĩnh thêm phần chênh lệch mỗi tháng:

28.830đ - 27.000đ = 1.830đ

4 tháng lĩnh thêm: 1.830đ x 4 = 7.320đồng

- Tháng 12-1955 đã lĩnh theo chế độ công trường 27.000đ nhưng đáng lẽ chỉ được lĩnh 22.830đ nên đã lĩnh quá:

27.000đ - 22.830đ = 4.170đ

Vậy còn được truy lĩnh: 7.320đ - 4.170đ = 3.150đ

III. ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN CHUYỂN NGÀNH TỪ 01-01-1956 ĐẾN 30-6-1956

a. Nếu chuyển sang cơ quan, xí nghiệp, công trường thì từ tháng 7-1956 trở về sau, thời hạn 6 tháng được hưởng chế độ bộ đội còn tháng nào thì được lĩnh thêm tiền quân trang tháng ấy.

Khi hết hạn hưởng chế độ bộ đội, sẽ sắp xếp vào thang lương mới và hưởng theo mức lương mới ở cơ quan hay ở công trường, xí nghiệp.

b. Nếu chuyển đi học các trường chuyên nghiệp thì tiếp tục hưởng chế độ bộ đội cho đến khi ban hành chế độ lương cán bộ, nhân viên đi học các trường chuyên nghiệp, từ 1-7-1956 mỗi tháng được hưởng thêm tiền quân trang.

Trên đây, Liên Bộ đã tổng hợp toàn bộ vấn đề lương và phụ cấp quân nhân chuyển ngành sang các cơ quan, xí nghiệp, công trường và đi học. Yêu cầu các cấp, các ngành nghiên cứu những điểm đã quy định, thi hành nghiêm chỉnh đồng thời phổ biến sâu rộng thông tư này cho anh chị em hiểu rõ quyền lợi của mình.

BỘ TRƯỞNG
BỘ NỘI VỤ



 
Phan Kế Toại

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG



 
Trịnh Văn Bính

QUYỀN BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG



 
Lê Văn Hiến

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 17-TT-LB năm 1956 về việc trả lương và phụ cấp cho quân nhân phục viên chuyển ngành do Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính - Bộ Lao động ban hành

  • Số hiệu: 17-TT-LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 11/08/1956
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính
  • Người ký: Lê Văn Hiến, Phan Kế Toại, Trịnh Văn Bính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 24
  • Ngày hiệu lực: 26/08/1956
  • Ngày hết hiệu lực: 18/10/1957
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản