Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17-BYT/TT

Hà Nội, ngày 06 tháng 6 năm 1991

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ SỐ 17-BYT/TT NGÀY 06 THÁNG 6 NĂM 1991 HƯỚNG DẪN ĐỔI TÊN TRẠM BẢO VỆ BÀ MẸ VÀ SĐCKH THÀNH "TRUNG TÂM BẢO VỆ SỨC KHOẺ BÀ MẸ TRẺ EM VÀ KHHGĐ" TẠI CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ, ĐẶC KHU TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Để thực hiện được Chương trình Quốc gia số 2 của ngành y tế về công tác "Kế hoạch hoá gia đình đi đôi với công tác bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em" nhằm hạ được tỷ lệ sinh đẻ để nhanh chóng đưa tỷ lệ phát trỉên dân số cả nước xuống mức hợp lý, đồng thời nâng cao khả năng chăm sóc sức khoẻ phụ nữ và trẻ em được toàn diện và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội hiện nay.

Sau khi thống nhất ý kiến với Ban tổ chức Chính phủ; Bộ Y tế ra thông tư hướng dẫn đổi tên trạm Bảo vệ bà mẹ và SĐCKH thành "Trung tâm bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em và kế hoạch hoá gia đình" tại các tỉnh thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương như sau:

I. VỊ TRÍ CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ CỦA TRUNG TÂM BẢO VỆ SỨC KHOẺ BÀ MẸ TRẺ EM VÀ KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH

- Trung tâm bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em và KHHGĐ là đơn vị y tế đặt dưới sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp về mọi mặt của Sở Y tế, đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của hai Viện: Viện bảo vệ bà mẹ trẻ sơ sinh và Viện Bảo vệ sức khỏe trẻ em Trung ương. Về mặt quản lý Nhà nước là do Phòng BVBM trẻ em và KHHGĐ chỉ đạo. Phòng BVBMTE và KHHGĐ sẽ thành Vụ BVBMTE và KHHGĐ trong năm 1991.

- Dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế trung tâm có trách nhiệm tổ chức và thực hiện tốt các chương trình bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em và kế hoạch hoá gia đình; nhằm bảo đảm việc hạ tỷ lệ sinh đẻ trong địa phương và nâng cao sức khoẻ cho phụ nữ và trẻ em trong phạm vi mình quản lý.

Nhiệm vụ cụ thể của trung tâm là:

Phụ trách các mặt công tác về sức khoẻ bà mẹ trẻ em và KHHGĐ, phối hợp với các ngành đoàn thể có liên quan ở địa phương; tranh thủ sự giúp đỡ trong và ngoài nước, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của phụ nữ và trẻ em.

1. Xây dựng chương trình và thực hiện giảm chỉ tiêu sinh bằng cách nâng cao số người chấp nhận tránh thai của tỉnh, thành phố, đặc khu cho phù hợp với chỉ tiêu phát triển dân số tự nhiên của địa phương.

- Thực hiện đa dạng hoá các biện pháp tránh thai, tổ chức dịch vụ, cung cấp thuận tiện các phương tiện tránh thai, giảm đẻ cho mọi đối tượng cần dùng để tránh thai nghén ngoài ý muốn.

- Kiểm tra đôn đốc các trung tâm y tế huyện, các công nông trường, xí nghiệp các đơn vị thực hiện chỉ tiêu biện pháp về kế hoạch hoá gia đình và bảo vệ bà mẹ trẻ em.

2. Tổ chức và phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể có liên quan ở địa phương như Hội Liên hiệp phụ nữ, đoàn thanh niên, Hội nông dân, Hội chữ thập đỏ, Liên đoàn lao động, uỷ ban DS - KHHGĐ ... các bệnh viện, nhà hộ sinh trạm y tế cơ sở, các cơ sở khám chữa bệnh tư, để tuyên truyền vận động cán bộ, nhân dân thực hiện KHHGĐ; giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ thai sản, bảo vệ quyền của trẻ em và sức khoẻ trẻ em.

3. Theo dõi giám sát việc thực thi các Chương trình Quốc gia về bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em và KHHGĐ.

- Tổ chức đội đi lưu động xuống cơ sở, xã ấp đến cụm dân cư, đến công nông trường xí nghiệp cơ quan kết hợp chặt chẽ hai mặt công tác:

a. Tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, phân phối và thực hiện các kỹ thuật tránh thai, đồng thời khám và chữa bệnh phụ khoa thông thường cho chị em phụ nữ.

b. Theo dõi đánh giá chương trình chăm sóc sức khoẻ trẻ em.

- Hướng dẫn y tế xã, y tế cơ sở khám chữa bệnh phụ khoa thông thường, quản lý được thai sản, săn sóc sản phụ trước, trong, sau khi đẻ, hiểu biết đầy đủ các biện pháp tránh thai; hiểu biết về công tác nhi khoa.

- Hướng dẫn hôn nhân gia đình

- Tổ chức định kỳ kiểm tra theo dõi những người thực hiện các biện pháp tránh thai, giải quyết điều trị tốt cho những người có biến chứng.

- Nghiên cứu cung cấp và thị trường hoá các phương tiện tránh thai.

Quản lý các chỉ tiêu về sức khoẻ bà mẹ trẻ em và KHHGĐ để báo cáo cho Sở và Bộ Y tế.

- Tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm các mặt công tác bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em và KHHGĐ.

4. Phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm với Khoa sản, khoa nhi bệnh viện tỉnh hoặc bệnh viện chuyên khoa sản, nhi ở tỉnh nếu có, trung tâm y tế dự phòng để thực hiện toàn bộ công tác bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em và KHHGĐ, bao gồm 16 chương trình cụ thể mà Bộ đang chỉ đạo khắp cả nước thực hiện.

- Trung tâm có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, quản lý màng lưới tuyến dưới cho đến trạm y tế cơ sở, khoa sản, khoa nhi bệnh viện tỉnh hoặc bệnh viện chuyên khoa sản, nhi chịu trách nhiệm kỹ thuật chuyên môn và huấn luyện theo kế hoạch của Trung tâm bảo vệ sức khoẻ Bà mẹ trẻ em và KHHGĐ. Phấn đấu bổ túc cho toàn bộ cán bộ nam nữ hộ sinh thành thạo kỹ thuật BVBM trẻ em và thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá gia đình.

- Tổ chức phòng hướng dẫn cho nam nữ trong độ tuổi sinh đẻ, thực hiện các kỹ thuật tránh thai, tránh đẻ.

- Tổ chức việc theo dõi phát triển trẻ em không có bệnh.

5. Giúp phòng y tế huyện hay trung tâm y tế huyện làm tư vấn, nghiên cứu xây dựng kế hoạch chỉ tiêu biện pháp về dân số - KHHGĐ cho Uỷ ban nhân dân huyện và thực hiện tốt công tác bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em.

6. Đề xuất lên trên giải quyết bổ sung sửa đổi các chế độ chính sách đối với phụ nữ và trẻ em cho phù hợp với từng vùng của địa phương, đồng thời theo dõi việc chấp hành các chế độ chính sách thực hiện ở cơ sở nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ sức khoẻ bà mẹ và kế hoạch hoá gia đình.

7. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ công nhân viên của Trung tâm.

II. TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA TRUNG TÂM BẢO VỆ SỨC KHOẺ BÀ MẸ TRẺ EM VÀ KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH

1. Hiện nay Trung tâm bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em và KHHGĐ thành lập trên cơ sở trạm BVBM và SĐCKH nên giữ nguyên bộ máy.

- Đội đặt vòng đổi tên là đội kế hoạch hoá gia đình

- Con dấu: Đổi con dấu trạm BVBM và SĐCKH thành con dấu "Trung tâm bảo vệ sức khoẻ BMTE và KHHGĐ".

3. Tổ chức bộ máy cuả Trung tâm cụ thể như sau:

a. Bộ phận quản lý chỉ đạo gồm:

- Giám đốc Trung tâm do Giám đốc Sở Y tế bổ nhiệm chịu trách nhiệm chung toàn bộ hoạt động của Trung tâm.

- 2 Phó giám đốc do Giám đốc Trung tâm phân công

+ Một phó giám đốc chuyên môn theo dõi các chương trình sức khoẻ bà mẹ trẻ em và KHHGĐ.

+ Một phó giám đốc phụ trách hành chính, vật tư trang thiết bị, dụng cụ thuốc men, đời sống cán bộ công nhân viên của Trung tâm.

- Các bộ phận khác giữ nguyên cơ cấu cũ của trạm bảo vệ bà mẹ và SĐCKH.

b. Ở Trung tâm có 1 số đội kế hoạch hoá gia đình lưu động được trang bị kiến thức nhi khoa để vừa thực hiện được kỹ thuật và theo dõi được màng lưới sản, nhi, thường xuyên bám sát cơ sở.

Các huyện, thị không thành lập trung tâm riêng nhưng quan hệ thường xuyên với Trung tâm bảo vệ sức khoẻ BMTE và KHHGĐ của tỉnh.

Khoa sản, Khoa nhi bệnh viện huyện, khu vực có trách nhiệm thực hiện tốt về chuyên môn kỹ thuật.

Đội KHHGĐ lưu động của tỉnh có thể hỗ trợ thường xuyên hay từng thời gian theo yêu cầu của từng nơi.

c. Do nhiệm vụ quan trọng là chỉ đạo thực hiện quốc gia chương trình trọng điểm số 2 của ngành nên lương các cán bộ phụ trách được xếp cùng bậc với lãnh đạo bệnh viện đa khoa.

III. BIÊN CHẾ, KINH PHÍ CƠ SỞ TRANG BỊ PHƯƠNG TIỆN CHO TRUNG TÂM

1. Về biên chế giữ nguyên biên chế cuả trạm BVBM - SĐKH điều chỉnh thêm 1 đến 2 bác sĩ hoặc y sĩ nhi khoa để quản lý công tác chăm sóc sức khoẻ trẻ em.

Về biên chế quản lý của Trung tâm và đội KHHGĐ sẽ do Sở Y tế căn cứ vào nhiệm vụ chức năng để điều chỉnh trong ngành y tế, bảo đảm cho bộ máy của Trung tâm thực hiện được chỉ tiêu kế hoạch của địa phương.

2. Kinh phí: trong điều kiện hiện nay kinh phí hoạt động của Trung tâm được tận dụng bằng 4 nguồn là:

a. Chủ yếu do kinh phí địa phương.

b. Hỗ trợ của Bộ Y tế

c. Các nguồn vốn viện trợ của nước ngoài

d. Huy động từ cộng đồng

Về nhà cửa, trang thiết bị chuyên môn và các phương tiện làm việc dựa trên cơ sở sẵn có của Trạm BVBM - SĐCKH, nếu thiếu phải lập dự trù cụ thể cho sát với tình hình địa phương để báo cáo Sở Y tế cấp, hoặc Sở Y tế xin Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp.

IV. QUAN HỆ CÔNG TÁC VÀ LỀ LỐI LÀM VIỆC

Căn cứ vào phương hướng kế hoạch của Bộ và Sở Y tế, Trung tâm phải lập kế hoạch và chương trình công tác báo cáo lên Sở Y tế và Sở báo cáo lên Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố đặc khu trực thuộc Trung ương xét duyệt và được ghi vào chỉ tiêu kế hoạch của địa phương.

- Căn cứ vào kế hoạch, để Sở Y tế trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, Trung tâm thực hiện.

- Hàng tháng, quý, năm Trung tâm phải sơ kết, tổng kết công tác của mình, qua đó mà thông báo hướng dẫn cho cơ sở y tế, trong phạm vi địa phương đồng thời báo cáo lên trên theo ngành dọc.

- Các Trung tâm cần có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, các chuyên khoa y tế của tỉnh, khoa sản phụ, khoa nhi bệnh viện hoặc bệnh viện chuyên khoa sản nhi của tỉnh, thành phố, các phòng y tế huyện hoặc trung tâm y tế huyện thị để thực hiện tốt công tác chuyên môn kỹ thuật cũng như công tác giáo dục sức khoẻ tuyên truyền vận động quần chúng.

Trên đây Bộ Y tế hướng dẫn việc đổi tên Trạm BVBM - SĐCKH thành Trung tâm bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em và kế hoạch hoá gia đình tại các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương.

Thông tư này thay thế Thông tư số 09 BYT/TT ngày 21/12/1975 của Bộ Y tế.

Đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương nghiên cứu chỉ đạo trực tiếp tạo mọi điều kiện thuận lợi để Trung tâm hoạt động được tốt.

Phạm Song

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 17-BYT/TT năm 1991 hướng dẫn đổi tên Trạm bảo vệ bà mẹ và SĐKH thành Trung tâm bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em và KHHGĐ tại các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 17-BYT/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 06/06/1991
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Phạm Song
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/06/1991
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản