Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ Y TẾ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 17-BYT-TT | Hà Nội, ngày 23 tháng 06 năm 1964 |
TUYỂN SINH CHO LỚP Y TÁ, NỮ HỘ SINH CHÍNH QUY THEO HỌC CHƯƠNG TRÌNH 18 THÁNG, NIÊN KHÓA 1964-1965
Kính gửi: | - Các bộ, các cơ quan ngang bộ. |
Để nâng cao chất lượng cán bộ trong biên chế Nhà nước ở các cơ sở từ trung ương đến địa phương nhằm phục vụ tốt hơn nữa công tác điều trị, phòng bệnh, nhất là các cơ sở điều trị như bệnh viện, bệnh xá, điều dưỡng đường, niên khóa 1964-1965, Bộ chủ trương mở một lớp y tá, nữ hộ sinh chính quy, học theo chương trình 18 tháng.
Dựa vào yêu cầu trên, Bộ Y tế quy định hướng tuyển chọn, tiêu chuẩn tuyển sinh sau khi đã trao đổi ý kiến và thỏa thuận với Bộ Nội vụ:
1. Những cán bộ, nhân viên trong biên chế Nhà nước, học sinh phổ thông là con em nhân dân lao động ở các thành phố lớn đã học hết văn hóa từ cấp II trở lên (học sinh nội thành các thành phố Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Thái Nguyên, Vinh, Tây Bắc). Riêng đối với học sinh và người dân tộc thiểu số ở hai khu tự trị Việt Bắc và Tây Bắc có thể lấy cả ở nông thôn.
2. Còn trẻ, khỏe mạnh, có trình độ văn hóa, có lao động, có giác ngộ xã hội chủ nghĩa.
1. Chính trị: Lý lịch phải thật rõ ràng và trong sạch, phẩm chất chính trị tốt, chấp hành đầy đủ mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, có ý thức tổ chức và kỷ luật, tư cách đạo đức tốt, được quần chúng chung quanh yêu mến.
2. Văn hóa: Đã tốt nghiệp phổ thông hoặc bổ túc văn hóa cấp II trở lên, đã được Sở hoặc Ty Giáo dục cấp giấy chứng nhận.
Riêng học sinh là người dân tộc thiểu số thì được chiếu cố lấy văn hóa hết cấp I.
3. Sức khỏe: Có đầy đủ sức khỏe để theo học và sau ra phục vụ tốt, không tuyển những người mắc các bệnh truyền nhiễm, kinh niên, cơ thể bị suy yếu và những người có các cố tật ảnh hưởng đến học tập và công tác sau đây.
4. Tuổi:
- Nếu là cán bộ, nhân viên trong biên chế Nhà nước, bộ đội chuyển ngành, thì tuổi tối đa là 30.
- Nếu là học sinh phổ thông, những nhân viên công tác theo chế độ hợp đồng, tạm tuyển thì tuổi từ 18 đến 25 tuổi.
(Tất cả các độ tuổi đều tính đến 31-12-1964).
5. Thời gian học: Lớp bắt đầu khai giảng lớp học từ đầu niên khóa 1964-1965.
III. NGUYÊN TẮC, KẾ HOẠCH, THỦ TỤC TUYỂN SINH
1. Căn cứ vào chỉ tiêu đào tạo của Nhà nước, Bộ giao cho các đơn vị sau đây trực tiếp phụ trách công tác tuyển sinh và quản lý đào tạo:
- Bệnh viện Bạch Mai - Sở Y Tế Hà Nội - Khu tự trị Tây Bắc - Khu tự trị Việt Bắc - Ty Y tế Nam Định - Sở Y Tế Hải Phòng - Ty Y tế Nghệ An | 150 150 20 30 50 70 30 |
2. Bộ ủy nhiệm cho những Sở, Ty Y tế mở lớp học phụ trách công tác tuyển sinh. Hội đồng tuyển sinh dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện toàn bộ công tác tuyển sinh theo đúng đường lối, chính sách, chủ trương và kế hoạch tuyển sinh của Bộ.
Các trường căn cứ vào ba tiêu chuẩn chủ yếu: chính trị, văn hóa và sức khỏe trên cơ sở lấy tiêu chuẩn chính trị, làm tiêu chuẩn quan trọng hàng đầu kết hợp với kết quả kiểm tra văn hóa và sức khỏe mà xét tuyển theo nguyên tắc ưu tiên dưới đây:
Con em các liệt sĩ, tử sĩ, các gia đình có công lao lớn với cách mạng, dân tộc thiểu số, các chiến sĩ thi đua, miền Nam, phụ nữ.
3. Việc tuyển sinh cán bộ đi học quy định như sau:
Đối với cán bộ của các ngành xin đi học thì Bộ Nội vụ trực tiếp xét duyệt danh sách, các ngành căn cứ vào danh sách đã được Bộ Nội vụ duyệt mà lập hồ sơ cử cán bộ đi học theo thủ tục đã quy định trong thông tư này rồi chuyển hồ sơ đó đến bệnh viện Bạch Mai và Sở Y tế Hà Nội để xét duyệt và thi kiểm tra văn hóa, Bộ Y tế không trực tiếp nhận hồ sơ của cán bộ các ngành khác xin học, nếu không có trong danh sách của Bộ Nội vụ đã duyệt.
4. Mỗi cán bộ, học sinh muốn xin học lớp y tá, nữ hộ sinh đều phải theo đúng thủ tục lập hồ sơ như sau:
- Một đơn xin học tự tay học sinh viết và cam đoan sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ đi công tác bất cứ nơi nào theo yêu cầu công tác của ngành.
- Hai bản sơ yếu lý lịch, có nhận xét của cơ quan hoặc của Ủy ban hành chính khu phố.
- Một bản sao lục giấy chứng nhận tốt nghiệp văn hóa cấp II (do Ủy ban hành chính khu phố tương đương từ cấp huyện trở lên ký sao).
- Một giấy khám sức khỏe của y, bác sĩ ở các phòng khám bệnh công cấp.
Hồ sơ xin học, học sinh sẽ trực tiếp nộp cho Hội đồng tuyển sinh của các trường đã quy định ở trên. Thời hạn nộp hồ sơ hạn cuối cùng 15-7-1964. Ngày thi kiểm tra văn hóa Bộ sẽ báo sau.
5. Trong thời gian học tập, nếu phát hiện có vấn đề man khai lý lịch hoặc phạm sai lầm khuyết điểm trong khi học tập thì tùy theo nặng, nhẹ mà xử lý từ phê bình, cảnh cáo toàn trường và đuổi ra khỏi lớp học.
Trường hợp bị đuổi:
- Nếu là cán bộ, nhân viên trong biên chế Nhà nước do cơ quan cử đi học thì sẽ trả cán bộ đó về cơ quan cũ.
- Nếu là học sinh phổ thông, nhân viên hợp đồng, tạm tuyển thì trả về các địa phương và phải bồi hoàn lại học bổng trong thời gian học tập (nếu được cấp học bổng).
6. Sau khi tốt nghiệp ra trường, tùy theo yêu cầu của từng địa phương để bổ nhiệm công tác, nếu học sinh nào không chịu đi công tác theo yêu cầu của ngành thì không được công nhận tốt nghiệp và trả về cơ quan cũ (nếu là cán bộ, nhân viên), phải bồi hoàn học bổng trong thời gian học tập và trả về địa phương (nếu là học sinh).
7. Khi tốt nghiệp ra công tác, nếu là cán bộ trong biên chế Nhà nước thì được miễn thời gian tập sự, nếu là học sinh thì phải qua một thời gian tập sự, trong thời gian tập sự chỉ được hưởng 85% bậc lương khởi điểm của thang lương y tá, nữ hộ sinh.
8. Danh sách của học sinh được tuyển chọn ở các trường đều phải đưa về Bộ xét duyệt rồi mới được công bố danh sách trúng tuyển.
IV. QUYỀN LỢI VÀ NHIỆM VỤ CỦA HỌC SINH
1. Tất cả cán bộ, nhân viên trong biên chế Nhà nước được tuyển chọn vào học thì các quyền lợi được hưởng theo chế độ hiện hành.
2. Đối với học sinh thì tùy theo khả năng kinh tế của từng gia đình mà học sinh phải tự túc trong thời gian học hoặc được cấp học bổng theo tiêu chuẩn quy định của Nhà nước.
3. Trong thời gian học, học sinh theo chế độ ngoại trú (trừ ở khu Tây Bắc và Việt Bắc).
4. Tất cả cán bộ, nhân viên, học sinh được tuyển chọn vào học đều phải chấp hành đầy đủ quy chế học tập, nội quy của trường đề ra.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành, tất cả các văn bản tuyển sinh y tá, nữ hộ sinh trong biên chế Nhà nước của Bộ Y tế ban hành từ trước đến nay nếu trái với thông tư này đều bãi bỏ.
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ |
Thông tư 17-BYT-TT-1964 về việc tuyển sinh cho lớp y tá, nữ hộ sinh chính quy theo học chương trình 18 tháng, niên khóa 1964-1965 do Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 17-BYT-TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 23/06/1964
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Phạm Ngọc Thạch
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 27
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra