Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 17/2014/TT-NHNN về phân loại, đóng gói, giao nhận kim khí quý, đá quý do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Chương III

GIAO NHẬN KIM KHÍ QUÝ, ĐÁ QUÝ

Mục 1: TỔ CHỨC GIAO NHẬN

Điều 8. Tổ giao nhận

1. Việc phân loại, kiểm định, đóng gói, giao nhận kim khí quý, đá quý phải do tổ giao nhận thực hiện.

2. Thẩm quyền thành lập tổ giao nhận:

a) Tại Ngân hàng Nhà nước:

- Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ quyết định thành lập tổ giao nhận của kho tiền Trung ương tại Hà Nội (kho tiền I);

- Chi cục trưởng Chi cục Phát hành và Kho quỹ quyết định thành lập tổ giao nhận của kho tiền Trung ương tại thành phố Hồ Chí Minh (kho tiền II);

- Giám đốc Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập tổ giao nhận tại đơn vị mình.

b) Tại tổ chức tín dụng: Tổ chức tín dụng quyết định thành lập tổ giao nhận tại đơn vị mình.

3. Thành phần tổ giao nhận gồm:

a) Tổ trưởng.

b) Thợ kỹ thuật về kim khí quý, đá quý (khi nhận theo hình thức kiểm định hiện vật). Trường hợp Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng không có thợ kỹ thuật chuyên trách về kim khí quý, đá quý thì có thể thuê thợ kỹ thuật để kiểm định. Thợ kỹ thuật phải được đào tạo nghiệp vụ kiểm định kim khí quý, đá quý.

c) Thủ kho tiền.

d) Nhân viên ghi chép và lập biên bản. Trường hợp không bố trí nhân viên ghi chép và lập biên bản riêng thì việc ghi chép và lập biên bản giao nhận do một trong ba thành phần của tổ giao nhận quy định tại điểm a, b, c Khoản này thực hiện.

Điều 9. Trách nhiệm của các thành viên tổ giao nhận

1. Tổ trưởng chịu trách nhiệm chung về nhiệm vụ được giao trước cấp có thẩm quyền ra quyết định thành lập tổ giao nhận; trực tiếp hướng dẫn và tổ chức đảm bảo an toàn tài sản trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của tổ giao nhận.

2. Thợ kỹ thuật có trách nhiệm đảm bảo phân loại, xác định chất lượng, khối lượng, kích cỡ các loại kim khí quý, đá quý chính xác.

3. Thủ kho tiền có trách nhiệm trực tiếp đóng gói, niêm phong các loại kim khí quý, đá quý.

4. Nhân viên ghi chép và lập biên bản phải có trách nhiệm ghi chép và lập biên bản giao nhận đầy đủ, rõ ràng, chính xác.

5. Các thành viên tổ giao nhận có trách nhiệm giữ bí mật về tài sản, số liệu và thực hiện theo đúng quy trình giao nhận kim khí quý, đá quý quy định tại Thông tư này.

Mục 2: QUY TRÌNH GIAO NHẬN KIM KHÍ QUÝ, ĐÁ QUÝ

Điều 10. Hình thức giao nhận

1. Căn cứ tình hình và yêu cầu cụ thể của từng trường hợp giao nhận hoặc theo đề nghị của bên giao để thống nhất thực hiện giao nhận kim khí quý, đá quý theo hình thức kiểm định hiện vật hoặc theo hình thức nguyên niêm phong.

2. Việc giao nhận vàng miếng, vàng nguyên liệu được thực hiện theo quy định tại Mục 3 Chương III Thông tư này.

Điều 11. Quy trình nhận kim khí quý, đá quý theo hình thức kiểm định hiện vật

1. Bước 1. Người giao nộp hiện vật kèm theo các giấy tờ hợp pháp, hợp lệ và lập bảng kê theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Tổ trưởng thực hiện kiểm soát đầy đủ giấy tờ hợp lệ, hợp pháp đối với tài sản, gồm:

a) Lệnh xuất kho của cấp có thẩm quyền đơn vị giao trong trường hợp nhận kim khí quý, đá quý trong cùng hệ thống Ngân hàng Nhà nước; giữa Ngân hàng Nhà nước với tổ chức tín dụng và ngược lại; giữa các tổ chức tín dụng với nhau.

b) Các giấy tờ theo hồ sơ tín dụng trong trường hợp nhận kim khí quý, đá quý của khách hàng dùng để thế chấp, cầm cố các khoản vay.

c) Hợp đồng bảo quản trong trường hợp nhận kim khí quý, đá quý của khách hàng khi làm dịch vụ bảo quản tài sản.

d) Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, hồ sơ liên quan tới tài sản trong trường hợp nhận kim khí quý, đá quý gửi vào kho Ngân hàng Nhà nước.

2. Bước 2. Tổ trưởng nhận số lượng hiện vật lần lượt từng loại theo bảng kê, nhận hết loại này mới nhận đến loại khác.

3. Bước 3. Tổ trưởng giao lần lượt từng hiện vật theo bảng kê cho thợ kỹ thuật, thợ kỹ thuật sử dụng các phương tiện, dụng cụ cân, đo để phân loại, xác định khối lượng, chất lượng và kích cỡ các loại kim khí quý, đá quý đảm bảo chính xác theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư này và ghi các thông tin về tên, số hiệu, phạm vi đo; độ chính xác, ngày, tháng, năm kiểm tra, kiểm định, hiệu chuẩn của các phương tiện, dụng cụ cân, đo vào biên bản giao nhận.

Thợ kỹ thuật kiểm tra chất lượng từng hiện vật xong phải ký, ghi rõ họ tên trên phiếu ghi kết quả kiểm định của từng hiện vật. Phiếu kiểm định lập thành hai liên, một liên đính kèm hiện vật khi đóng gói, một liên giao cho kế toán cùng các chứng từ giao nộp. Trên phiếu kiểm định phải ghi đầy đủ các yếu tố: tên hiện vật, khối lượng, chất lượng, kích cỡ, ngày, tháng, năm kiểm định.

Khi kiểm định, nếu thợ kỹ thuật phát hiện ra hiện vật nào không phải là kim khí quý, đá quý, phải giao lại hiện vật đó cho tổ trưởng kèm theo phiếu kiểm định để trả lại hiện vật cho người giao và phải ghi rõ trong biên bản giao nhận.

4. Bước 4. Sau khi xác định xong khối lượng, chất lượng và kích cỡ của từng loại, phân loại kim khí quý, đá quý, thợ kỹ thuật chuyển phiếu kiểm định sang cho nhân viên ghi chép biên bản. Trường hợp có chênh lệch về số lượng, chất lượng, khối lượng, kích cỡ kim khí quý, đá quý so với bảng kê của người giao quy định tại Khoản 1 Điều này, nhân viên ghi chép biên bản lập bảng kê gồm hai liên theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này và căn cứ vào phiếu kiểm định để ghi kết quả vào bảng kê. Trường hợp không có chênh lệch về số lượng, chất lượng, khối lượng, kích cỡ kim khí quý, đá quý so với bảng kê của người giao quy định tại Khoản 1 Điều này, nhân viên ghi chép biên bản lập thêm một liên bảng kê với nội dung và số liệu như bảng kê của người giao, Bảng kê phải có chữ ký của tổ trưởng và chữ ký xác nhận của thợ kỹ thuật. Một liên bảng kê giao cho thủ kho tiền cùng với hiện vật để kiểm soát lại khi đóng gói; một liên bảng kê giao nhân viên ghi chép biên bản để lập biên bản giao nhận theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Bước 5. Thợ kỹ thuật kiểm tra lại số liệu ghi trên bảng kê và hiện vật rồi chuyển từng loại sang cho thủ kho tiền. Thủ kho tiền phải kiểm tra lại trước khi đóng gói, niêm phong. Việc phân loại danh mục, đóng gói, niêm phong được quy định tại Điều 5, Điều 7 Thông tư này.

6. Bước 6. Sau khi nhận và niêm phong xong hiện vật của người giao, tổ giao nhận kiểm tra lại số liệu trên các bảng kê với các gói, hộp hiện vật đã niêm phong. Căn cứ vào biên bản giao nhận và phiếu nhập kho của kế toán, thủ kho tiền ghi số hiệu lên từng gói, hộp theo quy định tại Khoản 4 Điều 7 Thông tư này trước khi đưa vào bảo quản trong kho.

Điều 12. Quy trình nhận kim khí quý, đá quý theo hình thức nguyên niêm phong

1. Tổ trưởng thực hiện kiểm soát đầy đủ giấy tờ hợp pháp, hợp lệ đối với tài sản nhận như quy định tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư này. Người giao hiện vật theo niêm phong phải có bảng kê chi tiết các hiện vật, tên từng hiện vật; số lượng, chất lượng và khối lượng của hiện vật (nếu xác định được).

2. Tổ giao nhận chứng kiến và hướng dẫn người giao tự đóng gói, hộp, niêm phong các hiện vật. Trong gói, hộp có bảng kê và biên bản giao nhận kèm theo. Biên bản giao nhận lập theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này, có ghi rõ nhận theo gói, hộp niêm phong. Niêm phong ghi rõ: đơn vị giao, người giao, họ tên, chữ ký của người đóng gói, hộp niêm phong (thuộc bên giao); ngày, tháng, năm giao, người giao ký.

Người có tên trên niêm phong chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng và khối lượng hiện vật trong gói, hộp đã niêm phong. Đơn vị nhận theo gói, hộp nguyên niêm phong không chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng và khối lượng hiện vật trong gói, hộp đã niêm phong.

Điều 13. Biên bản giao nhận

1. Việc giao nhận phải được lập thành biên bản giao nhận theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Biên bản giao nhận được lập thành bốn bản: một bản người giao hiện vật giữ để làm chứng từ biên nhận; một bản giao cho kế toán kèm theo các chứng từ giao nộp; một bản giao cho thủ kho tiền; một bản để kèm vào gói hiện vật (nếu nhận theo niêm phong).

Điều 14. Bảo quản kim khí quý, đá quý trong quá trình nhận

Cuối mỗi buổi, mỗi ngày làm việc, nếu chưa kiểm nhận xong thì tất cả kim khí quý, đá quý phải được bảo quản trong túi hoặc hộp, đưa vào trong hòm sắt có khóa và niêm phong. Người giao đóng gói và niêm phong toàn bộ số tài sản của mình cùng với bảng kê tài sản theo sự hướng dẫn và chứng kiến của tổ giao nhận. Trên niêm phong có chữ ký của người giao, người đóng gói và hiện vật phải được đưa vào bảo quản trong kho tiền. Tổ trưởng viết giấy biên nhận, có đầy đủ chữ ký của tổ trưởng, thủ kho tiền, kế toán, cấp có thẩm quyền của đơn vị nhận và đưa cho người giao.

Khi nhận lại gói, hộp hiện vật để kiểm nhận tiếp, người giao phải kiểm tra lại niêm phong. Nếu đúng thì trả lại giấy biên nhận cho tổ trưởng để hủy bỏ và tiếp tục kiểm nhận.

Điều 15. Giao kim khí quý, đá quý đã kiểm định

1. Khi giao kim khí quý, đá quý phải có đầy đủ các loại giấy tờ sau:

a) Lệnh xuất kho của cấp có thẩm quyền Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng;

b) Phiếu xuất kho;

c) Giấy giới thiệu, giấy ủy quyền của người nhận, đơn vị nhận (nếu nhận thay);

d) Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người nhận.

2. Căn cứ vào phiếu xuất kho, thủ kho tiền phải lập bảng kê số hiện vật xuất kho theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này và ghi sổ theo dõi, ghi thẻ kho rồi mới đem hiện vật ra giao. Trước khi mở gói, hộp hiện vật, các thành viên xuất kho phải kiểm tra lại niêm phong; trường hợp còn nguyên niêm phong thì thực hiện mở gói, hộp; trường hợp không còn nguyên niêm phong thì báo cáo cấp có thẩm quyền của đơn vị mình xem xét xử lý theo quy định và thủ kho tiền chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng và khối lượng hiện vật trong gói, hộp đó. Sau khi mở gói, hộp, phải căn cứ vào biên bản giao nhận, phiếu kiểm định hiện vật và bảng kê cũ để đối chiếu lại số lượng, khối lượng; chất lượng cho khớp đúng rồi mới tiến hành xuất theo phiếu xuất kho. Khi xuất kho phải lập biên bản giao nhận theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp xuất chưa hết số hiện vật trong gói, hộp thì số hiện vật còn lại là chênh lệch giữa số liệu nhập kho ban đầu với số liệu xuất kho lần này. Số hiện vật còn lại sẽ được đóng gói, niêm phong kèm theo bảng kê nhập kho ban đầu và bảng kê xuất kho lần này. Thẻ kho vẫn giữ nguyên số hiệu cũ.

Điều 16. Giao kim khí quý, đá quý theo gói, hộp nguyên niêm phong

1. Khi xuất giao hiện vật theo nguyên gói, hộp niêm phong phải có các giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Thông tư này, biên bản giao nhận và hợp đồng bảo quản (nếu có) đã nhận trước đây. Đối với tài sản gửi vào kho Ngân hàng Nhà nước phải có các giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Thông tư này, biên bản giao nhận và văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đối với tài sản đó.

2. Khi giao hiện vật phải lập biên bản giao nhận theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này và xuất nguyên gói, hộp theo biên bản giao nhận đã nhận lần trước.

Trường hợp bên nhận chỉ nhận một phần trong gói, hộp thì phải làm thủ tục giao trả gọn gói, hộp, sau đó làm thủ tục nhận phần còn lại theo gói, hộp nguyên niêm phong mới.

3. Việc mở gói, hộp niêm phong phải do chính người có tên trên niêm phong hoặc người được ủy quyền thực hiện.

Trước khi giao, bên giao yêu cầu bên nhận kiểm tra kỹ niêm phong và bên ngoài gói, hộp. Sau khi giao, bên nhận phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về số lượng, chất lượng tài sản trong gói, hộp. Nếu thấy cần thiết, bên nhận có quyền mời cơ quan chức năng đến giám định niêm phong và tình trạng bên ngoài gói, hộp trước khi mở gói, hộp niêm phong.

Trường hợp niêm phong bị mất hoặc rách, mờ, không xác định được nội dung ghi trên niêm phong thì hai bên cùng thống nhất cách thức xử lý hoặc mời đại diện cơ quan chức năng đến giám định.

Mục 3: GIAO NHẬN VÀNG MIẾNG, VÀNG NGUYÊN LIỆU

Điều 17. Nhận vàng miếng, vàng nguyên liệu

1. Ngân hàng Nhà nước nhận vàng miếng mua của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng (sau đây gọi tắt là tổ chức tín dụng, doanh nghiệp) theo văn bản xác nhận giao dịch mua, bán vàng miếng giữa Ngân hàng Nhà nước với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp; thực hiện kiểm đếm, nhận và ghi số sê ri theo miếng nguyên bao bì của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cho phép sản xuất và đơn vị gia công.

Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp vẫn tiếp tục chịu trách nhiệm với Ngân hàng Nhà nước về chất lượng, khối lượng vàng miếng đã bán cho Ngân hàng Nhà nước cho đến khi Ngân hàng Nhà nước bán hoặc kiểm định đạt chất lượng đối với số vàng này.

Trường hợp cần thiết phải tổ chức kiểm định lại chất lượng vàng sau khi kiểm đếm và đã nhận theo miếng nguyên bao bì, Ngân hàng Nhà nước tự tổ chức thực hiện hoặc thuê tổ chức khác kiểm định; việc kiểm định phải có sự chứng kiến của người đại diện tổ chức tín dụng, doanh nghiệp giao vàng. Trường hợp tổ chức tín dụng, doanh nghiệp giao vàng không cử người chứng kiến, phải có thông báo bằng văn bản cho Ngân hàng Nhà nước và chấp nhận kết quả kiểm định.

2. Ngân hàng Nhà nước nhận sản phẩm vàng miếng gia công từ vàng nguyên liệu theo hợp đồng gia công vàng miếng giữa Ngân hàng Nhà nước với đơn vị gia công thực hiện kiểm đếm và nhận theo miếng nguyên bao bì của đơn vị gia công.

3. Ngân hàng Nhà nước nhận vàng nguyên liệu theo hợp đồng nhập khẩu (trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước trực tiếp nhập khẩu) hoặc giấy tờ khác theo quy định (trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước không trực tiếp nhập khẩu) thực hiện nhận theo gói, kiện nguyên niêm phong của nhà sản xuất.

4. Khi nhận vàng miếng, vàng nguyên liệu đối với các trường hợp quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều này, tổ trưởng phải thực hiện kiểm soát đầy đủ giấy tờ hợp pháp, hợp lệ đối với tài sản. Các giấy tờ bao gồm: văn bản xác nhận giao dịch mua, bán vàng miếng giữa Ngân hàng Nhà nước với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp; giấy ủy quyền của cấp có thẩm quyền đơn vị giao; chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao và các giấy tờ cần thiết khác.

5. Khi nhận vàng miếng, vàng nguyên liệu đối với các trường hợp quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều này phải lập biên bản giao nhận theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 18. Giao vàng miếng, vàng nguyên liệu

1. Ngân hàng Nhà nước giao vàng miếng cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp theo văn bản xác nhận giao dịch mua, bán vàng miếng giữa Ngân hàng Nhà nước với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước thực hiện giao và tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tổ chức kiểm đếm và nhận vàng theo miếng nguyên bao bì của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cho phép sản xuất và đơn vị gia công, ưu tiên giao vàng miếng do chính tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã bán cho Ngân hàng Nhà nước trước đây.

2. Ngân hàng Nhà nước giao vàng nguyên liệu cho đơn vị gia công để gia công thành vàng miếng theo hợp đồng gia công vàng miếng giữa Ngân hàng Nhà nước với đơn vị gia công thực hiện giao theo gói, kiện nguyên niêm phong của nhà sản xuất.

Đơn vị gia công kiểm tra khối lượng và kiểm định chất lượng vàng nguyên liệu do Ngân hàng Nhà nước giao để gia công thành vàng miếng dưới sự chứng kiến và giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

3. Ngân hàng Nhà nước giao vàng nguyên liệu theo hợp đồng xuất khẩu (hoặc ủy thác xuất khẩu) giữa Ngân hàng Nhà nước với đối tác nước ngoài được thực hiện theo quy định của hợp đồng.

4. Khi giao vàng miếng, vàng nguyên liệu đối với các trường hợp quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều này phải có đầy đủ các giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Thông tư này và văn bản xác nhận giao dịch mua, bán vàng miếng giữa Ngân hàng Nhà nước với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp.

5. Khi giao vàng miếng, vàng nguyên liệu đối với các trường hợp quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều này phải lập biên bản giao nhận theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Thông tư 17/2014/TT-NHNN về phân loại, đóng gói, giao nhận kim khí quý, đá quý do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 17/2014/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 01/08/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đào Minh Tú
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 777 đến số 778
  • Ngày hiệu lực: 15/09/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH