Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 165-HĐBT

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 1984

THÔNG TƯ

CỦA HỘI ĐỘNG BỘ TRƯỞNG SỐ 165-HĐBT NGÀY 15-12-1984 HƯỚNG DẪN CUỘC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ VÀ ĐẶC KHU TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG NHIỆM KỲ 1985 - 1989

Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương vào ngày 21 tháng 4 năm 1985.

Các ngành, các cấp cần căn cứ vào chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo cuộc bầu cử này và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân số 18-HĐBT ngày 30-1-1984 để tiến hành cuộc bầu cử bảo đảm dân chủ, đúng pháp luật và đạt kết quả tốt.

Trong khi thực hiện cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

1. Về công tác tuyên truyền:

Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng cho cán bộ, nhân viên, các lực lượng vũ trang và nhân dân nắm được mục đích, yêu cầu của cuộc bầu cử lần này là trên cơ sở phát huy quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân lựa chọn người xứng đáng để bầu vào cơ quan quyền lực và cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương; tạo ra sự nhất trí cao trong nhân dân, động viên mọi người hăng hái tham gia xây dựng chính quyền, thực hiện kế hoạch Nhà nước và các chủ trương chính sách của Nhà nước ở địa phương.

Cần làm cho nhân dân nắm vững cơ cấu của Hội đồng Nhân dân, tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng Nhân dân để việc giới thiệu người ra ứng cử đạt hiệu quả.

2. Việc kiểm điểm nhiệm kỳ 1981 - 1985 của Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân là khâu mở đầu quan trọng cho quá trình vận động bầu cử, cần làm tốt để rút ra những bài học kinh nghiệm cho hoạt động của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân nhiệm kỳ tới. Uỷ ban Nhân dân cùng các ban chuyên trách của Hội đồng Nhân dân cần có đề cương kiểm điểm gửi đến cho các đại biểu, đồng thời tổ chức các cuộc tiếp xúc với tập thể cử tri ở đơn vị bầu cử để cử tri trực tiếp đóng góp ý kiến đối với hoạt động của Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân và từng đại biểu trong nhiệm kỳ vừa qua. Mặt khác cần động viên cử tri tự phê bình trách nhiệm của mình đối với việc xây dựng chính quyền và chấp hành pháp luật, chính sách của Nhà nước. Việc kiểm điểm phê bình và tự phê bình phải bảo đảm có nội dung thiết thực, đạt được sự nhất trí về chính trị và tinh thần ngày càng cao của nhân dân đối với cuộc bầu cử cũng như đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

3. Về số đại biểu và việc lựa chọn người ra ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân:

Uỷ ban Nhân dân tỉnh và cấp tương đương, căn cứ dân số của địa phương mà dự kiến số đại biểu sẽ được bầu và báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Những nơi có nhiền dân tộc sống xen kẽ hoặc có nhiều công nhân cần xin tăng thêm số đại biểu thì phải báo cáo và được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho phép.

Về cơ cấu Hội đồng Nhân dân, phải giới thiệu người ra ứng cử để sau khi bầu cử có tỷ lệ từ 50% trở lên là thành phần công nhân, nông dân tập thể đang trực tiếp tham gia sản xuất, 30% là nữ, 30% là lực lượng trẻ (dưới 35 tuổi), 30% đến 50% là cán bộ khoa học và kỹ thuật, trí thức xã hội chủ nghĩa; ở những nơi có đồng bào dân tộc phải có tỷ lệ thích đáng là người dân tộc; cán bộ lãnh đạo ở các ngành và cán bộ quản lý cần có tỷ lệ thích đáng để giữ vị trí nòng cốt trong tổ chức và hoạt động của chính quyền. Số đại biểu Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ trước tái cử không quá 50%. Để bảo đảm cơ cấu và tỷ lệ trên, Uỷ ban Nhân dân phải phối hợp với Mặt trận tổ quốc đồng cấp tổ chức cho cử tri trao đổi thảo luận và đề cử người một cách dân chủ, khắc phục cách giới thiệu gò ép hoặc buông lơi trong tổ chức chỉ đạo việc giới thiệu người ra ứng cử.

4. Việc lập danh sách cử tri:

Uỷ ban Nhân dân xã, phường, thị trấn căn cứ vào Luật bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân ngày 26-12-1983; Nghị quyết số 498-NQ/HĐNN7 ngày 29-2-1984 của Hội đồng Nhà nước; Thông tư số 18-HĐBT ngày 30-1-1984 của Hội đồng Bộ trưởng để lập danh sách cử tri. Cần soát xét kỹ lưỡng danh sách cử tri; trường hợp còn vấn đề nghi vấn, phải dựa vào nhân dân để thẩm tra cho rõ ràng. Những người có quyền bầu cử nhưng ở địa phương khác thì đến Uỷ ban Nhân dân xã (phường, thị trấn) xét và quyết định việc ghi tên vào danh sách cử tri.

Các cơ quan, xí nghiệp của trung ương đóng tại địa phương nào đều phải tham gia bầu cử tại địa phương đó. Các đơn vị quân đội thuộc lực lượng cơ động của Bộ Quốc phòng thì do Bộ Quốc phòng xét, quyết định việc tham gia bầu cử.

5. Việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử:

Cần lựa chọn những người có kinh nghiệm, có năng lực và uy tín trong nhân dân để đưa vào các tổ bầu cử, ban bầu cử, hội đồng bầu cử. Cần hướng dẫn chu đáo về chuyên môn nghiệp vụ công tác bầu cử cho những người được lựa chọn, bảo đảm không có sai sót đáng tiếc xảy ra trong quá trình thực hiện bầu cử.

6. Việc bầu cử Uỷ ban Nhân dân:

Phải thi hành theo đúng chỉ thị của Ban Bí thư trung ương Đảng, Điều 50 của Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân và Thông tư số 66-HĐBT ngày 20-4-1984 của Hội đồng Bộ trưởng; cần tổ chức cho các tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân thảo luận nắm vững tiêu chuẩn để lựa chọn những người có uy tín và năng lực về quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội để bầu vào Uỷ ban Nhân dân. Trong số thành viên Uỷ ban Nhân dân phải có một số người là nữ. Cần lựa chọn những đại biểu Hội đồng Nhân dân là nữ có đủ tiêu chuẩn để bầu vào bộ phận thường trực Uỷ ban Nhân dân. Về uỷ viên thư ký Uỷ ban Nhân dân, ngoài các tiêu chuẩn chung, còn phải thông thạo pháp luật và các thể lệ, thủ tục về hành chính Nhà nước.

Ban Tổ chức của Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hướng dẫn lại việc phân công trong Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố cho phù hợp với số lượng thành viên và khối lượng công việc hiện nay của cấp tỉnh, thành phố.

7. Công tác tổ chức chỉ đạo cuộc bầu cử:

a) Dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố phối hợp với Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân ở địa phương để lập ra hội đồng bầu cử.

Trong quá trình chuẩn bị và trong khi bầu cử, cần chú trọng bảo đảm an toàn, trật tự cho nhân dân yên tâm tham gia bầu cử.

b) Các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, trong phạm vi chức trách của mình, có kế hoạch phục vụ cuộc bầu cử.

c) Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện cuộc bầu cử lên Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước.

Ban tổ chức của Chính phủ có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương tiến hành bầu cử và tổng hợp tình hình, kết quả cuộc bầu cử báo cáo lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Tố Hữu

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 165-HĐBT-1984 hướng dẫn cuộc bầu cử đại biểu HĐND và UBND Tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 1985-1989 do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 165-HĐBT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/12/1984
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Tố Hữu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 24
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản