Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 164/1998/TT-BTC

Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 1998

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 164/1998/TT/BTC NGÀY 17 THÁNG 12 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN THUẾ GÍA TRỊ GIA TĂNG (GTGT) ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG

Căn cứ Luật thuế giá trị gia tăng số 02/1997/QH ngày 10/5/1997;
Căn cứ Nghị định số 28/1998/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng;
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 89/1998/TT-BTC ngày 27/6/1998 hướng dẫn thi hành Nghị định số 28/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng;
Để việc thực hiện Luật thuế giá trị gia tăng phù hợp với hoạt động kinh doanh dịch vụ bưu chính viễn thông, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể thêm thuế GTGT đối với dịch vụ này như sau:

I - PHẠM VI ÁP DỤNG THUẾ GTGT

1- Đối tượng chịu thuế GTGT:

Đối tượng chịu thuế GTGT đối với dịch vụ bưu chính viễn thông bao gồm:

- Dịch vụ bưu chính: Tem; Bưu kiện; Bưu phẩm; Điện hoa; dịch vụ bưu chính khác;

- Dịch vụ viễn thông bao gồm: Điện thoại; thẻ điện thoại; điện báo; telex, fax; lắp đặt điện thoại; dịch vụ viễn thông khác;

- Dịch vụ bưu chính viễn thông quốc tế được thực hiện tại Việt Nam.

2 - Đối tượng không chịu thuế GTGT:

- Dịch vụ bưu chính viễn thông quốc tế do các Công ty bưu chính, viễn thông nước ngoài thanh toán cho Công ty Bưu chính, viễn thông Việt nam theo thông lệ quốc tế.

- Dịch vụ bưu chính viễn thông quốc tế được thực hiện từ nước ngoài vào Việt Nam;

- Dịch vụ phát hành báo chí và truyền trang báo, phát sóng truyền hình trong nước.

3 - Đối tượng nộp thuế GTGT:

Đối tượng nộp thuế GTGT là các Công ty có hoạt động bưu chính viễn thông cụ thể là:

- Công ty hạch toán kinh tế độc lập; Bên nước ngoài hợp đồng hợp tác liên doanh theo quy định của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt nam (gọi tắt là Công ty hạch toán độc lập).

- Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam bao gồm:

+ Văn phòng Tổng công ty.

+ Bưu điện các tỉnh, thành phố trực thuộc TW, các Công ty viễn thông quốc tế (VTI), Công ty viễn thông liên tỉnh (VTN), Công ty bưu chính liên tỉnh và quốc tế (VPS), Công ty điện toán truyền số liệu (VDC), Công ty dịch vụ viễn thông (GPC), Công ty phát hành báo chí TW (PHBCTW), cục bưu điện TW (gọi tắt là công ty);

+ Các Trung tâm thuộc các Công ty mà các Trung tâm này đóng ở tỉnh khác với tỉnh của Công ty đóng trụ sở .

+ Các tổ chức hoạt động dịch vụ bưu chính viễn thông khác.

II - PHƯƠNG PHÁP TÍNH THUẾ

Thuế GTGT phải nộp đối với Công ty, Tổng Công ty và các đơn vị trực thuộc tính theo phương pháp khấu trừ thuế:

Thuế GTGT phải nộp

=

Thuế GTGT đầu ra

-

Thuế GTGT đầu vào

Thuế GTGT đầu ra và thuế GTGT đầu vào được xác định như sau:

1. Thuế GTGT đầu ra:

- Thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra bằng số lượng hàng hóa, dịch vụ bán ra nhân (x) với giá bán, nhân (x) với thuế suất thuế GTGT.

- Giá bán được xác định là giá chưa có thuế GTGT. Riêng giá bán tem thư (bao gồm tem in và tem máy, thẻ điện thoại) là giá đã có thuế GTGT, khi tính thuế GTGT đầu ra đối với tem thư, thẻ điện thoại phải xác định lại giá chưa có thuế để làm căn cứ tính thuế.

Giá chưâ có thuế

=

Giá bán

1+ thuế suất thuế GTGT (10%)

Ví dụ 1: Trong tháng 1/1999, Bưu điện tỉnh A có tổng doanh thu bán tem thư là 11trđ. Doanh thu không có thuế và thuế GTGT đầu ra của tem bán trong tháng 1/1999 là:

Doanh thu chưa có thuế GTGT

=

11 trđ

1 + 10%

=

10 trđ

- Thuế GTGT đầu ra = 10 trđ x 10% = 1 trđ

- Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ bưu chính viễn thông có thu thêm khoản phí phục vụ hoặc phụ thu mà cơ sở kinh doanh được hưởng thì giá tính thuế bao gồm cả khoản phí hoặc phụ thu.

Ví dụ 2: Khách sạn A có hoạt động thu cước phí điện thoại:

+ Giá cước (giá chưa có thuế) 50.000 đ

+ Phụ thu (10%) 5.000 đ

+ Gía tính thuế GTGT: 55.000 đ

+ Thuế GTGT đầu ra (10%) 5.500 đ

- Thuế GTGT đầu ra trong một số trường hợp được xác định như sau:

Trường hợp các đơn vị có hợp đồng hợp tác kinh doanh dịch vụ bưu chính viễn thông với các đơn vị khác theo hình thức chia doanh thu, từng đơn vị kê khai nộp thuế GTGT, TNDN độc lập, các bên tham gia hợp đồng khi chia doanh thu phải chia thuế GTGT đầu ra tính trên doanh thu làm căn cứ xác định thuế GTGT phải nộp ở từng đơn vị.

Ví dụ 3: Bưu điện tỉnh A hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty B theo phương thức chia doanh thu theo tỷ lệ Bưu điện tỉnh A = 60%, Công ty B = 40%, trong tháng 1/1999 Bưu điện tỉnh A tổng hợp doanh thu không có thuế 100 trđ, thuế GTGT đầu ra 10trđ, thuế GTGT và doanh thu được hưởng của từng bên được xác định như sau:

- Doanh thu Bưu điện tỉnh A được hưởng 100trđ x 60% = 60trđ, Công ty B được hưởng 100 tr.đ x 40% = 40trđ.

Thuế GTGT đầu ra tương ứng với doanh thu Bưu điện tỉnh A = 10tr x 60% = 6trđ, Công ty B = 10 tr.đ x 40% = 4trđ.

Công ty B phải xuất hoá đơn GTGT cho Bưu điện tỉnh A để Bưu điện tỉnh A có căn cứ giảm trừ doanh thu và thuế GTGT đầu ra.

Trường hợp điều chuyển doanh thu giữa các đơn vị phụ thuộc mà việc nộp thuế thu nhập được tập trung tại trụ sở chính thì chỉ điều chuyển doanh thu không có thuế GTGT, thuế GTGT đầu ra, đầu vào phát sinh ở đơn vị nào do đơn vị đó trực tiếp kê khai nộp thuế.

2. Thuế GTGT đầu vào

Các đối tượng nộp thuế như quy định tại điểm 3 mục I Thông tư này có trách nhiệm kê khai xác định thuế GTGT đầu vào theo nguyên tắc: thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua vào dùng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT phát sinh trong tháng nào thì được tổng hợp kê khai tính khấu trừ ngay trong tháng; trường hợp trong tháng kê khai nộp thuế có thuế GTGT đầu vào được khấu trừ lớn hơn thuế GTGT đầu ra thì được tính khấu trừ tiếp vào tháng kê khai thuế tiếp sau.

Đối với các đơn vị có doanh thu hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT, đơn vị phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT để xác định thuế đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ, thuế GTGT phải nộp. Trường hợp đơn vị không hạch toán riêng được thì áp dụng phương pháp tính phân bổ theo tỷ lệ (%) doanh thu chịu thuế GTGT so với tổng doanh thu để xác định thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.

Ví dụ: Công ty phát hành báo trong tháng kê khai thuế GTGT có: Tổng doanh thu các hàng hóa, dịch vụ là 200 tr đ, trong đó doanh thu phát hành báo không chịu thuế GTGT là 150 trđ, doanh thu chịu thuế là 50 trđ, thuế GTGT đầu ra 5trđ, tổng thuế GTGT đầu vào trong tháng (không hạch toán riêng được) là 8trđ. Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ trọng (%) doanh thu bằng:

8 trđ

x

50 trđ (DT chịu thuế)

200 trđ (tổng DT)

=

2 trđ

Thuế GTGT phải nộp = 5 trđ - 2 trđ = 3 trđ.

Trường hợp cơ sở có doanh thu hoạt động không chịu thuế nhỏ chiếm dưới 2% tổng doanh thu, để đơn giản thủ tục phân bổ thuế đầu vào hàng tháng thì có thể tổng hợp và tính phân bổ số thuế đầu vào của doanh thu không chịu thuế khi quyết toán thuế GTGT năm.

Ví dụ: Bưu điện tỉnh A đến tháng 5 năm 1999 có doanh thu không chịu thuế bình quân tháng so với tổng doanh thu là 2% thì đến tháng 5 chưa phải kê khai phân bổ thuế đầu vào. Nhưng đến tháng 8 có bình quân tháng về doanh thu không chịu thuế là 5% thì phải thực hiện kê khai phân bổ thuế đầu vào của 8 tháng.

III/ KÊ KHAI, NỘP THUẾ GTGT

1. Đối với Công ty hạch toán kinh tế độc lập

- Các đơn vị hạch toán kinh tế độc lập kê khai, nộp thuế GTGT tại địa phương nơi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nếu Công ty và các đơn vị này có các chi nhánh, cửa hàng... hạch toán phụ thuộc cùng hoạt động kinh doanh tại địa phương nơi Công ty, đơn vị đóng trụ sở thì thuế GTGT do Công ty, đơn vị kê khai nộp tập trung thay cho các chi nhánh, cửa hàng trực thuộc. Nếu chi nhánh cửa hàng trực thuộc hoạt động kinh doanh ở địa phương khác thì chi nhánh, cửa hàng phải kê khai nộp thuế GTGT tại địa phương nơi kinh doanh (địa phương nêu trong Thông tư này được xác định là tỉnh, thành phố)

2. Đối với Tổng công ty (TCTy) Bưu chính viễn thông Việt Nam

a/ Đối với Bưu điện tỉnh, thành phố trực thuộc TW (gọi là Bưu điện tỉnh)

Bưu điện tỉnh là đối tượng phải kê khai nộp thuế GTGT tại Cục thuế tỉnh đối với toàn bộ hoạt động kinh doanh dịch vụ bưu chính viễn thông và dịch vụ khác. Bưu điện quận, huyện, xã trực thuộc Bưu điện tỉnh không phải kê khai nộp thuế GTGT, nhưng hàng tháng phải lập bảng kê khai toàn bộ doanh thu về dịch vụ bưu chính viễn thông và dịch vụ khác, kê khai chứng từ hoá đơn GTGT của hàng hoá, dịch vụ mua vào, kê khai thuế GTGT đầu ra, đầu vào phát sinh tại cơ sở và gửi bảng kê về Bưu điện tỉnh để Bưu điện tỉnh thực hiện nộp thuế vào Ngân sách Nhà nước (mẫu bảng kê và thời gian gửi bảng kê do TCTy Bưu chính viễn thông Việt nam quy định cụ thể, sau khi có thỏa thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính).

Bưu điện tỉnh khi kê khai thuế GTGT hàng tháng phải kê khai chi tiết hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra, thuế GTGT đầu ra, đầu vào phát sinh tại bưu điện tỉnh; đối với các chứng từ, hóa đơn phát sinh ở bưu điện quận, huyện và đơn vị trực thuộc không phải kê khai theo từng chứng từ mà chỉ kê số tổng hợp theo bảng kê các đơn vị phụ thuộc gửi lên (mỗi đơn vị ghi một dòng trong bảng kê) mẫu bảng kê thực hiện theo mẫu quy định kèm theo Thông tư số 89/1998/TT-BTC ngày 27 tháng 6 năm 1998 của Bộ Tài chính.

Trường hợp các đơn vị có kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ bưu chính viễn thông mà từng lần bán hàng, thu tiền dịch vụ thấp dưới mức phải lập hóa đơn (dưới 100.000đ) thí dụ: dịch vụ bưu điện (gọi điện thoại, bán phong bì thư v.v....) nếu khách hàng không yêu cầu lập hóa đơn thì được lập bảng kê hàng hóa, dịch vụ bán lẻ, tổng hợp bảng kê bán lẻ trong ngày, hoặc một số ngày để lập hóa đơn hàng hóa, dịch vụ bán lẻ. Trường hợp cung ứng dịch vụ có tính đặc thù khác để phát hành hoá đơn đặc thù phù hợp với đăng ký kinh doanh Công ty phải đăng ký với Tổng cục thuế.

Hàng tháng, các Bưu điện tỉnh căn cứ vào số thuế GTGT phải nộp được xác định trên tờ khai thuế, nộp tại cơ quan thuế tỉnh 60% số thuế phải nộp, 40% chuyển về Văn phòng TCTy để làm quỹ điều hoà cấp cho các Bưu điện tỉnh có chênh lệch âm (-) giữa số thuế đầu ra trừ (-) số thuế đầu vào. Trong mọi trường hợp, các Bưu điện tỉnh có số chênh lệch dương (có thuế phải nộp) hoặc số âm (có thuế được hoàn) đều phải kê khai và nộp tờ khai thuế GTGT cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý.

b/ Đối với Công ty trực thuộc TCTy (gọi là Công ty trực thuộc)

Công ty trực thuộc là đối tượng phải kê khai thuế GTGT cho cơ quan thuế nơi Công ty đóng trụ sở. Trường hợp Công ty có các Trung tâm đóng ở tỉnh khác thì từng trung tâm có trách nhiệm kê khai nộp thuế GTGT tại cơ quan thuế tỉnh theo chế độ quy định. Trung tâm đóng tại tỉnh cùng nơi Công ty đóng trụ sở thì Trung tâm không phải kê khai nộp thuế GTGT, nhưng hàng tháng thực hiện lập bảng kê thuế GTGT như quy định đối với các Bưu điện quận huyện và gửi bảng kê về Công ty để Công ty thực hiện tổng hợp kê khai, nộp thuế vào NSNN.

Hàng tháng các Công ty trực thuộc thực hiện kê khai và nộp thuế GTGT như quy định đối với các Bưu điện tỉnh, nộp tại cơ quan thuế tỉnh 60% số thuế phải nộp, 40% chuyển về Văn phòng Tổng công ty).

c/ Đối với Văn phòng TCTy Bưu chính viễn thông

Tổng công ty có trách nhiệm tổng hợp, kê khai số thuế GTGT phải nộp của toàn ngành trên cơ sở số liệu kê khai từng tháng của các Công ty. Cuối mỗi quý, chậm nhất là sau 15 ngày của tháng đầu quý Văn phòng TCTy có trách nhiệm kê khai toàn bộ số thuế phải nộp của toàn TCTy, cụ thể là:

1. Tổng số thuế GTGT đầu ra

2. Tổng số thuế GTGT đầu vào

3. Số thuế GTGT phải nộp (1-2)

4. Số thuế GTGT đã nộp ở các Công ty

5. Số thuế GTGT cấp cho các Công ty

6. Số thuế GTGT còn phải nộp (3 - 4 - 5)

2/ Hoàn thuế GTGT:

Các Công ty, đơn vị kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thuộc đối tượng phải kê khai nộp thuế GTGT, nếu phát sinh thuế đầu vào được khấu trừ lớn hơn thuế đầu ra thuộc trường hợp được hoàn thuế GTGT thì Công ty, đơn vị phải lập hồ sơ đề nghị hoàn thuế theo chế độ gửi cơ quan thuế xét giải quyết hoàn thuế cho Công ty, đơn vị.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1) Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn Bưu điện các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc Tổng công ty thực hiện kê khai, tính thuế, nộp thuế GTGT theo hướng dẫn tại Thông tư này.

2) Về hoá đơn, chứng từ: Hoá đơn thu cước bưu chính viễn thông phải thực hiện theo đúng chế độ hoá đơn, chứng từ; Trường hợp Tổng công ty và các Bưu điện tỉnh cần thực hiện hoá đơn tự in phải đăng ký với cơ quan thuế theo quy định. Đối với doanh thu cước điện thoại phát sinh tháng 12/1998, nếu xuất hoá đơn năm 1998 thì áp dụng thuế doanh thu. Các hoá đơn xuất từ 1/1/1999 thì áp dụng thuế GTGT.

3) Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/1999. Các nội dung khác không hướng dẫn tại Thông tư này vẫn được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 89/1998/TT/BTC ngày 27/6/1998 của Bộ Tài chính.

Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết.

Phạm Văn Trọng

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 164/1998/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hoạt động dịch vụ bưu chính viễn thông do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 164/1998/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 17/12/1998
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Phạm Văn Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 6
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản