Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16-BYT/TT

Hà Nội, ngày 07 tháng 5 năm 1991

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ SỐ 16-BYT/TT NGÀY 7 THÁNG 5 NĂM 1991 HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NGOẠI TỆ DO CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ TÀI TRỢ CHO CÁC CHƯƠNG TRÌNH, CÁC ĐỀ ÁN HỢP TÁC TRONG NGÀNH Y TẾ

Căn cứ vào Quyết định số 114/CT ngày 10/5/1989 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư Liên bộ Y tế - Tài chính số 13/TT-LB ngày 15/6/1989 cho phép và hướng dẫn sử dụng ngoại tệ viện trợ và ngoại tệ chuyên gia đóng góp của ngành Y tế. Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10 BYT/TT ngày 8/4/1988 và Thông tư 22/BYT-TT ngày 20/11/1990 hướng dẫn việc quản lý và sử dụng nguồn ngoại tệ do các tổ chức quốc tế tài trợ cho các đơn vị, các đề án, các chương trình. Nay điều chỉnh và bổ sung một số điểm để phù hợp với tình hình thực tế như sau:

A. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Số ngoại tệ do các tổ chức quốc tế, các nước tài trợ cho Ngành y tế theo các chương trình hợp tác là một nguồn bổ sung cho ngân sách của Ngành y tế, các đơn vị trong Ngành y tế được tài trợ đều phải quản lý và sử dụng theo đúng quy định thống nhất của Nhà nước.

2. Số tiền tài trợ cho đơn vị nào thì đơn vị ấy được sử dụng 100% để đảm bảo hoàn thành tốt mục tiêu chương trình đã xác định với cơ quan tài trợ.

3. Các khoản chi trong nước chỉ được chi bằng tiền đồng Việt Nam (Không chỉ ngoại tệ trong nước) nếu đặt hàng ở nước ngoài phải đặt qua VIMEDIMEX là cơ quan đã được Bộ Y tế giao nhiệm vụ (nếu VIMEDIMEX từ chối đặt hàng, không đặt mua được hàng hoặc giá cả bất hợp lý, đơn vị có văn bản đề nghị, Bộ sẽ xem xét cho đặt hàng tại nơi khác).

4. Toàn bộ các khoản thu, chi và các loại tài sản vật tư mua từ nguồn tài trợ, dưới mọi hình thức đều phải ghi chép vào sổ sách kế toán của đơn vị và coi đó là nguồn kinh phí, tài sản, vật tư Nhà nước giao cho đơn vị quản lý và sử dụng.

B. QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG

I. CÁC KHOẢN NGOẠI TỆ MANG TÍNH CHẤT THÙ LAO CHẤT XÁM ĐÃ ĐƯỢC BỘ Y TẾ CHO PHÉP VÀ CÓ THÔNG BÁO CỦA CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ

Các khoản ngoại tệ được các tổ chức quốc tế tài trợ mang tính chất thù lao chất xám cho các đề tài, bài viết, bài giảng của cá nhân, tập thể hưởng theo quy định tại Công văn số 3157 V7 ngày 18/7/1986 của Hội đồng Bộ trưởng.

II. CÁC KHOẢN NGOẠI TỆ KHÁC CỦA CÁC CHƯƠNG TRÌNH Y TẾ QUỐC GIA NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, CÁC LỚP HỌC, HỘI THẢO... SẼ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NHƯ SAU:

1. Khi nhận được thông báo về số tiền được tài trợ, các đơn vị được tài trợ làm thủ tục chuyển toàn bộ số tiền tài trợ nói trên về tài khoản của Bộ Y tế để thống nhất quản lý.

2. Bộ Y tế sẽ chuyển ngay số tiền tài trợ trên để đơn vị sử dụng theo sau đây:

a. Đối với ngoại tệ: Bộ Y tế sẽ chuyển về VIMEDIMEX theo đề nghị của đồng chí Chủ nhiệm dự án khi cần chi.

b. Đối với tiền đồng Việt Nam: Bộ Y tế (Vụ Tài chính - Kế toán) sẽ chuyển thẳng về tài khoản tiền gửi của đơn vị được tài trợ để sử dụng. Nếu đề án đó do các Vụ, Ban, Văn phòng Bộ quản lý thì toàn bộ số tiền được tài trợ Bộ sẽ chuyển về tài khoản, tiền gửi vãng lai của Văn phòng Bộ để Chủ nhiệm các đề án chủ động chi theo chế độ với sự giúp đỡ quản lý của Văn phòng.

c. Vụ Tài chính - Kế toán chỉ đạo, giúp đỡ để VIMEDIMEX, kế toán văn phòng Bộ, kế toán các đơn vị nhận viện trợ, luôn luôn đáp ứng kịp thời tiền chi cho chương trình khi Chủ nhiệm chương trình yêu cầu.

d. Từ 1/5/1991 Bộ Y tế chỉ hướng dẫn nguyên tắc, mức cho và không duyệt cụ thể từng khoản chi cho các lớp học, tập huấn hội thảo ... Đồng chí Chủ nhiệm đề án quyết định và chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc sử dụng chi tiêu các khoản tiền được tài trợ theo chế độ để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu chương trình đã hợp đồng với cơ quan tài trợ và chỉ được chi trong giới hạn số tiền được tài trợ cho đề án. Riêng đối với các đồng chí Chủ nhiệm đề án, chương trình nếu không phải là giám đốc hoặc phó giám đốc của đơn vị thì phải bàn xin ý kiến để các đồng chí đó đồng ý và ký các giấy tờ thu chi theo quy định của Nhà nước.

đ. Đồng chí Chủ nhiệm các chương trình chịu trách nhiệm lập kế hoạch chi cho công tác NCKH, mở các lớp huấn luyện hội thảo, chi cho chương trình y tế quốc gia ... như nội dung đã thoả thuận với các tổ chức quốc tế và phải thực hiện theo những quy định hướng dẫn về chi tiêu của Bộ tại mục III dưới đây:

III. CÁC QUY ĐỊNH VÀ HƯỚNG DẪN CHI TIÊU

1. Khi có nhu cầu chi, đơn vị lập dự toán cụ thể chi tiết để đồng chí Chủ nhiệm đề án duyệt chi và chịu trách nhiệm quản lý sử dụng (giống như đồng chí Giám đốc quản lý chi tiêu phần kinh phí hạn mức do Bộ Y tế cấp cho đơn vị).

2. Dự toán chi bao gồm các khoản sau:

a. Các khoản chi cho các hoạt động đã thoả thuận với Tổ chức quốc tế gồm:

- Chi cho điều tra, đánh giá, giám sát chương trình

- Chi cho xuất bản, các tài liệu và dịch thuật

- Chi ăn, ở của: các đại biểu, giảng viên, cán bộ tổ chức

- Chi thuê hội trường, máy móc chuyên dùng, văn phòng phẩm, tài liệu học tập

- Tiền tàu xe đi lại cho đại biểu, giảng viên

- Tiền bồi dưỡng giảng viên tại các lớp học

b. Các khoản chi để duy trì hoạt động của các chương trình, đề án:

- Lương cho cán bộ hợp đồng tạm tuyển

- Công tác phí

- Chi trang bị cho cơ quan điều hành (bàn ghế, văn phòng phẩm)

- Sửa chữa nhà cửa

- Chi tiếp khách

3. Mức chi tiêu: Tạm quy ra USD để định mức, nhưng khi chi tiêu phải quy ra tiền Việt Nam để chi

a. Đối với lớp học, hội thảo:

- Toàn bộ các khoản chi bao gồm: (ăn, ở, thuê hội trường, máy móc, tài liệu, tàu xe đi lại và bồi dưỡng giảng viên) tính bình quân cho 1 thành viên tham dự là 4 USD/ngày/người.

- Các đại biểu không ăn, ở do Ban tổ chức bố trí được thanh toán tối đa 2 USD/ngày/người.

b. Chế độ công tác phí:

- Chương trình được chi tiền vé máy bay cho cán bộ Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm chương trình và khách mời do đích thân Chủ nhiệm chương trình ký giấy mời.

- Các cán bộ khác, các chương trình thanh toán vé tàu hoả hoặc ô tô

- Khi cử cán bộ đi công tác, Chủ nhiệm chương trình phải quy định rõ thời gian, phụ cấp lưu trú tính theo ngày công tác tương đương với 2 USD/ngày/người.

c. Chế độ tiếp khách: Chỉ chi khi thật cần thiết

- Chi 1 USD/ngày/người cho giải khát

- Chi ăn từ 1 - 2 USD/bữa/người

Trường hợp đặc biệt tiếp khách nước ngoài do Chủ nhiệm chương trình quyết định, nhưng chi bìnhquân không quá 4 USD 1 bữa/người.

IV. CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN VÀ BÁO CÁO QUYẾT TOÁN

1. Các chương trình có tài trợ hoạt động độc lập hoặc được đặt tại một đơn vị sự nghiệp y tế đều phải có kế toán theo dõi và phải mở sổ sách kế toán hạch toán các khoản thu, chi ngoại tệ và tiền đồng Việt Nam theo đúng các quy định về chế độ kế toán của Nhà nước.

2. Thực hiện nghiêm túc việc báo cáo quyết toán cho Bộ Y tế theo định kỳ từng quý, thời hạn gửi báo cáo chậm nhất là 15 ngày tháng sau quý. Báo cáo quyết toán phải phản ánh toàn bộ các khoản chi tiêu của chương trình. Riêng các lớp học, hội thảo thì gửi quyết toán toàn bộ các khoản chi tiêu về Bộ Y tế sau khi lớp học, hội thảo kết thúc 15 ngày để Bộ Y tế tổng hợp và đánh giá.

Số tiền tiết kiệm (nếu có) so với dự toán và đã được Chủ nhiệm chương trình duyệt, được chi thưởng cho CBCNV của đơn vị tối đa 25%, số còn lại để cho hoạt động của chương trình hoặc bổ sung kinh phí cho đơn vị chủ quản sau khi báo cáo quyết toán xong của công việc đó.

3. Bộ Y tế sẽ hướng dẫn cụ thể và tiến hành kiểm tra thường xuyên việc quản lý, sử dụng các khoản chi tiêu của các chương trình có tài trợ theo chế độ đã quy định để uốn nắn và từng bước đưa công tác quản lý nguồn tài trợ này vào nề nếp.

C. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành thay thế Thông tư số 10 BYT/TT ngày 8/4/1988, Thông tư số 22 BYT/TT ngày 20/11/1990 của Bộ Y tế.

Nguyễn Văn Đàn

(Đã ký)