Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2022/TT-BCT

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2022

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ PHÂN LOẠI, ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP, SÁP NHẬP, HỢP NHẤT, GIẢI THỂ CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP THUỘC NGÀNH, LĨNH VỰC CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ;

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với:

a) Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương do Bộ Công Thương, Sở Công Thương quyết định thành lập hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định thành lập.

b) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc phân loại, thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương.

2. Thông tư này không áp dụng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương hoạt động trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, khoa học công nghệ, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.

Chương II

TIÊU CHÍ PHÂN LOẠI, ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP, SÁP NHẬP, HỢP NHẤT, GIẢI THỂ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP THUỘC NGÀNH, LĨNH VỰC CÔNG THƯƠNG

Điều 3. Tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương

1. Phân loại theo mức độ tự chủ tài chính

a) Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư;

b) Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên;

c) Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên;

d) Đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

2. Phân loại theo chức năng, nhiệm vụ

a) Đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ quản lý nhà nước

- Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng nghiên cứu phục vụ hoạch định chiến lược và xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về ngành, lĩnh vực công thương;

- Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thông tin về ngành, lĩnh vực công thương;

- Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, người lao động ngành công thương;

- Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện các chức năng khác phục vụ quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực công thương.

b) Đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ sự nghiệp công

- Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực kiểm định, giám định, chứng nhận, thử nghiệm, tư vấn và hỗ trợ an toàn công nghiệp;

- Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực môi trường và sản xuất sạch hơn

- Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực hóa chất, quản lý hóa chất và ứng phó sự cố và an toàn hóa chất;

- Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững;

- Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

- Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực hỗ trợ điện lực và phát triển thị trường điện;

- Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực quản lý dự án năng lượng và năng lượng tái tạo, quản lý vận hành hệ thống thông tin năng lượng;

- Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ;

- Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực quản lý cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp;

- Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực phòng vệ thương mại;

- Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực xuất nhập khẩu;

- Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phát triển ngành công thương;

- Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ số;

- Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực khuyến công;

- Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thông tin truyền thông ngành công thương;

- Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế, môi trường công nghiệp;

- Đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ công khác thuộc lĩnh vực công thương.

c) Đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ sự nghiệp công

Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện ít nhất một chức năng, nhiệm vụ quy định tại điểm a và một chức năng quy định ở điểm b khoản này.

Việc xác định loại hình đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành, lĩnh vực công thương tại khoản này căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 4. Điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương

Việc thành lập đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong ngành, lĩnh vực công thương phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi là Nghị định số 120/2020/NĐ-CP).

Điều 5. Điều kiện sáp nhập, hợp nhất đơn vị sự nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực công thương

1. Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương được sáp nhập, hợp nhất khi không đáp ứng được một trong các điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.

2. Có điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng quy định về số lượng người làm việc tối thiểu quy định tại điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.

3. Việc sáp nhập, hợp nhất đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo không làm giảm mức độ tự chủ về tài chính hiện có của đơn vị; trường hợp thực hiện sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính ở các mức độ khác nhau thì mức độ tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập sau khi sáp nhập, hợp nhất sẽ do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

4. Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương ở nước ngoài: ngoài việc đáp ứng các điều kiện quy định ở khoản 1, 2, 3 Điều này cần đảm bảo phù hợp với chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước sở tại về việc sáp nhập, hợp nhất đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 6. Điều kiện giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương

Việc giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương được thực hiện khi đơn vị đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 11 năm 2022

2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu tại Thông tư này sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới ban hành.

Điều 8. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Người đứng đầu cơ quan do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Công Thương (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để được hướng dẫn, giải quyết./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tối cao;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các Hội, đoàn thể;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp;
- Công báo; Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng TTĐT Bộ Công Thương;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ;
- Lưu: VT, TCCB.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Hồng Diên

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 16/2022/TT-BCT quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 16/2022/TT-BCT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 10/10/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Nguyễn Hồng Diên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản