Hệ thống pháp luật

Chương 5 Thông tư 16/2016/TT-BXD hướng dẫn thực hiện Nghị định 59/2015/NĐ-CP về hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng

1. Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra đôn đốc việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại hoạt động, thành lập Ban QLDA chuyên ngành, khu vực theo quy định của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của các Bộ ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

2. Tổng hợp các báo cáo định kỳ của Bộ ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước về tình hình hoạt động của các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc phạm vi quản lý.

3. Hướng dẫn xử lý kịp thời các vướng mắc về tổ chức lại, thành lập Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và hoạt động của các Ban này theo yêu cầu của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư.

4. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng cho các Bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp khi có yêu cầu.

5. Phối hợp với các Hội nghề nghiệp có liên quan hướng dẫn việc đánh giá Điều kiện năng lực của các Ban quản lý dự án, xét cấp chứng chỉ năng lực hoạt động, năng lực hành nghề đối với tổ chức tư vấn, cá nhân tham gia hoạt động quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Điều 19. Trách nhiệm của người quyết định thành lập Ban QLDA chuyên ngành, khu vực, người quyết định đầu tư, chủ đầu tư

1. Người quyết định thành lập Ban quản lý dự án có trách nhiệm:

a) Quyết định việc thành lập, sáp nhập và giải thể Ban quản lý dự án theo quy định của pháp luật;

b) Quyết định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và biên chế của Ban quản lý dự án;

c) Bổ nhiệm, miễn nhiệm giám đốc, các nhân sự chủ chốt của Ban quản lý dự án;

d) Phê duyệt Quy chế hoạt động của Ban quản lý dự án;

đ) Theo dõi, chỉ đạo Ban quản lý dự án thực hiện các nhiệm vụ được giao và thực hiện chế độ báo cáo trong đầu tư xây dựng theo quy định, hiện hành;

e) Hỗ trợ về kinh phí hoạt động, phương tiện làm việc cho Ban quản lý dự án trong trường hợp cần thiết;

g) Giám sát, kiểm tra theo định kỳ và đột xuất đối với hoạt động của Ban quản lý dự án theo quy định của Thông tư này;

h) Định kỳ tổng hợp, báo cáo tình hình hoạt động của các Ban quản lý dự án thuộc thẩm quyền quản lý với cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng theo phân cấp.

2. Người quyết định đầu tư có trách nhiệm:

a) Quyết định hình thức quản lý dự án áp dụng khi quyết định đầu tư;

b) Quyết định phương án, biện pháp sắp xếp, tổ chức lại hoạt động của các Ban quản lý dự án hiện có thuộc thẩm quyền quản lý theo hướng dẫn của Thông tư này, phù hợp với Điều kiện cụ thể của mình.

3. Chủ đầu tư có trách nhiệm:

a) Thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của mình theo quy định của Luật Xây dựng và pháp luật có liên quan;

b) Thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng ủy thác quản lý dự án trong trường hợp dự án được giao cho Ban QLDA chuyên ngành, khu vực thực hiện;

c) Nhận bàn giao công trình hoàn thành từ Ban QLDA chuyên ngành, khu vực sau khi công trình đã được nghiệm thu hoàn thành và tổ chức bàn giao theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Điều 20. Xử lý chuyển tiếp

1. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án sử dụng vốn nhà nước được quyết định thành lập trước ngày Luật Xây dựng có hiệu lực thi hành được tiếp tục hoạt động cho đến khi hoàn thành dự án, đưa công trình vào khai thác sử dụng. Đối với dự án thực hiện theo hình thức thuê tư vấn quản lý dự án trước ngày Luật Xây dựng có hiệu lực, đã lựa chọn được nhà thầu tư vấn quản lý dự án được tiếp tục ký kết, thực hiện hợp đồng tư vấn quản lý dự án cho đến khi dự án hoàn thành, bàn giao công trình đưa vào sử dụng.

2. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án sử dụng vốn nhà nước được quyết định thành lập trong thời gian từ ngày 01/01/2015 đến ngày 05/8/2015 không đáp ứng Điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 62 Luật Xây dựng phải thực hiện chuyển đổi hình thức quản lý dự án được áp dụng.

3. Đối với việc tổ chức lại hoạt động và thành lập các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, khu vực:

a) Người có thẩm quyền quyết định thành lập Ban QLDA chuyên ngành, khu vực có trách nhiệm sắp xếp, tổ chức lại hoạt động, thành lập các Ban QLDA chuyên ngành, khu vực thuộc phạm vi quản lý của mình theo quy định của Nghị định 59/2015/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này. Việc sắp xếp, tổ chức lại hoạt động, thành lập các Ban QLDA chuyên ngành, khu vực phải được hoàn thành trước ngày 31/10/2016;

b) Chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn nhà nước căn cứ Điều kiện cụ thể thực hiện dự án có trách nhiệm đề xuất phương án chuyển đổi hình thức quản lý đối với dự án của mình để báo cáo người quyết định đầu tư xem xét, quyết định.

Điều 21. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2016;

2. Quy định trước đây về Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng được quy định tại Thông tư số 03/2009/TT-BXD ngày 26/3/2009 Quy định chi Tiết một số nội dung của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 Quy định chi Tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng và Thông tư số 09/2014/TT-BXD ngày 10/7/2014 Sửa đổi, bổ sung một số Điều tại các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đối với những nội dung quy định hướng dẫn tại Thông tư này, đề nghị tổ chức, cá nhân gửi ý kiến góp ý về Bộ Xây dựng để xem xét, chỉnh sửa cho phù hợp./.

Thông tư 16/2016/TT-BXD hướng dẫn thực hiện Nghị định 59/2015/NĐ-CP về hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

  • Số hiệu: 16/2016/TT-BXD
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/06/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Bùi Phạm Khánh
  • Ngày công báo: 03/08/2016
  • Số công báo: Từ số 809 đến số 810
  • Ngày hiệu lực: 15/08/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH