Hệ thống pháp luật

BỘ XÂY DỰNG
---------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 16/2008/TT-BXD

Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 2008

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN KIỂM TRA, CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO AN TOÀN CHỊU LỰC VÀ CHỨNG NHẬN SỰ PHÙ HỢP VỀ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 18/4/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Bộ Xây dựng hướng dẫn việc kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Thông tư này hướng dẫn việc kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng quy định tại Khoản 8 Điều 1 của Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 18/4/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

a) Chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực là việc kiểm tra, xác nhận công tác khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng đáp ứng các yêu cầu đảm bảo an toàn chịu lực của công trình hoặc hạng mục công trình trước khi đưa vào sử dụng.

b) Chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng là việc đánh giá, xác nhận công trình hoặc hạng mục, bộ phận công trình xây dựng được thiết kế, thi công xây dựng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và các yêu cầu kỹ thuật áp dụng cho công trình.

3. Công trình bắt buộc phải chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực trước khi đưa vào sử dụng

Các công trình hoặc hạng mục công trình xây dựng khi xảy ra sự cố do mất khả năng chịu lực có thể gây thảm hoạ đối với người, tài sản và môi trường bắt buộc phải được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực gồm:

a) Công trình công cộng tập trung đông người từ cấp III trở lên: nhà hát, rạp chiếu bóng, vũ trường, nhà ga, hội trường, nhà thi đấu thể thao, sân vận động, trung tâm thương mại, siêu thị, thư viện, nhà bảo tàng và các công trình công cộng khác có quy mô và chức năng tương tự. Riêng bệnh viện, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường học có quy mô từ 2 tầng và có tổng diện tích sàn từ 300m2 trở lên.

b) Nhà chung cư, khách sạn, nhà làm việc và tháp thu phát sóng viễn thông, truyền thanh, truyền hình từ cấp II trở lên.

c) Kho xăng, kho dầu, kho chứa khí hoá lỏng, kho hoá chất từ cấp II trở lên.

d) Đập, cầu, hầm giao thông từ cấp II trở lên; đường sắt trên cao, hệ thống cáp treo vận chuyển người không phân biệt cấp.

4. Công trình được chứng nhận sự phù hợp về chất lượng

Công trình hoặc hạng mục công trình xây dựng không phân biệt loại và cấp được chứng nhận sự phù hợp về chất lượng khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở địa phương hoặc theo đề nghị của chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu trên cơ sở yêu cầu của tổ chức bảo hiểm công trình, của tổ chức và cá nhân mua, quản lý hoặc sử dụng công trình (viết tắt là bên có yêu cầu chứng nhận). Đối tượng chứng nhận có thể là công trình xây dựng mới hoặc công trình đã đưa vào sử dụng.

II. CHỨNG NHẬN ĐỦ KIỆN ĐẢM BẢO AN TOÀN CHỊU LỰC

1. Lựa chọn tổ chức thực hiện chứng nhận đủ kiện đảm bảo an toàn chịu lực

Chủ đầu tư các công trình xây dựng quy định tại Khoản 3 Mục I của Thông tư này có trách nhiệm lựa chọn tổ chức thực hiện việc kiểm tra, xác nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực (viết tắt là tổ chức kiểm tra). Tổ chức kiểm tra được lựa chọn là tổ chức tư vấn có chức năng hành nghề một trong các lĩnh vực thiết kế xây dựng, giám sát thi công xây dựng hoặc kiểm định chất lượng công trình xây dựng phù hợp với loại công trình được chứng nhận, đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Yêu cầu về điều kiện năng lực:

- Có đủ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật theo quy định thuộc các chuyên ngành phù hợp với nội dung kiểm tra nêu tại Khoản 2 của Mục này, tương ứng với quy mô công trình được chứng nhận;

- Cá nhân chủ trì việc kiểm tra, xác nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực phải có năng lực chủ trì thiết kế kết cấu công trình phù hợp với loại và cấp công trình được chứng nhận;

- Không có vi phạm trong hoạt động xây dựng trong 3 năm gần nhất.

b) Yêu cầu đảm bảo tính độc lập, khách quan trong việc chứng nhận đủ điều kiện an toàn chịu lực:

- Không tham gia khảo sát, thiết kế, thi công, cung ứng vật tư - thiết bị, quản lý dự án và giám sát thi công xây dựng cho chính công trình hoặc hạng mục công trình được chứng nhận;

- Độc lập về tổ chức, không cùng thuộc một cơ quan với chủ đầu tư, với các nhà thầu khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, tư vấn giám sát thi công xây dựng và tư vấn quản lý dự án của chính công trình hoặc hạng mục công trình được chứng nhận; không có cổ phần hoặc vốn góp trên 50% của nhau đối với chủ đầu tư và không có cổ phần hoặc vốn góp trên 30% của nhau đối với các nhà thầu khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, tư vấn giám sát thi công xây dựng và tư vấn quản lý dự án.

Trường hợp không lựa chọn được tổ chức kiểm tra đáp ứng các điều kiện nêu trên thì chủ đầu tư phải báo cho cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở địa phương để được giới thiệu tổ chức tư vấn thực hiện công việc này.

2. Trình tự, nội dung kiểm tra đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực

Tổ chức kiểm tra có trách nhiệm lập đề cương kiểm tra công tác khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng công trình trình chủ đầu tư thỏa thuận. Việc kiểm tra xác nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực có thể được tiến hành từ khi bắt đầu thi công xây dựng công trình hoặc hạng mục công trình được chứng nhận. Đối tượng kiểm tra tập trung vào bộ phận công trình, kết cấu chịu lực khi bị phá hoại có thể gây thảm hoạ.

a) Kiểm tra công tác khảo sát, thiết kế:

- Kiểm tra sự tuân thủ các quy định của pháp luật về điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện việc khảo sát, thiết kế, thẩm tra thiết kế và việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;

- Kiểm tra trình tự, thủ tục nghiệm thu báo cáo kết quả khảo sát xây dựng; trình tự thẩm định, phê duyệt và nghiệm thu hồ sơ thiết kế xây dựng công trình;

- Kiểm tra báo cáo kết quả khảo sát xây dựng, thiết kế kỹ thuật (trường hợp thiết kế 3 bước) hoặc thiết kế bản vẽ thi công (trường hợp thiết kế 2 bước, 1 bước); đánh giá mức độ đáp ứng của các tài liệu này với các yêu cầu của quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật được sử dụng nhằm đảm bảo an toàn của chịu lực công trình.

Trong quá trình kiểm tra, nếu có nghi ngờ về kết quả khảo sát, kết quả tính toán kết cấu chịu lực thì tổ chức kiểm tra đề nghị chủ đầu tư và nhà thầu khảo sát, thiết kế làm rõ. Trường hợp cần thiết, tổ chức kiểm tra có thể đề nghị chủ đầu tư tổ chức phúc tra kết quả khảo sát xây dựng, kiểm tra lại khả năng chịu lực của kết cấu.

b) Kiểm tra công tác thi công xây dựng công trình

- Kiểm tra sự tuân thủ các quy định của pháp luật về điều kiện năng lực và hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu tư vấn quản lý dự án và giám sát thi công xây dựng công trình; kiểm tra năng lực phòng thí nghiệm và năng lực của các tổ chức kiểm định có liên quan;

- Kiểm tra sự tuân thủ các quy định của pháp luật đối với công tác giám sát và nghiệm thu chất lượng xây dựng;

- Kiểm tra chất lượng thi công xây dựng thông qua tài liệu quản lý chất lượng của công trình hoặc hạng mục công trình được chứng nhận; đánh giá mức độ đáp ứng của các tài liệu này với yêu cầu của thiết kế nhằm đảm bảo an toàn chịu lực của công trình;

- Kiểm tra các số liệu quan trắc và biểu hiện bên ngoài của kết cấu có liên quan tới khả năng chịu lực của công trình.

Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện thấy các yếu tố có thể ảnh hưởng tới khả năng chịu lực của công trình thì tổ chức kiểm tra đề nghị chủ đầu tư và các nhà thầu giải trình làm rõ. Trường hợp cần thiết tổ chức kiểm tra có thể đề nghị chủ đầu tư tổ chức kiểm định chất lượng hoặc thí nghiệm, quan trắc đối chứng.

c) Sau từng đợt kiểm tra, tổ chức kiểm tra phải có văn bản thông báo kịp thời về kết quả kiểm tra gửi cho chủ đầu tư và các bên có liên quan.

3. Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực

a) Trong vòng 15 ngày kể từ khi chủ đầu tư tập hợp đủ hồ sơ, tài liệu hoàn thành công trình, hạng mục công trình được chứng nhận; tổ chức kiểm tra cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực theo mẫu quy định tại Phụ lục của Thông tư này nếu kết quả kiểm tra đáp ứng được các điều kiện sau:

- Công tác khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng công trình tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng đáp ứng các yêu cầu đảm bảo an toàn chịu lực của công trình.

- Các số liệu quan trắc và biểu hiện bên ngoài của kết cấu phản ánh sự làm việc bình thường của kết cấu;

- Các kết quả phúc tra, kiểm tra lại (nếu có) đảm bảo kết cấu đủ khả năng chịu lực.

Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi 01 giấy chứng nhận này kèm theo báo cáo kết quả kiểm tra đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực và biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình hoặc hạng mục công trình được chứng nhận cho cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở địa phương để kiểm tra và quản lý. Giấy chứng nhận này là căn cứ để chủ đầu tư đưa công trình vào sử dụng.

b) Trường hợp không đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận thì tổ chức kiểm tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư về quyết định của mình, trong đó nêu rõ lý do không cấp giấy chứng nhận. Chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo việc này cho cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở địa phương biết để kiểm tra và xử lý.

III. CHỨNG NHẬN SỰ PHÙ HỢP VỀ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

1. Yêu cầu chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng

a) Xuất phát từ lợi ích của cộng đồng, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở địa phương có thể yêu cầu chủ đầu tư thực hiện chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng.

Các tổ chức bảo hiểm công trình; tổ chức, cá nhân mua, quản lý hoặc sử dụng công trình xuất phát từ lợi ích của mình có thể đề nghị chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu (đối với các công trình đã đưa vào sử dụng) thực hiện chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình.

b) Bên có yêu cầu chứng nhận phải đưa ra phạm vi và nội dung chứng nhận sự phù hợp về chất lượng. Đối với trường hợp việc chứng nhận sự phù hợp về chất lượng được yêu cầu bởi cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở địa phương thì phạm vi và nội dung chứng nhận là bắt buộc phải thực hiện. Đối với trường hợp việc chứng nhận sự phù hợp về chất lượng được yêu cầu bởi các tổ chức, cá nhân khác thì phạm vi và nội dung chứng nhận do chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu và bên có yêu cầu chứng nhận thoả thuận.

c) Phạm vi chứng nhận có thể là sự phù hợp về chất lượng thiết kế, sự phù hợp về chất lượng thi công xây dựng hoặc sự phù hợp về chất lượng của công trình, hạng mục công trình hoặc bộ phận công trình xây dựng so với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và các yêu cầu kỹ thuật áp dụng cho công trình. Nội dung chứng nhận có thể là một, một số hoặc toàn bộ các tiêu chí về an toàn chịu lực, an toàn vận hành; chất lượng phần hoàn thiện, cơ điện...

2. Lựa chọn tổ chức thực hiện việc chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng

Bên có yêu cầu chứng nhận thoả thuận với chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu về việc lựa chọn và ký hợp đồng với tổ chức thực hiện việc kiểm tra, chứng nhận sự phù hợp về chất lượng (viết tắt là tổ chức chứng nhận). Riêng trường hợp việc chứng nhận sự phù hợp về chất lượng do cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở địa phương yêu cầu thì chủ đầu tư có trách nhiệm lựa chọn, ký hợp đồng với tổ chức chứng nhận.

Tổ chức chứng nhận được lựa chọn là tổ chức tư vấn có chức năng hành nghề một trong các lĩnh vực thiết kế xây dựng, giám sát thi công xây dựng, kiểm định chất lượng công trình xây dựng hoặc chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng, đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Yêu cầu về điều kiện năng lực:

- Đảm bảo đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật phù hợp với loại, cấp công trình được chứng nhận và nội dung chứng nhận;

- Không có vi phạm trong hoạt động xây dựng trong 3 năm gần nhất.

b) Yêu cầu về tính độc lập, khách quan trong việc thực hiện chứng nhận sự phù hợp về chất lượng:

- Không tham gia khảo sát, thiết kế, thi công, cung ứng vật tư - thiết bị, quản lý dự án và giám sát thi công xây dựng cho chính công trình, hạng mục công trình hoặc bộ phận công trình được chứng nhận;

- Độc lập về tổ chức, không cùng thuộc một cơ quan với chủ đầu tư, các nhà thầu khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, tư vấn giám sát thi công xây dựng và tư vấn quản lý dự án của chính công trình, hạng mục công trình hoặc bộ phận công trình được chứng nhận; không có cổ phần hoặc vốn góp trên 50% của nhau đối với chủ đầu tư và không có cổ phần hoặc vốn góp trên 30% của nhau đối với các nhà thầu khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, tư vấn giám sát thi công xây dựng và tư vấn quản lý dự án.

3. Trình tự, nội dung kiểm tra sự phù hợp về chất lượng đối với công trình xây dựng mới

Tổ chức chứng nhận có trách nhiệm lập đề cương thực hiện việc kiểm tra, đánh giá sự phù hợp về chất lượng tương ứng với phạm vi và nội dung chứng nhận để chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu thoả thuận. Phạm vi kiểm tra tập trung vào công trình, hạng mục công trình hoặc bộ phận công trình được chứng nhận. Nội dung kiểm tra phải phù hợp với nội dung chứng nhận. Việc kiểm tra có thể tiến hành từ khi bắt đầu thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình hoặc bộ phận công trình được chứng nhận.

a) Kiểm tra sự phù hợp về chất lượng thiết kế:

- Kiểm tra sự tuân thủ các quy định của pháp luật về điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện việc khảo sát, thiết kế, thẩm tra thiết kế; sự tuân thủ trình tự, thủ tục nghiệm thu báo cáo kết quả khảo sát xây dựng; thẩm định, phê duyệt và nghiệm thu hồ sơ thiết kế xây dựng công trình;

- Kiểm tra, đánh giá sự phù hợp của báo cáo kết quả khảo sát xây dựng so với tiêu chuẩn khảo sát và nhiệm vụ khảo sát;

- Kiểm tra, đánh giá sự phù hợp của thiết kế kỹ thuật (trường hợp thiết kế 3 bước) hoặc thiết kế bản vẽ thi công (trường hợp thiết kế 2 bước, 1 bước) so với nhiệm vụ thiết kế và so với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng cho công trình.

Trong quá trình kiểm tra, nếu có nghi ngờ về kết quả khảo sát và chất lượng của thiết kế, tổ chức chứng nhận đề nghị chủ đầu tư và các nhà thầu có liên quan làm rõ. Trường hợp cần thiết, tổ chức chứng nhận có thể thực hiện kiểm tra lại kết quả khảo sát, kiểm tra lại thiết kế của công trình, hạng mục công trình hoặc bộ phận công trình được chứng nhận.

b) Kiểm tra sự phù hợp về chất lượng thi công xây dựng:

- Kiểm tra sự tuân thủ các quy định của pháp luật về điều kiện năng lực và hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu tư vấn quản lý dự án, giám sát thi công xây dựng công trình; kiểm tra năng lực phòng thí nghiệm và năng lực của các tổ chức kiểm định có liên quan; kiểm tra sự tuân thủ các quy định của pháp luật trong giám sát thi công xây dựng và nghiệm thu;

- Kiểm tra xác suất chất lượng vật tư, thiết bị, cấu kiện xây dựng được sử dụng để xây dựng công trình thông qua việc kiểm tra xuất xứ hàng hoá, chứng chỉ chất lượng và các kết quả thí nghiệm, kiểm định chất lượng có liên quan;

- Kiểm tra xác suất chất lượng thi công xây dựng;

- Chứng kiến vận hành thử công trình, hạng mục công trình hoặc bộ phận công trình được chứng nhận. Kiểm tra sự phù hợp của hồ sơ nghiệm thu so với yêu cầu của thiết kế.

Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện thấy các yếu tố không đảm bảo sự phù hợp về chất lượng thì tổ chức chứng nhận có thể đề nghị chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu và các nhà thầu giải trình làm rõ. Trường hợp cần thiết tổ chức chứng nhận có thể thực hiện kiểm định; thí nghiệm, quan trắc đối chứng.

c) Kiểm tra sự phù hợp về chất lượng của công trình, hạng mục công trình hoặc bộ phận công trình xây dựng: thực hiện cả hai nội dung quy định tại Điểm a và b Khoản này.

d) Sau từng đợt kiểm tra, tổ chức chứng nhận phải có văn bản thông báo kịp thời về kết quả kiểm tra gửi cho chủ đầu tư và các bên có liên quan.

4. Trình tự, nội dung kiểm tra sự phù hợp về chất lượng đối với các công trình đã đưa vào sử dụng

Tổ chức chứng nhận có trách nhiệm lập đề cương kiểm tra và đánh giá sự phù hợp về chất lượng để chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu thỏa thuận. Phạm vi kiểm tra tập trung vào công trình, hạng mục công trình, bộ phận công trình xây dựng được chứng nhận. Nội dung kiểm tra phải phù hợp với nội dung chứng nhận đã được thỏa thuận. Nội dung kiểm tra có thể bao gồm kiểm tra chất lượng thiết kế, chất lượng thi công xây dựng thông qua hồ sơ, tài liệu hoàn thành công trình. Trường hợp cần thiết, tổ chức chứng nhận có thể thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng công trình thông qua các thí nghiệm, quan trắc.

5. Cấp giấy chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng

a) Tổ chức chứng nhận cấp giấy chứng nhận sự phù hợp về chất lượng nếu chất lượng công trình, hạng mục công trình hoặc bộ phận công trình xây dựng qua kiểm tra phù hợp với yêu cầu của thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật và quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho công trình. Giấy chứng nhận bao gồm các nội dung sau:

- Tên tổ chức chứng nhận;

- Các căn cứ thực hiện chứng nhận sự phù hợp về chất lượng;

- Tên công trình, hạng mục công trình hoặc bộ phận công trình được chứng nhận sự phù hợp về chất lượng;

- Phạm vi và nội dung chứng nhận;

- Kết luận sự phù hợp về chất lượng;

- Chữ ký và dấu của người đại diện theo pháp luật của tổ chức chứng nhận.

Trường hợp việc chứng nhận được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở địa phương thì chủ đầu tư có trách nhiệm gửi 01 giấy chứng nhận kèm theo báo cáo kết quả kiểm tra sự phù hợp về chất lượng cho cơ quan này để kiểm tra và quản lý. Giấy chứng nhận là căn cứ để đưa công trình vào khai thác, sử dụng.

Trường hợp việc chứng nhận được thực hiện theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân khác thì chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu gửi 01 giấy chứng nhận cho bên có yêu cầu chứng nhận làm cơ sở để thực hiện các thoả thuận tiếp theo.

b) Trường hợp không đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận sự phù hợp về chất lượng, tổ chức chứng nhận có trách nhiệm thông báo bằng văn bản trong đó nêu rõ lý do không cấp giấy chứng nhận cho chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu và bên có yêu cầu chứng nhận để biết và xử lý.

IV. CHI PHÍ CHỨNG NHẬN ĐỦ KIỆN ĐẢM BẢO AN TOÀN CHỊU LỰC VÀ CHỨNG NHẬN SỰ PHÙ HỢP VỀ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

1. Chi phí chứng nhận đủ kiện đảm bảo an toàn chịu lực

Chi phí chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực do chủ đầu tư trả cho tổ chức kiểm tra từ khoản chi phí tư vấn đầu tư xây dựng trong tổng mức đầu tư xây dựng công trình. Chi phí này được xác định bằng cách lập dự toán theo quy định tại Nghị định 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình (viết tắt là Nghị định 99/2007/NĐ-CP) và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

2. Chi phí chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng

a) Trường hợp việc chứng nhận sự phù hợp về chất lượng được yêu cầu bởi cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở địa phương thì chi phí chứng nhận do chủ đầu tư trả và được lấy từ khoản chi phí tư vấn đầu tư xây dựng trong tổng mức đầu tư xây dựng công trình. Chi phí này được xác định bằng cách lập dự toán theo quy định tại Nghị định 99/2007/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

b) Trường hợp việc chứng nhận sự phù hợp về chất lượng được yêu cầu bởi các tổ chức, cá nhân khác thì nguồn kinh phí trả cho công việc này do bên có yêu cầu chứng nhận và chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu thoả thuận. Chi phí này có thể được xác định bằng cách lập dự toán theo quy định tại Nghị định 99/2007/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

V. QUYỀN HẠN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG HOẠT ĐỘNG CHỨNG NHẬN ĐỦ KIỆN ĐẢM BẢO AN TOÀN CHỊU LỰC VÀ CHỨNG NHẬN SỰ PHÙ HỢP VỀ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

1. Quyền hạn và nghĩa vụ của chủ đầu tư, chủ sở hữu

a) Chủ đầu tư, chủ sở hữu có các quyền sau đây:

- Khiếu nại về kết quả kiểm tra, chứng nhận; thuê các tổ chức tư vấn khác có năng lực phù hợp thẩm tra hoặc phúc tra các vấn đề được khiếu nại;

- Các quyền khác theo hợp đồng đã cam kết với tổ chức kiểm tra, tổ chức chứng nhận và theo quy định của pháp luật.

b) Chủ đầu tư, chủ sở hữu có các nghĩa vụ sau đây:

- Thực hiện việc chứng nhận đủ kiện đảm bảo an toàn chịu lực nếu công trình hoặc hạng mục công trình xây dựng thuộc đối tượng quy định của Thông tư này; thực hiện việc chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng khi được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở địa phương yêu cầu;

- Cung cấp hồ sơ, tài liệu, các chứng chỉ có liên quan cho tổ chức kiểm tra, tổ chức chứng nhận;

- Thanh toán chi phí chứng nhận cho tổ chức kiểm tra, tổ chức chứng nhận theo hợp đồng đã ký kết kể cả khi không được cấp giấy chứng nhận do chất lượng công trình không đáp ứng các yêu cầu đặt ra theo quy định;

- Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật và theo thoả thuận trong hợp đồng với các bên liên quan;

- Các nghĩa vụ khác theo hợp đồng cam kết với các bên có liên quan.

2. Quyền hạn và nghĩa vụ của tổ chức kiểm tra, tổ chức chứng nhận

a) Tổ chức kiểm tra, tổ chức chứng nhận có các quyền hạn sau đây:

- Yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu cung cấp các tài liệu cần thiết cho hoạt động kiểm tra, chứng nhận;

- Từ chối cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực nếu kết quả kiểm tra không đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 3 Mục II của Thông tư này; từ chối cấp giấy chứng nhận sự phù hợp về chất lượng nếu chất lượng công trình không phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và các yêu cầu kỹ thuật;

- Các quyền khác theo hợp đồng cam kết với chủ đầu tư và theo quy định của pháp luật.

b) Tổ chức kiểm tra, tổ chức chứng nhận có các nghĩa vụ sau đây:

- Đảm bảo tính trung thực, khách quan trong quá trình kiểm tra, chứng nhận;

- Chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu, các bên có liên quan và trước pháp luật về kết quả kiểm tra và chứng nhận của mình;

- Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật và theo thoả thuận trong hợp đồng với các bên có liên quan trong trường hợp chứng nhận sai với thực trạng chất lượng công trình.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Xây dựng có trách nhiệm:

a) Thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng.

b) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này trong phạm vi cả nước.

c) Tổng hợp và đăng tải thông tin về điều kiện năng lực của các tổ chức kiểm tra, tổ chức chứng nhận theo quy định tại Quyết định số 02/2008/QĐ-BXD ngày 20/02/2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy định quản lý thông tin về năng lực của các tổ chức hoạt động xây dựng qua trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng.

Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng – Bộ Xây dựng là đầu mối giúp Bộ Xây dựng thực hiện các công việc nêu trên.

2. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện chứng nhận đủ điều kiện an toàn chịu lực và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.

b) Tiếp nhận và quản lý giấy chứng nhận do Chủ đầu tư gửi, cung cấp thông tin về điều kiện năng lực của các tổ chức kiểm tra, tổ chức chứng nhận để Bộ Xây dựng tổng hợp, đăng tải.

c) Hàng năm tổng hợp tình hình thực hiện Thông tư này và báo cáo Bộ Xây dựng.

Sở Xây dựng là đầu mối giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các công việc nêu trên.

3. Các công trình đã và đang thực hiện việc chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng theo quy định của Thông tư 11/2005/TT-BXD ngày 14/7/2005 của Bộ Xây dựng “Hướng dẫn kiểm tra và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng” (viết tắt là Thông tư 11/2005/TT-BXD) trước ngày Thông tư này có hiệu lực vẫn tiếp tục được thực hiện theo quy định của Thông tư 11/2005/TT-BXD.

4. Các công trình được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng tổ chức kiểm tra hoặc nghiệm thu theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ thì không phải chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực.

5. Trường hợp công trình, hạng mục công trình đã được chứng nhận sự phù hợp về chất lượng trong đó có nội dung chứng nhận về an toàn chịu lực đáp ứng các quy định tại Mục II của Thông tư này thì không phải thực hiện việc chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực.

6. Các Bộ, Cơ quan ngang bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ; Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện theo quy định của Thông tư này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Xây dựng để nghiên cứu giải quyết.

7. Thông tư này thay thế Thông tư 11/2005/TT-BXD và có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.

Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng TW Đảng và các Ban của Đảng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể
- Sở Xây dựng, Sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ;
- Công báo;
- Website Chính phủ, Website Bộ Xây dựng;
- Lưu VP, Cục GĐ, Vụ Pháp chế, Vụ QLHĐXD, Thanh tra, KTXD (20).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Liên

PHỤ LỤC

(Ban hành kèm theo Thông tư số 16/2008/TT-BXD ngày 11/9/2008 )

(1) ..........

Số: ............/ATCL

GIẤY CHỨNG NHẬN
ĐỦ KIỆN ĐẢM BẢO AN TOÀN CHỊU LỰC

- Căn cứ Nghị định số 49/2008/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số của Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;

- Căn cứ Thông tư số ....../2008/TT-BXD ngày .../.../2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng;

- Căn cứ hợp đồng chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực số .......

- Căn cứ kết quả kiểm tra công tác khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng công trình,

(1) ...............................................

CHỨNG NHẬN

(2) .........................................................................................................................

Thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình: ..............................................................

Xây dựng tại................................................................................................

Có đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực theo quy định hiện hành.

..........., ngày … tháng … năm …....

(3) ...........................................

(ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Tên tổ chức kiểm tra.

(2) Tên công trình hoặc hạng mục công trình được chứng nhận.

(3) Chức danh người đại diện theo pháp luật của tổ chức kiểm tra.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 16/2008/TT-BXD hướng dẫn kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành

  • Số hiệu: 16/2008/TT-BXD
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 11/09/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Xây dựng
  • Người ký: Nguyễn Văn Liên
  • Ngày công báo: 06/10/2008
  • Số công báo: Từ số 557 đến số 558
  • Ngày hiệu lực: 21/10/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 01/06/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản