Hệ thống pháp luật

BỘ QUỐC PHÒNG
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
******

Số: 152/2007/TT-BQP

Hà Nội, ngày 25 tháng 09 năm 2007

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CHUYỂN XẾP LƯƠNG ĐỐI VỚI SĨ QUAN; CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC QUỐC PHÒNG; HẠ SĨ QUAN, BINH SĨ CHUYỂN SANG PHỤC VỤ THEO CHẾ ĐỘ QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP

Căn cứ khoản 5 Điều 11 Nghị định số 204/2004-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
Căn cứ Nghị định số 18/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ về Quân nhân chuyên nghiệp trong quân đội nhân dân Việt Nam;
Sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ (Công văn số 1693/BNV-TL ngày 14/6/2007), Bộ Tài chính (Công văn số 7623/BTC-VI ngày 11/6/2007); Bộ Quốc phòng hướng dẫn chuyển xếp lương đối với sĩ quan; công nhân viên chức quốc phòng; hạ sĩ quan, binh sĩ chuyển sang phục vụ theo chế độ quân nhân chuyên nghiệp như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG

Khi Quân đội có nhu cầu biên chế, các đối tượng sau đây được xem xét chuyển sang phục vụ theo chế độ quân nhân chuyên nghiệp:

1. Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam;

2. Công nhân viên chức quốc phòng có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của Quân đội, đã có ít nhất 2 năm phục vụ trong Quân đội, được huấn luyện quân sự theo quy định của Bộ Quốc phòng và tự nguyện chuyển sang phục vụ theo chế độ quân nhân chuyên nghiệp;

3. Hạ sĩ quan, binh sĩ tốt nghiệp các trường Hạ sĩ quan, các trường chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ trong và ngoài Quân đội; Hạ sĩ quan là tiểu đội trưởng và Phó trung đội trưởng (hoặc tương đương).

II. NGUYÊN TẮC XẾP LƯƠNG QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP

1. Căn cứ vào trình độ đào tạo (đại học, trung cấp, sơ cấp) và làm công việc thuộc nhóm nào thì được chuyển xếp lương trình độ đó, nhóm đó;

2. Trường hợp công việc đảm nhiệm không đúng ngành nghề đào tạo thì chuyển xếp lương theo đúng nghề, công việc thực tế đang làm;

3. Khi chuyển xếp vào bảng lương quân nhân chuyên nghiệp không được kết hợp thực hiện nâng bậc lương.

III. CÁCH CHUYỂN XẾP LƯƠNG

1. Đối với sĩ quan

a) Căn cứ vào vị trí, chức danh chuyên môn kỹ thuật mới được đảm nhiệm và hệ số lương cấp hàm đang hưởng để chuyển xếp vào hệ số lương ở nhóm, loại quân nhân chuyên nghiệp cao cấp tương ứng như sau:

Sĩ quan

Quân nhân chuyên nghiệp cao cấp

Cấp bậc

Hệ số lương

Nhóm 1

Nhóm 2

Bậc

Hệ số lương

Bậc

Hệ số lương

Trung Tá

- Nâng lương lần 1

- Nâng lương lần 2

6,60

7,00

7,40

9

10

11

6,65

7,00

7,35

9

10

11

6,45*

6,80

7,15

Thiếu tá

- Nâng lương lần 1

- Nâng lương lần 2

6,00

6,40

6,80

8

9

10

6,30

6,65

7,00

8

9

10

6,10

6,45

6,80

Đại úy

- Nâng lương lần 1

- Nâng lương lần 2

5,40

5,80

6,20

6

7

8

5,60

5,95

6,30

6

7

8

5,40

5,75

6,10

Thượng úy

- Nâng lương lần 1

- Nâng lương lần 2

5,00

5,35

5,70

5

6

7

5,25

5,60

5,95

5

6

7

5,05

5,40

5,75

Trung úy

4,60

4

4,90

4

4,70

Thiếu úy

4,20

3

4,55

3

4,35

Trường hợp sĩ quan chuyển sang chế độ quân nhân chuyên nghiệp mà hệ số lương quân nhân chuyên nghiệp thấp hơn hệ số lương cấp hàm hoặc nâng lương sĩ quan thì được bảo lưu hệ số chênh lệch cho đến khi được nâng bậc lương quân nhân chuyên nghiệp có hệ số lương cao hơn hệ số lương cấp hàm hoặc nâng lương sĩ quan trước khi chuyển xếp.

b) Thời gian hưởng lương quân nhân chuyên nghiệp được tính kể từ ngày ký Quyết định chuyển hưởng chế độ quân nhân chuyên nghiệp.

Thời điểm xét nâng bậc lương lần sau của quân nhân chuyên nghiệp được tính như sau: Nếu chênh lệch giữa hệ số lương quân nhân chuyên nghiệp so với hệ số lương sĩ quan mà bằng hoặc lớn hơn chênh lệch giữa hai bậc lương quân nhân chuyên nghiệp cùng nhóm liền kề thì được tính từ ngày ký Quyết định chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp; nếu nhỏ hơn chênh lệch giữa hai bậc lương quân nhân chuyên nghiệp cùng nhóm liền kề thì được tính từ ngày ký thăng cấp quân hàm sĩ quan hoặc nâng lương sĩ quan.

Ví dụ 1: Đồng chí A là sĩ quan, cấp bậc Thiếu tá có hệ số lương 6,4 (nâng lương lần 1 – tháng 8/2005); đến tháng 9/2007 được chuyển sang chế độ quân nhân chuyên nghiệp và đảm nhiệm chức danh Trợ lý nghiên cứu (nhóm 1).

Đồng chí A được chuyển xếp lương quân nhân chuyên nghiệp như sau:

- Cấp bậc Thiếu tá, nâng lương lần 1 có hệ số lương là 6,40, được chuyển sang nhóm 1, quân nhân chuyên nghiệp cao cấp có hệ số lương là 6,65;

- Hệ số lương quân nhân chuyên nghiệp so với hệ số lương sĩ quan của đồng chí A chênh lệch là 0,25 nhỏ hơn 0,35 (hệ số chênh lệch giữa hai mức lương liền kề của quân nhân chuyên nghiệp), nên thời điểm xét nâng lương quân nhân chuyên nghiệp lần sau của đồng chí A được tính từ tháng 8/2005 (thời điểm nâng lương sĩ quan).

c) Riêng đối với sĩ quan cấp tá và cấp Đại úy đã có thời gian từ 3 năm (đủ 36 tháng) trở lên ở một bậc quân hàm hoặc nâng lương lần 1 hoặc lần 2, đủ tiêu chuẩn nâng bậc lương thì được xét nâng 1 bậc lương quân nhân chuyên nghiệp, có hệ số lương liền kề cùng nhóm tương ứng ở bảng lương quân nhân chuyên nghiệp. Thời gian xét nâng bậc lương lần sau được tính từ khi thăng cấp quân hàm hoặc nâng lương sĩ quan cộng thêm đủ 36 tháng (vì đã được xét chuyển lên 1 bậc lương).

Ví dụ 2: Đồng chí B, là sĩ quan, cấp bậc Đại úy, tháng 7/2003 được nâng lương lần 1. Đến tháng 9 năm 2006 được chuyển sang chế độ quân nhân chuyên nghiệp và đảm nhiệm chức danh trợ lý nghiên cứu (thuộc nhóm 1).

Đồng chí A được chuyển xếp lương quân nhân chuyên nghiệp như sau:

- Cấp bậc Đại úy, nâng lương lần 1 có hệ số lương là 5,80, được chuyển sang nhóm 1, quân nhân chuyên nghiệp cao cấp có hệ số lương là 5,95;

- Từ tháng 7/2003 đến 9/2006 đồng chí A có thời gian giữ mức nâng lương lần 1 của cấp Đại úy là 39 tháng (= 3 năm 3 tháng); do vậy, được xếp lên 1 bậc trên liền kề ở nhóm 1 có hệ số lương là 6,30 và thời điểm để tính nâng bậc lương lần sau là tháng 7 năm 2006.

2. Công nhân viên chức quốc phòng chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp

2.1. Đối với công nhân viên chức quốc phòng đã xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ, ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ, có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của Quân đội và có ít nhất 2 năm phục vụ trong Quân đội; được huấn luyện quân sự theo quy định của Bộ Quốc phòng và tự nguyện chuyển sang phục vụ theo chế độ quân nhân chuyên nghiệp, được thực hiện như sau:

2.1.1. Trường hợp công nhân viên chức quốc phòng chưa hưởng thâm niên vượt khung trước khi chuyển sang chế độ quân nhân chuyên nghiệp.

a) Căn cứ vào trình độ đào tạo; vị trí, chức danh chuyên môn kỹ thuật mới được đảm nhiệm và hệ số lương chuyên môn, nghiệp vụ của công nhân viên chức quốc phòng hiện hưởng đã chuyển xếp vào hệ số lương ở nhóm, loại quân nhân chuyên nghiệp tương ứng như sau:

- Bước 1: Lấy hệ số lương chuyên môn, nghiệp vụ hiện hưởng của công nhân viên chức quốc phòng cộng với hệ số lương chênh lệch cao hơn của quân nhân chuyên nghiệp so với công nhân viên chức quốc phòng theo bảng sau:

Ngạch công chức, viên chức

Hệ số lương chênh lệch cao hơn của quân nhân chuyên nghiệp so với công nhân viên chức quốc phòng

Loại cao cấp

Loại trung cấp

Loại sơ cấp

Nhóm 1

Nhóm 2

Nhóm 1

Nhóm 2

Nhóm 1

Nhóm 2

Ngạch chuyên viên và tương đương trở lên (công chức, viên chức loại A1, A2, A3)

1,86

1,66

1,64

1,34

1,55

1,30

Ngạch công chức, viên chức loại A0

1,75

1,55

1,64

1,34

1,55

1,30

Ngạch cán sự và tương đương (công chức, viên chức loại B)

Không chuyển xếp

Không chuyển xếp

1,64

1,34

1,55

1,30

Ngạch nhân viên (công chức, viên chức loại C)

Không chuyển xếp

Không chuyển xếp

Không chuyển xếp

Không chuyển xếp

1,55

1,30

- Bước 2: Căn cứ vào kết quả của bước 1, thực hiện chuyển xếp vào bậc có hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất trong nhóm, loại quân nhân chuyên nghiệp.

b) Thời gian hưởng lương quân nhân chuyên nghiệp được tính kể từ ngày ký Quyết định chuyển hưởng chế độ quân nhân chuyên nghiệp.

Thời điểm xét nâng bậc lương quân nhân chuyên nghiệp được tính như sau: Nếu chênh lệch giữa hệ số lương quân nhân chuyên nghiệp so với tổng hệ số lương hiện hưởng của công nhân viên chức quốc phòng cộng với hệ số chênh lệch cao hơn quy định ở bảng trên (tại tiết 2.1.1 (a) điểm 2.1 khoản 2 này), mà bằng hoặc lớn hơn chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề ở ngạch trong bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước, thì được tính kể từ ngày ký Quyết định chuyển hưởng chế độ quân nhân chuyên nghiệp; nếu nhỏ hơn thì được tính kể từ ngày xếp hệ số lương ở ngạch trong bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước.

2.1.2. Trường hợp công nhân viên chức quốc phòng đã hưởng thâm niên vượt khung trước khi chuyển sang hưởng chế độ quân nhân chuyên nghiệp.

Trường hợp công nhân viên chức quốc phòng đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung, khi được chuyển sang chế độ quân nhân chuyên nghiệp thì căn cứ vào hệ tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng và hệ số lương chênh lệch cao hơn quy định ở bảng trên (tại tiết 2.1.1 (a) điểm 2.1 khoản 2 này ) để xếp vào bậc, nhóm, loại quân nhân chuyên nghiệp có hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất. Thời gian hưởng lương quân nhân chuyên nghiệp và thời điểm xét nâng bậc lương lần sau của quân nhân chuyên nghiệp được tính kể từ ngày ký Quyết định chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp.

Ví dụ 3: Đồng chí C, kể từ tháng 7/2006 được hưởng 8% phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch công chức loại C, có tổng hệ số lương là 3,92 (hệ số lương 3,63 cộng 8% VK). Đến tháng 9/2007, đồng chí C đủ điều kiện và được xét chuyển hưởng lương nhóm 1, loại quân nhân chuyên nghiệp sơ cấp.

Việc chuyển xếp lương quân nhân chuyên nghiệp cho đồng chí C như sau:

- Tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung và hệ số chênh lệch cao hơn quy định ở bảng tại Tiết 2.1.1 (a) điểm 2.1 khoản 2 này, của đồng chí C là: 5,07 { = 3,63 + (3,63 x 8%) + 1,55};

- Đồng chí C được chuyển xếp vào bậc 9, nhóm 1, loại quân nhân chuyên nghiệp sơ cấp có hệ số lương là 5,20 và được hưởng lương quân nhân chuyên nghiệp kể từ tháng 9/2007 (ngày ký Quyết định chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp)

2.1.3. Trường hợp công nhân viên chức quốc phòng đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung khi chuyển sang chế độ quân nhân chuyên nghiệp có tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung và hệ số chênh lệch cao hơn quy định ở bảng trên (tại tiết 2.1.1 (a) điểm 2.1 khoản 2 này) mà lớn hơn hệ số lương bậc cuối cùng trong nhóm, loại quân nhân chuyên nghiệp, thì xếp vào bậc cuối cùng trong nhóm, loại quân nhân chuyên nghiệp và được hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng tổng hệ số lương. Thời gian hưởng lương quân nhân chuyên nghiệp (kể cả hệ số chênh lệch bảo lưu) và thời điểm xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung của quân nhân chuyên nghiệp được tính kể từ ngày ký Quyết định chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp.

Hệ số chênh lệch bảo lưu chỉ tính tròn số sau dấu phảy 2 số và được hưởng trong suốt thời gian hưởng ở nhóm, loại quân nhân chuyên nghiệp.

Ví dụ 4: Đồng chí D, từ tháng 02/2006 được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung 5% ở ngạch công chức loại A1 có tổng hệ số lương là 5,23 (hệ số lương 4,98 cộng 5% VK). Đến tháng 9/2007, đồng chí D đủ điều kiện và được xét chuyển hưởng lương nhóm 1, loại quân nhân chuyên nghiệp trung cấp.

Việc chuyển xếp lương quân nhân chuyên nghiệp cho đồng chí D như sau:

- Tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung và hệ số chênh lệch cao hơn quy định ở bảng tại Tiết 2.1.1 (a) điểm 2.1 khoản 2 này, của đồng chí D là 6,87 { = 4,98 + (4,98 x 5%) + 1,64};

- Đồng chí D được chuyển xếp vào bậc 10, nhóm 1, loại quân nhân chuyên nghiệp trung cấp có hệ số lương là 6,20 và được bảo lưu hệ số chênh lệch là 0,67( = 6,87 – 6,20) kể từ tháng 9 năm 2007 (ngày ký quyết định chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp). Sau 3 năm (tháng 9/2010) đồng chí D có đủ tiêu chuẩn và điều kiện để xét hưởng 5% phụ cấp thâm niên vượt khung và vẫn tiếp tục được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu 0,67.

2.2. Đối với công nhân quốc phòng xếp hưởng lương theo các thang lương, bảng lương trong các công ty nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ, thuộc diện chuyển sang hưởng chế độ quân nhân chuyên nghiệp, được thực hiện như sau:

- Bước 1: Thực hiện việc chuyển xếp lương cho các đối tượng đang xếp lương theo thang lương, bảng lương trong các công ty nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ, sang hưởng lương chuyên môn, nghiệp vụ thừa hành phục vụ ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ.

Cách chuyển xếp theo quy định tại khoản 10, mục III Thông tư số 79/2005/TT-BNV ngày 10/8/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn chuyển xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thay đổi công việc và các trường hợp được chuyển công tác từ lực lượng vũ trang, cơ yếu và công ty nhà nước vào làm việc trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.

- Bước 2: căn cứ vào kết quả chuyển xếp ở bước 1, thực hiện việc chuyển từ chế độ công chức, viên chức quốc phòng sang hưởng chế độ quân nhân chuyên nghiệp như quy định tại khoản 2, mục III Thông tư này.

2.3. Phụ cấp thâm niên: Được tính khi đủ 5 năm (60 tháng) kể từ ngày có quyết định chuyển sang chế độ quân nhân chuyên nghiệp theo cách tính phụ cấp thâm niêm hiện hành.

Những người đã có thời gian là quân nhân hoặc đứt quãng thì được cộng dồn, nhưng nhất thiết phải đủ 60 tháng mới được tính.

Thôi thực hiện khoản phụ cấp phục vụ Quốc phòng – An ninh kể từ ngày chuyển sang chế độ quân nhân chuyên nghiệp.

3. Đối với Hạ sĩ quan, Binh sĩ:

Hạ sĩ quan là tiểu đội trưởng, Phó trung đội trưởng (hoặc tương đương): Hạ sĩ quan, Binh sĩ tốt nghiệp các trường Hạ sĩ quan, các trường chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ trong và ngoài quân đội đủ điều kiện chuyển thành quân nhân chuyên nghiệp thì được xét xếp bậc 1 của nhóm lương theo trình độ đào tạo trong Bảng lương quân nhân chuyên nghiệp.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Việc chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp các cơ quan, đơn vị phải phổ biến, quán triệt đến từng đối tượng, khi xét chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp phải làm cụ thể, đúng đối tượng, tiêu chuẩn, chặt chẽ đến từng người bảo đảm công khai, dân chủ.

2. Mỗi năm hai lần vào tháng 5 và tháng 11 các cơ quan, đơn vị báo cáo danh sách đề nghị chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp về Bộ Quốc phòng qua Cục Quân lực diện cơ quan Quân lực quản lý. Diện thuộc cơ quan cán bộ quản lý, các cơ quan, đơn vị báo cáo danh sách đề nghị chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp mỗi năm một lần cùng thời gian đề nghị đề bạt, nâng lương quân hàm cấp Tá (qua Cục Cán bộ).

Tháng 12 hàng năm, các cơ quan, đơn vị báo cáo kết quả thực hiện về Cục Cán bộ và Cục Quân lực (theo phân cấp quản lý) để tổng hợp báo cáo thủ trưởng Bộ Quốc phòng.

3. Quyền hạn chuyển chế độ, xếp lương và phong quân hàm quân nhân chuyên nghiệp thực hiện theo quy định hiện hành.

4. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Quốc phòng (qua cục Tài chính – BQP) để giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
THƯỢNG TƯỚNG




Nguyễn Văn Được

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 152/2007/TT-BQP hướng dẫn chuyển xếp lương đối với sĩ quan; công nhân viên chức quốc phòng; hạ sĩ quan, binh sĩ chuyển sang phục vụ theo chế độ quân nhân chuyên nghiệp do Bộ Quốc phòng ban hành

  • Số hiệu: 152/2007/TT-BQP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 25/09/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Quốc phòng
  • Người ký: Nguyễn Văn Được
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 715 đến số 716
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản