Hệ thống pháp luật

Mục 1 Chương 2 Thông tư 15/2017/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Mục 1. TIÊU CHÍ, TIÊU CHUẨN KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG TRUNG TÂM GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Điều 4. Các tiêu chí, điểm chuẩn và điểm đánh giá trung tâm giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là trung tâm)

1. Các tiêu chí và điểm chuẩn

a) Các tiêu chí:

Tiêu chí 1 - Mục tiêu, sứ mạng, tổ chức và quản lý;

Tiêu chí 2 - Hoạt động đào tạo;

Tiêu chí 3 - Nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động;

Tiêu chí 4 - Chương trình, giáo trình;

Tiêu chí 5 - Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo;

Tiêu chí 6 - Quản lý tài chính;

Tiêu chí 7 - Dịch vụ người học;

Tiêu chí 8 - Giám sát, đánh giá chất lượng.

b) Điểm chuẩn các tiêu chí kiểm định chất lượng trung tâm giáo dục nghề nghiệp (Phụ lục 01 kèm theo).

2. Điểm đánh giá cho mỗi tiêu chuẩn đạt yêu cầu là 2 điểm, tiêu chuẩn không đạt yêu cầu là 0 điểm. Tiêu chuẩn đạt yêu cầu được xác định trên cơ sở trung tâm đáp ứng tiêu chuẩn và duy trì ít nhất trong 01 năm tính đến thời điểm đánh giá.

Điều 5. Đạt và không đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp

1. Đạt tiêu chuẩn:

Trung tâm được đánh giá là đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Tổng số điểm đánh giá các tiêu chí kiểm định đạt từ 80 điểm trở lên;

b) Điểm đánh giá của từng tiêu chí kiểm định đạt từ 60% điểm chuẩn trở lên;

c) Điểm đánh giá của các tiêu chí 2, 3, 4, 5 đạt từ 80% điểm chuẩn trở lên.

2. Không đạt tiêu chuẩn:

Trung tâm được đánh giá là không đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi không đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 6. Tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trung tâm giáo dục nghề nghiệp

1. Tiêu chí 1 - Mục tiêu, sứ mạng, tổ chức và quản lý

a) Tiêu chuẩn 1: Mục tiêu, nhiệm vụ và sứ mạng của trung tâm được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động; có kế hoạch và định hướng xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng trong trung tâm. Các nội dung trên được công bố công khai theo quy định để nhà giáo, cán bộ quản lý, người học và xã hội biết.

b) Tiêu chuẩn 2: Có báo cáo phân tích, đánh giá nhu cầu thị trường lao động để xác định các nghề đào tạo và quy mô đào tạo phù hợp với điều kiện thực tế của trung tâm và yêu cầu sử dụng nhân lực của địa phương hoặc ngành.

c) Tiêu chuẩn 3: Ban hành văn bản quy định về tổ chức và quản lý theo hướng đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị. Hàng năm, các văn bản quy định về tổ chức và quản lý của trung tâm được rà soát, điều chỉnh nếu có.

d) Tiêu chuẩn 4: Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; các tổ chức đoàn thể hoạt động theo điều lệ, thực hiện giám sát góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo.

đ) Tiêu chuẩn 5: Các phòng hoặc bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ, tổ bộ môn, đơn vị khác (nếu có) thuộc trung tâm được phân công, phân cấp rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn.

2. Tiêu chí 2 - Hoạt động đào tạo

a) Tiêu chuẩn 1: Các nghề đào tạo của trung tâm được đăng ký theo giấy chứng nhận hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đảm bảo các điều kiện tổ chức đào tạo theo quy định. Trung tâm ban hành chuẩn đầu ra của từng chương trình đào tạo và công bố công khai để người học và xã hội biết.

b) Tiêu chuẩn 2: Trung tâm có hướng dẫn và thực hiện tuyển sinh theo quy định.

c) Tiêu chuẩn 3: Xây dựng, phê duyệt kế hoạch, tiến độ đào tạo cho từng lớp, từng khóa học đảm bảo linh hoạt, phù hợp đối tượng người học, đặc điểm vùng, miền; thực hiện kế hoạch đào tạo, tiến độ đào tạo đã phê duyệt.

d) Tiêu chuẩn 4: Các hoạt động đào tạo của trung tâm được thực hiện theo mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo đã được phê duyệt.

đ) Tiêu chuẩn 5: Trung tâm thực hiện việc kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện và cấp chứng chỉ cho người học theo quy định đảm bảo nghiêm túc, khách quan.

e) Tiêu chuẩn 6: Trung tâm triển khai đào tạo theo hướng đa dạng hóa các phương thức đào tạo đáp ứng nhu cầu người học, phù hợp với điều kiện của trung tâm; phối hợp với đơn vị sử dụng lao động trong hoạt động giảng dạy, học tập và thực hành, thực tập của người học.

g) Tiêu chuẩn 7: Phương pháp đào tạo được thực hiện kết hợp rèn luyện năng lực thực hành với trang bị kiến thức chuyên môn; phát huy tính tích cực, tự giác, năng động, khả năng làm việc độc lập của người học, tổ chức làm việc theo nhóm.

h) Tiêu chuẩn 8: Trung tâm tổ chức và thực hiện liên kết đào tạo theo quy định hiện hành. Hằng năm, trung tâm tổ chức lấy ý kiến người học, nhà giáo và cán bộ quản lý về việc thực hiện liên kết đào tạo và điều chỉnh nếu cần thiết.

i) Tiêu chuẩn 9: Sổ sách, biểu mẫu quản lý đào tạo được lưu giữ và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

3. Tiêu chí 3 - Nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động

a) Tiêu chuẩn 1: Trung tâm có đội ngũ nhà giáo đảm bảo tỷ lệ quy đổi theo quy định đủ số lượng, phù hợp nghề và trình độ đào tạo.

b) Tiêu chuẩn 2: Đội ngũ nhà giáo của trung tâm tham gia giảng dạy đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ và các tiêu chuẩn hiện hành khác nếu có.

c) Tiêu chuẩn 3: Nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định và không vi phạm quy chế, nội quy và quy định của trung tâm.

d) Tiêu chuẩn 4: Nhà giáo giảng dạy theo nội dung, mục tiêu chương trình đào tạo và thực hiện đầy đủ các yêu cầu chương trình đào tạo.

đ) Tiêu chuẩn 5: Đội ngũ cán bộ quản lý của trung tâm được bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định. Giám đốc, phó giám đốc trung tâm thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

e) Tiêu chuẩn 6: Có quy định về tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, bồi dưỡng, đánh giá, phân loại nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động theo quy định; thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ cho nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động theo quy định.

g) Tiêu chuẩn 7: Thực hiện tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, bồi dưỡng, đánh giá, phân loại nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động theo quy định đảm bảo công khai, minh bạch và khách quan.

h) Tiêu chuẩn 8: Trung tâm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo của trung tâm, cán bộ quản lý theo quy định.

i) Tiêu chuẩn 9: Nhà giáo được bồi dưỡng, thực tập tại đơn vị sử dụng lao động để cập nhật kiến thức, công nghệ, phương pháp tổ chức quản lý sản xuất theo quy định.

4. Tiêu chí 4 - Chương trình, giáo trình

a) Tiêu chuẩn 1: Trung tâm có đủ chương trình, giáo trình các nghề đang đào tạo theo quy định.

b) Tiêu chuẩn 2: Chương trình đào tạo đảm bảo nội dung, cấu trúc theo quy định.

c) Tiêu chuẩn 3: 100% chương trình đào tạo được xây dựng hoặc lựa chọn theo quy định.

d) Tiêu chuẩn 4: Chương trình đào tạo được xây dựng hoặc lựa chọn có sự tham gia của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, cán bộ khoa học kỹ thuật của đơn vị sử dụng lao động.

đ) Tiêu chuẩn 5: Chương trình đào tạo đảm bảo tính thực tiễn và phù hợp với kỹ thuật công nghệ trong sản xuất, dịch vụ.

e) Tiêu chuẩn 6: 100% giáo trình đào tạo được xây dựng hoặc lựa chọn, theo quy định để làm tài liệu giảng dạy, học tập chính thức.

g) Tiêu chuẩn 7: Có đủ giáo trình cho các mô đun của từng chương trình đào tạo.

h) Tiêu chuẩn 8: Giáo trình đào tạo được xây dựng hoặc lựa chọn có sự tham gia của nhà giáo, chuyên gia, cán bộ quản lý có kinh nghiệm và đại diện đơn vị sử dụng lao động sau đào tạo; cụ thể hóa yêu cầu về nội dung kiến thức, kỹ năng của từng mô đun trong chương trình đào tạo.

i) Tiêu chuẩn 9: Hằng năm tổ chức lấy ý kiến nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động và người học về chương trình, giáo trình, chỉnh sửa nếu cần thiết; ít nhất 3 năm 1 lần trung tâm tổ chức đánh giá chương trình, giáo trình theo quy định, thực hiện chỉnh sửa nếu cần thiết.

5. Tiêu chí 5 - Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo

a) Tiêu chuẩn 1: Trung tâm có địa điểm đào tạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu điều kiện dạy và học về mặt bằng, địa điểm học kiến thức nghề; địa điểm thực hành kỹ năng nghề; phương tiện, thiết bị, nguyên vật liệu đào tạo theo quy định về tổ chức lớp học và địa điểm đào tạo.

b) Tiêu chuẩn 2: Phòng học lý thuyết, thực hành, xưởng thực hành đảm bảo nội quy, quy định về an toàn vệ sinh lao động phòng chống cháy nổ, trang thiết bị được bố trí ngăn nắp, hợp lý đảm bảo các yêu cầu thực hành nghề của người học.

c) Tiêu chuẩn 3: Trung tâm có đủ chủng loại, số lượng và chất lượng thiết bị đào tạo theo quy định.

d) Tiêu chuẩn 4: Có quy định về sử dụng thiết bị tự làm theo quy định hiện hành và tổ chức quản lý, sử dụng theo quy định.

đ) Tiêu chuẩn 5: Có thiết bị thực hành tương đương công nghệ đang sử dụng thực tế trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.

e) Tiêu chuẩn 6: Thiết bị thực hành đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với chương trình đào tạo của trung tâm.

g) Tiêu chuẩn 7: Có phòng đọc đủ chương trình, giáo trình các nghề mà trung tâm đào tạo phục vụ người học, nhà giáo nghiên cứu, tham khảo.

6. Tiêu chí 6 - Quản lý tài chính

a) Tiêu chuẩn 1: Trung tâm có quy định và thực hiện quy định về quản lý, sử dụng và thanh quyết toán về tài chính theo quy định.

b) Tiêu chuẩn 2: Các nguồn lực tài chính đảm bảo đủ kinh phí phục vụ các hoạt động của trung tâm.

c) Tiêu chuẩn 3: Quản lý, sử dụng các nguồn thu từ hoạt động dịch vụ đào tạo; tham gia sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đúng theo quy định.

d) Tiêu chuẩn 4: Trung tâm chấp hành đầy đủ chế độ tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế, thống kê và báo cáo định kỳ theo quy định; công khai tài chính theo quy định của pháp luật.

7. Tiêu chí 7 - Dịch vụ người học

a) Tiêu chuẩn 1: Trung tâm thông báo cho người học biết về quy chế đào tạo, kế hoạch đào tạo, nội dung chương trình đào tạo, quyền lợi và nghĩa vụ của người học.

b) Tiêu chuẩn 2: Người học được hưởng chế độ, chính sách theo quy định.

c) Tiêu chuẩn 3: Có chính sách và thực hiện chính sách khen thưởng, khuyến khích kịp thời đối với người học đạt kết quả cao trong học tập, rèn luyện.

d) Tiêu chuẩn 4: Người học được tôn trọng và đối xử bình đẳng, không phân biệt giới tính, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân.

đ) Tiêu chuẩn 5: Trung tâm thực hiện việc tư vấn giới thiệu việc làm cho người học.

8. Tiêu chí 8 - Giám sát, đánh giá chất lượng

a) Tiêu chuẩn 1: Trung tâm thực hiện hoạt động tự đánh giá và kiểm định chất lượng theo quy định; hằng năm thu thập ý kiến đơn vị sử dụng lao động về mức độ đáp ứng của người tốt nghiệp.

b) Tiêu chuẩn 2: Hằng năm, trung tâm có kế hoạch và các giải pháp để thực hiện đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo trên cơ sở kết quả tự đánh giá và kiểm định chất lượng nếu có.

Thông tư 15/2017/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 15/2017/TT-BLĐTBXH
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 08/06/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Trọng Đàm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 465 đến số 466
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH