Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 15/2016/TT-BKHCN quy định quản lý đề tài nghiên cứu ứng dụng do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Chương II

ĐÁNH GIÁ XÉT CHỌN ĐỀ TÀI

Điều 7. Hồ sơ đăng ký thực hiện đề tài

1. Hàng năm, Quỹ thông báo các hướng nghiên cứu ứng dụng do Quỹ tài trợ, hướng dẫn về điều kiện, thủ tục có liên quan và thời hạn nộp hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử của Quỹ.

2. Căn cứ thông báo của Quỹ, các tổ chức, cá nhân nhà khoa học đề xuất đề tài, lập Hồ sơ đăng ký thực hiện đề tài và gửi đến Quỹ theo quy định.

3. Hồ sơ đăng ký thực hiện đề tài gồm 01 (một) bộ hồ sơ bản giấy và hồ sơ điện tử mẫu được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này, bao gồm:

a) Đơn đăng ký đề tài (Mẫu NCUD01);

b) Thuyết minh đề tài (Mẫu NCUD02);

c) Lý lịch khoa học của chủ nhiệm đề tài và các thành viên (Mẫu NCUD03) và các tài liệu chứng minh thành tích nghiên cứu;

d) Tài liệu liên quan khác nếu tổ chức, cá nhân thấy cần thiết bổ sung làm tăng tính thuyết phục của hồ sơ.

4. Hồ sơ được nộp trực tiếp tại Văn phòng Quỹ hoặc qua đường bưu điện (đối với hồ sơ bản giấy) và đường điện tử (đối với hồ sơ bản điện tử) trong thời hạn theo thông báo của Quỹ.

Hồ sơ có đầy đủ các biểu mẫu và đáp ứng các yêu cầu quy định tại Khoản 3 Điều này sẽ được Quỹ xác nhận về việc tiếp nhận hồ sơ (bản giấy nếu nộp trực tiếp, bản điện tử nếu nộp qua đường bưu điện).

Điều 8. Yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài

1. Đối với tổ chức chủ trì đề tài:

Có tư cách pháp nhân, có năng lực hoạt động phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của đề tài, có đủ các điều kiện cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ hoạt động nghiên cứu của đề tài.

2. Đối với chủ nhiệm đề tài:

a) Có chuyên môn phù hợp với nội dung nghiên cứu của đề tài;

b) Có năng lực nghiên cứu đáp ứng yêu cầu của đề tài: Trình độ từ đại học trở lên và có kết quả nghiên cứu chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu của đề tài, đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

- Có kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín hoặc là tác giả sáng chế, giống cây trồng được cấp văn bằng bảo hộ trong thời gian năm 05 (năm) năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ;

- Có kết quả nghiên cứu đã được công bố (bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế hoặc quốc gia có uy tín, bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng) trong thời gian 10 (mười) năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ được ứng dụng;

c) Có đủ thời gian để hoàn thành nội dung nghiên cứu của đề tài theo quy định. Trường hợp chủ nhiệm đề tài đi công tác, làm việc tại nước ngoài, tổng thời gian ở nước ngoài không quá 1/3 thời gian thực hiện đề tài.

3. Thành viên nhóm nghiên cứu đề tài phải có trình độ chuyên môn và kỹ năng phù hợp với nội dung nghiên cứu của đề tài, bao gồm:

a) Thành viên thực hiện chính, thư ký khoa học: có trình độ từ đại học trở lên; có kết quả nghiên cứu phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu của đề tài được công bố trên các tạp chí quốc gia hoặc quốc tế có uy tín hoặc có bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng được cấp văn bằng bảo hộ trong thời gian 05 (năm) năm tính đến thời điểm kết thúc nhận hồ sơ;

b) Thành viên có trình độ từ đại học trở lên và có kết quả nghiên cứu phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu của đề tài được công bố trên tạp chí quốc gia hoặc quốc tế, bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng;

c) Kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ khác.

4. Tại cùng một thời điểm, mỗi cá nhân làm chủ nhiệm không quá 01 (một) đề tài do Quỹ tài trợ (trừ trường hợp là nhiệm vụ đột xuất có ý nghĩa quan trọng về khoa học và thực tiễn).

Điều 9. Yêu cầu về thời gian thực hiện và kết quả của đề tài

1. Thời gian thực hiện đề tài không quá 36 (ba mươi sáu) tháng (không kể thời gian gia hạn).

2. Kết quả của đề tài:

a) Đối với đề tài trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, kết quả của đề tài là những phương pháp, cách thức mới để giải quyết các vấn đề về xã hội, con người;

b) Đối với đề tài trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, kết quả của đề tài là công nghệ mới, bao gồm bí quyết kỹ thuật, phương án, quy trình công nghệ, giải pháp kỹ thuật, giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ.

3. Sản phẩm của đề tài trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật phải đáp ứng một trong các yêu cầu sau đây:

a) 02 (hai) bằng độc quyền sáng chế hoặc 02 (hai) bằng bảo hộ giống cây trồng hoặc 01 (một) bằng độc quyền sáng chế và 01 (một) bằng bảo hộ giống cây trồng;

b) 01 (một) bằng độc quyền sáng chế hoặc 01 (một) bằng bảo hộ giống cây trồng; và 01 (một) bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín hoặc 01 (một) bằng bảo hộ độc quyền giải pháp hữu ích.

Trường hợp chưa được cấp bằng độc quyền sáng chế/bằng bảo hộ giống cây trồng thì phải có thông báo chấp nhận đơn và minh chứng về việc tiếp nhận yêu cầu thẩm định nội dung của cơ quan có thẩm quyền cấp bằng độc quyền sáng chế/bằng bảo hộ giống cây trồng và kết quả tra cứu khả năng bảo hộ từ các cơ quan, tổ chức có chứng nhận hoạt động hợp pháp.

4. Sản phẩm của đề tài trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn phải đáp ứng một trong các yêu cầu sau đây:

a) 02 (hai) bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín;

b) 01 (một) bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín và 01 (một) bài báo công bố trên tạp chí quốc gia có uy tín;

Trường hợp do đặc thù của vấn đề nghiên cứu không thể công bố trên các tạp chí quốc tế thì sản phẩm đề tài phải có ít nhất 01 (một) sách chuyên khảo (đã xuất bản) và 02 (hai) bài báo công bố trên tạp chí quốc gia có uy tín. Hội đồng khoa học đánh giá xét chọn đề xuất các trường hợp này để Quỹ xem xét, quyết định.

5. Chủ nhiệm đề tài là tác giả của ít nhất 01 (một) bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín hoặc 01 (một) bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích hoặc 01 (một) bằng bảo hộ giống cây trồng từ kết quả của đề tài.

6. Công trình khoa học là sản phẩm của đề tài quy định tại Điều này phải được ghi rõ là kết quả nghiên cứu của đề tài được Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ.

Điều 10. Phương thức, tiêu chí đánh giá xét chọn đề tài

1. Quỹ thực hiện việc đánh giá xét chọn đề tài thông qua Hội đồng khoa học quy định tại Điều 6 của Thông tư này.

2. Tiêu chí đánh giá xét chọn đề tài:

a) Sự cần thiết của vấn đề nghiên cứu và sự phù hợp với hướng nghiên cứu ứng dụng được Quỹ tài trợ;

b) Tính sáng tạo, ý nghĩa khoa học, khả năng được ứng dụng của vấn đề nghiên cứu được đề xuất, ý nghĩa thực tiễn và tác động đối với phát triển kinh tế - xã hội;

c) Mục tiêu, nội dung rõ ràng; phương pháp và kế hoạch nghiên cứu phù hợp để đạt được mục tiêu; kết quả dự kiến, khả năng thành công của đề tài; dự toán kinh phí nghiên cứu hợp lý;

d) Năng lực, kinh nghiệm nghiên cứu của chủ nhiệm đề tài;

đ) Năng lực, kinh nghiệm nghiên cứu của các thành viên tham gia thực hiện; điều kiện cơ sở vật chất - kỹ thuật của tổ chức chủ trì phục vụ nghiên cứu.

3. Hội đồng khoa học đánh giá xét chọn đề tài theo phương thức do Hội đồng quản lý Quỹ quy định trong Quy chế làm việc của Hội đồng khoa học.

Điều 11. Thẩm định, phê duyệt và công bố danh mục đề tài

1. Cơ quan điều hành Quỹ tổ chức thẩm định nội dung thuyết minh và dự toán kinh phí của đề tài được Hội đồng khoa học đề nghị tài trợ theo quy định của Quỹ.

Cơ quan điều hành Quỹ lập báo cáo kết quả đánh giá xét chọn đề tài, nhận xét về sự phù hợp của quá trình đánh giá xét chọn, thẩm định và trình Hội đồng quản lý Quỹ xem xét, quyết định.

2. Căn cứ báo cáo của Cơ quan điều hành Quỹ về kết quả đánh giá xét chọn, thẩm định đề tài và khả năng tài chính của Quỹ, Hội đồng quản lý Quỹ xem xét, quyết định phê duyệt danh mục kinh phí các đề tài được Quỹ tài trợ. Trường hợp cần thiết, Hội đồng quản lý Quỹ lấy thêm ý kiến của chuyên gia đánh giá độc lập trước khi quyết định.

3. Trong thời gian 05 (năm) tháng kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ, Quỹ công bố danh mục các đề tài được tài trợ trên Cổng thông tin điện tử, gửi Thông báo tài trợ, hướng dẫn các thủ tục cần thiết đến tổ chức, cá nhân được nhận tài trợ để hoàn thiện thuyết minh đề tài theo nội dung và kinh phí được phê duyệt.

4. Trong thời gian kể từ ngày có quyết định phê duyệt danh mục các đề tài được tài trợ đến thời điểm ký hợp đồng thực hiện, Quỹ có quyền hủy bỏ quyết định phê duyệt tài trợ cho đề tài thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm đề tài có giả mạo, gian lận hoặc khai báo không trung thực trong hồ sơ đăng ký thực hiện đề tài;

b) Vi phạm các yêu cầu đối với tổ chức chủ trì và chủ nhiệm đề tài;

c) Có sự trùng lặp về kinh phí thực hiện đề tài từ các nguồn khác của ngân sách nhà nước;

d) Chủ nhiệm đề tài và tổ chức chủ trì không hoàn thiện thuyết minh đề tài và hợp đồng theo yêu cầu.

Tổ chức chủ trì và cá nhân chủ nhiệm đề tài có quyết định bị hủy bỏ phải chịu các hình thức xử lý theo quy định hiện hành.

Thông tư 15/2016/TT-BKHCN quy định quản lý đề tài nghiên cứu ứng dụng do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 15/2016/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/06/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Quốc Khánh
  • Ngày công báo: 29/03/2017
  • Số công báo: Từ số 213 đến số 214
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH