Chương 2 Thông tư 148/2010/TT-BTC hướng dẫn biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và trò chơi giải trí có thưởng do Bộ Tài chính ban hành
CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN
Điều 4. Quy chế nội bộ về phòng, chống rửa tiền
1. Căn cứ vào quy định tại Nghị định số 74/2005/NĐ-CP, Thông tư này và các văn bản pháp luật có liên quan, các tổ chức báo cáo phải xây dựng và ban hành quy chế nội bộ về phòng, chống rửa tiền trong đó xác định trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức báo cáo trong việc đảm bảo khả năng phát hiện và hạn chế các tổ chức, cá nhân thông qua tổ chức báo cáo để thực hiện các hành vi rửa tiền. Nội dung quy chế nội bộ bao gồm các quy định, quy trình, thủ tục cơ bản như sau:
a) Quy trình, thủ tục nhận biết và cập nhật thông tin về khách hàng và người được hưởng lợi, các biện pháp xác minh thông tin về khách hàng và người được hưởng lợi trong trường hợp có phát sinh giao dịch đáng ngờ;
b) Quy trình rà soát, phát hiện, xử lý và báo cáo giao dịch đáng ngờ cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
c) Quy định biện pháp tạm thời áp dụng trong phòng, chống rửa tiền và nguyên tắc xử lý trong các trường hợp trì hoãn, không thực hiện giao dịch;
d) Quy trình chấp nhận và quản lý khách hàng đối với lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và trò chơi giải trí có thưởng;
đ) Quy định về kiểm soát và kiểm toán nội bộ việc tuân thủ các quy định, quy trình và thủ tục liên quan đến hoạt động phòng, chống rửa tiền;
e) Quy định về chức năng, quyền hạn và trách nhiệm của người hoặc bộ phận phụ trách phòng, chống rửa tiền;
g) Quy định về đào tạo nâng cao nhận thức và nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền;
h) Quy định về lưu giữ và bảo mật thông tin.
2. Quy chế nội bộ về phòng, chống rửa tiền phải được phổ biến đến từng cá nhân, bộ phận có trách nhiệm phòng, chống rửa tiền trong tổ chức báo cáo, kể cả đối với những người được tổ chức báo cáo thuê làm việc trong thời gian từ 6 tháng trở lên có liên quan đến những giao dịch tài chính, tiền tệ tại trụ sở chính, sở giao dịch, chi nhánh hoạt động tại Việt Nam và nước ngoài.
3. Tổ chức báo cáo phải gửi Quy chế nội bộ về phòng, chống rửa tiền cho Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Tổ chức báo cáo tự quyết định việc cung cấp Quy chế nội bộ về phòng, chống rửa tiền cho các định chế tài chính đối tác trong nước và ngoài nước trong quan hệ đại lý khi được yêu cầu.
Điều 5. Cán bộ hoặc bộ phận chịu trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền
1. Căn cứ vào quy mô, phạm vi và đặc thù hoạt động của mình, tổ chức báo cáo quyết định việc bố trí cán bộ hoặc thành lập bộ phận chuyên trách chịu trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền. Tổ chức báo cáo phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành các thông tin liên quan đến tên, địa chỉ cán bộ hoặc bộ phận chịu trách nhiệm về phòng chống rửa tiền và các thông tin về địa chỉ, điện thoại, số fax của tổ chức để liên hệ khi cần thiết. Khi có bất cứ thay đổi nào trong những thông tin nêu trên, tổ chức báo cáo phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Cán bộ hoặc bộ phận chịu trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền có các chức năng, nhiệm vụ chính sau đây:
a) Tiếp nhận và thẩm tra thông tin về giao dịch đáng ngờ do nhân viên, phòng ban, bộ phận có liên quan báo cáo;
b) Lập và chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo giao dịch đáng ngờ để gửi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
c) Chịu trách nhiệm lưu giữ hồ sơ và cập nhật thông tin về báo cáo giao dịch đáng ngờ để cung cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
d) Chịu trách nhiệm định kỳ hàng tháng lập và lưu trữ báo cáo giao dịch có giá trị lớn và cung cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu;
đ) Lập các báo cáo về hoạt động phòng, chống rửa tiền trong tổ chức theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
e) Xây dựng, triển khai các chương trình, chính sách, chiến lược phòng, chống rửa tiền áp dụng trong tổ chức;
g) Thường xuyên xem xét, đánh giá và điều chỉnh quy chế nội bộ về phòng, chống rửa tiền nhằm đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật, các thay đổi và phát triển trong hoạt động kinh doanh của tổ chức;
h) Chịu trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức đào tạo về các nội dung và biện pháp phòng, chống rửa tiền cho các nhân viên và những cá nhân, tổ chức có liên quan đến hoạt động kinh doanh của tổ chức.
Điều 6. Quy trình nhận biết khách hàng
1. Các trường hợp nhận biết khách hàng:
a) Khách hàng mở tài khoản lần đầu với tổ chức báo cáo;
b) Khách hàng thực hiện các giao dịch quy định tại Điều 8 Thông tư này;
c) Khách hàng thực hiện các giao dịch quy định tại Điều 9 Thông tư này.
2. Nội dung thông tin nhận biết khách hàng:
Tổ chức báo cáo tự thiết kế mẫu nhận biết khách hàng nhưng phải đảm bảo các thông tin tối thiểu sau đây:
a) Thông tin về khách hàng:
- Đối với khách hàng cá nhân: họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; nghề nghiệp; chức vụ; số hộ chiếu, thị thực nhập cảnh, giấy chứng minh thư nhân dân; địa chỉ (người Việt Nam là địa chỉ nơi đăng ký hộ khẩu và nơi ở hiện tại, người nước ngoài là địa chỉ đăng ký ở nước ngoài và địa chỉ đăng ký tạm trú ở Việt Nam), điện thoại. Trường hợp tài khoản do nhiều khách hàng đứng tên thì phải cung cấp đầy đủ những thông tin nêu trên đối với từng khách hàng.
- Đối với khách hàng là tổ chức: tên giao dịch đầy đủ và viết tắt; địa chỉ đặt trụ sở; số điện thoại, số fax; số, ngày cấp giấy phép thành lập, giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; cơ quan thành lập; thông tin về lĩnh vực hoạt động kinh doanh; thông tin tóm tắt về cơ cấu tổ chức và bộ máy lãnh đạo; thông tin về người đại diện pháp luật cho tổ chức (bao gồm các thông tin như đối với khách hàng cá nhân nêu trên).
- Đối với khách hàng là chủ hợp đồng bảo hiểm: phải cung cấp thông tin như trường hợp khách hàng cá nhân, người được ủy quyền ký thay hoặc người được hưởng lợi.
b) Ngày, tháng, năm mở tài khoản hoặc thực hiện giao dịch;
c) Số tiền ban đầu của tài khoản hoặc giao dịch giá trị tính theo nội tệ hoặc giá trị tính theo ngoại tệ và tỷ giá chuyển đổi (nếu cần);
d) Mục đích và giá trị của tài khoản hoặc giao dịch, thông tin về người được hưởng lợi;
đ) Đối với giao dịch chuyển tiền điện tử bao gồm thông tin về tên, địa chỉ, số tài khoản của người phát lệnh chuyển tiền đầu tiên (nếu có);
e) Tên và chữ ký của nhân viên tổ chức báo cáo chịu trách nhiệm duyệt mở tài khoản hoặc xử lý giao dịch với khách hàng.
3. Biện pháp nhận biết khách hàng:
a) Sử dụng các tài liệu, dữ liệu gốc đáng tin cậy để nhận dạng và xác minh nhận dạng khách hàng ví dụ:
- Đối với khách hàng là cá nhân: giấy chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu còn thời hạn sử dụng hoặc các giấy tờ tuỳ thân hợp lệ khác có ảnh của khách hàng và có đóng dấu giáp lai lên ảnh do cơ quan có thẩm quyền cấp.
- Đối với khách hàng là tổ chức: giấy phép hoặc quyết định thành lập, quyết định đổi tên gọi, chia tách, sáp nhập, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế, quyết định bổ nhiệm Tổng giám đốc (Giám đốc), Kế toán trưởng.
- Đối với khách hàng là chủ hợp đồng bảo hiểm: các giấy tờ xác minh nhận dạng khách hàng cá nhân hoặc tổ chức, hồ sơ y tế của chủ hợp đồng bảo hiểm, người được hưởng lợi, giấy tờ chứng minh thu nhập.
b) Tổ chức báo cáo có thể sử dụng bên thứ ba để xác minh nhận dạng khách hàng như sau:
- Thông qua các cá nhân, tổ chức (bao gồm cả các tổ chức báo cáo khác) đã hoặc đang có quan hệ với khách hàng và đối chiếu thông tin có được với thông tin do khách hàng cung cấp.
- Thông qua cơ quan quản lý hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.
- Tổ chức báo cáo có thể thuê, hợp tác với các tổ chức khác để xác minh nhận dạng khách hàng.
c) Trường hợp có nhiều khách hàng có liên quan thì tổ chức báo cáo phải áp dụng biện pháp xác minh nhận dạng đối với từng khách hàng;
d) Tổ chức báo cáo tự bổ sung các biện pháp nhận biết khách hàng khác căn cứ vào tính chất hoạt động, kinh doanh của tổ chức báo cáo và căn cứ vào mức độ rủi ro rửa tiền gắn với từng loại khách hàng. Tuy nhiên, trách nhiệm cuối cùng về nhận biết, cập nhật thông tin khách hàng thuộc về tổ chức báo cáo.
Điều 7. Rà soát thông tin về khách hàng và giao dịch
1. Tổ chức báo cáo cần kiểm tra kỹ giấy tờ, tài liệu liên quan đến các giao dịch lớn, bất thường để phát hiện các giao dịch đáng ngờ.
2. Tổ chức báo cáo phải thường xuyên rà soát thông tin về khách hàng, đặc biệt các khách hàng đã có nghi vấn tiến hành các hoạt động rửa tiền hoặc khách hàng có tên trong danh sách cảnh báo của Bộ Công an và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Thông tư này.
3. Tổ chức báo cáo phải thường xuyên cập nhật thông tin về khách hàng đã được báo cáo trong các giao dịch đáng ngờ trước đây.
Điều 8. Giao dịch có giá trị lớn
1. Mức giá trị giao dịch có giá trị lớn:
a) Đối với lĩnh vực bảo hiểm: Khách hàng đóng phí bảo hiểm một hoặc nhiều lần trong một ngày bằng tiền mặt cho hợp đồng bảo hiểm cá nhân có tổng giá trị từ 200.000.000 đồng (hai trăm triệu đồng) trở lên bằng tiền Việt Nam hoặc bằng ngoại tệ được quy đổi sang tiền Việt Nam theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng tại thời điểm phát sinh giao dịch;
b) Đối với lĩnh vực chứng khoán:
- Khách hàng là cá nhân thực hiện một hoặc nhiều giao dịch mua hoặc bán chứng khoán bằng tiền mặt trong một ngày có tổng giá trị từ 200.000.000 đồng (hai trăm triệu đồng) trở lên;
- Khách hàng là tổ chức thực hiện một hoặc nhiều giao dịch mua hoặc bán chứng khoán bằng tiền mặt trong một ngày có tổng giá trị từ 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng) trở lên.
c) Đối với lĩnh vực trò chơi giải trí có thưởng:
- Khách hàng là cá nhân thực hiện một hoặc nhiều giao dịch mua vé xổ số, vé đặt cược, đồng tiền quy ước bằng tiền mặt trong một ngày có tổng giá trị từ 200.000.000 đồng (hai trăm triệu đồng) trở lên bằng tiền Việt Nam hoặc ngoại tệ được quy đổi sang tiền Việt Nam theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng tại thời điểm phát sinh giao dịch.
- Khách hàng là người đại diện cho một hoặc nhiều khách hàng cá nhân để thực hiện giao dịch mua vé xổ số, vé đặt cược, đồng tiền quy ước thì giao dịch có giá trị lớn là một hoặc nhiều giao dịch bằng tiền mặt trong một ngày được tính theo bình quân đầu khách hàng có tổng giá trị từ 200.000.000 đồng (hai trăm triệu đồng) trên 01 khách hàng cá nhân trở lên bằng tiền Việt Nam hoặc ngoại tệ được quy đổi sang tiền Việt Nam theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng tại thời điểm phát sinh giao dịch.
2. Tổ chức báo cáo định kỳ hàng tháng phải lập và lưu trữ (ở dạng văn bản hoặc tệp điện tử) các báo cáo giao dịch có giá trị lớn theo Mẫu số 01 đính kèm Thông tư này.
Tổ chức báo cáo phải gửi báo cáo giao dịch có giá trị lớn cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu.
3. Tổ chức báo cáo phải rà soát, sàng lọc các giao dịch có giá trị lớn để phát hiện các giao dịch đáng ngờ.
Ngoài các dấu hiệu giao dịch đáng ngờ được quy định tại khoản 1 Điều 10 của Nghị định số 74/2005/NĐ-CP, Bộ Tài chính quy định bổ sung các dấu hiệu giao dịch đáng ngờ dưới đây:
1. Không thể xác định được khách hàng theo thông tin khách hàng cung cấp hoặc một giao dịch liên quan đến một bên không xác định được danh tính.
2. Doanh số giao dịch trên tài khoản không phù hợp với thông tin và hoạt động kinh doanh thông thường của khách hàng hoặc có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản của khách hàng.
3. Tài khoản của khách hàng không giao dịch trên một năm, giao dịch trở lại mà không có lý do hợp lý nào.
4. Giao dịch được tiến hành bởi một khách hàng có liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp đã đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng mà tổ chức báo cáo biết hoặc có trong danh sách cảnh báo do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp.
5. Dấu hiệu khác của giao dịch đáng ngờ đối với lĩnh vực bảo hiểm:
a) Khách hàng yêu cầu mua một hợp đồng bảo hiểm có giá trị lớn hoặc yêu cầu thanh toán trọn gói (thanh toán toàn bộ phí bảo hiểm một lần) đối với các sản phẩm bảo hiểm không áp dụng hình thức thanh toán trọn gói, trong khi những hợp đồng bảo hiểm hiện tại của khách hàng chỉ có giá trị nhỏ và thanh toán định kỳ;
b) Khách hàng yêu cầu ký kết hợp đồng bảo hiểm với khoản phí bảo hiểm định kỳ không tương xứng với thu nhập hiện tại của khách hàng, hoặc yêu cầu mua hợp đồng bảo hiểm liên quan đến công việc kinh doanh nằm ngoài hoạt động kinh doanh thông thường của khách hàng;
c) Khách hàng đề nghị mua hợp đồng bảo hiểm sử dụng séc ký phát từ một tài khoản không phải là tài khoản cá nhân của khách hàng, hoặc thanh toán bằng các công cụ ngân hàng nhưng là giao dịch khuyết danh hoặc sử dụng và thanh toán trái phiếu qua biên giới;
d) Khách hàng yêu cầu thay đổi những người hưởng lợi đã chỉ định hoặc người thụ hưởng bằng một người không có mối quan hệ rõ ràng với người mua hợp đồng bảo hiểm;
đ) Khách hàng yêu cầu vay giá trị tiền mặt tối đa của một hợp đồng bảo hiểm đóng phí một lần ngay sau khi thanh toán phí bảo hiểm hoặc sử dụng đơn bảo hiểm để đặt cọc hoặc thế chấp (trừ trường hợp tổ chức tín dụng yêu cầu);
e) Công ty của khách hàng có thay đổi bất thường về hoạt động của nhân viên hoặc đại lý (Ví dụ số hợp đồng bảo hiểm của nhân viên tăng lên đáng kể hoặc bất thường) hoặc mức hoạt động của hợp đồng đóng phí một lần liên tục vượt quá mức trung bình của công ty;
g) Khách hàng do một đại lý ở nước ngoài, chi nhánh hoặc công ty có trụ sở ở nước và vùng lãnh thổ không hợp tác do Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) chỉ định hoặc ở nước mà tham nhũng hoặc việc sản xuất và buôn bán ma túy bất hợp pháp có thể đang phổ biến.
6. Dấu hiệu khác của giao dịch đáng ngờ đối với lĩnh vực chứng khoán.
a) Khách hàng cung cấp thông tin sai lệch, giả mạo hoặc từ chối cung cấp những thông tin cần thiết khi có yêu cầu liên quan đến giá trị và nguồn gốc tài sản của khách hàng tại công ty chứng khoán;
b) Giao dịch mua, bán chứng khoán có dấu hiệu bất thường trong một ngày hoặc một số ngày do một cá nhân hay một tổ chức thực hiện;
c) Khách hàng thực hiện chuyển nhượng chứng khoán ngoài hệ thống mà không có lý do hợp lý;
d) Tài khoản giao dịch chứng khoán của người không cư trú tại Việt Nam có giá trị lớn được rút ra khỏi Việt Nam và chuyển vào các trung tâm tài chính ở nước ngoài;
đ) Giao dịch mua, bán chứng khoán có nguồn tiền từ các quỹ đầu tư được mở ở các vùng, lãnh thổ được các tổ chức quốc tế xếp loại là có nguy cơ rửa tiền cao.
7. Dấu hiệu khác của giao dịch đáng ngờ đối với lĩnh vực trò chơi giải trí có thưởng:
a) Khách hàng có dấu hiệu liên tục cố tình thua khi tham gia các trò chơi có thưởng tại điểm kinh doanh casino và điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng;
b) Khách hàng mua số lượng đồng tiền quy ước có giá trị lớn tại điểm kinh doanh casino và điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng nhưng không tham gia chơi hoặc chơi với số lượng rất nhỏ sau đó đổi lại thành tiền và yêu cầu doanh nghiệp thanh toán bằng séc, hối phiếu ngân hàng hoặc chuyển tiền đến tài khoản khác;
c) Khách hàng yêu cầu chuyển tiền thắng cược, trúng thưởng cho bên thứ ba không có mối quan hệ rõ ràng với khách hàng, đặc biệt khi bên thứ ba không ở cùng nơi thường trú của khách hàng;
d) Khách hàng bổ sung tiền mặt hoặc séc vào số tiền thắng cược, trúng thưởng và yêu cầu doanh nghiệp chuyển thành một séc chung có giá trị lớn;
đ) Khách hàng nhiều lần trong một ngày yêu cầu doanh nghiệp đổi số lượng đồng tiền quy ước thành tiền có giá trị lớn mà không có nguồn gốc rõ ràng;
e) Khách hàng nhiều lần trong một ngày yêu cầu bên thứ ba mua hộ số lượng đồng tiền quy ước có giá trị lớn và nhờ bên thứ ba chơi cá cược hộ;
g) Khách hàng nhiều lần trong một ngày mua vé xổ số, vé đặt cược, đồng tiền quy ước ở gần mức giới hạn giao dịch có giá trị lớn.
8. Tổ chức báo cáo tự bổ sung các dấu hiệu đáng ngờ căn cứ vào tính chất hoạt động, kinh doanh của tổ chức.
Điều 10. Quy trình xử lý giao dịch đáng ngờ
1. Một tổ chức được coi là đã phát hiện ra giao dịch đáng ngờ và phải có trách nhiệm báo cáo nếu nhân viên của tổ chức báo cáo phát hiện hoặc có lý do để tin rằng giao dịch đáng ngờ đang diễn ra hoặc thông tin trong hồ sơ, tài liệu do tổ chức báo cáo lưu giữ hoặc có được cho thấy khách hàng hoặc giao dịch do khách hàng thực hiện rõ ràng có dấu hiệu bất thường hoặc đáng ngờ và những khách hàng và giao dịch đáng ngờ đó đã được báo cáo cho cán bộ hoặc bộ phận phụ trách về phòng, chống rửa tiền của tổ chức báo cáo hoặc đã báo cáo cho người có thẩm quyền của tổ chức báo cáo.
2. Khi phát hiện các giao dịch đáng ngờ, tổ chức báo cáo phải báo cáo bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo Mẫu số 02 đính kèm Thông tư này. Trong trường hợp cần thiết tổ chức báo cáo có thể báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền bằng các phương tiện fax hoặc điện thoại nhưng sau đó phải gửi báo cáo bằng văn bản.
3. Tổ chức báo cáo có trách nhiệm theo dõi diễn biến giao dịch đã báo cáo, cập nhật thông tin mới phát sinh có liên quan.
4. Thời hạn báo cáo:
a) Trừ các trường hợp quy định tại Điều 11 Thông tư này, trong vòng 48 giờ làm việc kể từ thời điểm tổ chức báo cáo phát hiện hoặc có lý do để tin rằng giao dịch đáng ngờ đã hoặc đang diễn ra thì tổ chức báo cáo phải báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Trường hợp tổ chức báo cáo phát hiện hoặc có lý do để tin rằng giao dịch có liên quan tới hoạt động tội phạm rửa tiền, tài trợ cho khủng bố đã hoặc đang diễn ra thì tổ chức báo cáo phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong vòng 24 giờ làm việc kể từ thời điểm phát hiện giao dịch đó.
c) Trước ngày 30 tháng 11 hàng năm, tổ chức báo cáo lập báo cáo tổng hợp hoạt động phòng, chống rửa tiền đã thực hiện trong năm và gửi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
5. Bảo mật thông tin:
a) Tổ chức báo cáo không được thông báo cho khách hàng và các bên có liên quan đến giao dịch đáng ngờ về việc tổ chức báo cáo đã thực hiện báo cáo, nội dung báo cáo hoặc thông tin đã cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền;
b) Tài liệu, hồ sơ liên quan đến các giao dịch được báo cáo theo Thông tư này là tài liệu thuộc độ “Mật”, tổ chức báo cáo chỉ được cung cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
c) Các cá nhân, tổ chức thực hiện trách nhiệm báo cáo hoặc cung cấp thông tin về khách hàng có liên quan đến các giao dịch phải báo cáo theo quy định tại Nghị định số 74/2005/NĐ-CP và Thông tư này không bị coi là vi phạm các quy định của pháp luật về bảo đảm bí mật thông tin về khách hàng các hoạt động có liên quan đến khách hàng.
Điều 11. Áp dụng các biện pháp xử lý tạm thời
1. Tổ chức báo cáo khi áp dụng các biện pháp xử lý tạm thời phải đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.
2. Tổ chức báo cáo được quyền không thực hiện giao dịch trong những trường hợp dưới đây và đồng thời thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
a) Các giao dịch có liên quan tới cá nhân, tổ chức thuộc danh sách cá nhân, tổ chức liên quan đến hoạt động tội phạm do Bộ Công an hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp;
b) Có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan tới hoạt động phạm tội;
c) Giao dịch chuyển tiền vào hoặc ra ngoài tài khoản khách hàng theo mọi hình thức để sử dụng cho các mục đích nằm ngoài phạm vi hoạt động và cung ứng dịch vụ của tổ chức báo cáo;
d) Mở và duy trì hoạt động trên tài khoản vô danh hoặc chỉ đánh số hoặc của khách hàng giấu tên hoặc rõ ràng là sử dụng tên giả;
đ) Mở và duy trì hoạt động trên tài khoản của khách hàng mà tổ chức không trực tiếp gặp và xác định thông tin khách hàng ít nhất một lần.
3. Tổ chức báo cáo không phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với thiệt hại phát sinh từ việc không thực hiện giao dịch theo quy định của pháp luật.
4. Niêm phong, tạm giữ tài sản, phong tỏa tài khoản giao dịch được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.
Điều 12. Thời hạn lưu giữ hồ sơ
Tổ chức báo cáo có trách nhiệm lưu giữ thông tin, tài liệu nhận biết khách hàng, thông tin, tài liệu liên quan đến báo cáo các giao dịch đáng ngờ và báo cáo giao dịch có giá trị lớn được quy định tại Nghị định số 74/2005/NĐ-CP và Thông tư này ít nhất là 5 năm kể từ ngày đóng tài khoản hoặc từ ngày kết thúc giao dịch.
1. Hàng năm, tổ chức báo cáo xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo và nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống rửa tiền cho tất cả cán bộ và nhân viên có liên quan đến các giao dịch tiền tệ và tài sản khác của tổ chức báo cáo. Tổ chức báo cáo có chính sách ưu tiên đào tạo đối với các nhân viên giao dịch trực tiếp với khách hàng và cán bộ, nhân viên chịu trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền.
2. Tổ chức báo cáo tự lựa chọn hình thức đào tạo phù hợp với đặc điểm về tổ chức và hoạt động của mình, chủ động phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức đào tạo cho cán bộ, nhân viên về chuyên môn, nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền.
3. Nội dung đào tạo cán bộ, nhân viên phải phù hợp với công việc và mức độ rủi ro rửa tiền liên quan đến công việc mà họ đảm nhiệm, phù hợp với trách nhiệm của họ trong việc thực hiện quy chế nội bộ về phòng, chống rửa tiền và gồm các nội dung cơ bản sau:
a) Các quy định của pháp luật và quy chế nội bộ về phòng, chống rửa tiền chú trọng vào các vấn đề như các biện pháp nhận biết khách hàng, cách thức phát hiện và báo cáo về các giao dịch đáng ngờ, trách nhiệm pháp lý khi không thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền;
b) Cập nhật thông tin về các xu hướng, biện pháp và thủ đoạn rửa tiền;
c) Cập nhật thông tin về quy trình nội bộ và các biện pháp phòng, chống rửa tiền tổ chức đang áp dụng.
1. Tổ chức báo cáo phải thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ nhằm đảm bảo việc tuân thủ quy định của pháp luật và quy chế nội bộ về phòng, chống rửa tiền.
2. Hàng năm, tổ chức báo cáo phải tiến hành kiểm soát nội bộ công tác phòng, chống rửa tiền, đánh giá việc tuân thủ quy chế nội bộ đã được thiết lập và đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác phòng, chống rửa tiền.
3. Mọi vi phạm được phát hiện trong quá trình kiểm soát phải được báo cáo cho người phụ trách phòng, chống rửa tiền và người đứng đầu tổ chức báo cáo để xử lý.
Các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống rửa tiền trong các lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và trò chơi giải trí có thưởng nếu chưa đến mức xử lý hình sự thì xử lý hành chính theo quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 74/2005/NĐ-CP ngày 07/6/2005 của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Thông tư 148/2010/TT-BTC hướng dẫn biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và trò chơi giải trí có thưởng do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 148/2010/TT-BTC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 24/09/2010
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Trần Xuân Hà
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 611
- Ngày hiệu lực: 08/11/2010
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 4. Quy chế nội bộ về phòng, chống rửa tiền
- Điều 5. Cán bộ hoặc bộ phận chịu trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền
- Điều 6. Quy trình nhận biết khách hàng
- Điều 7. Rà soát thông tin về khách hàng và giao dịch
- Điều 8. Giao dịch có giá trị lớn
- Điều 9. Giao dịch đáng ngờ
- Điều 10. Quy trình xử lý giao dịch đáng ngờ
- Điều 11. Áp dụng các biện pháp xử lý tạm thời
- Điều 12. Thời hạn lưu giữ hồ sơ
- Điều 13. Đào tạo
- Điều 14. Kiểm soát nội bộ
- Điều 15. Xử lý vi phạm