Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 143/1999/TT-BTC | Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 1999 |
Căn cứ Nghị định 87/CP ngày 5 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ ban hành Qui chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ( ODA ).
Căn cứ vào Hiệp định khung về cấp tín dụng hỗn hợp ký giữa Chính phủ Đan mạch và Chính phủ Việt nam ngày 29/1/1999 trị giá 40 triệu USD (sau đây gọi tắt là Hiệp định khung).
Căn cứ Hiệp định hạn mức tín dụng ưu đãi ký ngày 6/10/1999 giữa Bộ Tài chính và Cơ quan Tài trợ Công nghiệp Đan mạch (sau đây gọi tắt là Hiệp định) trị giá 25 triệu USD.
Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tài chính trong nước áp dụng đối với dự án sử dụng nguồn vốn này của Đan mạch tại công văn số 1141 /CP-QHQT ngày 1/11/1999 của Chính phủ.
Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng vốn hạn mức tín dụng ưu đãi của Đan mạch theo các văn bản trên như sau:
1. Nguồn vốn hạn mức tín dụng ưu đãi của Đan mạch là khoản vay nợ nước ngoài của Chính phủ. Toàn bộ tiền vay được hạch toán vào Ngân sách Nhà nước. Bộ Tài chính có trách nhiệm trả nợ cho phía nước ngoài khi đến hạn (bao gồm cả nợ gốc và các khoản phải trả khác).
2. Các chủ đầu tư có trách nhiệm sử dụng vốn đúng mục đích, phù hợp với các điều kiện quy định trong các thoả thuận đã ký với Đan mạch và hoàn trả cho Ngân sách Nhà nước (đối với các dự án thuộc diện cho vay lại) theo đúng quy định tại Hợp đồng vay lại ký với Cơ quan cho vay lại được Bộ Tài chính uỷ quyền (từ 1/1/2000 qua Quỹ Hỗ trợ phát triển).
3. Cơ quan cho vay lại chịu trách nhiệm thực hiện việc quản lý cho vay lại và thu hồi nợ đối với các chủ đầu tư và được hưởng phí cho vay lại vốn tín dụng Nhà nước theo quy định hiện hành.
4. Bộ Tài chính đã thống nhất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam là Ngân hàng thực hiện các nghiệp vụ giao dịch đối ngoại cho các dự án.
1. Đối với các dự án đã được Chính phủ chấp thuận đưa vào danh mục đề nghị phía Đan mạch tài trợ, các Chủ đầu tư tiến hành lập báo cáo nghiên cứu khả thi và trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định tại Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7 /1999 của Chính phủ ban hành Qui chế Quản lý Đầu tư và Xây dựng.
Tất cả các dự án đã được Chính phủ chấp thuận đưa vào danh mục đề nghị tài trợ đều phải được Bộ Ngoại giao Đan mạch (DANIDA) phê chuẩn trên cơ sở đánh giá báo cáo nghiên cứu khả thi do Chủ đầu tư chuẩn bị về các mặt: phân tích tài chính, các vấn đề về xã hội, môi trường và các vấn đề khác. Phê duyệt cuối cùng về dự án của DANIDA sẽ được dựa trên báo cáo khả thi và hợp đồng thương mại đã được phê duyệt của phía Việt nam. Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đề nghị DANIDA. thẩm định và phê duyệt.
2. Sau khi có quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền các Chủ đầu tư tiến hành đấu thầu theo quy định hiện hành của Chính phủ. Căn cứ kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Chủ đầu tư tiến hành đàm phán, ký kết Hợp đồng thương mại với Nhà cung cấp.
Trong quá trình đàm phán, ký kết Hợp đồng thương mại các chủ đầu tư cần thực hiện các quy định của Đan mạch và Việt nam như sau :
- Đối với các dự án công nghiệp do Đan mạch chỉ tài trợ tối đa 85% trị giá của Hợp đồng thương mại nên 15% trị giá còn lại của hợp đồng thương mại các Chủ đầu tư phải tự bố trí vốn. Các dự án thuộc lĩnh vực khác có thể được tài trợ đến 100% trị giá của hợp đồng thương mại.
- Trong Hợp đồng thương mại cần quy định rõ việc Ngân hàng phục vụ nhà cung cấp Đan mạch cấp các bảo lãnh: Bảo lãnh tiền đặt cọc (Down payment Bank Guarantee) có trị giá tương đương khoản tiền đặt cọc; Bảo lãnh thực hiện Hợp đồng (Performance Bond / Guarantee) theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 1/9/1999 của Chính phủ và Bảo lãnh trong thời gian bảo hành (Mechanical Period Guarantee) theo quy định tại Điều 54 Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ.
Chủ đầu tư phải gửi một bản sao của Hợp đồng thương mại được duyệt cùng với báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo về chuẩn bị vốn đối ứng và chuẩn bị đầu tư kèm theo công văn đề nghị Bộ Tài chính có yêu cầu chính thức phía Đan mạch tài trợ cho dự án.
3. Bộ Tài chính (Vụ Tài chính đối ngoại ) trên cơ sở đề nghị của Chủ đầu tư kèm theo hồ sơ dự án nêu tại mục 2. trên sẽ lập Yêu cầu tài trợ (Request for Finance) gửi cho Cơ quan Tài trợ Công nghiệp Đan mạch.
4. Sau khi nhận được thông báo của Bộ Tài chính về việc đã hoàn thành các thủ tục theo quy định để rút vốn, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt nam có trách nhiệm hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các thủ tục mở thư tín dụng (L/C) và rút vốn theo các quy định tại Hiệp định.
Cơ chế tài chính áp dụng đối với các dự án sử dụng vốn tín dụng hỗn hợp Đan mạch được thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1141/CP-QHQT ngày 1/11/1999, cụ thể như sau:
1. Các dự án được Ngân sách nhà nước cấp phát: các dự án không có khả năng hoàn vốn trực tiếp nêu tại Phụ lục 1 Thông tư này.
2. Các dự án thuộc diện cho vay lại: các dự án có khả năng hoàn vốn trực tiếp nêu tại Phụ lục 2 Thông tư này.
Các điều kiện cho vay lại được áp dụng như sau:
a) Đồng tiền cho vay lại và trả nợ là đồng đô la Mỹ (USD). Trường hợp Chủ đầu tư trả nợ bằng đồng Việt nam, tỷ giá qui đổi được áp dụng theo văn bản số 3000-TC/TCĐN ngày 10/8/1998 của Bộ Tài chính về hướng dẫn tỉ giá thu hồi nợ vay.
b) Thời hạn cho vay lại bằng với thời hạn Đan mạch cho Việt nam vay, cụ thể:
- Đối với các dự án công nghiệp : 8 năm, trong đó có 1 năm ân hạn tính từ ngày rút vốn đầu tiên.
- Đối với các dự án thuộc các lĩnh vực khác: 10 năm không có thời gian ân hạn tính từ ngày rút vốn đầu tiên.
c) Lãi suất cho vay lại : có 3 mức lãi suất là 1%/năm, 2%/năm và 3%/năm ( Lãi suất cho vay lại này đã bao gồm cả phí cho vay lại của Cơ quan cho vay lại là 0,2%/năm và các loại phí ngoài nước theo quy định của Hiệp định do Bộ Tài chính chuyển trả trực tiếp cho phía nước ngoài) áp dụng cho từng loại dự án sau:
- Lãi suất 1%/năm: các dự án cấp nước tại các thành phố, thị xã.
- Lãi suất 2%/năm: các dự án chế biến nông sản, thuỷ sản.
- Lãi suất 3%/năm: các dự án sản xuất kinh doanh khác.
Lãi được trả 6 tháng một lần theo quy định cụ thể trong Hợp đồng tín dụng ký giữa chủ đầu tư và Cơ quan cho vay lại (vào 30/6 và 31/12 hoặc 31/3 và 30/9 hàng năm). Nếu trả chậm các Chủ đầu tư phải chịu lãi phạt chậm trả theo quy định trong Hợp đồng tín dụng, nhưng không thấp hơn 6,8%/năm.
3. Đối với các dự án tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ duyệt đưa vào danh mục trong thời gian tới (chưa nêu ở các Phụ lục đính kèm Thông tư này), Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ phê duyệt việc áp dụng cơ chế tài chính thích hợp căn cứ vào các nguyên tắc chung nêu tại các điểm 1 và 2 nêu trên.
4. Chứng từ để ký khế ước nhận nợ giữa các Chủ đầu tư với Cơ quan cho vay lại là hóa đơn tương ứng của các Nhà cung cấp Đan mạch và thông tri ghi thu ghi chi Ngân sách Nhà nước của Bộ Tài chính.
Thời điểm các Chủ đầu tư nhận nợ với Bộ Tài chính (thông qua Cơ quan cho vay lại) là thời điểm phía Đan mạch thanh toán cho nhà thầu và ghi nợ cho Bộ Tài chính. Số tiền các Chủ đầu tư nhận nợ là số tiền thực thanh toán cho Hợp đồng thương mại bằng nguồn vốn hạn mức tín dụng của Đan mạch và được Bộ Tài chính ghi thu Ngân sách Nhà nước - ghi chi cho Chủ đầu tư vay lại thông qua Cơ quan cho vay lại.
5. Các Chủ đầu tư có trách nhiệm lập kế hoạch và báo cáo thực hiện kế hoạch vốn đối ứng theo quy định tại Thông tư liên tịch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính số 06/1998/TTLT-BKH-BTC ngày 14/8/1998 về quản lý vốn đối ứng cho các chương trình dự án sử dụng nguồn vốn ODA, cụ thể như sau:
- Đối với các dự án được Ngân sách nhà nước cấp phát: vốn đối ứng do Ngân sách nhà nước đảm bảo theo kế hoạch vốn đối ứng hàng năm.
- Đối với các dự án vay lại vốn vay Đan mạch của Chính phủ: các Chủ đầu tư có trách nhiệm tự bố trí vốn đối ứng đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.
Phần vốn đối ứng bằng ngoại tệ cho dự án (trả tiền đặt cọc, tiền mua sắm thiết bị phụ trợ từ nước thứ ba, chi phí xây lắp,... ) có thể được vay từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu (NIB) theo Hiệp định vay cho Chương trình tài trợ các dự án nhỏ ký ngày 4/5/1998. Theo Hiệp định này, thời gian vay cụ thể sẽ do NIB quyết định trên cơ sở đề nghị của phía Việt nam thông qua Bộ Tài chính nhưng tối đa không quá 20 năm với lãi suất LIBOR+Margin (mức Margin sẽ được xác định căn cứ điều kiện cụ thể của từng dự án).
Phần vốn vay NIB phải đảm bảo các yêu cầu sau: số vốn vay tối thiểu tương đương 500.000 USD, số vốn vay tối đa 5 triệu USD nhưng không vượt quá 50% tổng chi phí của dự án. Để có thể sử dụng được nguồn vốn này, các Chủ đầu tư cần có đề nghị chính thức gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính kèm theo nội dung sử dụng khoản vay này để đưa vào danh mục đàm phán vay cụ thể với NIB.
1. Định kỳ 6 tháng một lần các chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Cơ quan cho vay lại và các cơ quan chủ quản về tình hình nhận, sử dụng và hoàn trả vốn vay.
2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế cho Thông tư số 96-1998/TT/BTC ngày 10/7/1998 của Bộ Tài chính.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc các đơn vị cần phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét giải quyết.
Lê Thị Băng Tâm (Đã ký) |
CÁC DỰ ÁN ĐƯỢC NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CẤP PHÁT
Tên dự án | Cơ quan chủ quản | Vốn ODA dự kiến |
1. Dự án trang thiết bị trung tâm truyền hình kỹ thuật số Đài phát thanh và truyền hình Thanh hóa. | UBND tỉnh | 5 |
2. Dự án cấp nước tại một số thị trấn các huyện miền núi tỉnh Nghệ an. | UBND tỉnh | 2 |
3. Dự án cấp nước thị trấn huyện miền núi Nho quan tỉnh Ninh bình. | UBND tỉnh | 1,27 |
CÁC DỰ ÁN THUỘC DIỆN CHO VAY LẠI
STT | Tên dự án | Đơn vị | Vốn ODA dự kiến | Lãi suất |
I. Các dự án vay lại với lãi suất 1%/năm | ||||
1 | Cấp nước Thị xã Sơn tây | UBND Hà tây | 3.0 | 1% |
2 | XD Nhà máy nước Dĩ an - Bình dương | UBND Bình dương | 3.0 | 1% |
3 | Cấp nước Thị xã Tam điệp - Ninh bình | UBND Ninh bình | 1,73 | 1% |
4 | Cải tạo nâng cấp hệ thống cấp nước | UBND tỉnh Bình dương | 3,5 | 1% |
II. Các dự án vay lại với lãi suất 2%/năm | ||||
5 | Thiết bị chiếu sáng Sân bay (2 sân bay Cát bi, Phú bài) | Cục HKDD VN | 3.0 | 2% |
6 | Nâng cấp nhà máy Thuỷ sản đông lạnh F22 | UBND Bến tre | 0.8 | 2% |
7 | Nâng cấp nhà máy chế biến Thủy sản Nam hà | UBND Nam hà | 0.8 | 2% |
8 | Nâng cấp XN thuỷ sản Đầm dơi - Cà mau | UBND Cà mau | 2.0 | 2% |
9 | Đầu tư nâng cấp, cải tạo XN đông lạnh 8 và nhà máy chế biến thuỷ sản XK Bến mỹ- An giang | UBND tỉnh An giang | 2,5 | 2% |
10 | Đầu tư xây dựng nhà máy đông lạnh Tắc Cậu-Châu thành-Kiên giang | UBND tỉnh | 3 | 2% |
11 | Đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thuỷ sản đông lạnh xuất khẩu Núi thành | UBND tỉnh | 2 | 2% |
12 | Chế biến thuỷ sản đóng hộp và thịt hộp Đà nẵng | Bộ Thuỷ sản | 2 | 2% |
13 | Nhà máy chế biến thuỷ sản đông lạnh xuất khẩu Gành hào-Bạc liêu | UBND tỉnh | 3 | 2% |
14 | NM chế biến thuỷ sản đông lạnh XK Tuy an | UBND tỉnh Phú yên | 2,5 | 2% |
15 | Xây dựng xí nghiệp chế biến bột cá-dầu cá | UBND tỉnh Thanh hoá | 2 | 2% |
16 | Đổi mới thiết bị sản xuất dầu thực vật Hà bắc | Bộ Công nghiệp | 2 | 2% |
17 | Đầu tư cho dây chuyền sấy thăng hoa rau quả | UBND tỉnh Hưng yên | 2 | 2% |
18 | Phát triển và MR khu chăn nuôi heo Đồng Hiệp | UBND TP Hồ Chí Minh | 3 | 2% |
- 1Thông tư 96/1998/TT-BTC về việc quản lý và sử dụng vốn vay tín dụng hỗn hợp ưu đãi của Đan Mạch do Bộ tài chính ban hành
- 2Thông tư liên tịch 06/1998/TTLT-BKH-BTC về cơ chế quản lý vốn đối ứng cho các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) do Bộ Kế hoạch và Đầu Tư - Bộ Tài Chính ban hành
- 3Công văn 8581/VPCP-QHQT năm 2013 cơ chế ủy quyền đàm phán, ký Điều ước quốc tế về ODA và nguồn vốn vay ưu đãi khác với Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 4551/QĐ-BVHTTDL năm 2013 Quy chế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn việc thu hút, vận động và quản lý nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ
- 1Nghị định 87-CP năm 1997 về Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức
- 2Thông tư liên tịch 06/1998/TTLT-BKH-BTC về cơ chế quản lý vốn đối ứng cho các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) do Bộ Kế hoạch và Đầu Tư - Bộ Tài Chính ban hành
- 3Nghị định 52/1999/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng
- 4Nghị định 88/1999/NĐ-CP về Quy chế Đấu thầu
- 5Công văn 8581/VPCP-QHQT năm 2013 cơ chế ủy quyền đàm phán, ký Điều ước quốc tế về ODA và nguồn vốn vay ưu đãi khác với Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 4551/QĐ-BVHTTDL năm 2013 Quy chế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn việc thu hút, vận động và quản lý nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ
Thông tư 143/1999/TT-BTC về việc quản lý và sử dụng nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi của Đan Mạch do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 143/1999/TT-BTC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 10/12/1999
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Lê Thị Băng Tâm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra