Hệ thống pháp luật

Điều 7 Thông tư 142/2011/TT-BTC hướng dẫn quản lý tài chính đối với nguồn vốn vay Quỹ Kuwait và Saudi do Bộ Tài chính ban hành

Điều 7. Phương thức rút vốn nước ngoài

1. Các khoản chi phí hợp lệ của dự án được thanh toán từ nguồn vốn nước ngoài theo các thủ tục: thanh toán trực tiếp; thanh toán hoàn trả; thư cam kết để thanh toán cho thư tín dụng; thanh toán qua tài khoản đặc biệt.

2. Thủ tục thanh toán trực tiếp

a. Thanh toán trực tiếp là hình thức thanh toán mà theo đề nghị của bên vay, nhà tài trợ sẽ chuyển tiền thanh toán trực tiếp cho nhà thầu/nhà cung cấp hàng hóa/dịch vụ.

b. Để áp dụng thủ tục thanh toán trực tiếp, Ban quản lý dự án gửi một bộ tài liệu gồm các tài liệu sau đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính Đối ngoại):

- Công văn đề nghị rút vốn kèm theo Đơn rút vốn và các sao kê theo mẫu (bản gốc) và các chứng từ cần thiết theo quy định của nhà tài trợ. Đối với Quỹ Kuwait, thực hiện theo mẫu số 2 (Case II, Form 2-1 và Form 2-2) tại Tài liệu về “Thủ tục giải ngân” của Quỹ Kuwait. Đối với Quỹ Saudi, thực hiện theo mẫu 2-1 và 2-2 tại Tài liệu về “Hướng dẫn cho Bên vay về thủ tục giải ngân số vốn vay của Quỹ Saudi”.

- Hóa đơn/đề nghị thanh toán của nhà thầu (bản sao đối với hóa đơn bán hàng; bản gốc đối với đề nghị thanh toán của nhà thầu);

- Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư;

- Xác nhận (bản gốc) của Cơ quan kiểm soát chi đối với khoản thanh toán được đề nghị.

c. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính Đối ngoại) xem xét ký/ hoặc đồng ký Đơn rút vốn gửi nhà tài trợ để xem xét, nếu nhà tài trợ chấp nhận sẽ chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản của nhà thầu.

3. Thủ tục thanh toán hoàn trả

a. Thủ tục thanh toán hoàn trả là phương thức mà nhà tài trợ thanh toán tiền từ tài khoản vốn vay vào tài khoản do bên vay chỉ định để hoàn lại số tiền bên vay/cơ quan thực hiện dự án đã chi bằng nguồn vốn của mình cho các khoản chi hợp lệ được tài trợ bằng vốn vay.

b. Trường hợp đặc biệt của thủ tục thanh toán hoàn trả là thanh toán hồi tố. Thanh toán hồi tố là hình thức thanh toán mà nhà tài trợ tài trợ cho các khoản chi hợp lệ của dự án đã phát sinh trước thời điểm hiệu lực của dự án, và đã được bên vay thanh toán bằng nguồn vốn của mình. Thanh toán hồi tố chỉ được áp dụng khi có thỏa thuận với nhà tài trợ, và được quy định trong hiệp định tài trợ trong đó xác định khoảng thời gian và giới hạn số tiền được áp dụng thủ tục thanh toán hồi tố.

c. Khi có nhu cầu rút vốn thanh toán theo thủ tục thanh toán hoàn trả, Ban quản lý dự án gửi Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính Đối ngoại) một bộ tài liệu gồm các tài liệu sau:

- Công văn đề nghị rút vốn kèm theo Đơn rút vốn và các sao kê theo mẫu (bản gốc) và các chứng từ cần thiết theo quy định của nhà tài trợ. Đối với Quỹ Kuwait, thực hiện theo mẫu số 1 (Case I, Form 1-1 và Form 1-2) tại Tài liệu về “Thủ tục giải ngân” của Quỹ Kuwait. Đối với Quỹ Saudi, thực hiện theo mẫu 1-1 và 1-2 tại Tài liệu về “Hướng dẫn cho Bên vay về thủ tục giải ngân số vốn vay của Quỹ Saudi”.

- Xác nhận đã nhận được vốn thanh toán của nhà thầu/người hưởng lợi hoặc chứng từ chuyển tiền vào tài khoản của nhà thầu/người hưởng lợi.

- Đơn rút vốn phải ghi rõ tên và số tài khoản của đơn vị đã ứng vốn. Đối với các khoản do NSNN ứng trước thanh toán, cần nêu rõ tên và số tài khoản của cấp NSNN nơi ứng vốn. Tên và tài khoản của cấp đã ứng vốn phải được Cơ quan kiểm soát chi xác nhận;

- Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư;

- Xác nhận (bản gốc) của Cơ quan kiểm soát chi đối với khoản thanh toán được đề nghị.

d. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ bộ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính xem xét ký/đồng ký Đơn rút vốn gửi nhà tài trợ.

đ. Đối với các khoản rút vốn hoàn vốn/hồi tố cho NSNN các cấp nơi ứng vốn (hoặc từ các nguồn có nguồn gốc ngân sách), số tiền rút vốn phải được nộp vay về ngân sách nơi đã ứng vốn.

4. Thủ tục thư Cam kết

a. Thủ tục thư Cam kết là hình thức thanh toán mà theo đề nghị của Bên vay, nhà tài trợ phát hành một thư cam kết hủy ngang hoặc không hủy ngang đảm bảo sẽ hoàn trả cho ngân hàng mở thư tín dụng (L/C) sau khi ngân hàng này thanh toán cho thư tín dụng (L/C) cho chủ dự án mở (để thanh toán cho hoạt động nhập khẩu hàng hóa, thiết bị của dự án).

b. Khi có nhu cầu rút vốn thanh toán theo thủ tục thư Cam kết, Ban quản lý dự án gửi Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) một bộ tài liệu gồm các tài liệu sau:

- Công văn đề nghị mở L/C và phát hành thư Cam kết kèm theo Đơn rút vốn và các sao kê theo mẫu (bản gốc) và các chứng từ cần thiết theo quy định của nhà tài trợ. Đối với Quỹ Kuwait, thực hiện theo mẫu số 3 (Case III, các Form kèm theo Case III) tại Tài liệu về “Thủ tục giải ngân” của Quỹ Kuwait. Đối với Quỹ Saudi, thực hiện theo mẫu A và B tại Tài liệu về “Hướng dẫn cho Bên vay về thủ tục giải ngân số vốn vay của Quỹ Saudi”.

- Dự thảo L/C

c. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính xem xét ký/hoặc đồng ký Đơn rút vốn đề nghị nhà tài trợ phát hành thư Cam kết.

5. Thủ tục thanh toán qua tài khoản đặc biệt:

Trong một số trường hợp đặc biệt do đặc thù của dự án có nhiều gói thầu, hợp đồng trị giá nhỏ, triển khai trên địa bàn rộng, khó khăn, nhà tài trợ cho phép áp dụng hình thức tài khoản đặc biệt (tài khoản quay vòng). Trong trường hợp này, việc thanh toán và quản lý tài khoản đặc biệt thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý tài chính dự án ODA. Riêng các xác nhận kiểm soát chi của cơ quan kiểm soát chi phải là kiểm soát chi trước đối với khoản thanh toán được đề nghị.

Thông tư 142/2011/TT-BTC hướng dẫn quản lý tài chính đối với nguồn vốn vay Quỹ Kuwait và Saudi do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 142/2011/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 20/10/2011
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trương Chí Trung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 583 đến số 584
  • Ngày hiệu lực: 15/12/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra