Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 14-TT

Hà Nội, ngày 20 tháng 05 năm 1959

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC ÁP DỤNG CHẾ ĐỘ THUỐC MEN CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ CHUYÊN NGHIỆP KHI BỊ ỐM ĐAU

Để đảm bảo cho học sinh các trường đại học và chuyên nghiệp có đủ sức khỏe để học tập có kết quả tốt, Liên bộ Giáo dục – Y tế đã ban hành thông tư số 13-TTLB ngày 20-5-1959 quy định chế độ thuốc men cho học sinh khi bị đau ốm.

Sau khi đã thỏa thuận với Bộ Tài chính và Bộ Y tế, Bộ Giáo dục giải thích thêm một số điểm cụ thể, để việc áp dụng ở các trường được dễ dàng và thống nhất.

1. Chế độ thuốc men quy định trong thông tư số 13-TTLB của Liên bộ áp dụng cho tất cả học sinh, không phân biệt ở nội trú hay ở ngoài, có học bổng hay không, nó sẽ tăng thêm tinh thần đoàn kết giữa các đối tượng học sinh.

2. Những đối tượng áp dụng thông tư này là học sinh thường và các loại cán bộ đi học không đủ tiêu chuẩn hưởng sinh hoạt phí bằng 100% hay 95% lương.

3. Nguyên tắc là: đối với học sinh thường, không có chế độ bồi dưỡng ở cơ quan như đối với cán bộ, nhưng để chiếu cố thích đáng đến tình hình thực tế hiện nay, đối với học sinh miền Nam và học sinh thuộc các dân tộc ít người, chế độ bồi dưỡng ở tập thể khi đau ốm vẫn được duy trì như hiện nay: Mỗi khi có học sinh miền Nam, miền Núi, bị đau ốm, y sĩ phụ trách y xá của nhà trường vẫn xét và đề nghị bồi dưỡng, nếu thấy cần thiết, nhưng mức bồi dưỡng không được quá mức áp dụng đối với cán bộ.

4. Các trường căn cứ vào tổng số học sinh để lập dự trù kinh phí mua thuốc phòng bệnh chữa bệnh; nhưng trong khi sử dụng, cần giành ưu tiên cho học sinh ở nội trú và số học sinh có học bổng nhưng ở ngoài; còn đối với học sinh tự túc ở ngoài, thì chỉ cung cấp thuốc men mỗi khi cần thiết, trong những thời giờ có mặt ở trường học thôi.

5. Nếu có học sinh thường bị ốm nặng cần điều trị, thì được giới thiệu tới các bệnh viện nhân dân (còn cán bộ được chọn cử đi học thì điều trị ở bệnh viện cán bộ):

- Đối với học sinh có học bổng (toàn phần, 3/4 học bổng hay 1/2 học bổng), kể cả miền Nam, miền Bắc, khi điều trị ở bệnh viện vẫn tiếp tục lĩnh học bổng và phải trả phần tiền ăn, còn phần tiền thuốc và tiền bồi dưỡng ở bệnh viện do nhà trường thanh toán với bệnh viện. Để tiện cho việc thanh toán với bệnh viện, nhà trường khi phát học bổng, có thể giữ lại dư phần tiền ăn của học sinh ốm và thanh toán tất cả cho bệnh viện.

- Đối với học sinh tự túc, khi được điều trị ở bệnh viện, phải trả tất cả tiền ăn, tiền thuốc và tiền bồi dưỡng. Nhưng nếu nhà trường thấy có học sinh nào không thể có khả năng trả tất cả được, thì có thể xét trợ cấp một phần, tức là trợ cấp phần tiền thuốc, hoặc trợ cấp phần tiền bồi dưỡng ở bệnh viện.

6. Khi có lưu học sinh đang học ở nước ngoài về bị ốm, cần điều trị:

- Nếu trước khi được chọn đi học là học sinh thường thì được giới thiệu tới các bệnh viện nhân dân, và được giải quyết như đối với học sinh có học bổng ở trong nước.

- Nếu trước khi được chọn đi học là cán bộ trong biên chế, thì được giới thiệu đi điều trị ở bệnh viện cán bộ và được giải quyết như đối với cán bộ được cử đi học các trường đại học và chuyên nghiệp ở trong nước.

Trong khi áp dụng thông tư này, nếu các trường thấy có khó khăn gì, xin báo cáo cho Liên bộ biết, để góp ý kiến giải quyết.

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC




Nguyễn Văn Huyên

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 14-TT năm 1959 hướng dẫn áp dụng chế độ thuốc men cho học sinh các trường đại học và chuyên nghiệp khi bị ốm đau do Bộ Giáo Dục ban hành.

  • Số hiệu: 14-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 20/05/1959
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục
  • Người ký: Nguyễn Văn Huyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 21
  • Ngày hiệu lực: 04/06/1959
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản