Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG LÂM
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 14-NL-TT

Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 1958

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CÁCH TRẢ LƯƠNG THEO CÔNG VIỆC CHO CÔNG NHÂN SẢN XUẤT, LÀM NHỮNG CÔNG VIỆC CÓ TÍNH CHẤT THAY ĐỔI THƯỜNG XUYÊN TRÊN CÁC NÔNG TRƯỜNG QUỐC DOANH

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG LÂM

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

- Các Ủy ban Hành chính liên khu, các tỉnh có nông trường quốc doanh Sở Quốc doanh Nông nghiệp
- Bộ Lao động
- Tổng liên đoàn lao động Việt Nam
- Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Văn phòng Thủ tướng phủ

Tiếp theo thông tư số 04 ngày 10 tháng 06 năm 1958 của Bộ hướng dẫn sắp xếp ngạch bậc lương mới cho cán bộ công nhân viên trên các nông trường, lâm trường, xí nghiệp, thông tư này nhằm hướng dẫn cách trả lương cho công nhân làm công việc có tính chất thay đổi thường xuyên trong các nông trường quốc doanh.

Vì tính chất sản xuất theo thời vụ, hoàn cảnh đất đai, thời tiết, khí hậu, thiên nhiên; vì điều kiện lao động ở các nông trường, do đó sinh ra nhân số điều động thường xuyên; công nhân từ việc này sang làm việc khác, từ việc nặng sang làm việc nhẹ, từ việc dễ sang làm việc khó; có khi công nhân máy hết việc phải sang làm công việc thủ công; cho nên tổ chức lao động không được ổn định theo chuyên ngành chuyên nghề trong một số đông công nhân.

Cải tiến chế độ tiền lương lần này cần được thích ứng với đặc điểm tình hình của nông trường nói trên; để giảm dần tình trạng bất hợp lý quá đáng, nay Bộ quy định chế độ trả lương cho công nhân làm các loại công việc có tính chất thường xuyên thay đổi như sau:

I. – NGUYÊN TẮC

Dựa trên nguyên tắc cơ bản của tiền lương xã hội chủ nghĩa “phân phối theo lao động”, chế độ trả lương cho công nhân thường thay đổi công việc làm khác nhau theo nguyên tắc cụ thể dưới đây:

Trả lương ngày theo công việc. Làm việc nào hưởng lương theo việc ấy. Có phân biệt công việc nặng nhọc, nhẹ nhàng, đơn giản, phức tạp khác nhau mà trả lương khác nhau.

Dựa theo yêu cầu sản xuất có quy định chất lượng và số lượng của mỗi công việc, khi được phân công người công nhân phải đảm bảo công việc ấy.

Nông trường cố gắng sắp xếp công việc theo trình độ khả năng của công nhân, để sử dụng đúng mức chỉ tiêu tiền lương đồng thời tránh đảo lộn quá đáng mức thu nhập để đảm bảo sinh hoạt bình thường cho công nhân ở nông trường.

II. – CÁCH TRẢ LƯƠNG KHI THAY ĐỔI CÔNG VIỆC

Để quán triệt nguyên tắc nói trên; không thể trả lương cố định theo ngạch bậc đã xếp vì thực tế công việc của nông trường không cố định, có khi một công việc người xếp bậc cao, người xếp bậc thấp; cùng làm, kết quả như nhau trái lại hưởng thụ khác nhau. Cho nên mỗi bậc lương phải có quy định những công việc cụ thể với những yêu cầu nghiệp vụ và điều kiện lao động khác nhau để phân biệt giữa mức lương cao và mức lương thấp, khi phân phối công việc dựa vào khả năng của mỗi người đã được sắp xếp, làm những công việc tương xứng bậc lương của họ. Nếu trường hợp có thay đổi công việc này sang công việc nọ mà điều kiện lao động khác nhau, kết quả lao động khác nhau thì cách trả lương như sau:

1 - Trường hợp xếp bậc lương cao sang làm loại công việc của bậc lương thấp. Nông trường cố gắng bố trí công việc theo bậc lương đã xếp nhưng vì hết công việc hoặc yêu cầu cần thiết phải điều sang làm việc khác mức lương thấp thua bậc đã xếp thì nguyên tắc là làm việc nào hưởng lương theo việc ấy. Ví dụ:

Người xếp bậc 4 mức lương 44.000đ; có ngày phải điều sang làm loại công việc thuộc bậc 3 mức lương 38.000đ thì hưởng lương bậc 3. Nếu kết quả lao động trong ngày đó đạt vượt mức sản xuất đã quy định cho bậc 3 từ 10% trở lên thì được giữ mức lương đã xếp là 44.000đ không phải trả mức lương 38.000đ.

2 - Trường hợp xếp bậc thấp sang làm loại công việc của bậc cao: Khi cần thiết điều người xếp bậc thấp sang làm công việc của bậc lương cao. Nếu đảm bảo tiêu chuẩn quy định và số lượng đã quy định của công việc ấy thì được hưởng mức lương theo bậc cao.

Ví dụ: Người xếp bậc 2 mức lương 34.000đ, điều sang làm công việc thuộc bậc 3 là 38.000đ. Nếu đạt được mức sản xuất thì hưởng lương 38.000đ, không phải trả mức lương 34.000đ, nếu vì công việc khó nhọc, chưa quen thạo mà đã cố gắng nhiều đạt được 90% mức trở lên xét chiếu cố coi như đạt mức sản xuất quy định cũng cho hưởng mức lương bậc trên được. Nếu đạt dưới 90% thì chỉ hưởng lương bậc đã xếp.

- Bậc 4 để xếp cho những công nhân có trình độ làm những công việc có tính chất nghiệp vụ và kỹ thuật. Nếu những người đã xếp các bậc dưới có đủ khả năng và trình độ nghiệp vụ sang làm công việc ấy một số ngày đúng tiêu chuẩn thì cũng được hưởng mức lương bậc 4 nhưng sang làm mà dưới sự hướng dẫn của công nhân bậc 4 hoặc làm những công việc phụ thì chỉ hưởng lương theo công việc đã xếp (bậc 1 bậc 2 hoặc bậc 3).

3. - Trường hợp làm những công việc đúng với bậc lương đã xếp mà bị sụt mức quy định: Nguyên tắc người công nhân phải đảm bảo chất lượng và số lượng của công việc đã quy định trong mỗi bậc lương; khi đã phân công làm, mỗi người cần cố gắng đạt được mức, nhưng vì lý do gì chính đáng, ví dụ như ốm mới khỏe v.v… mà bị sụt mức thì được xét chiếu cố trả mức lương đã xếp không thay đổi. Nếu vì khả năng thực tế không thể đảm bảo những công việc thường xuyên theo cấp bậc đã xếp thì nông trường xét phân công lại công việc nhẹ nhàng đơn giản hơn để người ấy được đảm bảo công việc và hưởng lương theo công việc thấp hơn. Sau một thời gian nhất định sẽ điều chỉnh lại cấp bậc cho thích hợp với khả năng để tránh tình trạng bậc danh nghĩa thì cao mà thực tế thu nhập thì thấp.

4. – Trường hợp công nhân lái máy kéo máy cày ở nông trường sang làm việc lao động khác:Nguyên tắc là làm việc nào hưởng lương theo việc ấy. Nhưng để chiếu cố công nhân chuyên nghiệp lái máy ở nông trường nên có quy định như sau:

- Những ngày có sử dụng lái máy kéo, máy cày, sửa chữa máy do nông trường phân công thì hưởng lương theo cấp bậc đã xếp.

- Những ngày hết công việc sử dụng máy sang làm công việc khác trong nông trường thì làm việc nào hưởng lương theo việc ấy. Nhưng để chiếu cố đến trách nhiệm chăm sóc bảo quản máy, ngoài mức đã hưởng khi làm công việc khác còn được hưởng thêm 10% lương và phụ cấp khu vực (nếu có) theo cấp bậc đã sắp xếp.

- Những công nhân lái máy kéo, máy cày vì yêu cầu sử dụng máy có hạn, thừa người, nông trường đã ổn định lại tổ chức đưa một số vào biên chế các tổ sản xuất khác trước 01-03-1958 được xếp vào thang lương khác của nông trường nếu khi cần thiết nông trường điều động vào làm công việc lái máy kéo tạm thời một số ngày, nếu kết quả sản xuất theo bậc nào thì được hưởng lương theo bậc ấy trong thang lương máy kéo.

5. - Trường hợp đột xuất bất thường phải điều động: Do mưa, gió bão, lụt hoặc công tác đột xuất không thể trì hoãn được mà cấp lãnh đạo nông trường phải điều động cấp tốc một số anh chị em tạm thời ngừng việc đang làm sang phục vụ cho công việc đột xuất ấy một vài ngày rồi trở lại làm việc như thường lệ thì anh chị em ấy được hưởng lương theo công việc đang làm trước khi có lệnh điều động. Trường hợp đột xuất này không thể tính toán năng suất từng người và thay đổi mức lương như những trường hợp thường lệ đã nói trên được. Mỗi người đều phải thấy trách nhiệm chủ nhân của mình mà cố gắng phục vụ cho công việc được hoàn thành. Và nông trường có thể khen thưởng cho những cá nhân gương mẫu và tổ xuất sắc, trong công tác đột xuất này vào dịp tổng kết từng đợt sản xuất, hoặc từng tháng, 3 tháng, bằng tinh thần hoặc vật chất.

Việc thực hiện chủ trương trả lương theo công việc ở nông trường bước đầu có nhiều khó khăn và phức tạp; đã được kết quả tốt, khi tiến hành đặc biệt cần phải chú ý mấy điểm sau đây:

- Tổ chức phổ biến chu đáo chủ trương này cho cán bộ công nhân thông suốt, giải thích rõ những trường hợp cụ thể.

- Điều kiện và hoàn cảnh công việc sản xuất của mỗi nơi có khác việc xếp loại công việc vào các mức lương có nhiều phức tạp. Cần có sự lãnh đạo cân đối để khỏi chênh lệch giữa nông trường này và nông trường khác.

- Trong khi thi hành phải có tổ chức cán bộ theo dõi có phiếu ghi công, chấm điểm; tính toán tiền lương cẩn thận không để xẩy ra trình trạng lẫn lộn sai sót, sinh ra thắc mắc trong công nhân.

- Hết sức cố gắng sắp xếp công việc cho hợp lý, sử dụng lực lượng lao động thích hợp với khả năng trình độ của mỗi cấp bậc, tránh bớt trình trạng đảo lộn quá đáng làm cho mức thu nhập bình thường của anh chị em công nhân được ổn định, kế hoạch tiền lương và kế hoạch lao động được thực hiện đúng theo chỉ tiêu đã quy định.

Chế độ trả lương ở nông trường năm nay cải tiến khác hơn trước. Thông tư này bước đầu quy định một số điểm để hướng dẫn thực hiện. Trong quá trình thi hành các cơ sở theo dõi rút kinh nghiệm và gặp khó khăn mắc mớ gì phản ảnh cho Bộ kịp thời bổ cứu.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG LÂM
THỨ TRƯỞNG





Nguyễn Tạo

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 14-NL-TT năm 1958 hướng dẫn cách trả lương theo công việc cho công nhân sản xuất, làm những công việc có tính chất thay đổi thường xuyên trên các nông trường quốc doanh do Bộ Nông Lâm ban hành.

  • Số hiệu: 14-NL-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 22/10/1958
  • Nơi ban hành: Bộ Nông lâm
  • Người ký: Nguyễn Tạo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 40
  • Ngày hiệu lực: 06/11/1958
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản