Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 14-LĐ-TT

Hà Nội, ngày 09 tháng 11 năm 1963

THÔNG TƯ

BỔ SUNG THÔNG TƯ SỐ 22-LĐ-TT VỀ GIÁ CÔNG THỢ XẺ

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

-Ủy ban hành chính các khu, thành phố và tỉnh;
-Các sở, ty, phòng lao động;
-Các bộ quản lý sản xuất và xây dựng cơ bản;
-Tổng công đoàn việt nam;
-Văn phòng phủ thủ tướng.

Trong thời gian qua việc thi hành Thông tư số 22-LĐ-TT ngày 13-11-1961 của Bộ Lao động về việc điều chỉnh giá công thợ xẻ gỗ bằng tay ở các địa phương đã có tác dụng điều chỉnh hợp lý hơn quan hệ thu nhập giữa thợ xẻ và các loại thợ khác, tiết kiệm được chi phí xây dựng cho ngân sách. Tuy nhiên đến nay cũng còn một số địa phương đang thiếu thợ xẻ cho nên chưa thi hành vì sợ thợ xẻ bỏ đi nơi khác, không hoàn thành được kế hoạch gỗ của địa phương. Vì vậy đã gây nên tình trạng thợ xẻ ở tỉnh đã điều chỉnh tiền công tìm đến làm việc ở tỉnh chưa điều chỉnh để có giá công cao.

Hiện nay số thợ xẻ còn thiếu mà khối lượng gỗ xẻ ngày càng tăng nhiều. Để giải quyết tình hình đó thì biện pháp chủ yếu là phải đào tạo thợ mới. Kinh nghiệm ở một số nơi việc đào tạo thợ mới không gặp khó khăn lắm, vì tổ chức việc đào tạo không đòi hỏi quy mô lớn, tổn phí nhiều, chỉ áp dụng theo lối kèm cặp bằng cách lấy những thanh niên khỏe mạnh ở trong đơn vị hoặc ở địa phương vào làm chung với thợ cũ và giao trách nhiệm cho thợ chính kèm cặp trong sản xuất. Thợ chính được giao kèm thợ mới, ngoài tiền lương chính, được hưởng thêm một khoản phụ cấp từ 4% đến 6% tiền lương cấp bậc theo tinh thần Thông tư số 28-LĐ-TT ngày 11-11-1958 của Bộ Lao động. Việc tích cực đào tạo thợ mới như trên đã giải quyết được nhiều khó khăn vì thiếu thợ xẻ nhất là ở những vùng miền núi. Ngoài ra, ở những nơi khối lượng gỗ thường xuyên phải xẻ nhiều đã chuyển mộtphần sang xẻ gỗ bằng cơ giới. Thi hành những biện pháp tích cực trên đây, các địa phương một mặt vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch xẻ gỗ, mặt khác vẫn thi hành đầy đủ Thông tư số 22-LĐ-TT làm cho quan hệ tiền công trong địa phương được hợp lý.

Ngoài những điểm nói trên, Thông tư số 22-LĐ-TT cũng còn thiếu một số quy định cụ thể để giải quyết những trường hợp gỗ khoát quá to, phân loại các loại gỗ nhập khẩu, các loại gỗ tận thu cong queo, khô quánh v.v...

Để giúp các địa phương tiến hành việc điều chỉnh giá khoán xẻ gỗ được thuận lợi Bộ Lao động ban hành thông tư này nhằm bổ sung một số vấn đề cụ thể giúp cho việc thi hành chính sách được thống nhất.

I. PHÂN LOẠI GỖ, ĐIỀU CHỈNH MỨC VÀ ĐƠN GIÁ

Thông tư số 22-LĐ-TT của Bộ Lao động đã quy định năm loại gỗ và định mức một số cỡ gỗ cần xẻ. Đó là những “định mức mẫu” để làm căn cứ cho các địa phương so sánh khi định ra những định mức cụ thể phù hợp với các tình hình địa phương. Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố cần tuỳ theo đặc điểm, tính chất lý, hóa khác nhau của các loại gỗ và dựa vào bảng phân loại của Thông tư số 22-LĐ-TT mà ghi thêm các tên gỗ ở địa phương. Còn các cỡ gỗ cần xẻ cũng tùy theo yêu cầu của từng địa phương mà quy định kích thước cho cụ thể và hợp lý.

Về định mức thì phải lấy những định mức mẫu trong Thông tư 22-LĐ-TT làm cơ sở để so sánh và tùy đặc điểm sản xuất ở địa phương mà tiến hành theo dõi, phân tích để xác lập bảng định mức tiên tiến cho việc xẻ gỗ. Các cơ quan chủ quản xí nghiệp ở địa phương có trách nhiệm cung cấp tình hình, số liệu cần thiết, cơ quan lao động chuẩn bị đề án xác định việc phân loại gỗ, xác định mức xẻ gỗ trình Ủy ban hành chính duyệt y và ban hành. Căn cứ vào quyết định của Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, cơ quan lao động có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn cho các ngành thi hành và quản lý thống nhất các định mức của địa phương.

Tiền lương cấp bậc để tính đơn giá khoán xẻ gỗ là mức lương của một cặp thợ bậc 3 và bậc 4 trong thang lương xây dựng cơ bản. Khoán xẻ gỗ là một hình thức tiền lương trả theo sản phẩm, cho nên các địa phương được sử dụng tỷ lệ khuyến khích 5%, 7%, hoặc 10% (tùy theo trình độ định mức và điều kiện cụ thể từng nơi) trên lương cấp bậc để tính đơn giá. Công thức tổng quát để tính đơn giá khoán xẻ gỗ là:

Đơn giá =

Tiền lương cấp bậc + % phụ cấp khu vực + % khuyến khích

Định mức (m2)

II. CƯA NGANG VÀ CÔNG VẬN CHUYỂN

Thông tư 22-LĐ-TT đã quy định: “Trường hợp trước khi xẻ phải cắt đầu, cắt đuôi hoặc cắt cây gỗ khoát từ 0,15m đến 0,50m và khoát từ 0,51m trở lên”, nay bổ sung thêm như sau:

- Khoát từ 0,15m đến 0,50m và từ 0,51m đến 1m, thì áp dụng theo quy định trong Thông tư số 22-LĐ-TT.

- Khoát trên 1m, được tăng thêm tỷ lệ tối đa là 20% tiền công của từng loại gỗ đã ghi trong Thông tư 22-LĐ-TT.

Thông tư số 22-LĐ-TT cũng đã quy định: “Trong các lán trại xẻ gỗ ở xí nghiệp, công trường phải vận chuyển gỗ đến nơi làm việc trong phạm vi khoảng 25m, nếu gỗ để xa quá 25m mà thợ xẻ phải tự vận chuyển lấy thì được tính thêm tiền cước vận chuyển ở nơi dó…”, nay bổ sung thêm:

- Trường hợp gỗ đã ở trong phạm vi 25m rồi, nhưng do chất đống cao từ 1,50m trở lên, phải tốn nhiều thời gian lao xeo xuống; gỗ to quá phải cần nhiều người mới đưa được vào chỗ xẻ hoặc gỗ để ở chỗ trũng phải vần lên vất vả, thì tùy tình hình thực tế sẽ do cơ quan quản lý sản xuất xét cụ thể công sức và thời gian hao phí cần thiết để trả thêm một số tiền lương thời gian thích đáng cho công nhân.

Công tác định mức xẻ gỗ và tính đơn giá khoán có nhiều khó khăn và phức tạp. Vì vậy Ủy ban hành chính các địa phương cần quản lý chặt chẽ, đôn đốc và hướng dẫn các ngành sử dụng thợ xẻ có kế hoạch cải tiến tổ chức nơi làm việc, chăm lo đến sinh hoạt vật chất và tinh thần của công nhân để không ngừng nâng cao năng suất lao động.

Thông tư này bổ sung thêm, một số điểm cụ thể trong Thông tư số 22-LĐ-TT ngày 13-11-1961 của Bộ Lao động. Trong khi thi hành các địa phương và các ngành gặp mắc mứu gì thì báo cáo kịp thời về Bộ Lao động để góp ý kiến giải quyết.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Đăng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 14-LĐ-TT năm 1963 bổ sung Thông tư 22-LĐ-TT về giá công thợ xẻ do Bộ Lao động ban hành

  • Số hiệu: 14-LĐ-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 09/11/1963
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động
  • Người ký: Nguyễn Đăng
  • Ngày công báo: 27/11/1963
  • Số công báo: Số 41
  • Ngày hiệu lực: 24/11/1963
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản