Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2021/TT-BTP

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2021

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 19/2020/NĐ-CP NGÀY 12 THÁNG 02 NĂM 2020 CỦA CHÍNH PHỦ KIỂM TRA, XỬ LÝ KỶ LUẬT TRONG THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

Căn cứ Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật;

Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

a) Thông tư này quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (sau đây viết tắt là Nghị định số 19/2020/NĐ-CP) về thẩm quyền kiểm tra; điều chỉnh kế hoạch kiểm tra; thời hạn kiểm tra; công khai kết luận kiểm tra, kết quả và việc xử lý kết quả theo dõi thực hiện kết luận kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính tự kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong nội bộ cơ quan, đơn vị mình, kiểm tra người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của mình và không phải thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại Thông tư này và Nghị định số 19/2020/NĐ-CP.

2. Đối tượng áp dụng:

Cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 2 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP.

Điều 2. Thẩm quyền kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

Thẩm quyền kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo Điều 6 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP cụ thể như sau:

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý của mình trên phạm vi cả nước; Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi được giao tổ chức thực hiện.

Ví dụ: Bộ trưởng Bộ Công Thương kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý của mình trên phạm vi cả nước (các Cục Quản lý thị trường tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...).

2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) và các cơ quan quản lý người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính.

3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước theo quy định tại Điều 17 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của các cơ quan sau đây:

a) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện) và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) thuộc phạm vi địa bàn quản lý;

b) Các cơ quan thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn địa phương được liệt kê tại khoản 6 Điều này.

Đối với cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn một tỉnh nhưng phạm vi hoạt động liên quan đến nhiều tỉnh, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trụ sở có thẩm quyền kiểm tra đối với những nội dung liên quan đến công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi địa bàn quản lý.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của các cơ quan sau đây:

a) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã thuộc phạm vi địa bàn quản lý;

b) Các cơ quan thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc cùng cấp thuộc phạm vi địa bàn quản lý được liệt kê tại khoản 6 Điều này.

6. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc quản lý người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, gồm: Công an nhân dân; Bộ đội Biên phòng; Cảnh sát biển; Hải quan; Kiểm ngư; Thuế; Quản lý thị trường; Cơ quan thi hành án dân sự; Kho bạc Nhà nước; Ngân hàng Nhà nước; Hệ thống tổ chức thống kê tập trung; Bảo hiểm xã hội và các cơ quan, đơn vị khác thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc theo quy định của pháp luật thực hiện kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với cơ quan, đơn vị cấp dưới của mình.

Điều 3. Ban hành và điều chỉnh kế hoạch kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

1. Cơ quan của người có thẩm quyền ban hành kế hoạch kiểm tra theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện khảo sát trước khi ban hành kế hoạch kiểm tra tránh trùng lặp, chồng chéo, cụ thể như sau:

a) Các bộ, cơ quan ngang bộ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan thực hiện khảo sát, thu thập thông tin để xây dựng kế hoạch kiểm tra;

b) Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn địa phương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện khảo sát, thu thập thông tin để xây dựng kế hoạch kiểm tra;

c) Bộ Tư pháp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý các kế hoạch kiểm tra bị trùng lặp, chồng chéo.

Kế hoạch kiểm tra của bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra ở Trung ương được gửi đến Bộ Tư pháp (Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật) trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày được ban hành để theo dõi, phối hợp và tổ chức thực hiện.

2. Trong các trường hợp sau đây, người có thẩm quyền ban hành kế hoạch kiểm tra có thể điều chỉnh kế hoạch kiểm tra:

a) Có sự trùng lặp, chồng chéo về đối tượng, nội dung, thời gian kiểm tra;

b) Khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc sự kiện bất khả kháng làm ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch kiểm tra;

c) Theo chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cấp trên;

d) Các trường hợp khác nhằm bảo đảm việc thực hiện có hiệu quả kế hoạch kiểm tra.

3. Trường hợp phát hiện kế hoạch kiểm tra có trùng lặp, chồng chéo về đối tượng, nội dung kiểm tra và thời gian kiểm tra với các kế hoạch kiểm tra đã được ban hành trước đó, thì xử lý như sau:

a) Cơ quan, đơn vị ban hành kế hoạch kiểm tra sau có trùng lặp, chồng chéo phải thực hiện việc điều chỉnh nội dung kế hoạch.

b) Trường hợp các kế hoạch kiểm tra có trùng lặp, chồng chéo được ban hành cùng một thời điểm, thì kế hoạch nào được gửi đến đối tượng được kiểm tra sau sẽ phải điều chỉnh nội dung kế hoạch.

4. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm xử lý nội dung trùng lặp, chồng chéo trong kế hoạch kiểm tra:

a) Ở Trung ương, các cơ quan, đơn vị ban hành kế hoạch kiểm tra có nội dung trùng lặp, chồng chéo chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp để xử lý theo nguyên tắc nêu tại khoản 3 Điều này;

b) Ở địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị ban hành kế hoạch kiểm tra có nội dung trùng lặp, chồng chéo để xử lý theo nguyên tắc nêu tại khoản 3 Điều này.

5. Quyết định điều chỉnh kế hoạch kiểm tra được gửi cho đối tượng được kiểm tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan ngay sau khi người có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch kiểm tra.

6. Trường hợp phải điều chỉnh kế hoạch kiểm tra, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật thuộc Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế của bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức pháp chế hoặc tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đương thuộc cơ quan, đơn vị quản lý người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp báo cáo người có thẩm quyền quy định tại Điều 6 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP xem xét, quyết định điều chỉnh kế hoạch kiểm tra.

7. Quyết định ban hành kế hoạch kiểm tra, quyết định điều chỉnh kế hoạch kiểm tra, biên bản kiểm tra, quyết định kiểm tra việc thực hiện kết luận kiểm tra thực hiện theo Mẫu số 01, Mẫu số 02, Mẫu số 03, Mẫu số 05 và Mẫu số 11 Phụ lục một số biểu mẫu trong kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 4. Thời hạn kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

1. Tạm dừng kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính:

a) Trong các trường hợp được nêu tại các điểm a và b khoản 2 Điều 3 của Thông tư này, việc kiểm tra phải được tạm dừng;

b) Thời gian phải tạm dừng việc kiểm tra không được tính vào thời hạn kiểm tra;

c) Trưởng đoàn kiểm tra hoặc người được ủy quyền phải báo cáo người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra xem xét, quyết định tạm dừng việc kiểm tra;

d) Văn bản tạm dừng việc kiểm tra được thể hiện dưới hình thức Công văn theo quy định của Chính phủ về công tác văn thư, trong đó, nêu rõ lý do tạm dừng, thời hạn tạm dừng;

đ) Công văn tạm dừng việc kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được gửi cho đoàn kiểm tra, đối tượng kiểm tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan ngay sau khi được ban hành;

e) Việc kiểm tra được tiếp tục tiến hành khi lý do tạm dừng không còn.

2. Các trường hợp cần thiết phải gia hạn thời hạn kiểm tra theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP bao gồm:

a) Cuộc kiểm tra thuộc một trong các trường hợp sau đây: Hồ sơ xử lý vi phạm hành chính có nhiều tình tiết phức tạp cần xác minh, làm rõ; đối tượng được kiểm tra không phối hợp hoặc gây khó khăn cho việc kiểm tra;

b) Địa điểm kiểm tra ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo hoặc nơi đi lại khó khăn.

Thời gian được gia hạn đối với mỗi cuộc kiểm tra thuộc các trường hợp tại khoản 2 Điều này tối đa không quá 07 (bảy) ngày làm việc.

3. Chậm nhất là 02 (hai) ngày làm việc trước khi kết thúc thời hạn kiểm tra theo quy định, Trưởng đoàn kiểm tra hoặc người được ủy quyền phải báo cáo người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra xem xét, quyết định gia hạn thời gian kiểm tra.

4. Quyết định gia hạn thời gian kiểm tra được gửi cho đoàn kiểm tra, đối tượng kiểm tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan ngay sau khi được ban hành.

5. Quyết định gia hạn thời hạn kiểm tra thực hiện theo Mẫu số 04 Phụ lục một số biểu mẫu trong kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Công khai kết luận kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

1. Kết luận kiểm tra phải được công khai, trừ những nội dung trong kết luận kiểm tra có liên quan đến bí mật nhà nước, lĩnh vực quân sự, quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật công tác và những nội dung không được công khai khác theo quy định của pháp luật.

2. Các nội dung của kết luận kiểm tra được công khai phải xây dựng thành thông báo kết luận kiểm tra do người có thẩm quyền kiểm tra hoặc người được ủy quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ký. Thông báo kết luận kiểm tra gồm các nội dung sau:

a) Nội dung kiểm tra;

b) Khái quát chung kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế; các sai phạm cụ thể đã được nêu ra trong kết luận kiểm tra;

c) Kiến nghị của đoàn kiểm tra.

3. Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày ký kết luận kiểm tra, người có thẩm quyền ban hành kết luận kiểm tra hoặc người được ủy quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP có trách nhiệm công khai kết luận kiểm tra theo một trong các hình thức sau đây:

a) Tổ chức họp công bố kết luận kiểm tra với thành phần gồm người ra quyết định kiểm tra hoặc người được ủy quyền, đoàn kiểm tra, đối tượng được kiểm tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

b) Đăng tải đầy đủ nội dung thông báo kết luận kiểm tra trên Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử của cơ quan kiểm tra. Thời gian đăng tải ít nhất là 30 (ba mươi) ngày;

4. Trường hợp kết luận kiểm tra, thông báo kết luận kiểm tra có sai sót phải đính chính, sửa đổi, bổ sung, thì cũng phải thực hiện công bố công khai theo quy định tại các khoản 1 và 3 Điều này.

5. Người có thẩm quyền ban hành kết luận kiểm tra hoặc người được ủy quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP chịu trách nhiệm về nội dung thông tin công bố công khai; đính chính thông tin sai lệch (nếu có) trong vòng 01 (một) ngày làm việc, kể từ thời điểm phát hiện hoặc nhận được yêu cầu đính chính.

6. Đính chính thông tin sai lệch:

a) Trong trường hợp Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử của cơ quan kiểm tra đăng không chính xác các thông tin quy định tại khoản 2 Điều này, thì phải đính chính đúng chuyên mục hoặc vị trí đã đăng thông tin sai lệch trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời điểm phát hiện hoặc nhận được yêu cầu đính chính;

b) Thời gian đăng tải ít nhất là 30 (ba mươi) ngày.

7. Trường hợp việc công khai kết luận kiểm tra không thể thực hiện đúng thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này vì những lý do bất khả kháng, thì người có trách nhiệm công khai phải báo cáo thủ trưởng cấp trên trực tiếp và thực hiện công khai ngay sau khi sự kiện bất khả kháng đã được khắc phục.

8. Người có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, nếu gây thiệt hại phải bồi hoàn theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước.

9. Kết luận kiểm tra, thông báo kết luận kiểm tra thực hiện theo Mẫu số 06, Mẫu số 07 Phụ lục một số biểu mẫu trong kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 6. Công khai kết quả và việc xử lý kết quả theo dõi thực hiện kết luận kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

1. Người có thẩm quyền ban hành kết luận kiểm tra hoặc người được ủy quyền có trách nhiệm công khai kết quả và việc xử lý kết quả theo dõi thực hiện kết luận kiểm tra, trừ những nội dung có liên quan đến bí mật nhà nước, lĩnh vực quân sự, quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật công tác và những nội dung không được công khai khác theo quy định của pháp luật.

2. Việc công khai kết quả và việc xử lý kết quả theo dõi thực hiện kết luận kiểm tra được thực hiện bằng thông báo kết quả và việc xử lý kết quả theo dõi thực hiện kết luận kiểm tra do người có thẩm quyền kiểm tra hoặc người được ủy quyền ký.

Thông báo kết quả và việc xử lý kết quả theo dõi thực hiện kết luận kiểm tra được gửi đến đối tượng được kiểm tra, đoàn kiểm tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan ngay sau khi được ban hành.

3. Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện kết luận kiểm tra; Báo cáo kết quả theo dõi thực hiện kết luận kiểm tra; Thông báo kết quả và việc xử lý kết quả theo dõi thực hiện kết luận kiểm tra thực hiện theo Mẫu số 08, Mẫu số 09 và Mẫu số 10 Phụ lục một số biểu mẫu trong kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14 tháng 02 năm 2022.

Điều 8. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

2. Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật thuộc Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức pháp chế hoặc tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đương thuộc cơ quan, đơn vị quản lý người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp có trách nhiệm giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính tổ chức thực hiện Thông tư này.

3. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc có vấn đề phát sinh, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Tư pháp (qua Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật) để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 14/2021/TT-BTP hướng dẫn Nghị định 19/2020/NĐ-CP kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 14/2021/TT-BTP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/12/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Đặng Hoàng Oanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/02/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản