Hệ thống pháp luật

Điều 11 Thông tư 14/2020/TT-BKHĐT hướng dẫn việc xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay trực tiếp của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Điều 11. Xử lý tài sản bảo đảm

1. Đối tượng xem xét:

DNNVV gặp rủi ro thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 5 Thông tư này.

2. Điều kiện xem xét:

DNNVV được xem xét xử lý tài sản bảo đảm khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.

b) Sử dụng vốn vay đúng mục đích ghi trong Hợp đồng.

c) Gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh của DNNVV trong ít nhất một (01) năm liền kề trước năm phải xử lý rủi ro bị lỗ hoặc lỗ lũy kế, không trả được nợ (gốc, lãi) đầy đủ, đúng hạn theo Hợp đồng đã ký.

d) Có đầy đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Hồ sơ đề nghị xử lý tài sản bảo đảm

a) Trường hợp DNNVV đề nghị xử lý rủi ro

DNNVV chuẩn bị 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư này.

Trường hợp DNNVV đề nghị xử lý tài sản bảo đảm cho toàn bộ giá trị sổ sách của khoản nợ, văn bản đề nghị xử lý rủi ro không cần có nội dung về cam kết và phương án sản xuất kinh doanh, phương án trả nợ vay khả thi nếu được chấp nhận xử lý rủi ro.

b) Trường hợp Quỹ đề nghị xử lý rủi ro: Quỹ chuẩn bị 01 bộ hồ sơ theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 10 Thông tư này.

4. Hồ sơ xử lý tài sản bảo đảm

a) Trường hợp DNNVV đề nghị xử lý rủi ro: Hồ sơ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.

b) Trường hợp Quỹ đề nghị xử lý rủi ro: Hồ sơ theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.

c) Báo cáo xử lý rủi ro của Quỹ: Ngoài các nội dung quy định tại điểm c khoản 4 Điều 7, Báo cáo xử lý rủi ro phải có thêm nội dung kiến nghị việc xử lý tài sản đảm bảo cho một phần hay toàn bộ giá trị sổ sách của khoản nợ.

d) Các văn bản, giấy tờ khác theo quy định của pháp luật về xử lý tài sản đảm bảo.

5. Thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp xử lý tài sản bảo đảm

a) Trường hợp xử lý tài sản bảo đảm không làm giảm vốn điều lệ của Quỹ:

Quỹ xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 41 Nghị định số 39/2019/NĐ-CP, quy định của Bộ luật dân sự 2015 và các quy định pháp luật có liên quan về việc xử lý tài sản bảo đảm.

b) Trường hợp xử lý tài sản bảo đảm làm giảm vốn điều lệ của Quỹ:

Quỹ có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ xử lý tài sản bảo đảm, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 41 Nghị định số 39/2019/NĐ-CP.

6. Các phương thức xử lý tài sản bảo đảm

a) Bán đấu giá tài sản;

b) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;

c) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;

d) Phương thức khác theo quy định pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm.

7. Nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm

a) Một khoản nợ có thể được xử lý tài sản bảo đảm nhiều lần cho một phần hoặc toàn bộ giá trị số sách của khoản nợ.

b) Việc xử lý tài sản bảo đảm được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định pháp luật có liên quan về việc xử lý tài sản bảo đảm.

c) Phương thức xử lý tài sản bảo đảm phải được quy định trong Hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản. Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm thì tài sản được xử lý theo phương thức bán đấu giá

8. Xử lý phần chênh lệch giữa số tiền thu về từ xử lý tài sản bảo đảm và giá trị sổ sách của khoản nợ (sau khi trừ đi các chi phí theo quy định của pháp luật)

a) Trường hợp số tiền thu về từ việc xử lý tài sản bảo đảm cao hơn giá trị số sách của khoản nợ, phần chênh lệch thừa được xử lý theo thỏa thuận tại Hợp đồng đã ký (nếu có) hoặc chuyển trả cho DNNVV.

b) Trường hợp số tiền thu về từ việc xử lý tài sản bảo đảm thấp hơn giá trị sổ sách của khoản nợ, xử lý phần chênh lệch thiếu được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 39/2019/NĐ-CP.

Quỹ có quyền yêu cầu DNNVV thanh toán phần chênh lệch còn thiếu của khoản nợ. Khoản tiền thu được từ phần chênh lệch còn thiếu được thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 51 Nghị định số 39/2019/NĐ-CP.

9. Hạch toán kế toán trong xử lý tài sản bảo đảm

Quỹ thực hiện hạch toán kế toán việc xử lý tài sản bảo đảm theo quy định hiện hành về chế độ kế toán áp dụng đối với Quỹ.

10. Xử lý tài sản bảo đảm

Thực hiện theo quy định tại khoản 11 Điều 10 Thông tư này.

Thông tư 14/2020/TT-BKHĐT hướng dẫn việc xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay trực tiếp của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

  • Số hiệu: 14/2020/TT-BKHĐT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 31/12/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Chí Dũng
  • Ngày công báo: 25/01/2021
  • Số công báo: Từ số 115 đến số 116
  • Ngày hiệu lực: 25/02/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra