Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Chương II

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ PHÂN LOẠI

Điều 11. Lập danh sách thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh

Cơ quan kiểm tra phối hợp với cơ quan cấp phép kinh doanh thực hiện việc thống kê, lập danh sách các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc phạm vi quản lý theo phân công, phân cấp nêu tại Điều 5 Thông tư này. Các biểu mẫu thống kê điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản theo từng nhóm ngành hàng nêu tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 12. Thông báo kế hoạch kiểm tra, đánh giá phân loại

1. Cơ quan kiểm tra có trách nhiệm thông báo kế hoạch kiểm tra tới cơ sở được kiểm tra trước thời điểm kiểm tra ít nhất 05 ngày làm việc. Kế hoạch kiểm tra gồm:

a) Thời điểm dự kiến kiểm tra

b) Phạm vi, nội dung, hình thức kiểm tra

c) Các yêu cầu chuẩn bị nhân sự, hồ sơ làm việc với Đoàn kiểm tra

2. Cơ quan kiểm tra có thể gửi thông báo kế hoạch kiểm tra đến cơ sở bằng một trong các hình thức như: gửi trực tiếp; fax; gửi theo đường bưu điện.

3. Đối với hình thức kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất, kế hoạch kiểm tra được thông báo tại cuộc họp mở đầu của Đoàn kiểm tra tại cơ sở.

Điều 13. Trình tự, thủ tục kiểm tra

1. Thành lập đoàn kiểm tra

a) Thủ trưởng cơ quan kiểm tra ban hành quyết định thành lập Đoàn kiểm tra

b) Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra cần nêu rõ:

- Căn cứ kiểm tra;

- Phạm vi, nội dung, hình thức kiểm tra;

- Tên, địa chỉ của cơ sở được kiểm tra;

- Họ tên, chức danh của trưởng đoàn và các thành viên trong đoàn.

- Trách nhiệm của cơ sở và Đoàn kiểm tra.

c) Trường hợp kiểm tra, đánh giá phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh nhiều nhóm ngành hàng vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản, Thủ trưởng cơ quan được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao nhiệm vụ chủ trì có trách nhiệm thông báo tới các Cơ quan phối hợp có liên quan đề nghị cử người tham gia Đoàn kiểm tra.

2. Tiến hành kiểm tra tại cơ sở

a) Họp mở đầu: Đoàn kiểm tra công bố Quyết định thành lập đoàn, nêu rõ mục đích và nội dung kiểm tra.

b) Tiến hành kiểm tra thực tế (cơ sở vật chất, trang thiết bị,…), kiểm tra hồ sơ, tài liệu và phỏng vấn (nếu cần) theo quy định tại Khoản 2, Điều 7 Thông tư này.

c) Lập biên bản kiểm tra và họp kết thúc, thông báo kết quả kiểm tra.

3. Yêu cầu đối với biên bản kiểm tra

a) Được đoàn kiểm tra lập tại cơ sở ngay sau khi kết thúc kiểm tra.

b) Thể hiện đầy đủ, chính xác kết quả kiểm tra;

c) Ghi rõ các hạng mục không đảm bảo và thời hạn khắc phục các sai lỗi;

d) Nêu kết luận chung về điều kiện đảm bảo và mức phân loại cơ sở;

đ) Có ý kiến của người đại diện có thẩm quyền của cơ sở về kết quả kiểm tra, cam kết khắc phục các sai lỗi;

e) Có chữ ký của Trưởng đoàn kiểm tra, chữ ký của người đại diện có thẩm quyền của cơ sở và đóng dấu của cơ sở (nếu có). Nếu đại diện cơ sở không đồng ý ký tên vào Biên bản kiểm tra thì Đoàn kiểm tra phải ghi rõ là: “Đại diện cơ sở được kiểm tra không ký biên bản và nêu rõ lý do đại diện cơ sở không ký” và biên bản này vẫn có giá trị pháp lý khi có đầy đủ chữ ký của tất cả các thành viên trong Đoàn kiểm tra.

g) Được lập thành 02 bản: 01 bản lưu tại Cơ quan kiểm tra, 01 bản lưu tại cơ sở.

4. Xử lý kết quả kiểm tra

Sau khi thẩm tra biên bản kiểm tra của đoàn kiểm tra (có thể tiến hành thẩm tra thực tế tại cơ sở nếu cần), trong thời gian không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, Cơ quan kiểm tra thực hiện:

a) Trường hợp kiểm tra, đánh giá phân loại:

- Công nhận kết quả kiểm tra và thông báo kết quả kiểm tra cho các cơ sở phân loại A hoặc B cho các nhóm ngành hàng được kiểm tra. Đối với cơ sở có nhiều nhóm ngành hàng, tần suất kiểm tra định kỳ được xác định theo nhóm ngành hàng có phân loại thấp nhất.

- Thông báo cơ sở chưa đủ điều kiện và yêu cầu có báo cáo kết quả khắc phục cụ thể đối với cơ sở không đạt (loại C) đối với nhóm ngành hàng được kiểm tra. Tùy theo mức độ sai lỗi của cơ sở, Cơ quan kiểm tra đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện xử phạt hành chính, đồng thời quyết định thời hạn khắc phục và tổ chức kiểm tra lại. Nếu cơ sở không khắc phục, Cơ quan kiểm tra thông báo tới cơ quan chức năng đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của cơ sở.

b) Trường hợp kiểm tra định kỳ, đột xuất:

- Đối với cơ sở xuống loại B: Thông báo cho cơ sở về việc bị xuống loại và tần suất kiểm tra áp dụng trong thời gian tới.

- Đối với cơ sở xuống loại C: Thông báo cơ sở chưa đủ điều kiện và yêu cầu có báo cáo kết quả khắc phục cụ thể đối với cơ sở không đạt (loại C) đối với nhóm ngành hàng được kiểm tra. Tùy theo mức độ sai lỗi của cơ sở, Cơ quan kiểm tra đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện xử phạt hành chính, đồng thời quyết định thời hạn khắc phục và tổ chức kiểm tra lại. Nếu cơ sở không khắc phục, Cơ quan kiểm tra thông báo cơ quan chức năng đề nghị thu hồi Giấy phép kinh doanh của cơ sở.

c) Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho các nhóm ngành hàng của cơ sở được xếp loại A hoặc B nếu được cơ sở yêu cầu.

5. Trường hợp lấy mẫu kiểm nghiệm (phải có biên bản lấy mẫu), nếu kết quả kiểm nghiệm cho thấy sản phẩm vi phạm quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, Cơ quan kiểm tra yêu cầu cơ sở thực hiện truy xuất, thu hồi sản phẩm và áp dụng các biện pháp khắc phục theo quy định hiện hành.

6. Cơ quan kiểm tra thông báo công khai cơ sở đủ điều kiện và chưa đủ điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

Điều 14. Phí và lệ phí

1. Việc thu phí kiểm tra, kiểm nghiệm, lệ phí cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm của cơ sở được thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính;

2. Đối với hoạt động kiểm tra chưa có quy định của Bộ Tài chính về việc thu phí có liên quan đến việc kiểm tra, Cơ quan kiểm tra lập kế hoạch, dự trù kinh phí từ nguồn ngân sách hàng năm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt.

Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 14/2011/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/03/2011
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: 18/04/2011
  • Số công báo: Từ số 205 đến số 206
  • Ngày hiệu lực: 13/05/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra