Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 139/2011/TT-BTC

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2011

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG THÔNG TƯ SỐ 12/2010/TT-BTC NGÀY 20/01/2010 CỦA BỘ TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN VIỆC XỬ LÝ TANG VẬT VI PHẠM HÀNH CHÍNH LÀ HÀNG HOÁ, VẬT PHẨM DỄ BỊ HƯ HỎNG VÀ QUẢN LÝ SỐ TIỀN THU ĐƯỢC TỪ XỬ LÝ TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN TỊCH THU SUNG QUỸ NHÀ NƯỚC DO VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2010/TT-BTC ngày 20/01/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng và quản lý số tiền thu được từ xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính (sau đây gọi tắt là Thông tư số 12/2010/TT-BTC) như sau:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 12/2010/TT-BTC

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 2 như sau:

“Điều 2. Hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng

Hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng bao gồm:

Hàng hóa tươi sống, dễ bị ôi thiu, khó bảo quản;

2. Hàng hoá dễ cháy, nổ (xăng, dầu, ga, khí hoá lỏng và các chất dễ cháy, nổ khác);

3. Hàng thực phẩm đã qua chế biến, thuốc chữa bệnh, thuốc thú y mà hạn sử dụng còn dưới 30 ngày theo hạn ghi trên bao bì, nhãn hàng;

Các loại hàng hoá, vật phẩm khác nếu không xử lý ngay sau khi bị bắt giữ sẽ bị hư hỏng hoặc hết thời hạn sử dụng.”

2. Bổ sung điểm d vào khoản 1 Điều 4 như sau:

“d) Đối với hàng hoá dễ cháy, nổ chỉ được bán cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.”

3. Sửa đổi điểm e khoản 2 Điều 7 như sau:

“e) Các chi phí thực tế cho việc tổ chức bán đấu giá tài sản của Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc cơ quan của người ra quyết định tịch thu. Việc xác định chi phí thực tế cho việc tổ chức bán đấu giá được thực hiện theo Thông tư số 137/2010/TT-BTC ngày 15/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc xác định giá khởi điểm của tài sản nhà nước bán đấu giá và chế độ tài chính của Hội đồng bán đấu giá tài sản và văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Căn cứ vào nội dung chi, mức chi và thực tế xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại địa phương, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trình Uỷ ban nhân cấp tỉnh quy định tỷ lệ (%) chi phí khoán cho Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và cơ quan của người ra quyết định tịch thu trên giá trị của tài sản, hàng hoá bán được. Mức khoán không vượt quá mức phí bán đấu giá do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và được áp dụng chung cho tất cả các cuộc bán đấu giá. Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, cơ quan của người ra quyết định tịch thu được chủ động sử dụng chi phí được khoán để chi cho các nội dung theo quy định tại Thông tư 137/2010/TT-BTC và không vượt quá mức khoán quy định.

Trường hợp cần thiết, Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, cơ quan của người ra quyết định tịch thu được cơ quan tài chính tạm ứng để có nguồn chi cho công tác bán đấu giá tài sản nhưng không vượt quá mức khoán được giao. Cuối năm ngân sách, Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, cơ quan của người ra quyết định tịch thu thực hiện quyết toán chi phí thực tế cho việc bán đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong năm theo quy định hiện hành. Trường hợp số chi theo quyết toán thực tế nhỏ hơn so với chi phí khoán thì số chênh lệch thừa được xử lý như sau:

- Đối với Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện, cơ quan của người ra quyết định tịch thu thực hiện nộp ngân sách nhà nước;

- Đối với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản được xử lý theo cơ chế tài chính hiện hành áp dụng với đơn vị sự nghiệp công lập. ”

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 12 năm 2011.

2. Trường hợp Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc cơ quan của người ra quyết định tịch thu được giao nhiệm vụ bán đấu giá tài sản là tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thì cũng được áp dụng cơ chế khoán chi phí như hướng dẫn tại khoản 3 Điều 1 Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính (Cục Quản lý công sản) để phối hợp giải quyết./.