Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 136-NH/TT

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 1986

THÔNG TƯ

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC SỐ 136-NH/TT NGÀY 8-10-1986 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN BIỆN PHÁP ĐẶC BIỆT HUY ĐỘNG TIỀN GỬI TIẾT KIỆM VÀ LÃI SUẤT CHO VAY CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Thực hiện Quyết định số 119-HĐBT ngày 4-10-1986 của Hội đồng Bộ trưởng về biện pháp đặc biệt huy động tiền gửi tiết kiệm và ở rộng tín dụng của Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn như sau:

I- LÃI SUẤT VÀ BẢO HIỂM TIỀN GỬI TIẾT KIỆM

Kể từ ngày 1 tháng 10 năm 1986 thực hiện như sau:

1. Hội đồng Bộ trưởng giao cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu lựa chọn mặt hàng cụ thể để tính bảo hiểm tiền gửi tiết kiệm theo giá bán lẻ kinh doanh thương nghiệp, bảo đảm cho người gửi tiền tiết kiệm lúc rút tiền ra có được số tiền tương đương với số lượng hàng đã được quy đổi lúc gửi vào. Các địa phương nên chọn mặt hàng thông dụng sẵn có tại thị trường để tính quy đổi (gạo, thóc, hàng nông sản, thực phẩm, vật liệu xây dựng v.v...) và cũng chỉ nên chọn một mặt hàng dễ theo dõi thực hiện và tính chênh lệch giá cuối mỗi thời điểm được dễ dàng.

Tiền gửi tiết kiệm có bảo hiểm không quy định thời hạn, được hưởng mức lãi suất hàng tháng là 2% (hai phần trăm/tháng) tính trên số tiền lúc gửi vào.

Những người đã gửi tiền tiết kiệm theo thể thức bảo hiểm bằng cách quy ra thóc thời hạn từ 6 tháng đến 12 tháng, nay được chuyển sang gửi theo cách quy đổi mới.

Mở thêm tài khoản số 127 "Tiền bảo hiểm phải trả" để hạch toán số tiền phải trả về bảo hiểm tiền gửi tiết kiệm.

2. Trong thời gian trước mắt, mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm không có bảo hiểm quy định như sau:

a) Các loại tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn 6%/tháng.

b) Tiền gửi tiết kiệm dài hạn 3 năm 7%/tháng.

c) Tiền gửi tiết kiệm dài hạn 5 năm 8%/tháng.

Riêng tiền tiết kiệm của các cụ phụ lão gửi vào Quỹ tiết kiệm để lập quỹ bảo thọ được hưởng lãi suất 8%/tháng.

Các loại tiền gửi tiết kiệm này được tính và trả lãi hàng tháng. Nếu người gửi tiền không đến nhận lãi hàng tháng thì từng quý (3 tháng) Quỹ tiết kiệm tự động nhập lãi vào vốn cho người gửi tiền.

Cuối tháng 9 năm 1986, các Quỹ tiết kiệm cơ sở tính và trả lãi cho người gửi tiền theo mức lãi suất cũ, người nào không đến nhận lãi thì nhập vào vốn theo quy định nói trên.

II- ĐIỀU CHỈNH LÃI SUẤT CHO VAY CỦA QUỸ TIẾT KIỆM XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Đồng thời với việc nâng lãi suất huy động vốn, Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước giao cho Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước và Giám đốc Quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa tỉnh, thành phố và đặc khu tính toán và điều chỉnh mức lãi suất cho vay cụ thể các đối tượng theo khung lãi suất quy định dưới đây, nhằm phục vụ tốt cho sản xuất, đời sống nhân dân và bảo đảm thực hiện chế độ hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa của Quỹ tiết kiệm.

Mức lãi suất cho vay phát triển kinh tế gia đình, giải quyết khó khăn về phương tiện công tác, về đời sống và nhà ở đối với công nhân, viên chức, xã viên hợp tác xã, nhân dân lao động từ 6,6% đến 7,5%/tháng.

Mức lãi suất cho vay các tổ hợp sản xuất tiểu thủ công nghiệp, vận tải, xây dựng và dịch vụ từ 7,5% đến 8,4%/tháng.

Mức lãi suất cho vay các cá thể sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp từ 7,5% đến 9%/tháng.

Mức lãi suất cho vay các hộ tư nhân được cấp giấp phép sản xuất kinh doanh và làm dịch vụ ở thành phố, thị xã, thị trấn từ 8,4% đến 10,2%/tháng.

Mức lãi suất từ 6,6% đến 7,5%/tháng để cho vay các cơ quan, trường học, viện nghiên cứu, đơn vị lực lượng vũ trang có điều kiện tận dụng lao động, đất đai, công trình nghiên cứu phát minh để sản xuất ra sản phẩm, thu hồi được vốn và có lãi.

Mức lãi suất từ 8,1% đến 9%/tháng để cho vay các tổ chức kinh tế quốc doanh và tập thể có nhu cầu đột xuất mà chưa kịp bổ sung kế hoạch hoặc hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Nhà nước. Từ nay việc cho vay bình thường đối với hợp tác xã mua bán do Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thực hiện theo chế độ tín dụng đối với kinh tế tập thể. Khi có nhu cầu đột xuất, hợp tác xã mua bán cũng có thể vay vốn của Quỹ tiết kiệm như các trường hợp nói trên. Việc cho vay đáp ứng các nhu cầu vốn đột xuất được thực hiện từng lần, từng món vay và thời hạn trả nợ theo thoả thuận phù hợp với mục đích và hiệu quả sử dụng vốn một cách linh hoạt thuận tiện, dễ dàng, không phải theo đúng quy trình như các thể lệ tín dụng quy định.

Mức lãi suất để cho vay tiếp vốn cho hợp tác xã tín dụng hoạt động và trả cho hợp tác xã tín dụng có vốn gửi quỹ tiết kiệm là 6,6%/tháng.

Việc điều chỉnh theo khung lãi suất nói trên, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước phải báo cáo và được sự nhất trí của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trước khi công bố thi hành trong địa phương.

Những trường hợp đã vay vốn theo mức lãi suất cũ mà chưa trả hết nợ, phần còn lại phải trả tiếp theo mức lãi suất mới kể từ ngày công bố điều chỉnh lãi suất.

Giám đốc Quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa Trung ương chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và triển khai thực hiện Thông tư này.

Nguyễn Văn Chuẩn

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 136-NH/TT-1986 hướng dẫn thực hiện biện pháp đặc biệt huy động tiền gửi tiết kiệm và lãi suất cho vay của Ngân hàng nhà nước do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 136-NH/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 08/10/1986
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Nguyễn Văn Chuẩn
  • Ngày công báo: 01/12/1986
  • Số công báo: Số 23
  • Ngày hiệu lực: 23/10/1986
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản