Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13-BYT/TT

Hà Nội, ngày 27 tháng 05 năm 1959

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ VÀ TỔ CHỨC GIỮ TRẺ ĐỐI VỚI PHỤ NỮ NGÀNH Y TẾ.

Kính gửi:

- Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh,
- Các Khu, Sở, Ty Y tế,
- Các cơ quan trực thuộc và kế cận

Do tính chất công tác thích hợp với phụ nữ, ngành y tế đã đào tạo và sử dụng một số lớn cán bộ là phụ nữ, nhất là các bệnh viện, bệnh xá … chiếm một tỷ lệ trên dưới 50% so với tổng số cán bộ, đa số là y tá và hộ lý.

Các chị em đã đóng góp một phần quan trọng trong công tác của ngành. Tình hình sức khỏe của phụ nữ nói chung bị hạn chế, lại thêm hoàn cảnh kinh nguyệt, thai nghén,con cái, công việc gia đình nên chị em gặp nhiều khó khăn trong công tác cũng như trong học tập sinh hoạt.

Ngoài ra, theo nhu cầu công tác của ngành, chị em còn phải đảm bảo những công việc nặng nề như trực đêm, lưu động, trực tiếp phục vụ bệnh nhân lao, lây … nhất là công tác trực đêm, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của chị em làm cho cơ quan, bệnh viện,… khi bố trí công tác gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Việc quy định chế độ làm việc, học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ và những tổ chức phúc lợi, giữ trẻ tuy đã cố gắng nhiều nhưng vẫn còn nhiều thiếu sót.

Để chiếu cố đến tình hình sức khỏe, công tác sinh hoạt của chị em và để giúp chị em phấn khởi, an tâm công tác trong khi chờ đợi một chính sách toàn diện của Đảng và Chính phủ sau khi được sự thỏa thuận của Ủy ban Kiện toàn tổ chức trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động , Hội Liên hiệp phụ nữ trung ương và được Thủ tướng Chính phủ chuẩn y, Bộ đề ra một số quy định tạm thời như sau:

I. VẤN ĐỀ BỐ TRÍ CÔNG TÁC.

1. Nói chung không nên bố trí chị em có thai hoặc có con mọn đang bú trực tiếp phục vụ bệnh nhân lao, phong,… Hoàn cảnh chưa thể thay thế ngay được thì chuyển dần, những chị em nào nếu xét thấy sức khỏe của đứa con sút kém hoặc bản thân người mẹ có dấu hiệu nhiễm trùng sang các phòng điều trị các khoa khác hoặc bệnh viện khác. Đồng thời cố gắng nghiên cứu chuyển dần trực tiếp ở phòng điều trị bênh nhân lao, phong.

2. Ở các bệnh viện, bệnh xá, điều dưỡng đường nói chung cần bố trí xen kẽ những cán bộ, nhân viên phụ nữ có con nhỏ với người chưa có con hoặc nam giới để bảo đảm tương trợ nhau trực đêm và trong công tác hàng ngày khi có người ốm đau, thai nghén, nghỉ đẻ, con ốm.

Nơi nào có điều kiện và nếu xét không ảnh hưởng gì về chuyên môn thì có thể tổ chức cho cán bộ, nhân viên khu bệnh nhẹ trực thêm cho các khu bệnh nặng hoặc những khu sản khoa, nhi khoa mà những khu này đa số là phụ nữ công việc lại nặng nhọc vất vả hơn.

Đối với các phòng hộ sinh quận ở thành phố huyện, châu ở các khu, tỉnh thường chỉ có 1, 2 hoặc 3 hộ sinh nên cố gắng thu xếp chỗ ở ngay nơi làm việc để chị em có điều kiện săn sóc con cái khi trực đêm, hoặc tổ chức những nhóm giữ trẻ liên cơ quan, liên phòng.

3. Đối với các đội y tế đi lưu động nhất thiết không bố trí những chị em có con nhỏ hoặc những chị em có thai, những ngày hành kinh không nên để chị em đi lại nhiều, các Viện, Khu, Sở, Ty sẽ cố gắng dần dần chuyển những chị em nói chung về công tác tỉnh tại thay thế vào đội ngũ những cán bộ là nam giới.

4. Những khu sản khoa, nhi khoa và những khu bệnh nặng nội khoa, ngoại khoa, công tác thường ngày cũng như trực đêm có phần nặng hơn thì biên chế phụ nữ được tăng hơn 20% nghĩa là cứ 6 người bằng 5 người. Có như vậy trong công tác thường xuyên cũng như trực đêm mới đảm bảo được chương trình và khối lượng công tác.

II. VẤN ĐỀ HỌC TẬP, BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ.

1. Do tình hình sức khỏe, hoàn cảnh sinh hoạt của cán bộ phụ nữ như đã nói trên, nên trong việc chiêu sinh bổ túc nghiệp vụ, đào tạo lên cấp đối với chị em cần được châm chước một phần về điều kiện sức khỏe, hoàn cảnh thai nghén, con cái để bảo đảm cho chị em được vào học. Trong thời gian học nếu trường hợp vì nghỉ đẻ mà không theo hết chương trình nhà trường có thể bố trí dành thêm một số thời gian để chị em được học bù để có thể đủ điều kiện thi tốt nghiệp.

2. Những chị em có con nhỏ sau khi được nhận vào trường có ảnh hưởng đến học tập, để đảm bảo quyền lợi của phụ nữ, nhà trường cần phải tổ chức và củng cố lại vườn trẻ để giúp chị em an tâm trong học tập.

3. Đối với phụ nữ nói chung và phụ nữ có con nói riêng các Khu, Sở, Ty , bệnh viện, bệnh xá,… cần được tăng cường giáo dục hơn nữa ý thức bình đẳng về chính trị và xã hội để giúp chị em phát huy tinh thần tích cực,khắc phục khó khăn để nâng cao hiệu suất công tác, tránh tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước và cơ quan.

III. VẤN ĐỀ GIỮ TRẺ, SĂN SÓC CÁC CHÁU KHI ỐM ĐAU.

1. Các bệnh viện, bệnh xã, điều dưỡng đường, chính quyền và công đoàn cần phối hợp với ban nữ công cơ sở tăng cường và củng cố các tổ giữ trẻ để đảm bảo cho chị em có con an tâm công tác. Những nơi nào đã giải tán vườn trẻ thì kịp chấn chỉnh lại để tránh tình trạng chị em phải bế gửi nơi này, nơi khác hoặc phải mang con đến chỗ làm việc ảnh hưởng đến công tác. Vườn trẻ cần bố trí một địa điểm gần bệnh viện, bệnh xá nhất, để chị em có thể về cho con bú được dễ dàng hơn. Nơi nào chưa tổ chức nhóm giữ trẻ ban đêm cần phải xúc tiến để chị em có con em an tâm trong những phiên trực, đồng thời kiểm tra việc thực hiện chế độ miễn trực cho chị em có thai những tháng gần sinh và sau thời gian mới đẻ.

Những bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh viện có khu lao phải chú ý bố trí nơi ở sạch sẽ, thoáng khí và xa khu vực ảnh hưởng lao.

2. Tùy theo điều kiện ở từng nơi nên tổ chức một phòng riêng dành cho các cháu ốm nhẹ, chị em bảo mẫu luân phiên trông nom cùng việc săn sóc của y tá cơ quan để tránh tình trạng con ốm tổ giữ trẻ không nhận, nên người mẹ phải nghỉ săn sóc con. Vấn đề này lúc đầu sẽ gặp khó khăn cho tổ giữ trẻ. Các bà mẹ chưa thực sự an tâm, chính quyền và công đoàn cần tăng cường giáo dục tinh thần trách nhiệm cho chị em bảo mẫu và tạo những điều kiện tốt nhất về vật chất trong việc tổ chức săn sóc các cháu. Khi các cháu bị ốm nặng thì cơ quan, bệnh viện giúp đỡ chị em về phương diện giấy tờ gửi các cháu đi bệnh viện được kịp thời,hoặc nếu có điều kiện thì cử bác sĩ hay y sĩ trực tiếp khám cho các cháu.

3. Những tối học văn hóa, chính trị chị em thường bận bịu về con cái nên bị thiệt thòi nhiều về học tập, các bệnh viện,bệnh xá, điều dưỡng đường cần nghiên cứu việc giữ trẻ cho thích hợp với tình hình để chị em có thì giờ học tập. Bộ gợi một vài ý : có thể cơ quan giúp đỡ nhà, phương tiện để chị em tự thuê người giữ, hay hướng dẫn chị em có con luân phiên người giữ để chị em khác đi học.

Trên đây là một số điểm quy định tạm thời trong tình hình của khả năng biên chế, tổ chức, mức sinh hoạt của ta hiện nay. Để tạo điều kiện giúp cán bộ phụ nữ khắc phục những khó khăn trước mắt, phát huy tinh thần tích cực và giúp chị em bảo đảm công tác, sinh hoạt, học tập cũng như săn sóc nuôi dạy con cái.

Đề nghị các cơ quan, các địa phương nghiên cứu áp dụng vào tình hình thực tiễn của cơ quan, địa phương mình. Trong khi thực hiện gặp những khó khăn gì hoặc có những kinh nghiệm gì, biện pháp gì kịp thời phản ảnh về Bộ để Bộ nghiên cứu thêm.

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ




Phạm Ngọc Thạch

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 13-BYT/TT năm 1959 quy định tạm thời chế độ làm việc bồi dưỡng nghiệp vụ và tổ chức giữ trẻ đối với phụ nữ ngành y tế do Bộ Y Tế ban hành

  • Số hiệu: 13-BYT/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 27/05/1959
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Phạm Ngọc Thạch
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 23
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản