Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13-BTC/HCVX

Hà Nội, ngày 01 tháng 4 năm 1975

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 13-BTC/ HCVX NGÀY 1 THÁNG 4 NĂM 1975 VỀ VIỆC CẢI TIẾN CẤP PHÁT KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN

Ngày 2 tháng 7 năm 1971, Thủ tướng Chính phủ đã ra Thông tư 186-TTg quy định cách xử lý và hạch toán đối với một số khoản chi phí liên quan đến gía thành và phí lưu thông. Để cải tiến việc cấp phát kinh phí công đoàn cho phù hợp với những quy định mới trong thông tư nói trên. Bộ Tài chính sau khi thống nhất ý kiến với Tổng công đoàn, bổ sung Thông tư số 71TC/HCVX ngày 16-4-1970 của Bộ Tài chính về việc cải tiến cấp phát kinh phí công đoàn như sau:

I- CĂN CỨ ĐỂ TÍNH KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN VÀ GHI VÀO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Thông tư số 186-TTg ngày 2-7-1971 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định: "Nhà nước định khoản chi phí nộp quỹ công đoàn bằng 2% quỹ lương để đảm bảo nhu cầu chi tiêucủa hệ thống công đoàn, trong đó có những khoản chi tiêu về hoạt động văn hoá quần chúng, thể dục thể thao như đã nói ở trên.

Căn cứ vào quỹ lương kế hoạch, ngân sách Nhà nước chuyển thẳng khoản kinh phí này vào quỹ công đoàn".

Như vậy, căn cứ để tính kinh phí công đoàn (2%) là quỹ lương kế hoạch đã được Hội đồng Chính phủ phê duyệt đối với các Bộ, các ngành trung ương, hoặc được Hội đồng nhân dân thành phố,tỉnh, quyết định đối với các ngành, các cấp ở địa phương. Trường hợp đầu năm chưa có chỉ tiêu chính thức về quỹ tiền lương thì căn cứ vào số kiểm trả quỹ tiền lương do Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước công bố; sau sẽ điều chỉnh lại.

Việc căn cứ vào quỹ lương kế hoạch để tính kinh phí công đoàn nói trên đây áp dụng chung cho cả 2 khu vực sản xuất vật chất và không sản xuất vật chất. Quỹ lương này bao gồm cả quỹ lương của cấp dưỡng, giữ trẻ của các cơ quan xí nghiệp Nhà nước (không tính quỹ lương của cán bộ nhân viên làm công tác Đảng, Công đoàn và quỹ lương cuả ngành Công an).

Hàng năm, cơ quan công đoàn (Tổng công đoàn ở trung ương, Liên hiệp công đoàn ở địa phương) căn cứ vào quỹ lương kế hoạch; lập dự trù kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ lương kế hoạch. Tổng công đoàn lập kế hoạch chi cho toàn ngành (coi là khoản chi thuộc quỹ tiêu dùng xã hội cuả ngân sách Nhà nước) gửi Bộ Tài chính xét và ghi vào dự toán ngân sách Nhà nước để trình Hội đồng Chính phủ xét duyệt.

II- CẤP PHÁT VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN

1- Dự toán thu kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ lưong kế hoạch hàng năm nói trên cần chia ra từng quý.

Trong 15 ngày đầu tháng thứ nhất cuả quý cơ quan tài chính phải cấp phát đủ cho cơ quan công đoàn cùng cấp số kinh phí theo dự toán quý. Trường hợp ngân sách có khó khăn thì cơ quan tài chính thương lượng với cơ quan công đoàn để cấp phát làm hai lần.

2- Quy định cuối mỗi quý và cuối năm phải thanh toàn theo tiền lương thực tế nói trong thông tư số 76- TC/HCVX ngày 16-4-1970 của Bộ Tài chính nay không thi hành nữa.

Cuối năm,Liên hiệp công đoàn thành phố, tỉnh làm báo cáo quyết toán thu chi gửi Tổng công đoàn, đồng gửi 1 bản cho các Sở, Ty tài chính, Uỷ ban Kế hoạch ở địa phương, Chi cục thống kê để các cơ quan này tổng hợp vào quỹ tiêu dùng xã hội của địa phương; Tổng công đoàn tổng hợp và làm báo cáo quyết toán thu chi kinh phí toàn ngành công đoàn cả năm gửi Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước,Tổng cục thống kê để các cơ quan này tổng hợp vào quỹ tiêu dùng xã hội trong ngân sách Nhà nước để báo cáo với Hội đồng Chính phủ.

Tổng công đoàn sẽ hướng dẫn các liên hiệp công đoàn làm báo cáo quyết toán; đối với mẫu biểu báo cáo, cần có sự tham gia ý kiến của Bộ Tài chính, Tổng cục thống kê.

3- Số kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương trên đây do Tổng công đoàn thống nhất quản lý.

Cuối mỗi năm, sau khi tổng hợp quyết toán thu chi ngành cả năm, nếu còn thừa kinh phí thì số kinh phí thừa này được chuyển sang năm sau và do Tổng công đoàn thống nhất quản lý để có kế hoạch sử dụng cho năm tới.

4- Năm 1975, các Sở, Ty tài chính phải cấp phát đủ kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ lương kế hoạch cho các liên hiệp công đoàn theo quy định trên đây. Những khoản cấp phát thừa thiếu về kinh phí công đoàn từ năm 1974 trở về trước, nay không thanh toán lại nữa.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ đầu năm 1975. Những quy định trong Thông tư số 76TC/HCVX ngày 16-4-1970 của Bộ Tài chính trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Hoàng Văn Diệm

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 13-BTC/HCVX-1975 về việc cải tiến cấp phát kinh phí công đoàn do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 13-BTC/HCVX
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 01/04/1975
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Hoàng Văn Diệm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 6
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1975
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản