Hệ thống pháp luật

BỘ TRƯỞNG TỔNG THƯ KÝ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13-BT

Hà Nội, ngày 28 tháng 2 năm 1985

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TRƯỞNG TỔNG THƯ KÝ SỐ 13-BT NGÀY 28 THÁNG 2 NĂM 1985 HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU LỆ KHEN THƯỞNG THÀNH TÍCH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC VÀ NHỮNG NHIỆM VỤ CÔNG TÁC KHÁC

Ngày 25 tháng 2 năm 1985, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Điều lệ khen thưởng thành tích thực hiện kế hoạch Nhà nước và các nhiệm vụ công tác khác.

Thông tư này quy định cụ thể và hướng dẫn việc thi hành điều lệ như sau:

I. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ PHƯƠNG CHÂM KHEN THƯỞNG

1. Về phương hướng khen thưởng, trước hết phải chú ý các ngành có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân như công nghiệp và nông nghiệp, các công tác trung tâm của mỗi thời kỳ, các nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch Nhà nước. Trong những năm trước mắt, hướng khen thưởng chủ yếu phải nhằm động viên các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, các ngành vận tải, xây dựng cơ bản, các cơ sở trọng điểm sản xuất ra những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho đời sống nhân dân, những mặt hàng tư liệu sản xuất chủ yếu, và những mặt hàng quan trọng cho xuất khẩu.

Coi trọng việc khen thưởng đối với khu vực sản xuất, đồng thời phải chú ý thích đáng đến các ngành kinh tế khác, đến khu vực sự nghiệp, hành chính, nhất là đến công tác khoa học - kỹ thuật và các công tác trực tiếp phục vụ sản xuất; coi trọng việc khen thưởng cả đối với khu vực kinh tế quốc doanh, công tư hợp doanh và khu vực kinh tế tập thể; động viên thoả đáng các thành tích phát triển sản xuất đúng hướng của khu vực kinh tế gia đình.

Cần đặc biệt chú ý khuyến khích những thành tích về cải tiến kỹ thuật và ứng dụng khoa học kỹ thuật, thực hiện có kết quả chính sách phân phối của Nhà nước, cải tiến nghiệp vụ và công tác.

2. Phương châm khen thưởng là chính xác, kịp thời và chủ động; khen thưởng phải phản ánh đúng thực chất phong trào cách mạng của quần chúng; phải kết hợp đúng đắn việc khuyến khích bằng lợi ích vật chất với việc động viên khen thưởng về tinh thần.

II. ĐỐI TƯỢNG, TIÊU CHUẨN VÀ MỨC ĐỘ KHEN THƯỞNG.

1. Về đối tượng khen thưởng.

Các đối tượng thuộc diện xét duyệt thực hiện kế hoạch Nhà nước và các đơn vị các nhân thuộc mọi ngành, địa phương, các đoàn thể quần chúng có thành tích đều được khen thưởng. Để việc khen thưởng có tác dụng động viên thiết thực, trước hết cần nhằm vào các đơn vị cơ sở như xí nghiệp, công, nông, lâm trường, hợp tác xã, cửa hàng, bệnh viện, trường học...; các tập thể và cá nhân đã được tăng danh hiệu thi đua.

Chú ý thích đáng các đơn vị nhỏ như phân xưởng, tổ, đội sản xuất, công tác; các cá nhân trực tiếp sản xuất hoặc chỉ đạo sản xuất ở cơ sở, những cán bộ khoa học - kỹ thuật, các cán bộ quản lý kinh tế có nhiều thành tích.

2. Về tiêu chuẩn khen thưởng.

Khi xét duyệt khen thưởng phải xem xét vận dụng chặt chẽ cả 4 tiêu chuẩn quy định và phải lấy tiêu chuẩn hoàn thành nhiệm vụ sản xuất , công tác (tiêu chuẩn 1) làm căn cứ chủ yếu, vì đây là pháp lệnh Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị mà mỗi công dân có nghĩa vụ thi hành.

a) Đối với các đơn vị sản xuất công nghiệp, phải rất chú ý các chỉ tiêu về giá trị sản lượng hàng hoá thực hiện, sản phẩm chủ yếu, sản phẩm giao nộp cho Nhà nước, giá thành, các khoản nộp ngân sách Nhà nước. Đồng thời phải xem xét các mặt thành tích như cải tiến quản lý, cải tiến tổ chức, hợp lý hoá sản xuất; nghiên cứu ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; nâng cao chất lượng sản phẩm; tạo ra nguyên liệu mới thay thế hàng nhập, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguyên liệu, phế liệu, phế phẩm; cải tiến mặt hàng mới; nâng cao chất lượng sản phẩm, sử dụng tốt năng lực thiết bị hiện có, nhằm thúc đấy sản xuất ngày càng phát triển mạnh mẽ; thực hiện ngày càng tốt hơn nghĩa vụ đối với Nhà nước và công tác cải thiện đời sống cán bộ, công nhân, viên chức.

b) Đối với các đơn vị sản xuất nông nghiệp, phải chú ý các chỉ tiêu về trồng trọt (gồm cả diện tích, năng suất, sản lượng); về chăn nuôi (gồm cả số lượng đầu con, trọng lượng và chất lượng sản phẩm chăn nuôi); hoặc chỉ tiêu về đánh bắt, nuôi, trồng thuỷ sản; các chỉ tiêu về giá trị sản phẩm chủ yếu, sản phẩm giao nộp; các chỉ tiêu về nộp lãi, nộp thuế, bán lương thực thực phẩm và các nông, lâm, hải sản khác cho Nhà nước; đồng thời phải xem xét các mặt thành tích cải tiến quản lý, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật; phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, khoán sản phẩm để tăng năng suất lao động, năng suất cây trồng, giá trị ngày công và hạ giá thành sản phẩm; các thành tích phát triển ngành nghề, chăn nuôi gia đình để tăng sản phẩm cho xã hội, tích luỹ cho tập thể, thu nhập cho xã viên.

c) Đối với các đơn vị làm công tác phân phối lưu thông, phải xem xét kỹ việc chấp hành các chế độ bảo quản, giao nhận, vận chuyển, phân phối, cấp phát vật tư hàng hoá, quản lý tem phiếu, tiền bạc..., cải tiến phương thức phục vụ nhân dân.

d) Đối với các đơn vị thuộc các ngành sự nghiệp, hành chính phải rất chú ý đến các công tác nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học, hiệu suất công tác, tác dụng phục vụ đắc lực và kịp thời các yêu cầu của sản xuất, chiến đấu và đời sống; tinh thần thái độ phục vụ nhân dân.

đ) Những đơn vị có thành tích sản xuất, công tác nhưng không chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách kinh tế, nhất là những quy định về giao nộp sản phẩm, quyết toán vật tư, nộp lợi nhuận, quỹ lương, tiền mặt, giá cả... hoặc do thiếu trách nhiệm để xảy ra thiệt hại nặng tài sản của Nhà nước, của tập thể, sinh mạng và tài sản của nhân dân, hoặc có hiện tượng trù dập, ức hiếp quần chúng; gây nhiều phiền hà bị nhân dân kêu ca nhiều, thì không được xét khen thưởng.

3. Mức độ khen thưởng. Vận dụng Điều 3, chương II của Điều lệ khen thưởng như sau:

A. XÉT ĐỀ NGHỊ TẶNG THƯỞNG BẰNG KHEN CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG CHO:

a) Đơn vị cơ sở quốc doanh, công tư hợp doanh hay kinh tế tập thể hoàn thành có chất lượng và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, nhiệm vụ công tác thuộc loại xuất sắc nhất trong các ngành cuả Bộ, của tỉnh, huyện hoặc đạt danh hiệu đơn vị tiên tiến 3 năm liền trở lên; hoặc hoàn thành kế hoạch Nhà nước, nhiệm vụ công tác 5 năm liền trở lên và thuộc loại xuất sắc trong ngành hay địa phương.

b) Đơn vị hay cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, phân phối lưu thông, hay công tác, có sáng kiến trong quản lý kinh tế, trong nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hoặc có sáng tác về văn học nghệ thuật hay công trình sáng tạo về các lĩnh vực khác được được Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, hoặc cơ quan có thẩm quyền xét duyệt và công nhận.

c) Phân xưởng lao động xã hội chủ nghĩa được công nhận danh hiệu lần thứ nhất.

d) Tổ lao động xã hội chủ nghĩa, chiến sĩ thi đua đạt danh hiệu 3 năm liền trở lên thuộc loại xuất sắc nhất trong một ngành của Bộ hay của tỉnh; hoặc đạt các danh hiệu trên 5 năm liền trở lên và thuộc loại xuất sắc nhất trong đơn vị cơ sở.

B. XÉT ĐỀ NGHỊ TẶNG HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG HẠNG BA CHO:

a) Bộ, Sở, Uỷ ban nhân dân tỉnh, huyện đã có nhiều cố gắng và tiến bộ trong việc chỉ đạo điều hành hoàn thành toàn diện hoặc hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch Nhà nước.

b) Đơn vị cơ sở quốc doanh, công tư hợp doanh hay đơn vị kinh tế tập thể hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước hay nhiệm vụ công tác thuộc loại xuất sắc nhất của ngành trong toàn quốc; hoặc đạt danh hiệu đơn vị tiên tiến 5 năm liền trở lên hay hoàn thành kế hoạch Nhà nước, nhiệm vụ công tác 7 năm liền trở lên và thuộc loại xuất xắc nhất của Bộ hay của địa phương.

c) Đơn vị, các nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất hay công tác, có phát minh, sáng chế, sáng tác có giá trị lớn về kinh tế hay về xã hội, được Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, hoặc cơ quan có thẩm quyền xét duyệt và công nhận.

d) Đơn vị cơ sở được công nhận danh hiệu đơn vị lao động xã hội chủ nghĩa lần thứ nhất.

đ) Phân xưởng lao động xã hội chủ nghĩa được công nhận danh hiệu lần thứ hai trở lên.

e) Tổ lao động xã hội chủ nghĩa, chiến sĩ thi đua được công nhận danh hiệu 5 năm liền trở lên, thuộc loại xuất sắc nhất của ngành trong toàn quốc; hoặc 7 năm liền trở lên thuộc loại xuất sắc nhất trong một ngành của Bộ hay của địa phương; hoặc 10 năm liền trở lên thuộc loại xuất sắc nhất trong đơn vị cơ sở.

Việc xét tặng các loại, các huân chương cao hơn sẽ căn cứ vào mức thành tích, có sự chú ý so sánh với thành tích đã được khen các năm trước và so sánh chung trong ngành các địa phương và toàn quốc.

III. VẬN DỤNG TIÊU CHUẨN VÀ MỨC ĐỘ KHEN THƯỞNG

Các tiêu chuẩn và mức độ khen thưởng nêu trên chưa bao quát được hết mọi trường hợp, mọi ngành công tác, vì vậy khi xét khen thưởng, ngoài việc phải căn cứ vào tinh thần cơ bản các tiêu chuẩn khen thưởng và căn cứ vào yêu cầu động viên từng nơi, từng lúc, các ngành, các cấp cần chú ý mấy điểm dưới đây:

1. Mức độ khen thưởng nói trên là quy định chung cho các đơn vị và cá nhân thuộc các ngành, địa phương, cho những đơn vị quy mô thuộc loại trung bình, hoạt động trong những điều kiện bình thường, tương đối ổn định. Khi xét đến các đơn vị hoặc cá nhân thuộc các ngành, nghề mà điều kiện lao động rất nặng nhọc hoặc có độc hại, hoặc ở vùng rẻo cao, biên giới, hải đảo, hoặc là những đơn vị hoạt động trong điều kiện có nhiều khó khăn thì có thể khen thưởng cao hơn so với mức độ khen thưởng chung.

2. Trường hợp đạt các yêu cầu của tiêu chuẩn 1 như nói ở trên mà lại có thành tích xuất sắc về 3 tiêu chuẩn sau, thì có thể được khen thưởng cao hơn so với mức khen thưởng chung; ngược lại nếu phạm khuyết điểm về 3 tiêu chuẩn sau, thì tuỳ theo mức độ sai phạm, có thể khen mức thấp hơn so với mức khen thưởng chung, hoặc không được xét khen thưởng.

3. Để phát huy mặt tích, ưu điểm, trên cơ sở đó mà khắc phục mặt tiêu cực, khuyết điểm, cần khen thưởng từng mặt công tác với điều kiện là mặt công tác đó thuộc loại xuất sắc và các mặt công tác khác không có gì sai phạm lớn, nhất là mặt công tác chủ yếu không thuộc loại yếu kém.

4. Mức độ khen thưởng căn cứ chủ yếu vào thành tích đạt được nhưng để cho việc khen thưởng được chắc chắn, nói chung nên khen thưởng từ mức thấp đến mức cao. Khen thưởng một đơn vị hay cá nhân là đánh dấu bước tiến bộ của đơn vị và cá nhân đó, để khuyến khích vươn lên lập thành tích mới xuất sắc hơn cho nên đối với những đơn vị, cá nhân mới được khen thưởng năm trước và thành tích năm sau không hơn năm trước nhièu và không đáng được khen thưởng mức cao hơn, thì nói chung không khen thưởng nữa, trừ trường hợp lập được thành tích cao hơn rõ rệt hoặc lập được những thành tích về các mặt công tác khác.

IV. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN

Để làm tốt việc khen thưởng thành tích trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, các ngành, các cấp cần chú ý mấy điểm dưới đây:

1. Khen thưởng là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm động viên cán bộ và nhân dân thi đua hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch Nhà nước, hoàn thnàh tốt nhiệm vụ công tác. Cho nên, muốn thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành, của địa phương hoặc của đơn vị, các cấp lãnh đạo cần quan tâm đầy đủ đến công tác khen thưởng phân công thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng phụ trách công tác này.

2. Phải thường xuyên theo dõi sát tình hình thi đua của các ngành, các cấp, các cơ sở để phát hiện và biểu dương kịp thời những nhân tố mới xuất hiện trong các phong trào.

Cần kết hợp chặt chẽ việc tổng kết công tác bình bầu thi đua với xét duyệt khen thưởng, lấy việc tổng kết công tác làm cơ sở. Phải xét duyệt hoàn thành kế hoạch Nhà nước sớm (chậm nhất là trong tháng 2), tổng kết tốt công tác, bình bầu thi đua chặt chẽ để khen thưởng được chính xác và kịp thời.

3. Việc trao đổi ý kiến giữa Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh về các trường hợp quy định ở Điều 4 của Điều lệ cần được tiến hành khẩn trương và có nề nếp tốt. Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ đóng ở địa phương thì Uỷ ban nhân dân tỉnh cần tham gia ý kiến chủ yếu về việc chấp hành luật pháp, chính sách, chế độ.

4. Chú ý thoả đáng việc khuyến khích bằng lợi ích vật chất kết hợp với việc khen thưởng về tinh thần, mức khen thưởng bằng vật chất phải theo đúng những tiêu chuẩn quy định và trong phạm vi khả năng quỹ khen thưởng của ngành, của địa phương.

5. Cần tăng cường công tác chỉ đạo xuống tận cơ sở nẵm vững và biết vận dụng phương hướng, phương châm và tiêu chuẩn khen thưởng, biết làm tốt các thủ tục về xét duyệt và đề nghị khen thưởng ngay từ cơ sở.

6. Đối với các thành tích được đề nghị khen thưởng để công bố vào ngày thành lập đơn vị hoặc ngày sinh của cá nhân, thì Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh phải gửi hồ sơ và văn bản trình Hội đồng Bộ trưởng trước ngày thành lập hoặc ngày sinh 45 ngày.

7. Cần bố trí cán bộ chuyên trách công tác khen thưởng ở các ngành, các cấp, nhất là ở huyện, tạo điều kiện cho cán bộ nắm chắc tình hình thi đua và nghiệp vụ công tác.

8. Hàng năm, các Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh phải tổng kết công tác khen thưởng, đánh giá tác dụng của việc khen thưởng và gửi báo cáo lên Hội đông Bộ trưởng.

Các Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ vào Thông tư này mà cụ thể hoá các tiêu chuẩn khen thưởng và những chi tiết cần thiết khác phải phù hợp với đặc điểm của ngành, của địa phương và có kế hoạch phổ biến đến cơ sở.

Viện Huân chương có trách nhiệm theo dõi việc thi hành Thông tư này.

Đoàn Trọng Truyến

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 13-BT-1985 hướng dẫn thi hành Điều lệ khen thưởng thành tích thực hiện kế hoạch Nhà nước và các nhiệm vụ công tác khác do Bộ Trưởng Tổng Thư Ký ban hành

  • Số hiệu: 13-BT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 28/02/1985
  • Nơi ban hành: Bộ trưởng Tổng thư ký
  • Người ký: Đoàn Trọng Truyến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 4
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản