Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 13/2010/TT-BGTVT quy định về quản lý các nhiệm vụ môi trường trong ngành giao thông vận tải sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

MỤC I. XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

Điều 5. Đăng ký nhiệm vụ môi trường

1. Hàng năm, Bộ Giao thông vận tải căn cứ vào các chương trình, kế hoạch và yêu cầu phục vụ công tác quản lý nhà nước ban hành văn bản hướng dẫn để các tổ chức tiến hành đăng ký nhiệm vụ môi trường.

2. Hồ sơ đăng ký nhiệm vụ môi trường phải được gửi về Bộ Giao thông vận tải trước ngày 15 tháng 5 của năm trước kế hoạch gồm: Phiếu đề xuất nhiệm vụ môi trường được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 6. Xây dựng kế hoạch

1. Vụ Môi trường tổng hợp các đăng ký trình Hội đồng tư vấn tuyển chọn nhiệm vụ môi trường.

2. Hội đồng tư vấn tuyển chọn nhiệm vụ môi trường do Bộ Giao thông vận tải thành lập gồm tối thiểu 07 thành viên là đại diện của các cơ quan và các chuyên gia thuộc lĩnh vực có liên quan.

3. Căn cứ ý kiến của Hội đồng tư vấn tuyển chọn nhiệm vụ môi trường, Vụ Môi trường tổng hợp trình Lãnh đạo Bộ xem xét, phê duyệt danh mục nhiệm vụ môi trường cần thực hiện trong năm kế hoạch.

Việc phê duyệt danh mục nhiệm vụ môi trường phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 5 của năm trước năm kế hoạch.

Điều 7. Lập, thẩm định thuyết minh đề cương, dự toán nhiệm vụ môi trường

1. Căn cứ danh mục nhiệm vụ môi trường đã được phê duyệt, Vụ Môi trường thông báo để cơ quan chủ trì lập thuyết minh đề cương và dự toán chi tiết nhiệm vụ môi trường theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 hoặc 2A ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Việc thẩm định thuyết minh đề cương nhiệm vụ môi trường được thực hiện như sau:

a) Đối với những nhiệm vụ môi trường mà sản phẩm được ban hành thành các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc được ứng dụng, triển khai trong hoạt động bảo vệ môi trường cụ thể (như: Tổ chức các đợt kiểm tra đôn đốc; tổ chức các khóa đào tạo, tuyên truyền, hội thảo; họp hội đồng; vận hành các hệ thống xử lý môi trường; v.v), Vụ Môi trường lấy ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà quản lý có liên quan và tổ chức họp thẩm định.

b) Đối với các nhiệm vụ môi trường không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 điều này, việc thẩm định thuyết minh đề cương được thực hiện thông qua Hội đồng thẩm định.

Hội đồng thẩm định do Bộ Giao thông vận tải thành lập bao gồm: Chủ tịch Hội đồng, 01 ủy viên là đại diện Vụ Tài chính, thư ký Hội đồng là đại diện Vụ Môi trường và các chuyên gia có trình độ chuyên môn phù hợp.

Trách nhiệm của các thành viên Hội đồng thẩm định:

- Thư ký Hội đồng gửi thuyết minh đề cương, dự toán nhiệm vụ môi trường và các tài liệu liên quan đến các thành viên Hội đồng trước 5 ngày làm việc để họp Hội đồng.

- Các thành viên Hội đồng nghiên cứu hồ sơ, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ môi trường và chuẩn bị ý kiến nhận xét để trình bày tại phiên họp chính thức của Hội đồng.

3. Cơ quan chủ trì có trách nhiệm xem xét kết luận của Hội đồng thẩm định tại cuộc họp thẩm định để hoàn chỉnh thuyết minh đề cương và dự toán nhiệm vụ môi trường gửi về Bộ Giao thông vận tải trước ngày 15 tháng 7 của năm trước năm kế hoạch.

Điều 8. Tổng hợp kế hoạch ngân sách

Vụ Môi trường tổng hợp danh mục và dự toán của các nhiệm vụ môi trường đã được thẩm định gửi Vụ Tài chính để dự kiến cân đối, trình Lãnh đạo Bộ ký gửi Bộ Tài chính trước ngày 20 tháng 7 năm trước năm kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

MỤC II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Phân bổ và giao dự toán ngân sách

1. Căn cứ kế hoạch ngân sách được giao cho Bộ Giao thông vận tải, Vụ Tài chính chủ trì phối hợp với Vụ Môi trường cân đối, lên phương án phân bổ dự toán ngân sách thực hiện nhiệm vụ môi trường để trình Lãnh đạo Bộ lấy ý kiến thỏa thuận của Bộ Tài chính và quyết định giao dự toán ngân sách cho các đơn vị.

2. Vụ Môi trường chủ trì phê duyệt thuyết minh đề cương và dự toán các nhiệm vụ môi trường được giao dự toán ngân sách trong năm kế hoạch và phối hợp với Văn phòng Bộ ký kết các hợp đồng đặt hàng thực hiện nhiệm vụ môi trường với cơ quan chủ trì.

3. Những nhiệm vụ môi trường đã được đưa vào danh mục của năm kế hoạch nhưng chưa bố trí được kinh phí thì được bảo lưu kết quả, đưa vào danh mục ưu tiên thực hiện của năm kế hoạch tiếp theo.

Điều 10. Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ môi trường

1. Vụ Môi trường tổ chức đôn đốc, kiểm tra, đánh giá định kỳ việc thực hiện các nhiệm vụ môi trường về nội dung, chất lượng, tiến độ thực hiện và tình hình sử dụng kinh phí; báo cáo Lãnh đạo Bộ kết quả kiểm tra và đề xuất biện pháp xử lý.

2. Định kỳ 6 tháng 1 lần, cơ quan chủ trì phải báo cáo Bộ Giao thông vận tải về tình hình thực hiện nhiệm vụ môi trường theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 11. Điều chỉnh nhiệm vụ môi trường

1. Khi có đề xuất thay đổi, bổ sung nội dung thực hiện nhiệm vụ môi trường, cơ quan chủ trì phải có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Cơ quan quản lý sẽ xem xét điều chỉnh kinh phí, nội dung thực hiện đối với những nhiệm vụ môi trường không được thực hiện đúng tiến độ, nội dung theo thuyết minh đề cương đã phê duyệt và hợp đồng đã ký kết hoặc quyết định chấm dứt, thu hồi kinh phí đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng về việc sử dụng kinh phí, nội dung, tiến độ nêu trong thuyết minh đề cương đã được phê duyệt.

MỤC III. NGHIỆM THU, PHỔ BIẾN KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Điều 12. Nghiệm thu kết quả

1. Nhiệm vụ môi trường khi hoàn thành phải được nghiệm thu, đánh giá kết quả tại Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở, Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ (hoặc cấp Nhà nước theo quy định của pháp luật) trừ các nhiệm vụ môi trường được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7.

Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở do Thủ trưởng cơ quan chủ trì quyết định thành lập gồm tối thiểu 07 thành viên là đại diện lãnh đạo cơ quan chủ trì và các chuyên gia thuộc lĩnh vực có liên quan.

Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ do Bộ Giao thông vận tải quyết định thành lập gồm tối thiểu 07 thành viên là đại diện của các cơ quan có liên quan và các chuyên gia có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn phù hợp với nội dung, tính chất của nhiệm vụ môi trường.

2. Đối với những nhiệm vụ môi trường được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 thì không phải tổ chức Hội đồng nghiệm thu song phải có báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ môi trường để Bộ Giao thông vận tải xác nhận. Mẫu văn bản xác nhận hoàn thành nhiệm vụ môi trường được quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 13. Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện ở cấp cơ sở

1. Việc đánh giá kết quả thực hiện ở cấp cơ sở được thực hiện trong thời hạn 20 ngày sau khi cơ quan chủ trì nhận được đề nghị nghiệm thu của chủ nhiệm nhiệm vụ.

2. Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở xem xét nội dung, khối lượng sản phẩm; phương pháp thực hiện; các chỉ tiêu, các yêu cầu khoa học công nghệ và môi trường của kết quả nghiên cứu; mức độ hoàn chỉnh của tài liệu báo cáo so với thuyết minh đề cương được duyệt để đánh giá kết quả thực hiện.

3. Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở xếp loại kết quả thực hiện nhiệm vụ môi trường theo một trong hai nước: “Đạt” hoặc “Không đạt”.

4. Nhiệm vụ môi trường được đánh giá kết quả thực hiện ở mức “Đạt” là nhiệm vụ được ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng có mặt bỏ phiếu đánh giá “Đạt” và là cơ sở để xem xét, đánh giá nghiệm thu cấp Bộ.

5. Nhiệm vụ môi trường được đánh giá kết quả thực hiện ở mức “Không đạt” trong các trường hợp sau:

a) Có ít hơn 2/3 số thành viên Hội đồng có mặt bỏ phiếu đánh giá “Đạt”.

b) Không có giá trị sử dụng, kết quả trùng lắp.

c) Hồ sơ, tài liệu, số liệu cung cấp không trung thực.

d) Tự ý sửa đổi mục tiêu, nội dung thực hiện.

Mẫu phiếu đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở và Biên bản họp Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở được quy định tại Phụ lục 7, 8 ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Căn cứ kết luận của Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày họp Hội đồng, chủ nhiệm nhiệm vụ có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ sản phẩm của nhiệm vụ môi trường nộp cơ quan chủ trì.

Điều 14. Tổ chức đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện ở cấp Bộ

1. Việc đánh giá kết quả thực hiện ở cấp Bộ được thực hiện trong thời hạn 20 ngày sau khi cơ quan quản lý nhận được đề nghị nghiệm thu nhiệm vụ môi trường của cơ quan chủ trì.

2. Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ chỉ tiến hành họp khi có mặt từ 2/3 số thành viên trở lên trong đó có ít nhất 01 ủy viên phản biện.

3. Hội đồng đánh giá bằng cách bỏ phiếu.

Mẫu phiếu đánh giá và Biên bản họp Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ được quy định tại Phụ lục 9, 10 ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Giao thông vận tải có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia để có thêm căn cứ công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ môi trường, bảo đảm khách quan, chính xác theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Giao nộp sản phẩm, ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ môi trường

1. Căn cứ kết luận của Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày họp Hội đồng, cơ quan chủ trì có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ sản phẩm của nhiệm vụ môi trường nộp về Bộ Giao thông vận tải (qua Vụ Môi trường): 01 bản in và 01 bản mềm trên đĩa CD; hình ảnh sản phẩm (nếu có); đồng thời tóm tắt nội dung nhiệm vụ môi trường đã hoàn thành đăng tải trên Website của Bộ Giao thông vận tải.

2. Vụ Môi trường, cơ quan chủ trì có trách nhiệm tổ chức phổ biến, áp dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ môi trường vào thực tiễn.

MỤC IV. QUYẾT TOÁN KINH PHÍ, THANH LÝ HỢP ĐỒNG

Điều 16. Quyết toán kinh phí

1. Hàng năm, cơ quan chủ trì có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán kinh phí theo niên độ ngân sách năm gửi Bộ Giao thông vận tải trước ngày 31 tháng 12.

2. Trường hợp đến ngày 31 tháng 12 còn dư kinh phí thực hiện nhiệm vụ môi trường chưa sử dụng hoặc tạm ứng kinh phí chưa đủ điều kiện quyết toán, cơ quan chủ trì hoặc Văn phòng bộ (trong trường hợp đặt hàng) có văn bản giải trình rõ nguyên nhân và đề nghị chuyển kinh phí sang năm sau gửi về Vụ Tài chính trước ngày 05 tháng 02 của năm sau để tổng hợp trình Bộ Giao thông vận tải chuyển số dư theo quy định.

3. Đối với các nhiệm vụ môi trường thực hiện nhiều năm, trong vòng 30 ngày kể từ ngày được Hội đồng cấp Bộ nghiệm thu, cơ quan chủ trì có trách nhiệm tiến hành thanh quyết toán kinh phí đã sử dụng trong năm và lập báo cáo tổng hợp lũy kế toàn bộ kinh phí đã thực hiện đồng thời đề xuất phương án xử lý tài sản được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước (nếu có).

4. Vụ Tài chính chủ trì tổ chức thẩm định báo cáo quyết toán đối với nhiệm vụ môi trường hoàn thành và phương án xử lý tài sản được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước của nhiệm vụ môi trường trình Bộ trưởng phê duyệt.

Điều 17. Thanh lý hợp đồng đặt hàng thực hiện nhiệm vụ môi trường

Vụ Môi trường phối hợp với Văn phòng Bộ tiến hành thanh lý hợp đồng đặt hàng thực hiện nhiệm vụ môi trường đã ký kết với cơ quan chủ trì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ sản phẩm của nhiệm vụ môi trường theo quy định tại khoản 1 điều 15. Mẫu Biên bản thanh lý hợp đồng được quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.

Thông tư 13/2010/TT-BGTVT quy định về quản lý các nhiệm vụ môi trường trong ngành giao thông vận tải sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 13/2010/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 07/06/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Hồ Nghĩa Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 369 đến số 370
  • Ngày hiệu lực: 22/07/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra