Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 13/2009/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 19 tháng 05 năm 2009

THÔNG TƯ

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGẮN HẠN GIÁO VIÊN GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG – AN NINH

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 116/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về Giáo dục quốc phòng – an ninh;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định ban hành Thông tư như sau:

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Chương trình đào tạo ngắn hạn giáo viên giáo dục quốc phòng – an ninh.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 46/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 18 tháng 10 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành chương trình đào tạo ngắn hạn giáo viên giáo dục quốc phòng các trường trung học phổ thông và trung học chuyên nghiệp.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng, thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Hiệu trưởng các trường đại học sư phạm, giám đốc các sở giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- UBVH, GD, TTN, NĐ của QH;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL);
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ GD&ĐT;
- Như Điều 3 (để thực hiện);
- Lưu VT, Vụ PC, Vụ GDQP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC




Bành Tiến Long

CHƯƠNG TRÌNH

ĐÀO TẠO NGẮN HẠN GIÁO VIÊN GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG – AN NINH
(Ban hành kèm theo Thông tư số: 13/2009/TT-BGDĐT ngày 19 tháng 5 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

I. MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

A. MỤC TIÊU CHUNG

Chương trình đào tạo ngắn hạn giáo viên Giáo dục quốc phòng – an ninh nhằm trang bị kiến thức cho giáo viên đang giảng dạy tại các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề và sinh viên tốt nghiệp đại học thuộc khối ngành sư phạm hoặc khoa học xã hội và nhân văn để giảng dạy chuyên trách hoặc kiêm nhiệm Giáo dục quốc phòng – an ninh tại các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề (sau đây gọi tắt là GDQP-AN).

B. MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Về phẩm chất

Yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về quốc phòng, an ninh; có bản lĩnh chính trị vững vàng; có tinh thần trách nhiệm cao với nghề nghiệp; có tinh thần tự học tập, nghiên cứu khoa học, không ngừng tự bồi dưỡng và nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ; có sức khỏe phù hợp với nhiệm vụ.

2. Về kiến thức

Có kiến thức cơ bản về đường lối quốc phòng, an ninh; về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, đấu tranh phòng chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch với cách mạng Việt Nam; kiến thức về khoa học sư phạm trong giảng dạy GDQP – AN các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề.

3. Về kỹ năng

Thành thạo kỹ năng giảng dạy GDQP- AN; biết vận dụng lý luận vào thực tiễn; có khả năng quản lý, tổ chức thực hiện công tác quốc phòng, quân sự địa phương và an ninh cơ sở.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ THỜI GIAN ĐÀO TẠO

1. Đối tượng

- Giáo viên có trình độ đại học khối ngành sư phạm hoặc khoa học xã hội và nhân văn thuộc biên chế cơ hữu hoặc hợp đồng tại các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề;

- Sinh viên tốt nghiệp đại học khối ngành sư phạm hoặc khoa học xã hội và nhân văn có nguyện vọng

2. Thời gian đào tạo: 26 tuần, trong đó:

- Thời gian đào tạo: 16 tuần;

- Thời gian thực tập, thực tế và thi tốt nghiệp: 10 tuần.

III. CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

1. Khối lượng kiến thức: 42 ĐVHT

- Đào tạo: 32 ĐVHT

- Thực tập, thực tế và thi tốt nghiệp: 10 ĐVHT

2. Cấu trúc kiến thức của chương trình đào tạo

STT

TÊN HỌC PHẦN

ĐVHT

1

Điều lệnh

2

2

Đường lối quốc phòng, an ninh

3

3

Lịch sử truyền thống và tổ chức quân đội, công an

2

4

Công tác quốc phòng, quân sự địa phương và an ninh cơ sở

3

5

Bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội

4

6

Quân sự chung

4

7

Kỹ thuật chiến đấu bộ binh

5

8

Chiến thuật

2

9

Phương pháp giảng dạy GDQP-AN 1

3

10

Phương pháp giảng dạy GDQP-AN 2

4

11

Thực tập, thực tế

5

12

Thi tốt nghiệp

5

IV. MÔ TẢ TÓM TẮT CÁC HỌC PHẦN

1. Điều lệnh 2 ĐVHT

Trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về điều lệnh đội ngũ và điều lệnh quản lý bộ đội, công an. Nội dung điều lệnh quản lý bộ đội, công an giới thiệu về chức trách, mối quan hệ, lễ tiết tác phong quân nhân, công an nhân dân; chế độ sinh hoạt, học tập công tác, khen thưởng, xử phạt; trang phục, cấp hiệu, phù hiệu của quân đội, công an.

Nội dung điều lệnh đội ngũ, gồm: động tác đội ngũ từng người không có súng và có súng; đội ngũ đơn vị từ tiểu đội đến tiểu đoàn.

2. Đường lối quốc phòng – an ninh 3 ĐVHT

Trang bị một số nội dung cơ bản về đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước về quốc phòng, an ninh. Nội dung gồm:

- Quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh, quân đội và bảo vệ Tổ quốc;

- Chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc;

- Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân;

- Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân;

- Kết hợp xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh;

- Sự hình thành phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam.

3. Lịch sử truyền thống và tổ chức quân đội, công an 2 ĐVHT

Trang bị kiến thức về lịch sử, truyền thống, xây dựng lực lượng quân đội, công an; những cơ sở lý luận và thực tiễn Đảng lãnh đạo quân đội, công an. Nội dung gồm:

- Lịch sử, truyền thống quân đội, công an;

- Xây dựng quân đội và công an (giới thiệu Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam, Luật Công an nhân dân);

- Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức lãnh đạo quân đội, công an;

- Công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội, công an;

- Công tác tư tưởng của Đảng trong quân đội, công an;

- Nhà trường quân đội, công an và tuyển sinh đào tạo.

4. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương và an ninh cơ sở 3 ĐVHT

Trang bị những kiến thức cơ bản về công tác quốc phòng, quân sự địa phương và công tác an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở. Nội dung gồm:

- Công tác quân sự địa phương;

- Xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ;

- Xây dựng lực lượng dự bị động viên và động viên công nghiệp;

- Phòng, chống địch tiến công hỏa lực bằng vũ khí công nghệ cao (gắn với phòng chống bom đạn địch và thiên tai);

- Công tác phòng không nhân dân;

- Phòng thủ dân sự;

- Công tác giữ gìn an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.

5. Bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội 4 ĐVHT

Trang bị những kiến thức cơ bản về an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Nội dung gồm:

- Phòng, chống chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam;

- Xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia;

- Một số nội dung cơ bản về dân tộc, tôn giáo và đấu tranh chống địch lợi dụng vấn đề dân tộc tôn giáo;

- Bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội;

- Những vấn đề cơ bản về đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội;

- Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

6. Quân sự chung 4 ĐVHT

Trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về các loại vũ khí hủy diệt; địa hình quân sự; một số kiến thức về công tác bảo đảm hậu cần, quân y; thực hành kỹ thuật cấp cứu, chuyển thương. Nội dung gồm:

- Hiểu biết về quân binh chủng;

- Vũ khí hủy diệt lớn;

- Địa hình quân sự;

- Công tác bảo đảm hậu cần, quân y;

- Võ thuật Việt Nam và trò chơi quân sự;

- Ba môn quân sự phối hợp;

- Văn hóa, văn nghệ quân đội, công an.

7. Kỹ thuật chiến đấu bộ binh 5 ĐVHT

Giới thiệu một số loại vũ khí bộ binh, lý thuyết bắn, quy tắc bắn, bắn súng AK (CKC), K54, ném lựu đạn; thuốc nổ; vật cản, công sự, ngụy trang, vũ khí tự tạo. Nội dung gồm:

- Giới thiệu một số loại vũ khí bộ binh AK, CKC, RPĐ, B40, B41, K54, lựu đạn;

- Bắn súng: AK (CKC), K54, ném lựu đạn;

- Thuốc nổ;

- Vật cản, công sự ngụy trang, vũ khí tự tạo.

8. Chiến thuật 2 ĐVHT

Trang bị những nội dung cơ bản về tổ chức biên chế, nguyên tắc, thủ đoạn chiến đấu cấp phân đội của quân đội Mỹ; công tác tham mưu; chiến thuật cá nhân (lợi dụng địa hình, địa vật; các tư thế, động tác cơ bản vận động trên chiến trường), từng người, tổ, tiểu đội, trung đội bộ binh trong chiến đấu tiến công và phòng ngự.

9. Phương pháp giảng dạy GDQP-AN 1 3 ĐVHT

Trang bị kiến thức về tâm lý học nhân cách quân nhân; tâm lý hoạt động dạy của giáo viên GDQP – AN; hình thành kỹ năng, kỹ xảo trong dạy học; hình thức tổ chức giáo dục và hoạt động tự giáo dục của học viên. Lý luận về phương pháp giảng dạy môn GDQP – AN; phương pháp giảng dạy các bài lý thuyết và kỹ năng quân sự; phương pháp viết tiểu luận.

10. Phương pháp giảng dạy GDQP – AN 2 4 ĐVHT

Thực hành chuẩn bị bài giảng và giảng dạy các bài trong chương trình GDQP – AN trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề. Nội dung gồm: giới thiệu chương trình GDQP-AN cấp trung học phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề; giới thiệu sách giáo viên, sách giáo khoa GDQP-AN trung học phổ thông, giáo trình GDQP-AN trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề và thiết bị dạy học GDQP-AN; làm kế hoạch giảng dạy môn học; chuẩn bị và thực hành giảng một số bài cụ thể trong chương trình trung học phổ thông hoặc trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề.

V. HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG CHƯƠNG TRÌNH

1. Chương trình đào tạo ngắn hạn giáo viên GDQP-AN cho các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề được xây dựng dựa trên cơ sở chương trình đào tạo dài hạn chuyên ngành GDQP-AN và chương trình GDQP-AN hiện hành của cấp trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp. Chương trình bảo đảm đủ kiến thức chuyên môn về quốc phòng, quân sự, an ninh và nghiệp vụ sư phạm quân sự cần thiết.

2. Các trường xây dựng chương trình chi tiết, tổ chức đào tạo theo tiến trình phù hợp với đặc điểm của từng trường và tính logic của toàn bộ chương trình. Xây dựng chương trình chi tiết phải bảo đảm đúng các quy định hiện hành về quy đổi tiết chuẩn (tiết chuẩn = tiết lý thuyết = 2 tiết thực hành). Riêng thời gian đi thực tập thực tế và thi tốt nghiệp: tiết lý thuyết = 3 tiết thực hành. Các học phần kiến thức quốc phòng, an ninh và kỹ năng quân sự phải liên kết đào tạo toàn diện ở các trường quân sự, công an.

3. Trong một khóa đào tạo các trường tổ chức cho học viên đi tham quan, học tập ở các quân, binh chủng, học viện, nhà trường quân đội, công an để tăng cường kiến thức chuyên môn, gắn bó chặt chẽ với thực tiễn; khơi dậy tình cảm và bản lĩnh nghề nghiệp của giáo viên, bảo đảm đủ tự tin khi đứng trên bục giảng.

4. Tổ chức thực tập sư phạm phải phối hợp chặt chẽ với các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề ngay từ khi xây dựng kế hoạch đào tạo.

5. Bảo đảm đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định hiện hành. Ngoài giáo trình GDQP-AN dùng cho đào tạo giáo viên, các trường sử dụng thêm tài liệu của các học viện, nhà trường quân đội, công an để cập nhật kiến thức, biên soạn tài liệu, bài giảng. Trong thực hành phương pháp giảng dạy, học viên phải có sách giáo viên, sách giáo khoa GDQP-AN trung học phổ thông và giáo trình GDQP-AN trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề.

6. Thi, kiểm tra thường xuyên theo quy định tại Quyết định số 69/2007/QĐ-BGDĐT ngày 14/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thi tốt nghiệp 3 môn: lý thuyết (học phần 2, 3, 4, 5), thực hành kỹ năng quân sự (học phần 6, 7, 8), phương pháp giảng dạy (soạn bài giảng và thực hành giảng một bài cụ thể cho đối tượng là học sinh trung học phổ thông hoặc trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề).

7. Học viên có điểm thi tốt nghiệp mỗi môn phải đạt điểm 5 trở lên (trong đó môn phương pháp giảng dạy hệ số 2) là điều kiện để công nhận tốt nghiệp và cấp chứng chỉ giáo viên GDQP-AN.