Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ THƯƠNG NGHIỆP-NGÂN HÀNG QUỐC GIA | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 127-TT/LB | Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 1959 |
Căn cứ theo những quy định chung “Thể lệ về nộp tiền lợi nhuận và tiền khấu hao cơ bản của các xí nghiệp quốc doanh” của Thủ tướng phủ số 132-TTg ngày 4-4-1957, thì việc nộp kho bạc tiền lợi nhuận, tiền khấu hao cơ bản và các khoản tiền khác mà các xí nghiệp thương nghiệp quốc doanh phải nộp cho Dự toán Nhà nước đều do Bộ Thương nghiệp và các Tổng Công ty chuyên nghiệp nộp hàng tháng theo kế hoạch mỗi tháng 2 lần; hàng quý, hàng năm thì thanh toán theo kết quả thực tế.
Trong hơn một năm nay thực hiện biện pháp nộp theo kế hoạch, chúng ta đã gặp nhiều khó khăn vì các xí nghiệp cơ sở thương nghiệp quốc doanh rất nhiều và phân tán trong toàn quốc, quy mô mỗi xí nghiệp cơ sở lại không to lắm và tình hình hoạt động kinh doanh của ngành Thương nghiệp quốc doanh thay đổi tương đối nhanh, khiến cho việc lập kế hoạch và tổng hợp kế hoạch từ Công ty tỉnh lên đến các Tổng Công ty và Bộ Thương nghiệp thường không được chính xác và không được kịp thời. Vì thế cho nên thực hiện biện pháp nộp theo kế hoạch ở cấp Tổng công ty đã đưa đến kết quả là có xí nghiệp phải nộp kho bạc nhiều hơn số thực tế đáng lẽ phải nộp, làm cho xí nghiệp thiếu vốn lưu động không có đủ vốn để thực hiện kế hoạch lưu thông hàng hóa; hoặc ngược lại, có xí nghiệp nộp Kho bạc ít hơn số thực tế đáng lẽ phải nộp, như vậy cũng đã làm ứ đọng vốn Nhà nước và trở ngại cho việc thực hiện chế độ hạch toán kinh tế. Có khi vì trong kế hoạch không dự tính trước được tình hình nên đặt kế hoạch có lãi, nhưng thực tế lại lỗ: trường hợp này thì không những không được bù lỗ kịp thời, mà lại còn phải nộp một phần vốn lưu động vào Kho bạc, ảnh hưởng không tốt đến việc kinh doanh của xí nghiệp thương nghiệp. Hiện nay việc ổn định vật giá và cải tạo tư thương là nhiệm vụ rất nặng nề của ngành Thương nghiệp quốc doanh; cần phải có những biện pháp hợp lý và thực sự cầu thị để giải quyết tình hình lãi cũng như lỗ của xí nghiệp thương nghiệp các cấp.
Các xí nghiệp thương nghiệp, các cấp đang bắt đầu thực hành hạch toán kinh tế, các Công ty tỉnh và một số đơn vị trực thuộc các Tổng công ty thương nghiệp đã tính được lỗ lãi của mình
Trước tình hình đó, sau khi được Thủ tướng phủ thỏa thuận, Liên Bộ quyết định sửa đổi biện pháp nộp Kho bạc của các xí nghiệp nội thương: từ biện pháp nộp theo kế hoạch này đổi sang biện pháp nộp theo thực tế. Việc sửa đổi này nhằm làm cho các xí nghiệp quốc doanh thương nghiệp có thêm điều kiện tiến hành kinh doanh thuận lợi, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ nặng nề của ngành thương nghiệp quốc doanh là ổn định vật giá và cải tạo tư thương, đồng thời thực hiện được hạch toán kinh tế, cố gắng mở rộng lưu thông hàng hóa, tăng tốc độ chu chuyển vốn, tiết kiệm phí tổn lưu thông hàng hóa và tăng cường tích lũy vốn cho Nhà nước.
Nguyên tắc chung của biện pháp này là: có lãi mới nộp, không có lãi thì không nộp, có bao nhiêu lãi nộp bấy nhiêu, không nộp quá mà cũng không bớt lại; nếu bị lỗ thì được bù lỗ sau khi đã thông qua trình tự xét duyệt thích đáng.
Căn cứ theo những nguyên tắc trên, dưới đây quy định cụ thể thể lệ nộp vào Kho bạc các khoản tiền lợi nhuận, tiền khấu hao cơ bản, cũng như các khoản tiền khác mà xí nghiệp thương nghiệp quốc doanh phải nộp cho Dự toán Nhà nước.
1. Đối với các Tổng Công ty ở trung ương, lấy các trạm bán buôn cấp I và các xưởng gia công chế biến trực thuộc đã thực hiện chế độ hạch toán kinh tế làm đơn vị nộp.
Còn các trạm bán buôn cấp I, các xưởng trực thuộc, các bộ phận kinh doanh khác chưa thực hiện chế độ hạch toán kinh tế, thì do Tổng công ty đảm nhiệm việc tổng hợp và nộp Kho bạc.
2. Đối với các Công ty tỉnh, thành phố và Khu Tự trị lấy các Công ty chuyên nghiệp, các Cửa hàng trực thuộc và các Xưởng gia công chế biến trực thuộc đã thực hiện chế độ hạch toán kinh tế làm đơn vị nộp.
3. Đối với những cửa hàng và Xưởng gia công chế biến thuộc Trạm bán buôn cấp I hoặc thuộc Công ty tỉnh, thành phố, dù có thực hiện chế độ hạch toán kinh tế hay không, thì những khoản lợi nhuận, tiền khấu hao cơ bản cũng như những khoản tiền khác mà các cửa hàng và các xưởng đó phải nộp cho Dự toán Nhà nước đều do trạm bán buôn cấp I, hoặc Công ty tỉnh, thành phố và khu tự trị đảm nhiệm việc tổng hợp và nộp kho bạc.
Nếu đặc biệt có những cửa hàng hoặc xưởng gia công chế biến tương đối lớn đã thực hiện chế độ hạch toán kinh tế rồi thì trạm bán buôn cấp I hoặc Công ty tỉnh, thành phố, khu tự trị, có thể đề nghị với Ty, Sở Thương nghiệp tỉnh, thành phố, khu tự trị xét, nếu được Ty, Sở Thương nghiệp đồng ý, sau khi có ý kiến thỏa thuận của Ty, Sở Tài chính, thì những cửa hàng hoặc xưởng đó cũng được coi là đơn vị nộp.
4. Tất cả các đơn vị nộp kể trên dù nộp ở Kho bạc địa phương nào, đều phải ghi là nộp cho Dự toán trung ương.
5. Các Tổng Công ty và các Ty, Sở Thương nghiệp dù các đơn vị sở thuộc của mình có thực hiện chế độ hạch toán kinh tế hay không và có được xác nhận là đơn vị nộp Kho bạc hay không cũng vẫn phải căn cứ theo những quy định của Nhà nước mà chịu trách nhiệm lập và tổng hợp các loại bảng kế hoạch (kể cả các bảng kế hoạch kinh tế quốc dân và kế hoạch thu chi tài vụ) và báo biểu kế toán, rồi nộp đúng kỳ hạn cho Bộ Thương nghiệp và các cơ quan có liên quan (Tổng Công ty gửi Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Ngân hàng Quốc gia Việt nam Trung ương; Ty, Sở Thương nghiệp gửi Ủy ban hành chính, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tỉnh, thành phố và khu tự trị, Ty, Sở Tài chính và Chính nhánh Ngân hàng Quốc gia). Về phần kiến thiết cơ bản, Tổng Công ty và Sở, Ty Thương nghiệp gửi thêm kế hoạch và báo biểu cho Ngân hàng Kiến thiết. Đồng thời Bộ Tài chính có thể quy định, sau khi thỏa thuận với Bộ Thương nghiệp, một số Ty, Sở thương nghiệp và một số xí nghiệp trọng điểm gửi kế hoạch và báo biểu cho Bộ Tài chính. Ngay từ nay, các trạm bán buôn cấp I và các Sở Thương nghiệp Hà nội, Hải phòng, Nam định cũng gửi cho Bộ Tài chính.
II. CĂN CỨ ĐỂ NỘP VÀ THỜI GIAN NỘP
1. Lợi nhuận, tiền khấu hao cơ bản và các khoản phải nộp khác là bao nhiêu phải căn cứ vào số thực tế đã thực hiện (đã trừ phần trích lập quỹ tiền thưởng xí nghiệp theo như quy định của Nhà nước) ghi trong báo cáo quyết toán của đơn vị nộp, không nộp quá mà cũng không nộp ít hơn.
2. Các đơn vị nộp phải nộp lợi nhuận mỗi tháng một lần và nộp tiền khấu hao cơ bản mỗi quý một lần.
Đối với những đơn vị đã làm được báo cáo quyết toán hàng tháng thì căn cứ vào con số trong báo cáo quyết toán hàng tháng để nộp; nếu vì lý do gì đặc biệt mà không làm kịp báo cáo quyết toán hàng tháng đúng kỳ hạn, thì khi đến kỳ hạn nộp, đơn vị nộp phải nộp theo con số thực tế đã thực hiện của tháng trước; khi làm xong báo cáo quyết toán sẽ điều chỉnh nếu nộp chưa đủ thì phải nộp thêm, nếu đã nộp thừa thì được trả lại.
Đối với những đơn vị chưa làm được báo cáo quyết toán hàng tháng, thì hai tháng đầu, mỗi tháng phải nộp 1/3 số thực tế đã thực hiện của quý trước; đến tháng thứ 3, sau khi lập xong báo cáo quyết toán hàng quý, sẽ căn cứ vào số thực tế đã thực hiện trong quý mà điều chỉnh lại, nếu nộp chưa đủ thì phải nộp thêm, nếu đã nộp thừa thì được trả lại. Trường hợp đặc biệt nếu nộp theo số thực tế đã thực hiện của quý trước sẽ chênh lệch quá nhiều so với thực tế của quý này, thì đơn vị nộp có thể đề nghị với Ty, Sở Thương nghiệp, tỉnh, thành phố, Khu tự trị và Ty, Sở Tài chính tỉnh, thành phố, Khu tự trị xét để ước tính một con số phải nộp trong tháng cho tương đối sát; sau khi có báo cáo quyết toán hàng quý sẽ điều chỉnh, nếu nộp chưa đủ thì phải nộp thêm, nếu đã nộp thừa thì được trả lại.
Trường hợp vì lý do gì đặc biệt mà báo cáo quyết toán hàng quý làm chậm, và đã đến kỳ hạn phải nộp thì tháng thứ 3 của quý phải nộp đúng như con số phải nộp của tháng thứ 2, đợt khi làm xong báo cáo quyết toán hàng quý sẽ điều chỉnh một thể.
3. Về lợi nhuận hàng tháng, thì thời hạn nộp quy định như sau:
Các trạm bán buôn cấp I, các xưởng gia công chế biến trực thuộc Tổng Công ty và các Công ty thành phố phải nộp trước ngày 5 tháng sau.
Các Công ty chuyên nghiệp tổng hợp tỉnh phải nộp trước ngày 10 tháng sau.
Riêng đối với các Công ty tỉnh ở miền núi (do Bộ Thương nghiệp quy định) vì cửa hàng ở xa, nên thời hạn phải nộp được kéo dài đến trước ngày 15 tháng sau.
Các cửa hàng và xưởng gia công thuộc các Trạm bán buôn cấp I và các Công ty tỉnh nếu được coi là đơn vị nộp thì phải nộp trước ngày 5 tháng sau.
Đối với các Tổng Công ty chỉ có nhiệm vụ nộp lợi nhuận về phần trực tiếp kinh doanh, thì phải nộp lợi nhuận hàng tháng trước ngày 5 tháng sau.
Đối với các Tổng Công ty có nhiệm vụ tổng hợp và nộp lợi nhuận cho các trạm bán buôn cấp I và các xưởng gia công nữa, thì phải nộp lợi nhuận hàng tháng trước ngày 15 tháng sau.
Về tiền khấu hao cơ bản thì các đơn vị nộp phải nộp từ ngày 5 đến trước ngày 15 tháng sau của quý, cùng với khi nộp lợi nhuận.
4. Nếu đơn vị nào để quá thời hạn không nộp, Ty, Sở Tài chính sẽ báo cho Chi nhánh Ngân hàng Quốc gia hoặc Ngân hàng cấp phát Kiến thiết cơ bản yêu cầu chuyển số tiền gửi trong tài khoản của các đơn vị đó thành số phải nộp Kho bạc; sau khi chuyển rồi mà còn thiếu thì đơn vị nộp phải nộp thêm cho đủ. Trường hợp đơn vị cố ý không thi hành đúng thể lệ này, Ty, Sở Tài chính cần báo cáo với Ủy ban hành chính và báo cho Ty, Sở Thương nghiệp hoặc báo cáo với Bộ Tài chính và Bộ Thương nghiệp để truy cứu trách nhiệm.
5. Các đơi vị nộp căn cứ vào quy định về thời hạn nộp trên đây và tình hình thực tế để quy định ngày mà các đơn vị sở thuộc cấp dưới phải nộp cho mình, để bảo đảm không vượt quá thời hạn đơn vị nộp phải nộp Kho bạc.
6. Nếu đơn vị nộp mà kinh doanh bị lỗ, thì thời hạn được bù lỗ cũng theo như thời hạn nộp lãi quy định ở trên.
Những đơn vị nào không kịp thời làm xong báo cáo quyết toán hành tháng thì không được ước tính con số lỗ để đề nghị bù, và các Ty, Sở Thương nghiệp, Ty Sở Tài chính tỉnh, thành phố, Khu tự trị cũng không được căn cứ vào con số ước tính nào để bù lỗ. Chỉ khi nào làm xong báo cáo quyết toán và sau khi đã được xét duyệt thì mới được bù khoản lỗ về kinh doanh đó.
7. Biện pháp nộp theo thực tế làm nhằm chiếu cố tình hình khó khăn của các đơn vị nộp trong khi mới thực hiện chế độ hạch toán kinh tế. Thực hiện biện pháp đó vẫn phải coi trong việc lập kế hoạch thu chi tài vụ của xí nghiệp, cho nên các đơn vị nộp phải lập và nộp kế hoạch thu chi tài vụ cho sát và đúng hạn, do đó mà nâng cao dần trình độ quản lý kế hoạch của xí nghiệp và đến cuối năm có cơ sở cho việc xét thành tích kinh doanh.
1. Nếu đơn vị nộp có những xí nghiệp cấp dưới sở thuộc bị lỗ, thì đơn vị nộp tự xét duyệt lấy và điều động một phần lãi ở các xí nghiệp sở thuộc khác có lãi và tiền khấu hao cơ bản, đề bù cho những xí nghiệp bị lỗ đó.
Sau khi đã điều hòa lỗ lãi, đơn vị nộp phải nộp cho Kho bạc số lãi và tiền khấu hao cơ bản còn thừa lại.
Nếu sau khi điều hòa lỗ lãi mà đơn vị nộp vẫn còn bị lỗ thì được xin bù lỗ.
2. Nếu có những trạm bán buôn cấp I và công ty tỉnh, thành phố trong phạm vi một tỉnh, thành phố, khu tự trị bị lỗ, thì Ty, Sở Thương nghiệp xét duyệt, và sau khi được Ty, Sở Tài chính và Chi nhánh Ngân hàng tỉnh, thành phố, khu tự trị đồng ý, Ty, Sở Thương nghiệp được quyền động một phần lãi và tiền khấu hao cơ bản ở các đơn vị có lãi để bù cho những đơn vị bị lỗ đó.
Sau khi đã điều hòa lỗ lãi, số còn thừa sẽ do các đơn vị nộp nộp vào Kho bạc.
Nếu lấy toàn bộ số lãi và tiền khấu hao cơ bản trong tháng của các đơn vị khác mà chưa đủ để bù cho các đơn vị bị lỗ, thì Ty, Sở Tài chính tỉnh, thành phố, Khu tự trị được thay mặt Bộ Tài chính trích một phần những khoản thu của Dự toán trung ương để bù thêm cho đủ số lỗ.
3. Khi điều hòa lỗ lãi giữa các đơn vị nộp với nhau thì hạch toán ở đơn vị nộp như sau:
Số lãi của đơn vị có lãi bị điều đi bù lỗ vẫn ghi là nộp cho Kho bạc.
Số lỗ được bù của các đơn vị bị lỗ thì ghi là Nhà nước cấp bù lỗ.
Các Ty, Sở Thương nghiệp, Ty, Sở Tài chính và Chi nhánh Ngân hàng tỉnh, thành phố, Khu tự trị phải căn cứ tình hình điều hòa lỗ lãi, tình hình nộp Kho bạc và tình hình trả lãi để bù lỗ, để lập “Bảng tình hình điều hòa lỗ lãi” nộp và trả lại, hàng tháng của các xí nghiệp thương nghiệp quốc doanh trong tỉnh, thành phố, khu tự trị để báo cáo lên Bộ Thương nghiệp, Bộ Tài chính, và Ngân hàng trung ương theo dõi.
(mẫu bảng kèm theo)
IV. CÁC KHOẢN KHÁC PHẢI NỘP CHO DỰ TOÁN
1. Các khoản tiền hàng viện trợ và tiền bán thóc thuế nông nghiệp, nếu Bộ Thương nghiệp giao cho các Tổng công ty, các trạm bán buôn cấp 1 và các Công ty tỉnh, thành phố, khu tự trị nộp hộ thì các đơn vị này phải nộp đủ số và đúng hạn theo như số tiền và thời gian đã quy định trong các hiệp nghị giữa Bộ Thương nghiệp và Bộ Tài chính, không được để quá hạn hoặc giữ lại để dùng.
2. Các khoản khác phải nộp dự toán thì hoặc giải quyết như quy định đối với tiền hàng viện trợ và tiền bán thóc thuế nói ở trên đây, hoặc giải quyết những quy định trong “Thể lệ tạm thời về việc nộp lợi nhuận và tiến khấu hao cơ bản của các xí nghiệp quốc doanh” của Thủ tướng phủ đã ban hành số 132 ngày 4-4-1957.
V. CƠ QUAN GIÁM ĐỐC VIỆC NỘP KHO BẠC VÀ NHIỆM CỦA NÓ
1. Bộ Tài chính ủy quyền cho các Ủy ban hành chính (Ty, Sở Tài chính) tỉnh, thành phố, khu tự trị làm “ Cơ quan giám đốc việc nộp”.
Cơ quan giám đốc việc nộp có nhiệm vụ:
a) Giám đốc việc nộp tiền lợi nhuận, tiền khấu hao cơ bản và các khoản tiền khác mà các đơn vị nộp thuộc Ngành Thương nghiệp quốc doanh trong tỉnh, thành phố, khu tự trị mình phải nộp cho Dự toán Nhà nước.
b) Theo dõi, kiểm tra tình hình tài vụ của họ
c) Định kỳ báo cáo lên Bộ Tài chính
2. Cơ quan giám đốc việc nộp phải thường xuyên tìm hiều tình hình tài vụ của các đơn vị nộp trong tỉnh, thành phố, khu tự trị và đôn đốc họ nộp Kho bạc đầy đủ và kịp thời những khoản phải nộp cho Dự toán Nhà nước
3. Các đơn vị nộp phải gửi báo cáo quyết toán kế toán đúng kỳ hạn cho cơ quan giám đốc việc nộp. Cơ quan này có trách nhiệm xét duyệt các bảng báo cáo đó, khi cần có thể chất vấn hoặc yêu cầu gửi thêm tài liệu để xét duyệt, nhưng không nên yêu cầu quá nhiều, quá tỉ mỉ. Cơ quan giám đốc việc nộp và đơn vị nộp phải dựa trên tinh thần tương trợ hợp tác mà cùng nhau nghiên cứu vấn đề và giúp nhay giải quyết mọi khó khăn.
4. Cơ quan giám đốc việc nộp có thể góp ý kiến cải tiến tình hình tài vụ kinh doanh với các đơn vị nộp, có thể yêu cầu các Ty, Sở Thương nghiệp giúp đỡ các đơn vị cải tiến và có thể đề đạt ý kiến lên Bộ Thương nghiệp và Bộ Tài chính về mặt tài vụ kinh doanh của các xí nghiệp thương nghiệp quốc doanh.
VI. NHIỆM VỤ CỦA CÁC CHI NHÁNH NGÂN HÀNG QUỐC GIA VIỆT NAM
Các Chi nhánh Ngân hàng hàng quốc gia có nhiệm vụ giúp đỡ các Ty, Sở Tài chính theo dõi, đôn đốc các đơn vị hạch toán kinh tế của thương nghiệp quốc doanh nộp lợi nhuận, khấu hao cơ bản, và các khoản khác cho Dự toán Nhà nước theo đúng thực tế và kịp thời.
Các Chi nhánh Ngân hàng quốc gia phải cố gắng thi hành mọi thủ tục giản đơn nhằm làm dễ dàng các việc chuyển tiền, nộp tiền và trả lại tiền thuộc các khoản có quan hệ giữa xí nghiệp Thương nghiệp quốc doanh với Dự toán Nhà nước. Nếu có khó khăn gì xẩy ra phải bàn bạc với Ty, Sở Thương nghiệp và Ty, Sở Tài chính tỉnh, thành phố, khu tự trị để giúp các đơn vị giải quyết được kịp thời.
VII. NHIỆM VỤ CỦA CÁC TỔNG CÔNG TY VÀ CÁC TY, SỞ THƯƠNG NGHIỆP
Các Tổng công ty và các Ty, Sở Thương nghiệp tỉnh, thành phố, khu tự trị có trách nhiệm quy định cụ thể các đơn vị nộp thuộc mình quản lý, báo cáo với Bộ Thương nghiệp, Bộ Tài chính và Ngân hàng quốc gia trung ương, đồng thời báo cho Ty, Sở Tài chính và Chi nhánh Ngân hàng quốc gia tỉnh, thành phố, khu tự trị biết. Các Ty, Sở thương nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với Ty, Sở Tài chính, Chi nhánh Ngân hàng Quốc gia để thực hiện thông tư này, hết sức tránh tình trạng để xẩy ra mỗi khi có sự thay đổi biện pháp từ cũ sang mới, là để tiền đọng ở xí nghiệp mà không có cơ quan thu, không đảm bảo thu kịp thời, đúng hạn cho công quỹ.
Trong khi tiến hành công tác, nếu giữa Ty, Sở Thương nghiệp tỉnh, thành phố khu tự trị và Ty, Sở Tài chính tỉnh, thành phố, khu tự trị có chỗ nào không đồng ý, thì cần xin ý kiến của Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, khu tự trị giải quyết. Khi nào cần thiết, thì báo cáo lên Bộ Thương nghiệp và Bộ Tài chính giải quyết.
VIII. THÔNG TƯ NÀY THI HÀNH KỂ TỪ NGÀY 01-01-1959
KT. TỔNG GIÁM ĐỐC | KT. BỘ TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG |
ĐIỀU HÒA LỖ LÃI VÀ NỘP TRẢ LẠI CỦA CÁC ĐƠN VỊ XÍ NGHIỆP THƯƠNG NGHIỆP QUỐC DOANH
Tháng………….
Tỉnh, (thành phố) Khu tự trị:………….. | Ngày…tháng…năm 195… |
ĐƠN VỊ TIỀN
TÊN ĐƠN VỊ | Lãi thực tế ( ) Lỗ thực tế (-) | Số nộp ( ) và trả lại (-) | Số lãi điều đi ( ) hoặc lãi điều đến bù lỗ (-) | CHÚ THÍCH |
Trạm bán buôn cấp 1… - ……………… … Công ty tỉnh (thành phố) - …………………. … -………………….… | Nếu trường hợp lấy toàn bộ lỗ lãi và tiền khấu hao cơ bản trong tháng của các đơn vị khác mà chưa đủ để bù cho các đơn vị lỗ, nên đã phải trích tiền của Dự toán T.Ư thì cần phải ghi chú cho thật rõ ràng. | |||
Sau khi điều hòa số cộng ở cột này sẽ bằng số không (0) |
Người chứng nhận | Người lập bảng |
CHỦ NHIỆM CHI NHÁNH NGÂN HÀNG TỈNH (THÀNH PHỐ) | TRƯỞNG TY TÀI CHÍNH TỈNH (THÀNH PHỐ) | TRƯỞNG TY THƯƠNG NGHIỆP TỈNH (THÀNH PHỐ) |
Thông tư 127-TT/LB năm 1959 về việc nộp vào kho bạc các khoản tiền lợi nhuận, tiền khấu hao cơ bản cũng như các khoản tiền khác mà các xí nghiệp thương nghiệp quốc doanh phải nộp cho Dự toán Nhà nước do Bộ Thương nghiệp- Bộ Tài chính- Ngân hàng Quốc gia ban hành
- Số hiệu: 127-TT/LB
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 31/12/1958
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Bộ Thương nghiệp, Ngân hàng quốc gia
- Người ký: Tạ Hoàng Cơ, Nguyễn Thanh Sơn, Hoàng Quốc Thịnh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 5
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra