Hệ thống pháp luật

BAN THANH TRA TRUNG ƯƠNG CỦA CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 123-VP/TT

Hà Nội, ngày 30 tháng 04 năm 1957

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 1194-TTG NGÀY 26-12-1956 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC THÀNH LẬP CÁC BAN THANH TRA Ở CÁC LIÊN KHU, KHU, THÀNH PHỐ VÀ TỈNH.

Để tăng cường kiểm tra việc chấp hành đường lối, chính sách, mệnh lệnh của Chính phủ và để bảo vệ tài sản của Nhà nước, ngày 26-12-1956, Thủ tướng Chính phủ đã ra nghị định số 1194-TTg thành lập các Ban thanh tra ở các liên khu, khu, thành phố và tỉnh.

Để giúp các địa phương thi hành nghị định nói trên được kết quả tốt, Ban thanh tra Trung ương của Chính phủ giải thích và quy định thêm một số điểm cụ thể như sau:

I- NHIỆM VỤ CÁC BAN THANH TRA LIÊN KHU, KHU, THÀNH PHỐ VÀ TỈNH

A. - Điều 2 trong nghị định của Thủ tướng Chính phủ đã nói về nhiệm vụ các ban Thanh tra liên khu, khu, thành phố và tỉnh. Thực hiện những nhiệm vụ đó là nhằm giúp Uỷ ban Hành chính cùng cấp cũng như cơ quan được thanh tra hiểu rõ tình hình và kết quả việc chấp hành chủ trương, chính sách và các công tác lớn trong địa phương, trong ngành mình, tìm ra những thành tích, ưu điểm để phát huy và những sai lầm khuyết điểm để kịp thời khắc phục.

Để thấu suốt những nhiệm vụ đó, các Ban thanh tra cần lưu ý mấy điểm dưới đây:

1) Thanh tra việc chấp hành đường lối, chính sách, mệnh lệnh của Chính phủ và việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và của Ủy ban hành chính cùng cấp, không những chỉ là xem xét kết quả công việc cấp dưới đã làm mà còn phải xem xét cả bản thân những chỉ thị, nghị quyết của cấp trên đưa xuống có những điểm nào không cụ thể hoặc không thích hợp với địa phương để đề nghị cấp trên nghiên cứu sửa chữa. Do đó, trong quá trình thanh tra một vấn đề gì cần phải chú ý xem xét dư luận, phản ứng của quần chúng đối với các đường lối, chính sách của Chính phủ về vấn đề đó để kịp thời phản ánh với cấp trên.

2) Thanh tra việc thực hiện kế hoạch Nhà nước là nhằm giúp đỡ cho cơ quan được thanh tra nhận rõ ưu điểm, khuyết điểm trong công tác để có thể phát huy ưu điểm, sửa chữa các thiếu sót đặng hoàn thành tốt kế hoạch cho nên khi thanh tra phải căn cứ vào nhiệm vụ, chương trình của kế hoạch Nhà nước đã định cho cơ quan đó mà xem xét việc tổ chức, lãnh đạo thực hiện cũng như kết quả thực hiện kế hoạch.

3) Thanh tra việc thi hành dân chủ và kỷ luật trong nội bộ các cơ quan là để phát huy dân chủ, đề cao kỷ luật, tăng cường đoàn kết nhất trí trong nội bộ các cơ quan, chống tác phong quan liêu, mệnh lệnh, tự do vô tổ chức, vô kỷ luật. Muốn tìm hiểu ra ưu điểm, khuyết điểm trong vấn đề này chủ yếu phải dựa trên việc xem xét sự thực hiện các công tác hàng ngày của các cơ quan thì mới thấy được một cách chính xác.

4) Thanh tra việc sử dụng và bảo quản tài sản công cộng là nhằm chống lãng phí, tham ô, thực hiện chính sách tiết kiệm của Nhà nước. Đó là một nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác thanh tra, nhất là hiện nay chúng ta đang ở giai đoạn khôi phục kinh tế, việc chống lãng phí, tham ô có được thực hiện một cách kiên quyết thì kế hoạch Nhà nước mới hoàn thành tốt được, cho nên vấn đề thanh tra việc sử dụng và bảo quản, tài sản công cộng cần phải được các cơ quan lãnh đạo và các Ban thanh tra các cấp đặc biệt chú ý.

5) Việc tiếp nhận, xem xét thư khiếu nại và tố cáo của nhân dân, của cán bộ, nhân viên các cơ quan không những là một việc cần thiết trong công tác thanh tra mà còn là một trách nhiệm lớn của cơ quan thanh tra trước nhân dân. Qua việc xem xét các thư khiếu nại và tố cáo của nhân dân, chúng ta cũng hiểu thêm một phần nào tình hình chấp hành đường lối, chính sách và pháp luật của Nhà nước ở các cấp dưới. Các Ban thanh tra cần nghiên cứu kỹ các đơn từ nhận được, việc nào cần giao cho cơ quan khác giải quyết thì giao ngay và theo dõi việc giải quyết, việc nào cần đến tận nơi để xem xét thì làm cho kịp thời vì nếu để kéo dài sẽ gây ảnh hưởng xấu đối với nhân dân, làm giảm uy tín của chính quyền ta và cũng có việc nếu để kéo dài rất có thể xảy ra những hậu quả tai hại. Việc giải quyết đơn từ tiến hành được tốt sẽ làm cho nhân dân phấn khởi và thêm tin tưởng vào chế độ ta vì đây là vấn đề bảo đảm quyền tự do dân chủ của nhân dân. Do đó, các Ban thanh tra cần luôn luôn coi trọng việc xem xét thư khiếu nại và tố cáo của nhân dân, của cán bộ, nhân viên các cơ quan.

B- Theo điều 3 trong nghị định của Thủ tướng Chính phủ: Các Ban thanh tra của liên khu, khu, thành phố và tỉnh tiến hành công tác thanh tra ở các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban Hành chính cấp mình và các cơ quan chính quyền, chuyên môn cấp dưới, cụ thể:

1) Các Ban thanh tra của liên khu và khu, thanh tra công tác các cơ quan chuyên môn của liên khu và khu, các Ủy ban Hành chính và các cơ quan chuyên môn ở tỉnh, huyện, xã.

2) Ban thanh tra của thành phố tra công tác các cơ quan chuyên môn của thành phố, các Ủy ban Hành chính và các cơ quan chuyên môn ở quận, khu phố, xã.

3) Ban thanh tra của Khu tự trị thanh tra công tác các cơ quan chuyên môn của Khu Tự trị, các Ủy ban Hành chính và các cơ quan chuyên môn ở các cấp dưới.

4) Ban thanh tra của tỉnh thanh tra công tác các cơ quan chuyên môn của tỉnh, các Ủy ban Hành chính và các cơ quan chuyên môn ở huyện, xã.

Để tôn trọng nguyên tắc dân chủ tập trung đối vối các Ủy ban Hành chính các cấp, mỗi khi tới thanh tra công tác của Ủy ban Hành chính cấp dưới, các uỷ viên Ban thanh tra hoặc các cán bộ thanh tra của liên khu, khu, thành phố và tỉnh cần có giấy giới thiệu của Ủy ban Hành chính cùng cấp.

II. QUYỀN HẠN CÁC BAN THANH TRA LIÊN KHU, KHU, THÀNH PHỐ VÀ TỈNH

Điều 4 trong nghị định của Thủ tướng Chính phủ đã nói rõ những quyền hạn các Ban thanh tra được sử dụng trong khi làm nhiệm vụ. Ở đây chỉ nêu thêm một vài điểm chi tiết:

1) Vấn đề gặp gỡ cán bộ, nhân viên để tìm hiểu tình hình:

Vấn đề này có hai trường hợp: trường hợp thứ nhất là gặp những cán bộ, nhân viên am hiểu tình hình để nghe họ báo cáo. Trường hợp thứ hai là gặp những cán bộ, nhân viên có liên quan trực tiếp đến vấn đề mình tìm hiểu để yêu cầu họ trả lời những việc mình hỏi thêm.

2) Vấn đề xem xét tài liệu, sổ sách:

Vấn đề này cũng có hai trường hợp: Trường hợp thứ nhất là xem xét những tài liệu, sổ sách có thể giúp thêm cho việc tìm hiểu tình hình chung như xem các biên bản hội nghị, các chỉ thị, nghị quyết cũ, v.v... Trường hợp thứ hai là xem xét những tài liệu, sổ sách mà trong khi thanh tra thấy có nghi vấn.

3) Vấn đề đề nghị tạm thời đình chỉ công tác của cán bộ, nhân viên phạm lỗi nặng:

Trong khi tiến hành thanh tra, nếu xét thấy thật cần thiết, Ban thanh tra được đề nghị với cấp trên tạm thời đình chỉ công tác của những cán bộ, nhân viên phạm những sai lầm lớn, có thể gây nhiều tổn thất nếu cứ để họ tiếp tục công tác. Việc này có liên quan đến uy tín của cán bộ, nhân viên nên chỉ trong trường hợp đặc biệt và khẩn cấp hãy làm và phải hết sức thận trọng để tránh những quan niệm không đúng đối với công tác và cơ quan thanh tra.

4) Sau khi thanh tra xong một cơ quan hoặc sau khi phát hiện một vấn đề quan trọng trong quá trình thanh tra, Uỷ viên Ban thanh tra hay cán bộ thanh tra được uỷ quyền phải lập biên bản. Người phụ trách cơ quan được thanh tra sẽ ghi ý kiến và ký vào biên bản. Nếu người phụ trách đó không ký, Uỷ viên Ban thanh tra hay cán bộ thanh tra được uỷ quyền sẽ ghi vào biên bản là người đó không ký cùng với những lý do cần thiết. Tất cả các biên bản đều làm thành 4 bản: một bản gửi cho Ủy ban hành chính cùng cấp, một bản gửi cho cấp trên của cơ quan được thanh tra, một bản do Ban thanh tra giữ, một bản do cơ quan được thanh tra giữ.

Sau mỗi cuộc thanh tra, Uỷ viên Ban thanh tra hay cán bộ thanh tra được uỷ quyền cần đề nghị ý kiến hoặc kế hoạch sửa chữa với cơ quan được thanh tra, đồng thời phải theo dõi kết quả sửa chữa. Những đề nghị quan trọng phải được Ủy ban Hành chính cùng cấp duyệt y.

III- TỔ CHỨC VÀ LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA CÁC BAN THANH TRA LIÊN KHU, KHU, THÀNH PHỐ VÀ TỈNH.

1) Tổ chức:

Để đảm bảo các nhiệm vụ do Chính phủ quy định, căn cứ vào kinh nghiệm sắp xếp bộ máy Ban thanh tra trung ương trong thời gian vừa qua, việc tổ chức các Ban thanh tra liên khu, khu, thành phố và tỉnh có thể tạm thời theo như dưới đây:

Ngoài Trưởng, Phó Ban và một số Uỷ viên bộ máy của Ban gồm có:

a) Một số cán bộ nghiên cứu giúp Ban nắm tình hình các công tác trung tâm, đề ra phương hướng và chương trình công tác thanh tra từng thời gian và kế hoạch cụ thể từng cuộc thanh tra, theo dõi sự hoạt động của các tổ thanh tra lưu động và chuẩn bị tài liệu cho Ban làm các báo cáo thường kỳ.

b) Một số cán bộ giúp Ban tiếp nhận, xem xét thư khiếu nại và tố cáo của nhân dân, của cán bộ và nhân viên các cơ quan.

c) Một số cán bộ, nhân viên giúp Ban các công việc thuộc về văn thư, quản trị, v.v...

d) Các tổ thanh tra lưu động để giúp Ban tiến hành công tác thanh tra. Căn cứ vào khối lượng công tác và tình hình cán bộ hiện nay, mỗi liên khu, khu, thành phố và tỉnh cần có ít nhất là hai tổ thanh tra lưu động: một tổ để thanh tra công tác nông thôn, một tổ để thanh tra công tác kinh tế tài chính và các công tác khác (ở thành phố thì một tổ để thanh tra công tác kinh tế tài chính, một tổ để thanh tra công tác nông thôn vùng ngoại thành và các công tác khác). Trong trường hợp cần thiết sẽ tập trung các tổ lại để cùng đi thanh tra một vấn đề.

Tuỳ từng thời gian nhất định, tuỳ từng cuộc thanh tra nhất định mà bố trí nhiều hay ít cán bộ, nhưng ở liên khu và khu ít nhất mỗi tổ phải có 5 cán bộ, ở thành phố và tỉnh ít nhất mỗi tổ phải có 3 cán bộ (kể cả tổ trưởng). Tổ trưởng tổ thanh tra lưu động phải là một Uỷ viên Ban hoặc một cán bộ có trình độ tương đương.

Số Uỷ viên Ban thanh tra ở mỗi cấp liên khu, khu, thành phố và tỉnh có từ 3 đến 5 người, trong đó có 1 Trưởng Ban và từ 1 đến 2 Phó Ban. Biên chế của Ban thanh tra cấp nào do Ủy ban hành chính cấp ấy duyệt y, sau khi trao đổi ý kiến với Ban thanh tra trung ương của Chính phủ (điều lệ biên chế sẽ gửi sau).

2) Lề lối làm việc:

a) Quan hệ giữa Ban thanh tra với Ủy ban Hành chính cùng cấp

Ban thanh tra liên khu, khu, thành phố và tỉnh là một ngành chuyên môn đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ủy ban Hành chính liên khu, khu, thành phố và tỉnh. Công tác thanh tra lại trực tiếp phục vụ cho công tác lãnh đạo được chính xác và kịp thời. Do đó quan hệ giữa Ban thanh tra với Ủy ban Hành chính cùng cấp cần hết sức chặt chẽ.

Các Ủy ban Hành chính các cấp cần lãnh đạo các Ban thanh tra ở cấp mình một cách thường xuyên. Trong từng thời gian, Ủy ban Hành chính căn cứ vào các công tác trung tâm của Chính phủ mà đề ra nhiệm vụ, phương hướng và yêu cầu về công tác thanh tra để Ban thanh tra nghiên cứu và thực hiện, cần theo dõi sát công việc của Ban thanh tra và năng góp ý kiến giúp đỡ, hướng dẫn cải tiến công tác thanh tra. Sau mỗi cuộc thanh tra hoặc mỗi khi có những vấn đề lớn phát hiện trong quá trình thanh tra, Ủy ban Hành chính cần kịp thời nghe báo cáo và lưu ý giải quyết các vấn đề do Ban thanh tra đề xuất. Một điều quan trọng nữa là cần quan tâm bồi dưỡng tư tưởng và chính sách cho cán bộ thanh tra.

Các Ban thanh tra cần giữ vững chế độ báo cáo, xin chỉ thị và thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo của Ủy ban Hành chính cùng cấp. Trong từng thời gian, căn cứ vào công tác trung tâm của Chính phủ và nhiệm vụ, phương hướng, yêu cầu về công tác thanh tra do Ủy ban Hành chính đề ra, Ban thanh tra cần đặt kế hoạch cụ thể để thực hiện. Trong quá trình thanh tra và sau mỗi cuộc thanh tra, Ban thanh tra cần kịp thời phản ánh tình hình với Ủy ban Hành chính, đề xuất những vấn đề cần giải quyết và có dự kiến về cách giải quyết, giúp Ủy ban Hành chính nghiên cứu kế hoạch phát huy ưu điểm, thành tích và khắc phục khuyết điểm sai lầm đã phát hiện ở các cơ quan được thanh tra, đồng thời giúp Ủy ban Hành chính theo dõi việc sửa chữa các sai lầm khuyết điểm đó.

Nếu gặp trường hợp không thống nhất ý kiến giữa Ban thanh tra và Ủy ban Hành chính cùng cấp thì Ban thanh tra cần trình bày rõ ý kiến của mình để đề nghị Ủy ban Hành chính xét lại, đồng thời phản ánh cho Ban thanh tra cấp trên biết. Trong khi chờ đợi Ủy ban Hành chính nghiên cứu lại những ý kiến đó, Ban thanh tra vẫn phải thi hành theo ý kiến của Ủy ban Hành chính.

b) Quan hệ giữa Ban thanh tra với các ngành chuyên môn cùng cấp và Ủy ban Hành chính cấp dưới:

Theo nghị định của Thủ tướng Chính phủ: Ban thanh tra tiến hành công tác thanh tra ở các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban Hành chính cấp mình và các cơ quan chính quyền, chuyên môn cấp dưới. Muốn thực hiện được điều đó, Ban thanh tra cần nắm được tình hình chấp hành các chính sách lớn ở các ngành chuyên môn cùng cấp và các Ủy ban Hành chính cấp dưới (nhất là những ngành trực tiếp phục vụ các công tác trung tâm của Chính phủ) để đề ra mục đích, yêu cầu, chương trình kế hoạch thanh tra từng thời gian cho thích hợp. Hơn nữa, mỗi khi tiến hành thanh tra ở một cơ quan nào, Ban thanh tra cũng cần có sự cộng tác, giúp đỡ của cơ quan đó thì việc thanh tra mới thuận lợi và đem lại kết quả tốt. Do đó, các Ban thanh tra cần có quan hệ chặt chẽ với các ngành chuyên môn cùng cấp và các Ủy ban Hành chính cấp dưới.

Khi cần thiết, Ban thanh tra có thể yêu cầu các ngành chuyên môn cùng cấp, các Ủy ban Hành chính cấp dưới cung cấp cho những tài liệu và yêu cầu tham dự các cuộc hội nghị có liên quan đến công tác thanh tra hoặc đề nghị triệu tập các cuộc hội nghị cần thiết cho việc thanh tra. Khi Ban thanh tra cấp trên tới thanh tra một cơ quan ở cấp dưới thì cần thảo luận với Ủy ban Hành chính cấp ấy để yêu cầu giúp đỡ trong công tác. Đối với những ngành trực tiếp phục vụ các công tác trung tâm của Chính phủ, Ban thanh tra cần thường xuyên đặt quan hệ và dự các cuộc hội nghị sơ kết, tổng kết công tác của các ngành đó để nắm chắc tình hình. Trong thời gian hiện nay, các Ban thanh tra cần liên lạc mật thiết với Ủy ban cải cách ruộng đất, Ủy ban kế hoạch, phòng Tổ chức cán bộ của Ủy ban Hành chính, các cơ quan công an, tòa án và các cơ quan kinh tế tài chính cùng cấp.

Khi tiến hành những cuộc thanh tra có tính chất chuyên môn, kỹ thuật, nếu xét cần, Ban thanh tra có thể đề nghị với các ngành có liên quan tạm thời điều động một số cán bộ chuyên môn, kỹ thuật của các ngành đó đến giúp việc. Trong thời gian giúp việc Ban thanh tra, các cán bộ chuyên môn kỹ thuật này đều thuộc quyền điều khiển của Ban thanh tra.

Các Ban thanh tra cũng cần thường xuyên đặt quan hệ với các đoàn thể nhân dân như công đoàn, nông hội, thanh niên, phụ nữ và dựa vào những tổ chức này để liên lạc với quần chúng, tìm hiểu tình hình các cơ quan, cán bộ và nhân viên tốt hoặc làm trái mệnh lệnh của Chính phủ và pháp luật của Nhà nước.

Về phía các ngành, các Ủy ban Hành chính cấp dưới nên hết sức giúp đỡ và cộng tác chặt chẽ với Ban thanh tra trong những trường hợp cần thiết và thường xuyên gửi cho Ban thanh tra những tài liệu, báo cáo quan trọng giúp cho Ban thanh tra nắm tình hình. Trong trường hợp tiến hành những cuộc thanh tra rộng lớn, các ngành có liên quan cần giúp đỡ ý kiến và gom góp cán bộ để cùng với Ban thanh tra tiến hành công tác.

c) Quan hệ giữa Ban thanh tra cấp trên và Ban thanh tra cấp dưới:

Ban thanh tra liên khu, khu, thành phố và tỉnh chịu sự hướng dẫn về nghiệp vụ của Ban thanh tra cấp trên (điều 7 trong nghị định của Thủ tướng Chính phủ). Nhiệm vụ cộng tác thanh tra trong từng thời kỳ đều nhằm phục vụ các công tác trung tâm của Chính phủ. Cho nên mối quan hệ giữa các Ban thanh tra là dựa trên cơ sở cùng tiến hành thanh tra việc chấp hành các chính sách lớn, các công tác trung tâm của Chính phủ. Công tác thanh tra lại là một loại công tác có tính chất đặc biệt: bản thân cơ quan thanh tra không trực tiếp chấp hành chính sách mà là đi xem xét các cơ quan khác chấp hành chính sách để phản ánh cho cấp lãnh đạo biết tình hình và phát hiện những vấn đề sai, đúng trong công tác để giúp cấp lãnh đạo và cơ quan được thanh tra uốn nắn, sữa chữa. Do đó, tuy chỉ ở trong phạm vi hướng dẫn về nghiệp vụ, nhưng mối quan hệ giữa Ban thanh tra cấp trên và Ban thanh tra cấp dưới cũng rất mật thiết.

Căn cứ vào các công tác trung tâm của Chính phủ, Ban thanh tra trung ương sẽ trao đổi với các Ban thanh tra liên khu, khu, thành phố và tỉnh trực thuộc trung ương về nhiệm vụ, phương hướng, yêu cầu chính về công tác của Ban thanh tra trung ương trong từng thời gian. Các Ban thanh tra liên khu, khu, thành phố và các tỉnh trực thuộc trung ương cũng căn cứ vào công tác trung tâm của Chính phủ, vào chủ trương của Ủy ban Hành chính cùng cấp và vào kinh nghiệm của Ban thanh tra trung ương mà nghiên cứu nhiệm vụ, phương hướng và yêu cầu chính về công tác thanh tra cho cấp mình để trình Ủy ban Hành chính cùng cấp xét duyệt. Các Ban thanh tra liên khu, khu cũng căn cứ vào nhiệm vụ, phương hướng và yêu cầu chính về công tác thanh tra của cấp mình mà hướng dẫn việc nghiên cứu nhiệm vụ, phương hướng và yêu cầu chính về công tác thanh tra cho các Ban thanh tra của tỉnh.

Trong từng thời kỳ nhất định (6 tháng, 1 năm) hoặc sau một cuộc thanh tra có tính chất rộng lớn, cần có những cuộc hội nghị giữ Ban thanh tra cấp trên với các Ban thanh tra cấp dưới để kiểm điểm công tác cũ, trao đổi kinh nghiệm và bàn bạc về nhiệm vụ, phương hướng công tác mới.

Mỗi khi Ban thanh tra cấp trên xuống thanh tra ở một địa phương nào, cần thảo luận kế hoạch phối hợp công tác với Ban thanh tra ở địa phương đó cho chặt chẽ.

Ban thanh tra cấp trên cần phổ biến kinh nghiệm và nếu có điều kiện thì mở những lớp ngắn ngày để bồi dưỡng nghiệp vụ cho các Ban thanh tra cấp dưới. Các Ban thanh tra cấp dưới có nhiệm vụ thường xuyên báo cáo tình hình công tác cho Ban thanh tra cấp trên. Mỗi khi Ban thanh tra cấp dưới gửi báo cáo thường kỳ hoặc báo cáo quan trọng sang Ủy ban Hành chính cùng cấp thì cũng gửi cho Ban thanh tra cấp trên. Khi nào Ban thanh tra cấp trên yêu cầu hoặc có những vấn đề gì thuộc về nghiệp vụ thì cần làm báo cáo riêng.

Mỗi khi nhận được báo cáo của Ban thanh tra cấp dưới về những trường hợp không thống nhất ý kiến giữa Ủy ban Hành chính và Ban thanh tra cấp dưới thì Ban thanh tra cấp trên cần nghiên cứu để kịp thời tham gia ý kiến với Ủy ban Hành chính và Ban thanh tra cấp dưới.(Nếu gặp trường hợp giữa Ủy ban Hành chính cấp dưới và Ban thanh tra cấp trên không thống nhất ý kiến với nhau thì cả 2 bên cùng đề nghị với cơ quan lãnh đạo có thẩm quyền can thiệp).

d) Về mặt nội bộ, các Ban thanh tra sẽ căn cứ vào số Uỷ viên sẵn có của mình mà phân công phụ trách của bộ phận giúp việc và các công tác chính của Ban trong từng thời gian nhưng điều chủ yếu là phải nắm chắc các tổ thanh tra lưu động.

*

Trên đây là một số điểm để giúp thêm các địa phương thi hành nghị định số 1194-TTg ngày 26-12-1956 của Thủ tướng Chính phủ. Các Ủy ban Hành chính liên khu, khu, thành phố và tỉnh sẽ căn cứ vào đó để hướng dẫn việc thành lập các Ban thanh tra và phổ biến những điểm cần thiết cho các ngành, các cấp biết. Trong quá trình xây dựng tổ chức các Ban thanh tra, nếu gặp những vấn đề gì khó khăn, trở ngại, đề nghị các Ủy ban Hành chính và các Ban thanh tra các cấp trực tiếp liên lạc hoặc liên lạc với chúng tôi bằng giấy để chúng tôi giúp ý kiến giải quyết hoặc xin chỉ thị Thủ tướng Chính phủ để giải quyết.

T.M BAN THANH TRA TRUNG ƯƠNG CỦA CHÍNH PHỦ

TỔNG THANH TRA




Nguyễn Lương Bằng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 123-VP/TT năm 1957 giải thích và hướng dẫn Nghị định 1194-TTg về thành lập các Ban Thanh tra ở các liên khu, khu, thành phố và tỉnh do Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 123-VP/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/04/1957
  • Nơi ban hành: Thanh tra Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Lương Bằng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 22
  • Ngày hiệu lực: 15/05/1957
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản