Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 121-CP

Hà Nội, ngày 09 tháng 8 năm 1961

THÔNG TƯ

CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 121-CP, NGÀY 09 THÁNG 08 NĂM 1961 VỀ VIỆC TẬP TRUNG GIÁO DỤC CẢI TẠO NHỮNG PHẦN TỬ CÓ HÀNH ĐỘNG NGUY HẠI CHO XÃ HỘI

I- Quá trình tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta là một quá trình đấu tranh giai cấp gay go và phức tạp. Bọn phản cách mạng (những phần tử tay sai cũ của đế quốc thực dân, những phần tử ngoan cố trong giai cấp bóc lột đã bị đánh đổ), căm thù sâu sắc chế độ xã hội chủ nghĩa và bọn lưu manh chuyên nghiệp, con đẻ của xã hội cũ, không ngừng hoạt động phá rối trật tự an ninh, phá hoại công cuộc lao động hoà bình của nhân dân ta. Bọn phản cách mạng này phần đông trong kháng chiến đã có nhiều tội ác, từ hoà bình lập lại Chính phủ đã khoan hồng đại xá cho chúng và có nhiều biện pháp để tạo điều kiện tốt cho chúng cải tạo; nhờ đó một số đông đã thực sự cải tạo trở thành những người tốt tham gia sản xuất và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng còn một số đã qua nhiều lần giáo dục, thậm chí có những tên đã chịu án tù nhiều lần mà vẫn không chịu sửa chữa, vẫn ngoan cố, luôn luôn có hành động chống đối, khi thì ngấm ngầm lén lút, khi thì trắng trợn công khai. Bọn chúng thường là chỗ dựa cho bọn gián điệp tay sai của Mỹ - Diệm tung ra miền Bắc để tiến hành phá hoại miền Bắc, tuyên truyền xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, gây chiến tranh tâm lý, phá rối trật tự an ninh v.v...

Bọn phản cách mạng và lưu manh chuyên nghiệp này là những phần tử chưa chịu cải tạo, ngoan cố, nguy hiểm, nếu không có biện pháp ngăn ngừa và giáo dục thích đáng thì chúng có thể phạm nhiều tội ác và gây nhiều tác hại nghiêm trọng cho Nhà nước và nhân dân.

Để tăng cường việc giữ trật tự an ninh bảo vệ lợi ích của Nhà nước và của nhân dân, một mặt chúng ta cần phải kiên quyết trấn áp, kiên quyết trừng trị những tên cần phải trừng trị, mặt khác phải giáo dục cải tạo những phần tử còn có khả năng cải tạo. Vì vậy ngày 20-6-1961 Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết quy định việc tập trung để giáo dục cải tạo những phần tử phản cách mạng, ngoan cố và những phần tử lưu manh chuyên nghiệp, xét không đưa ra Toà án nhân dân xử phạt.Theo Nghị quyết này thì việc giáo dục cải tạo phải thực hành theo phương châm kết hợp lao động với giáo dục chính trị, nhằm mục đích khuyến khích người được giáo dục cải tạo cố gắng lao động sản xuất, học tập nghề nghiệp, cải tạo tư tưởng để trở thành người lương thiện. Phương châm ấy thể hiện tính chất nhân đạo của chế độ ta.

Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Hội nghị Thường vụ ngày 5-7-1861 quy định các điểm cụ thể để thi hành Nghị quyết trên của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

II- NHỮNG ĐỐI TƯỢNG CẦN PHẢI ĐƯA ĐI TẬP TRUNG GIÁO DỤC CẢI TẠO

Điều 1: Trong nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã định rõ đối tượng đưa đi tập trung giáo dục cải tạo là những phần tử dưới đây, từ 18 tuổi trở lên, có hành động nguy hại cho xã hội, đã được giáo dục nhiều lần mà không chịu hối cải nhưng xét không cần đưa ra toà án xử phạt.

a) Những phần tử phản cách mạng ngoan cố có hành động phưong hại đến an ninh chung.

b) Những phần tử lưu manh chuyên nghịêp.

Hội đồng Chính phủ quy định cụ thể các loại đối tượng như sau:

A- NHỮNG PHẦN TỬ PHẢN CÁCH MẠNG NGOAN CỐ CÓ HÀNH ĐỘNG PHƯƠNG HẠI ĐẾN AN NINH CHUNG:

1- Những phần tử gián điệp, chỉ điểm, mật thám nguy hiểm cũ, những phần tử nguỵ quân, nguỵ quyền cũ, phỉ, biệt kích cũ trước kia có nhiều tội ác, đã được Chính phủ khoan hồng nhưng qua giáo dục nhiều lần vẫn ngoan cố không chịu cải tạo, vẫn có hành động phương hại đến an ninh chung.

2- Những phần tử cốt cán trong các tổ chức đảng phái phản động cũ, trước kia đã có nhiều tội ác, đã được Chính phủ khoan hồng, nhưng qua giáo dục nhiều lần vẫn ngoan cố không chịu cải tạo, vẫn có hành động phương hại đến an ninh chung.

3- Những phần từ ngoan cố trong các giai cấp bóc lột cũ và những phần từ phản cách mạng khác căm thù sâu sắc chế độ ta, luôn luôn có hành động chống đối.

4- Những phần từ phản cách mạng nguy hiểm đã hết hạn tù nhưng không chịu cải tạo.

B- NHỮNG PHẦN TỬ LƯU MANH CHUYÊN NGHIỆP:

1- Những tên cầm đầu lưu manh và những tên chuyên sống bằng nghề oa trữ và tiêu thụ những thứ trộm cắp của người khác, đã qua nhiều lần giáo dục cải tạo mà vẫn không chịu sửa chữa.

2- Những tên lưu manh trộm cắp đã tái phạm nhiều lần và không có nghề nghiệp, hoặc chỉ có nghề "nguỵ trang" chuyên sống bằng trộm cắp, lừa đảo và những tên chủ chứa bọn gái điếm hiện đang hoạt động.

3- Những tên tuy có nghề nghiệp nhưng quen thói trộm cắp đã nhiều lần được nhân dân phê bình giáo dục hoặc chính quyền cảnh cáo mà vẫn không chịu sửa chữa.

4- Những tên luôn luôn phá rối trật tự trị an, có hành động côn đồ, ngang ngược, không tôn trọng pháp luật Nhà nước, qua nhiều lần nhân dân giáo dục và chính quyền cảnh cáo vẫn không chịu sửa chữa.

5- Những tên đã bị quản chế nhưng ngoan cố không chịu tuân theo kỷ luật quản chế.

6- Những tên lưu manh đã hết hạn tù nhưng chưa chịu cải tạo.

Đối với các đối tượng sau đây thì không dùng biện pháp đưa đi tập trung giáo dục cải tạo mà phải dùng các biện pháp trừng trị hoặc biện pháp hành chính khác thích hợp với từng đối tượng:

1- Những phần từ phản cách mạng và lưu manh chuyên nghiệp cần trừng trị thì phải đưa ra Toà án nhân dân xét xử.

2- Những phần tử phản cách mạng và lưu manh chuyên nghiệp đang hoạt động ngấm ngầm mà công an đang theo dõi thì phải tiếp tục công tác điều tra để tìm ra toàn bộ âm mưu, tổ chức và hoạt động của chúng.

3- Những phần tử phản cách mạng và lưu manh chuyên nghiệp có tội nhẹ có thể để cải tạo ở địa phương được thì phải dựa vào nhân dân, vào các đoàn thể quần chúng, vào các hợp tác xã mà tiến hành giáo dục, cải tạo hoặc quản chế ở địa phương.

III- CHẾ ĐỘ VÀ TỔ CHỨC CÁC TRẠI GIÁO DỤC CẢI TẠO

1- Theo Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong thời gian tập trung giáo dục cải tạo những người bị tập trung không được hưởng quyền công dân; song cũng không bị coi như những phạm nhân bị án phạt tù. Vì vậy cần phải tổ chức riêng những trại giáo dục cải tạo và những người bị tập trung giáo dục cải tạo được hưởng chế độ sinh hoạt và lao động như sau:

- Mỗi tháng mỗi người được cấp 13 đồng để ăn uống.

- Mỗi năm mỗi người được cấp 2 bộ quần áo vải.

- Được phát chăn, màn, chiếu và thuốc men.

- Mỗi ngày mỗi ngưòi phải tham gia lao động sản xuất trong 8 giờ.

- Mỗi tuần lễ được lấy ra 2 buổi để học tập chính trị, các lớp văn hoá sẽ tổ chức vào ban đêm.

- Những người bị tập trung giáo dục cải tạo được gửi thư từ cho gia đình và gia đình có thể đến thăm.

Những người sản xuất khá thì có thể được hưởng một phần kết quả hoa lợi do mình sản xuất được.

Các khoản kinh phí về việc tập trung giáo dục cải tạo do Ngân sách Nhà nước đài thọ.

2- Hội đồng Chính phủ uỷ nhiệm Bộ Công an tổ chức và quản lý các trại giáo dục cải tạo. Các trại đó phải có các điều kiện sau đây:

a) Có sơ sở cho việc lao động sản xuất;

b) Có tổ chức phân biệt giữa bọn phản cách mạng với bọn lưu manh, không để bọn phản cách mạng ăn ở, học tập, lao động lẫn lộn với bọn lưu manh; phân biệt giữa bọn phản cách mạng và lưu manh rất nguy hiểm với bọn phản cách mạng và lưu manh ít nguy hiểm hơn, không để bọn nguy hiểm nhiều ăn, ở, học tập, lao động lẫn lộn với bọn ít nguy hiểm và có khả năng cải tạo nhanh hơn.

IV- THỜI HẠN TẬP TRUNG GIÁO DỤC CẢI TẠO VÀ THỦ TỤC QUYẾT ĐỊNH VIỆC TẬP TRUNG GIÁO DỤC CẢI TẠO, CHO VỀ TRƯỚC THỜI HẠN VÀ GIA HẠN TẬP TRUNG GIÁO DỤC CẢI TẠO

Điều 3: Trong Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã định rõ thời hạn tập trung giáo dục cải tạo là 3 năm. Tuy nhiên những người thật sự cải tạo trước thời hạn sẽ được về sớm hơn. Đối với những người hết thời hạn 3 năm mà không chịu cải tạo thì thời hạn giáo dục cải tạo có thể bị kéo dài.

Về thủ tục quyết định việc tập trung giáo dục cải tạo, căn cứ vào Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Chính phủ quy định như sau:

1- Các Uỷ ban hành chính khu tự trị, thành phố và tỉnh trực thuộc Trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương chịu trách nhiệm:

a) Xét và quyết định việc tập trung giáo dục cải tạo những phần tử cần phải đưa đi tập trung giáo dục cải tạo, căn cứ vào hồ sơ đề nghị của cơ quan Công an cùng cấp.

b) Xét và quyết định đưa đi tập trung giáo dục cải tạo những phạm nhân thuộc các đối tượng nói trên đang bị giam ở các trại ở địa phương sắp hết hạn tù nhưng chưa chịu cải tạo, theo đề nghị của cơ quan Công an cùng cấp;

c) Xét và quyết định các trường hợp cần phải gia hạn tập trung giáo dục cải tạo hoặc được rút ngắn thời hạn tập trung giáo dục cải tạo cho những phần tử đang tập trung giáo dục cải tạo ở địa phương.

Các quyết định trên đây phải trình Hội đồng Chính phủ duyệt.

2- Hội đồng Chính phủ uỷ nhiệm ông Bộ trưởng Bộ Công an:

a) Xét và duyệt các quyết định kể trên của Uỷ ban hành chính khu, thành phố, tỉnh về vấn đề tập trung giáo dục cải tạo.

b) Xét và quyết định đưa đi tập trung giáo dục cải tạo những phạm nhân thuộc các đối tượng nói trên đang bị giam ở các trại cải tạo Trung ương sắp hết hạn tù nhưng chưa chịu cải tạo theo đề nghị của Ban Giám thị các trại cải tạo.

c) Xét và quyết định gia hạn tập trung giáo dục cải tạo những phần tử ngoan cố vẫn không chịu cải tạo ở các trại giáo dục cải tạo Trung ương.

d) Xét và quyết định rút ngắn thời hạn tập trung giáo dục cải tạo cho những phần tử ở các trại giáo dục cải tạo Trung ương đã thực sự cải tạo được về trước thời hạn.

Để bảo đảm việc tập trung giáo dục cải tạo được tiến hành đúng ngưòi, đúng tội, đúng pháp luật và được nhân dân đồng tình, Hội đồng Chính phủ nhắc nhở các Uỷ ban hành chính các cấp cần phải nắm vứng phương châm kiên quyết và thận trọng nghĩa là không để lọt một phần tử nguy hiểm nào đáng đưa đi tập trung giáo dục cải tạo mà không đưa đi hoặc đáng gia hạn tập trung mà không gia hạn, đồng thời cũng không được đưa đi tập trung những người vô tội, những người còn có khả năng giáo dục hoặc quản chế ở địa phương, những người đang phải điều tra, những người đáng đưa ra Toà án xét xử và những ngưòi sắp hết hạn tù mà đã cải tạo tốt. Các địa phương cần phải đề phòng xu hướng lệch lạc muốn dùng biện pháp tập trung giáo dục cải tạo để đẩy tất cả những phần tử phức tạp ra khỏi địa phương mình cho rảnh tay, gây nên tình hình căng thẳng không cần thiết trong địa phương.

Hội đồng Chính phủ mong các Uỷ ban hành chính nghiên cứu kỹ Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Thông tư này của Hội đồng Chính phủ, tập thể nghiên cứu tỷ mỷ các hồ sơ, bàn bạc kỹ càng và xét duyệt các đối tượng cho đúng, nhằm đảm bảo tốt trật tự an ninh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ, góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc tiến hành thắng lợi.

Tố Hữu

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 121-CP năm 1961 về việc tập trung giáo dục cải tạo những phần tử có hành động nguy hại cho xã hội do hội Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 121-CP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 09/08/1961
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: 23/08/1961
  • Số công báo: Số 33
  • Ngày hiệu lực: 24/08/1961
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản