Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 120-TTg

Hà Nội , ngày 15 tháng 12 năm 1962

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÁC TRẠM THỦY VĂN CƠ BẢN

Thủy văn là một ngành nghiên cứu khoa học kỹ thuật thuộc Bộ Thủy lợi và điện lực, hiện có một hệ thống lưới trạm cơ bản rải rác ở các địa phương. Nhiệm vụ của nó là điều tra cơ bản thu thập số liệu phục vụ cho việc nghiên cứu tổng hợp, lập quy hoạch trị thủy và khai thác các dòng sông, công tác phòng chống lụt, thiết kế, thi công và quản lý các công trình xây dựng cơ bản công nông nghiệp, giao thông vận tải và các công trình phục vụ dân sinh khác nhằm phát triển và bảo vệ sản xuất để nâng cao đời sống nhân dân.

Hiện nay các trạm thủy văn này vẫn thuộc Bộ Thủy lợi và điện lực trực tiếp quản lý.

Theo yêu cầu phát triển kinh tế, trong mấy năm qua, số trạm thủy văn cơ bản ở các địa phương ngày càng tăng. Do đó có nhiều khó khăn vì lưới trạm ngày càng mở rộng, sự chỉ đạo của Bộ bị hạn chế, không sát được tình hình của trạm. Thực tế trong mấy năm qua, đã có một số thiếu sót, việc quản lý cán bộ, kiểm tra, giám sát chỉ tiêu, sử dụng,bảo quản tài sản, vv… mặc dầu đã được địa phương chú ý giúp đỡ nhưng vì không trực tiếp quản lý nên chưa phát huy được tác dụng vai trò chỉ đạo của địa phương và tác dụng phục vụ của trạm.

Để khắc phục tình trạng trên, nhằm phát huy hơn nữa tác dụng của công tác thủy văn, đáp ứng yêu cầu của sản xuất và xây dựng cơ bản ngày một nhiều. Thủ tướng Chính phủ quyết định phân cấp các trạm thủy văn cơ bản ở các địa phương cho Ủy ban quản lý hành chính các khu, tỉnh, thành phố trực tiếp quản lý.

Việc phân cấp quản lý sẽ tiến hành trên nguyên tắc:

1. Đảm bảo quản lý tập trung các trạm thủy văn vào Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh về các mặt tổ chức, cán bộ, kinh phí, tài sản, vv…

2. Đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất về chuyên môn giữa Bộ Thủy lợi và điện lực với các Sở, Ty.

Nội dung các mặt công tác cần phân cấp và quản lý, nhiệm vụ giữa Bộ với Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh quy định như sau:

- Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh có nhiệm vụ thực hiện kế hoạch củng cố, xây dựng và phát triển công tác thủy văn ở địa phương mình; quản lý các trạm thủy văn cơ bản về các mặt công tác tổ chức, cán bộ, tài vụ, tài sản;

- Hàng năm, căn cứ yêu cầu công tác, lập kế hoạch dự trù kinh phí và vật tư cho các trạm thủy văn cơ bản và ghi vào ngân sách địa phương (trừ thiết bị máy móc ngoài nước do Bộ ghi vào ngân sách trung ương);

- Về mặt cán bộ, theo chế độ chung về phân cấp quản lý cán bộ của đảng và Chính phủ, Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh có nhiệm vụ quản lý các cán bộ ở trạm cũng như cán bộ ở Ty (do yêu cầu chuyên môn) Bộ Thủy lợi và Điện lực cần nắm cán bộ là trạm trưởng, trạm phó và cán bộ cao cấp kỹ thuật thủy văn;

- Cán bộ thủy văn là cán bộ khoa học kỹ thuật không nên sáo trộn cần đảm bảo cho cán bộ đi sâu vào nghiệp vụ chuyên môn, trước khi điều động, điều chỉnh, đề bạt, hay cho cán bộ thủy văn đi học, Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh phải trao đổi với Bộ Thủy lợi và Điện lực;

- Để bảo đảm sự thống nhất về mặt kỹ thuật chuyên môn và phương hướng phát triển công tác thủy văn theo kế hoạch chung của Nhà nước, hàng năm Bộ Thủy lợi và Điện lực có trách nhiệm duyệt quy hoạch lưới trạm của địa phương, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của sản xuất và nghiên cứu khoa học.

Để đảm bảo thực hiện hai nguyên tắc trên, cần có sự trao đổi quan hệ mật thiết giữa Bộ Thủy lợi và Điện lực với Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch hàng năm trước khi ghi vào kế hoạch;

- Về mặt kỹ thuật, Bộ Thủy lợi và Điện lực có nhiệm vụ duyệt vị trí các trạm mới, duyệt thiết kế các công trình kỹ thuật (cáp nối, xe, dây tự ghi, bốc hơi, vv…) và phải tuân theo quy trình, quy phạm các chế độ chuyên môn do Bộ Thủy lợi và Điện lực quy định;

- Các tài liệu đo đạc của các trạm cần được tập trung về Bộ Thủy lợi và Điện lực theo quy định của Bộ;

- Bộ Thủy lợi và Điện lực sẽ cung cấp cho địa phương bằng hiện vật, máy móc, thiết bị nhập ở nước ngoài vào; các thiết bị đơn giản trong nước do địa phương tự sản xuất.

Việc bàn giao quản lý các trạm thủy văn cho Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh sẽ thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 1963;

Tất cả dự trù kinh phí sự nghiệp và kiến thiết cơ bản năm 1962 về công tác thủy văn trước do Bộ Thủy lợi và Điện lực đảm nhiệm vẫn tiếp tục cấp phát đến 31 tháng 12 năm 1962;

- Về dự trù kinh phí 1963, Bộ Thủy lợi và Điện lực vẫn tiếp tục ghi vào ngân sách của Bộ sau đó thì chuyển về các Ủy ban hành chính địa phương quản lý cấp phát và thanh quyết toán. Kể từ năm 1964 thì các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh căn cứ vào yêu cầu thực tế của địa phương lập dự trù và ghi vào ngân sách địa phương.

Để đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác của ngành thủy văn và tăng cường tác dụng phục vụ các ngành, các địa phương. Thủ tướng Chính phủ mong Bộ Thủy lợi và Điện lực và Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh thực hiện chu đáo Thông tư này theo thời hạn đã nói trên.
Những vấn đề cụ thể, chi tiết, thể thức bàn giao sẽ do Bộ Thủy lợi và Điện lực hướng dẫn trong thông tư riêng.

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Hùng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 120-TTg năm 1962 về việc phân cấp quản lý các trạm thủy văn cơ bản do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 120-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/12/1962
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 48
  • Ngày hiệu lực: 30/12/1962
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản