Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12-LĐTBXH/TT

Hà Nội, ngày 08 tháng 4 năm 1997

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 12-LĐTBXH/TT NGÀY 8 THÁNG 4 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN VIỆC KIẾN NGHỊ ĐIỀU CHỈNH DANH MỤC CÁC DOANH NGHIỆP KHÔNG ĐƯỢC ĐÌNH CÔNG

Thi hành Điều 3 Nghị định 51/CP ngày 29/8/1996 của Chính phủ về việc giải quyết yêu cầu của tập thể lao động tại doanh nghiệp không được đình công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc kiến nghị điều chỉnh Danh mục các doanh nghiệp không được đình công như sau:

1. Để có cơ sở kiến nghị điều chỉnh Danh mục các doanh nghiệp không được đình công, trước hết các Bộ, ngành và địa phương phải nắm được số lượng các doanh nghiệp thuộc quyền quản lý, đánh giá tình hình hoạt động của từng doanh nghiệp, đồng thời căn cứ vào Danh mục đã được ban hành kèm theo Nghị định 51/CP thống kê nắm chắc danh mục các doanh nghiệp không được đình công thuộc quyền quản lý theo ngành và theo lãnh thổ, ghi rõ tên, địa chỉ và lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của từng doanh nghiệp, hướng dẫn, kiểm tra các doanh nghiệp này thi hành các điều khoản đã được quy định tại Nghị định 51/CP.

Từ đó, hàng năm căn cứ vào một trong các điều kiện sau đây để xem xét doanh nghiệp cần đề nghị bổ sung vào hoặc rút ra khỏi Danh mục do Nhà nước quy định (nếu có):

- Doanh nghiệp phục vụ công cộng phải là doanh nghiệp mà nếu ngừng hoạt động vì đình công thì có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của trên 30% dân cư thành phố, khu công nghiệp lớn;

- Doanh nghiệp sản xuất hoặc cung ứng một số sản phẩm thiết yếu đối với nền kinh tế và đời sống nhân dân phải là doanh nghiệp được Nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ với vốn đầu tư cơ bản lớn và chủ yếu của Nhà nước, doanh nghiệp có cổ phần chi phối, cổ phần đặc biệt của Nhà nước hoặc doanh nghiệp cung ứng dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân theo chính sách giá của Nhà nước mà thu không đủ bù đắp chi phí sản xuất các sản phẩm, dịch vụ này, được Ngân sách Nhà nước trợ giúp bằng các chế độ trợ cấp, trợ giá hoặc chế độ ưu đãi khác.

- Doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng phải là doanh nghiệp thuộc loại hình doanh nghiệp quốc phòng và doanh nghiệp kinh tế quốc phòng do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng quản lý.

2. Sau khi xem xét theo các điều kiện trên, Bộ, Ngành, địa phương tiến hành xét cụ thể từng doanh nghiệp để đề nghị bổ sung hoặc rút tên doanh nghiệp đã có trong Danh mục ra khỏi Danh mục do Nhà nước quy định theo các nội dung quy định như sau:

a/ Ghi rõ tên, địa chỉ của doanh nghiệp (địa điểm trụ sở chính và chi nhánh); ngày thành lập doanh nghiệp, số quyết định và cấp có thẩm quyền quyết định.

b/ Ghi rõ loại doanh nghiệp: doanh nghiệp Nhà nước (doanh nghiệp Trung ương hoặc doanh nghiệp địa phương); doanh nghiệp ngoài quốc doanh hoặc doanh nghiệp có vốn đầu từ nước ngoài; cơ quan quản lý cấp trên của doanh nghiệp (nếu có);

c/ Lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sản phẩm chủ yếu của doanh nghiệp;

d/ Tổng số lao động của doanh nghiệp thường xuyên làm việc tại doanh nghiệp, kể cả lao động theo hợp đồng vụ việc từ 3 tháng trở lên; đ/ Lý do kiến nghị bổ sung tên doanh nghiệp mới vào Danh mục hoặc rút tên doanh nghiệp đã có trong Danh mục ra khỏi Danh mục. (Khi ghi lý do cần nói rõ ý kiến của tổ chức công đoàn địa phương hoặc công đoàn ngành).

3- Lập thành biểu theo Biểu mẫu số 1 và số 2 của Thông tư này, kèm theo công văn đề nghị do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan quản lý ngành hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ký gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 15 tháng 1 hàng năm để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 5 năm 1997.

Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu giải quyết.

Trần Đình Hoan

(Đã ký)

BIỂU MẪU 1

Bộ...

Ngành...

Tỉnh, thành phố...

CÁC DOANH NGHIỆP KIẾN NGHỊ BỔ SUNG VÀO DANH MỤC DOANH NGHIỆP KHÔNG ĐƯỢC ĐÌNH CÔNG

Tên doanh nghiệp

Nơi đặt trụ sở chính

Loại hình DN (Công ty, Tổng công ty)

Lĩnh vực sản xuất, kinh doanh

Tổng số lao động

Lý do kiến nghị bổ sung

(A)

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

Ghi chú: Nội dung các cột trong biểu ghi theo quy định tại điểm 2 Thông tư này.

BIỂU MẪU 2

Bộ...

Ngành...

Tỉnh, thành phố...

CÁC DOANH NGHIỆP KIẾN NGHỊ RÚT KHỎI DANH MỤC DOANH NGHIỆP KHÔNG ĐƯỢC ĐÌNH CÔNG

Tên doanh nghiệp

Nơi đặt trụ sở chính

Loại hình DN (Công ty, Tổng công ty)

Lĩnh vực sản xuất, kinh doanh

Tổng số lao động

Lý do kiến nghị rút khỏi
Danh mục

(A)

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

Ghi chú: Nội dung các cột trong biểu ghi theo quy định tại điểm 2 Thông tư này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 12-LĐTBXH/TT-1997 về việc kiến nghị điều chỉnh Danh mục các doanh nghiệp không được đình công do Bộ Lao động,thương binh và xã hội ban hành

  • Số hiệu: 12-LĐTBXH/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 08/04/1997
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Trần Đình Hoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 12
  • Ngày hiệu lực: 01/05/1997
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản