BỘ Y TẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12-BYT/TT | Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 1988 |
Ngày 3-3-1988 Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiêm Trưởng Tiểu ban danh mục và tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức thuộc Hội đồng Bộ trưởng đã ra Quyết định số 61-LĐTBXH/QĐ ban hành bản danh mục số II các chức danh đầy đủ của viên chức làm công tác nghiên cứu nghiệp vụ quản lý Nhà nước của ngành Y tế.
Do vậy, bản danh mục này có cơ sở pháp lý và được áp dụng cho tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Y tế từ Trung ương đến địa phương và Y tế các ngành.
Để thực hiện Nghị quyết số 34-NQ/TW ngày 22-7-1986 của Bộ Chính trị và Quyết định số 227-HĐBT ngày 29-12-1987 của Hội đồng Bộ trưởng về việc kiện toàn tổ chức, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực của bộ máy, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ kinh tế, xã hội và làm căn cứ xây dựng tiêu chuẩn nghiệp vụ cho viên chức thuộc nhóm 7 của ngành Y tế nhằm phục vụ cho việc triển khai các nghị quyết trên.
Bản danh mục số II là kế tiếp sau bản danh mục số I làm cơ sở để:
- Cải tiến tổ chức, hợp lý hoá tổ chức làm cho bộ máy gọn nhẹ và có hiệu lực.
- Tiến hành tinh giản bộ máy, giảm nhẹ biên chế, cải tiến chế độ làm việc cho tất cả các cơ sở Y tế trong toàn ngành.
- Lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, bố trí tiếp nhận các cán bộ nghiên cứu nghiệp vụ quản lý của các cơ sở đúng với chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ.
Bản danh mục số II các chức danh đầy đủ của viên chức ngành Y tế bao gồm 137 chức danh đầy đủ là bản chức danh của viên chức ngành Y tế trong đó:
Loại A: Là viên chức lãnh đạo quản lý.
- Nhóm 9: 9 chức danh đầy đủ.
- Nhóm 8: 20 chức danh đầy đủ.
Loại B: Là viên chức chuyên môn kỹ thuật làm công tác nghiên cứu nghiệp vụ quản lý.
- Nhóm 7: 100 chức danh đầy đủ.
- Nhóm 3: 6 chức danh đầy đủ.
Loại C: Là viên chức thực hành nghiệp vụ và kỹ thuật
- Nhóm 1: 2 chức danh đầy đủ.
Căn cứ vào Quyết định số 61-LĐTBXH/QĐ ngày 3-3-1988 và tinh thần nội dung nêu trên, Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể việc ứng dụng các chức danh đầy đủ đã được duyệt cho toàn ngành, đồng thời để thống nhất tên gọi cho đúng với chức danh như sau:
- Cán sự. - Chuyên viên.
- Chuyên viên chính. - Chuyên viên cấp cao.
Như vậy việc đổi tên một viên chức không chỉ là thay đổi về hình thức bên ngoài mà đó chính là thay đổi toàn bộ phương pháp quản lý cũ bằng phương pháp quản lý khoa học, gắn con người với tổ chức, gắn tổ chức được kiện toàn với lĩnh vực quản lý và phương pháp làm việc mới.
Ví dụ 1: Lĩnh vực tổ chức thiết kế bộ máy có các chức danh đầy đủ sau:
- Cán sự tổ chức thiết kế bộ máy.
- Chuyên viên tổ chức thiết kế bộ máy.
- Chuyên viên chính tổ chức thiết kế bộ máy.
- Chuyên viên cấp cao tổ chức thiết kế bộ máy.
Ví dụ 2: Lĩnh vực kế toán có các chức danh sau:
- Cán sự kế toán Y tế.
- Chuyên viên kế toán Y tế.
- Chuyên viên chính kế toán Y tế.
- Chuyên viên cấp cao kế toán Y tế.
Ví dụ 3: Lĩnh vực phòng bệnh, chữa bệnh có các chức danh sau:
- Cán sự phòng bệnh, chữa bệnh.
- Chuyên viên phòng bệnh, chữa bệnh.
- Chuyên viên chính phòng bệnh, chữa bệnh.
- Chuyên viên cấp cao phòng bệnh, chữa bệnh.
Ví dụ 4: Lĩnh vực phòng, chống dịch có những chức danh sau đây:
- Cán sự phòng, chống dịch.
- Chuyên viên phòng, chống dịch.
- Chuyên viên chính phòng, chống dịch.
- Chuyên viên cấp cao phòng, chống dịch.
Ví dụ 5: Lĩnh vực Y học dân tộc có những chức danh sau:
- Cán sự Y học dân tộc.
- Chuyên viên Y học dân tộc.
- Chuyên viên chính Y học dân tộc.
- Chuyên viên cấp cao Y học dân tộc.
Khi tổ chức học tập thủ trưởng đơn vị cần làm cho mỗi viên chức hiểu rõ nội dung lao động và nghiệp vụ của mỗi chức danh, để sau khi học tập ứng dụng các chức danh đầy đủ, thì mỗi viên chức phải xác định được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và sản phẩm tạo thành của mỗi chức danh.
Trong quá trình này, thủ trưởng đơn vị cần triển khai việc rà soát lại chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các bộ phận cấu thành của đơn vị mình (các vụ, ban, văn phòng thuộc cơ quan Bộ, các phòng chức năng kế cận của tất cả các cơ sở y tế từ Trung ương đến địa phương và y tế các ngành) theo trình tự như sau: xem xét chức năng, nhiệm vụ nào còn trùng lặp, chồng chéo, hoặc chức năng, nhiệm vụ nào còn bỏ sót hay không. Nếu có:
- Trước hết là trả những chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo của vụ, ban nào về vụ, ban đó (nếu thuộc cơ quan Bộ) và trả những chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo của phòng nào về phòng đó (nếu là cơ sở y tế trong ngành).
- Bổ sung những chức năng, nhiệm vụ còn thiếu.
- Từng vụ, ban hoặc từng phòng tự kê khai những nội dung lao động đã và đang làm, rồi tổ chức hội thảo có mời đại diện của các tổ chức có liên quan và cấp trên đến dự để tham gia và bổ sung cho hoàn chỉnh.
- Trên cơ sở đó tiến hành nghiên cứu hợp lý hoá về tổ chức và báo cáo với cấp trên trực tiếp có thẩm quyền, đồng thời báo cáo với Bộ những kiến nghị bổ sung hoặc sửa đổi về mặt tổ chức của đơn vị nếu có.
- Dựa trên tổ chức đã hợp lý hoá, gồm có bao nhiêu nội dung lao động mà tiến hành hợp lý hoá các nội dung lao động đó giao cho từng viên chức đảm nhiệm. Tuỳ theo độ phức tạp của nội dung lao động và trình độ của viên chức, mà lãnh đạo các vụ, ban, văn phòng hoặc lãnh đạo các phòng có thể giao từ 2 đến 3 nội dung lao động cho một viên chức, hoặc chỉ có một nội dung lao động mà phải giao cho từ 2 đến 3 viên chức đảm nhiệm.
- Từng viên chức dựa trên nội dung lao động được giao mà tính ra khối lượng công việc phải làm và dự kiến thời gian hoàn thành từng khối lượng công việc đó.
- Các đồng chí lãnh đạo các bộ phận cấu thành của bộ máy dựa vào cơ cấu mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định mà điều hành.
Việc sắp xếp, giao nhiệm vụ theo đúng chức danh và việc chính thức công nhận chức danh đó đạt tiêu chuẩn nghiệp vụ là hai việc khác nhau. Việc sắp xếp, giao nhiệm vụ theo đúng chức danh là căn cứ vào yêu cầu và nội dung lao động cũng như trình độ và khả năng của cán bộ hiện có, cho nên nhất định sẽ có những viên chức đạt chức danh và tiêu chuẩn, nhưng cũng có những viên chức chưa đạt chức danh và tiêu chuẩn, hoặc cũng có những viên chức còn phải phấn đấu trong một thời gian nhất định để vươn lên đạt chức danh và tiêu chuẩn. Còn việc chính thức công nhận chức danh đạt tiêu chuẩn thì chỉ khi nào viên chức đó đã thực sự tổ chức làm việc tốt với nội dung công việc được giao đúng với tiêu chuẩn đã ban hành và được Hội đồng giám định chức danh đạt tiêu chuẩn xác nhận là viên chức đó đạt tiêu chuẩn nghiệp vụ, lúc đó mới đề nghị thủ trưởng đơn vị ra quyết định công nhận chức danh đạt tiêu chuẩn theo phân cấp quản lý cán bộ đã quy định.
Đơn vị nào sử dụng chưa đúng phải kịp thời sửa lại theo đúng quy định của Quyết định nói trên.
Để đạt được những kết quả trên đây là cả một việc làm khó khăn, phức tạp và mới mẻ về công tác chấn chỉnh tổ chức, chuyển đổi cơ chế quản lý, cải tiến lề lối làm việc, nếu đơn vị nào thấy có vấn đề gì chưa rõ thì báo cáo về Bộ để Bộ cử cán bộ xuống giúp đỡ hoặc hướng dẫn thêm.
Đặng Hồi Xuân (Đã ký) |
- 1Quyết định 227-HĐBT năm 1987 về việc sắp xếp lại tổ chức, tinh giản biên chế các cơ quan hành chính sự nghiệp do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 2Quyết định 61-LĐTBVXH/QĐ năm 1988 về bản danh mục số 2 các chức danh đầy đủ viên chức Ngành Y tế do Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành
- 3Chỉ thị 124-HĐBT năm 1983 về đẩy mạnh công tác xây dựng chức danh đầy đủ và tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức Nhà nước do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
Thông tư 12-BYT/TT-1988 hướng dẫn ứng dụng bản danh mục số II các chức danh đầy đủ của viên chức chuyên môn kỹ thuật nhóm 7 làm công tác nghiên cứu nghiệp vụ quản lý nhà nước ngành Y tế tại các đơn vị trực thuộc Bộ, các sở Y tỉnh thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương và Y tế các ngành do Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 12-BYT/TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 26/04/1988
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Đặng Hồi Xuân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 3 đến số 7
- Ngày hiệu lực: 11/05/1988
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định