Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12-BNN/TTKT/TT

Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 1984

THÔNG TƯ

CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP SỐ 12-BNN/TTKT/TT NGÀY 20 THÁNG 11 NĂM 1984 VỀ BIÊN CHẾ VÀ NHIỆM VỤ CỦA CÁN BỘ LÀM CÔNG TÁC PHÁP CHẾ VÀ HỢP ĐỒNG KINH TẾ Ở CÁC ĐƠN VỊ

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 5 của Đảng: "... Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa là một yêu cầu cấp thiết để nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, bảo đảm quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động..." và "Nâng cao vai trò của các hợp đồng kinh tế trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch, tăng cường trách nhiệm của các đơn vị kinh tế và người quản lý đối với các hợp đồng kinh tế đã ký...".

Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 (khoá 5) ngày 12 tháng 7 năm 1984... "Hai bên ký hợp đồng phải nghiêm chỉnh thực hiện hợp đồng; bên nào vi phạm thì phải bồi thường thiệt hại và chịu phạt... Thi hành nghiêm túc chế độ quyết toán thực hiện hợp đồng, nâng cao vai trò của trọng tài kinh tế trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế...". Nghị định số 143-HĐBT ngày 22 tháng 11 năm 1981 của Hội đồng Bộ trưởng tại điểm e, điều 3 đã quy định: "ở các sở chuyên môn, liên hiệp các Xí nghiệp, tổng công ty, xí nghiệp có cố vấn pháp luật".

Nghị định số 62-HĐBT ngày 17 tháng 4 năm 1984 của Hội đồng Bộ trưởng tại điểm 4, điều 7 đã quy định: "ở mỗi cơ quan quản lý và ở mỗi đơn vị kinh tế (xí nghiệp, liên hiệp các xí nghiệp, công ty, tổng công ty, sở...) đều có cán bộ làm công tác hợp đồng kinh tế để giúp thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện tốt chế độ hợp đồng kinh tế...".

Công tác pháp chế và hợp đồng kinh tế vừa qua tuy Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, chế độ, nhưng việc tổ chức thực hiện chưa đáp ứng với yêu cầu, một trong những nguyên nhân là nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa và tác dụng của công tác pháp chế và công tác hợp đồng kinh tế trong công tác quản lý kinh tế, nên chưa bố trí cán bộ giúp thủ trưởng về hai mặt công tác này. Để thi hành nghiêm túc nghị quyết, nghị định của Đảng và Nhà nước, khắc phục những thiếu sót vừa qua, Bộ hướng dẫn quy định:

1. Mỗi cơ quan quản lý sản xuất, kinh doanh như tổng cục trang bị kỹ thuật, tổng công ty vật tư nông nghiệp, liên hiệp các xí nghiệp, công ty, xí nghiệp liên hiệp, các Sở Nông nghiệp, tuỳ theo số lượng đơn vị trực thuộc nhiều hay ít để bố trí cán bộ chuyên trách, nên có từ 2 đến 3 cán bộ làm công tác pháp chế và cán bộ quản lý hợp đồng kinh tế, trong đó có một cán bộ phụ trách chung. Các đơn vị cơ sở (xí nghiệp, nông trường...) phải bố trí từ 1 đến 2 cán bộ. Các vụ, cục, viện, trường cần phân công một cán bộ phụ trách hành chính hoặc tổng hợp kiêm nhiệm làm công tác pháp chế.

Về mặt sinh hoạt có thể bố trí ghép với phòng kế hoạch vật tư, hành chính tổng hợp, hoặc thanh tra. Nhưng về từng mặt công tác nghiệp vụ nói trên phải do đồng chí thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo.

2. Cán bộ làm công tác trọng tài và pháp chế phải có kiến thức về kinh tế - kỹ thuật của ngành, có trình độ tổng hợp, am hiểu về nghiệp vụ (đã tốt nghiệp trung cấp, đại học, là đại học pháp lý càng tốt).

Đối với các đơn vị có biên chế thành một tổ (từ 2 đến 3 cán bộ) thì cán bộ phụ trách phải có trình độ tương đương là trưởng phòng.

3. Công tác pháp chế và công tác hợp đồng kinh tế có những nhiệm vụ sau đây:

a) Công tác pháp chế (tư vấn pháp luật).

1. Giúp thủ trưởng quản lý thống nhất việc dự thảo ban hành các văn bản pháp lý của đơn vị.

2. Tập hợp các luật pháp có liên quan đến đơn vị. Theo dõi việc chấp hành các pháp luật ở trong đơn vị.

3. Giúp thủ trưởng về mặt pháp lý các hoạt động của đơn vị. Dự thảo các văn bản pháp lý do thủ trưởng giao.

4. Có biện pháp giúp thủ trưởng ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật trong đơn vị, kiến nghị và áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm kỷ luật Nhà nước trong các hoạt động của đơn vị.

5. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong đơn vị.

6. Tư vấn về mặt pháp lý cho các đoàn thể quần chúng, thanh tra công nhân và cán bộ, công nhân viên hiểu biết và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.

7. Định kỳ (tháng, quý, năm) tổng kết tình hình công tác pháp chế trong đơn vị để báo cáo lên cấp trên quản lý.

b) Công tác hợp đồng kinh tế:

- Ở cơ quan quản lý (đơn vị cấp II).

1. Dự thảo chỉ thị cho thủ trưởng hướng dẫn việc ký kết và thực hiện hợp đồng trong năm kế hoạch cho các đơn vị cơ sở trực thuộc.

2. Dự thảo hợp đồng nguyên tắc hoặc tham gia ý kiến những bản hợp đồng của các cơ quan quản lý của các ngành gửi đến để thủ trưởng ký kết.

3. Theo dõi, hướng dẫn việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế, đôn đốc các đơn vị cơ sở trực thuộc ký kết và thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng và thanh lý hợp đồng đã ký.

4. Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế, ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế ở các đơn vị cơ sở trực thuộc.

5. Khi có những vướng mắc, tranh chấp của cơ sở trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế mà các cơ sở không tự giải quyết được, trao đổi với các phòng chức năng để dự thảo văn bản hướng dẫn trả lời, nếu vượt quyền hạn thì viết báo cáo để thủ trưởng thỉnh thị Bộ.

6. Tuyên truyền phổ biến chế độ hợp đồng kinh tế ở các đơn vị trực thuộc.

7. Sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm công tác hợp đồng kinh tế trong đơn vị.

8. Định kỳ (tháng, quý, năm) đôn đốc các đơn vị cơ sở báo cáo; đồng thời tổng hợp tình hình chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế báo cáo lên Bộ.

Khi cấp trên hoặc cơ quan trọng tài kinh tế tiến hành kiểm tra, thanh tra việc ký kết hợp đồng kinh tế thì chuẩn bị tài liệu, tình hình để thủ trưởng làm việc.

- Ở đơn vị cơ sở (cấp III):

1. Cùng với các phòng chức năng dự thảo các hợp đồng kinh tế hoặc nghiên cứu tham gia ý kiến vào các bản dự thảo hợp đồng kinh tế của các đơn vị bạn gửi đến để dự thảo những điểm kiến nghị bổ sung, sửa đổi vào bản dự thảo hợp đồng.

2. Theo dõi đôn đốc việc ký kết hợp đồng kinh tế và thực hiện nghiêm túc hợp đồng kinh tế đã ký.

3. Trong khi ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế nếu xảy ra vi phạm hoặc tranh chấp, chuẩn bị tài liệu để thủ trưởng tiến hành hiệp thương với đơn vị bạn để giải quyết. Trường hợp vượt quá quyền hạn của đơn vị thì dự thảo văn bản thỉnh thị cấp quản lý trực tiếp. Trường hợp đã qua hiệp thương và ý kiến giải quyết của cấp trên mà hai bên vẫn không nhất trí thì chuẩn bị hồ sơ khiếu nại để gửi đến cơ quan trọng tài kinh tế có thẩm quyền. Trường hợp đơn vị mình bị khiếu nại cũng chuẩn bị đầy đủ tài liệu để thủ trưởng trình bày trước cơ quan trọng tài kinh tế. Khi có quyết định xử lý của cơ quan trọng tài kinh tế thì theo dõi, đôn đốc việc thực hiện quyết định.

4. Khi cấp trên hoặc cơ quan trọng tài kinh tế tiến hành kiểm tra, thanh tra việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế thì chuẩn bị tài liệu, số liệu cụ thể để thủ trưởng làm việc.

5. Tuyên truyền phổ biến chế độ hợp đồng kinh tế trong đơn vị.

6. Định kỳ (tháng, quý, năm) tổng hợp tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế báo cáo lên thủ trưởng cấp trực tiếp quản lý (đồng gửi cho trọng tài kinh tế Bộ một bản).

Thủ trưởng các đơn vị nghiên cứu và tổ chức thi hành tốt các nghị định của Hội đồng Bộ trưởng và thông tư này của Bộ. Sở Nông nghiệp liên hệ với Sở Tư pháp và Trọng tài kinh tế tỉnh để hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện.

Nguyễn Ngọc Trìu

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 12-BNN/TTKT/TT-1984 về biên chế và nhiệm vụ của cán bộ làm công tác pháp chế và hợp đồng kinh tế ở các đơn vị do Bộ Nông nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 12-BNN/TTKT/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 20/11/1984
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Trìu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 21
  • Ngày hiệu lực: 05/12/1984
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản