Chương 2 Thông tư 12/2015/TT-BKHCN quy định về phân tích an toàn đối với nhà máy điện hạt nhân do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
YÊU CẦU CHUNG ĐỐI VỚI CÁC PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH AN TOÀN NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN
Điều 4. Phạm vi áp dụng phân tích an toàn
1. Phân tích an toàn NMĐHN phải được tiến hành theo cả hai phương pháp phân tích an toàn tất định và phân tích an toàn xác suất, nhằm đánh giá mức độ an toàn nhà máy ứng với các trạng thái và chế độ vận hành khác nhau.
2. Phân tích an toàn NMĐHN phải được thực hiện ở tất cả các trạng thái, bao gồm vận hành bình thường, trạng thái bất thường, sự cố trong cơ sở thiết kế, sự cố ngoài cơ sở thiết kế và sự cố nghiêm trọng.
3. Phân tích an toàn NMĐHN phải xác định tần suất xảy ra sự kiện khởi phát giả định, thông số vật lý và thủy nhiệt của các hệ thống quan trọng về an toàn, tình trạng của các lớp rào chắn vật lý và hậu quả rò rỉ phóng xạ ra môi trường.
4. Phân tích an toàn phải bao gồm các sự kiện phát sinh từ các nguy cơ bên trong, nguy cơ bên ngoài và quá trình có thể gây hư hỏng các lớp giam giữ chất phóng xạ hoặc làm tăng rủi ro rò rỉ phóng xạ ra môi trường. Các nguy cơ bên ngoài có tần suất xảy ra thấp nhưng có thể dẫn tới nóng chảy vùng hoạt phải được tính đến trong phân tích sự cố nghiêm trọng.
5. Lựa chọn phân tích sự kiện và các diễn biến tiếp theo phải dựa trên cơ sở phương pháp tiếp cận có tính hệ thống và logic. Phải cung cấp đầy đủ luận chứng cho việc xác định tất cả các kịch bản sự cố liên quan tới an toàn.
6. Yêu cầu cụ thể đối với phạm vi thực hiện phân tích an toàn xác suất, bao gồm:
a) Thực hiện phân tích an toàn xác suất mức 1 nhằm xác định tần suất xảy ra các sự kiện có thể dẫn tới nóng chảy vùng hoạt; ước lượng tần suất nóng chảy vùng hoạt; đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của các hệ thống an toàn và quy trình vận hành nhằm ngăn ngừa nóng chảy vùng hoạt;
b) Thực hiện phân tích an toàn xác suất mức 2 nhằm xác định con đường có khả năng phát thải chất phóng xạ trong sự cố nghiêm trọng, ước tính mức độ và tần suất xảy ra phát thải; đánh giá mức độ đầy đủ của các biện pháp ngăn ngừa và giảm thiểu phát tán phóng xạ ra ngoài môi trường;
c) Thực hiện phân tích cho lò phản ứng, bể chứa nhiên liệu tại tất cả các chế độ vận hành và trạng thái NMĐHN;
d) Phân tích sự kiện khởi phát bao gồm sự kiện bên trong nhà máy, lỗi do con người, các nguy cơ bên trong và bên ngoài.
7. Phạm vi, mức độ chi tiết của phân tích an toàn phải tương ứng với mức độ hậu quả bức xạ và tần suất xảy ra sự kiện.
Điều 5. Phân tích an toàn trong thiết kế NMĐHN
1. Xác định cơ sở thiết kế cho các hạng mục quan trọng về an toàn; vai trò của chúng trong việc giảm thiểu các sự kiện khởi phát giả định cũng như trong chuỗi sự kiện.
2. Phân tích an toàn phải chứng minh được thiết kế đã đáp ứng đủ mức độ bảo vệ theo chiều sâu.
3. Phân tích an toàn phải luận chứng được việc áp dụng các giả định, phương pháp, độ bất định và mức độ bảo thủ trong thiết kế.
4. Áp dụng chương trình bảo đảm chất lượng phù hợp trong thực hiện phân tích an toàn.
Điều 6. Kết quả của phân tích an toàn tất định và an toàn xác suất
1. Kết quả của phân tích an toàn tất định bao gồm việc so sánh các kết quả phân tích với tiêu chí chấp nhận được quy định tại Chương III của Thông tư này và các nội dung sau đây:
a) Khẳng định sự phù hợp của cơ sở thiết kế cho tất cả các hạng mục quan trọng về an toàn; sự phù hợp của giới hạn, điều kiện vận hành và các hành động cần thiết của nhân viên vận hành;
b) Khẳng định các sự kiện khởi phát giả định là phù hợp với đặc điểm của địa điểm và thiết kế NMĐHN;
c) Luận chứng việc quản lý các trạng thái bất thường và sự cố trong cơ sở thiết kế nhờ kích hoạt hệ thống an toàn là phù hợp với các tiêu chí chấp nhận;
d) Luận chứng việc quản lý các sự cố ngoài thiết kế nhờ sử dụng các tính năng an toàn mà không bị ảnh hưởng bởi chuỗi sự cố là phù hợp với tiêu chí chấp nhận.
2. Kết quả của phân tích an toàn xác suất bao gồm việc so sánh kết quả phân tích với các tiêu chí chấp nhận được quy định tại Chương III của Thông tư này và các nội dung sau đây:
a) Luận chứng không có sự kiện khởi phát giả định đóng góp quá lớn tới tổng thể rủi ro hoặc đóng góp đáng kể tới độ bất định của kết quả phân tích;
b) Luận chứng việc các lớp bảo vệ theo chiều sâu phải độc lập tối đa ở mức có thể đạt được trong thực tế;
c) Luận chứng việc ngăn ngừa hiệu ứng thăng giáng đột ngột ảnh hưởng đến an toàn do biến động của thông số đầu vào.
Điều 7. Yêu cầu riêng đối với phân tích an toàn tất định
1. Khi thực hiện phân tích an toàn tất định phải bảo đảm đủ độ dự trữ an toàn giữa giá trị tính toán của các thông số quan trọng và giá trị ngưỡng dẫn tới phát thải phóng xạ ngay cả trong trường hợp sử dụng phương pháp ước lượng tốt nhất.
2. Phân tích an toàn tất định cho mục đích thiết kế phải bảo đảm tính bảo thủ trong đó có tính tới độ bất định của mô hình một cách hợp lý, trừ trường hợp phân tích sự cố ngoài cơ sở thiết kế.
3. Việc lựa chọn dữ liệu tính toán và các giả định phải tính tới độ bất định của các yếu tố sau:
a) Điều kiện vận hành ban đầu của nhà máy;
b) Khả năng vận hành của các hệ thống an toàn;
c) Thao tác của nhân viên vận hành;
d) Sự sẵn sàng của điện lưới để có thể khởi động các hệ thống an toàn.
4. Khi phân tích mỗi sự kiện, phải thực hiện các quy định sau:
a) Xác định các tiêu chí chấp nhận liên quan và các thông số vật lý giới hạn;
b) Lựa chọn điều kiện ban đầu và điều kiện biên theo hướng bảo thủ tương ứng cho từng tiêu chí chấp nhận. Phải thực hiện phân tích độ nhạy để luận chứng việc lựa chọn này khi cần thiết;
c) Đối với các hệ thống và thiết bị của nhà máy không được thiết kế để vận hành ở các trạng thái nhất định thì phải giả định là chúng bị hỏng hoặc chúng được vận hành theo cách làm cho sự kiện khởi phát trầm trọng hơn, trừ khi có thể chứng minh khả năng vận hành của chúng đạt độ tin cậy cao;
d) Khi phân tích sự cố trong cơ sở thiết kế, phải giả định xảy ra sai hỏng đơn nghiêm trọng nhất trong vận hành hệ thống an toàn.
Điều 8. Phân tích độ bất định và phân tích độ nhạy
1. Kết quả phân tích an toàn phải bao gồm kết quả phân tích độ bất định và kết quả phân tích độ nhạy.
2. Độ bất định phải được định lượng và luận giải rõ phương pháp xử lý, có tính đến nguồn gốc, bản chất của các yếu tố bất định.
Điều 9. Chương trình tính toán trong phân tích an toàn
1. Ưu tiên sử dụng chương trình tính toán ước lượng tốt nhất với khả năng mô phỏng thực nhất các hiện tượng quan trọng và hoạt động của các hệ thống trong nhà máy.
2. Phương pháp tính toán, chương trình tính toán và mô hình tính toán trong phân tích an toàn phải được kiểm chứng và xác thực.
Điều 10. Sử dụng kinh nghiệm vận hành trong phân tích an toàn
1. Thu thập và đánh giá dữ liệu về hoạt động vận hành có khả năng sử dụng cho phân tích an toàn, bao gồm cả việc xem xét trạng thái bất thường và sự cố đã xảy ra trong quá trình vận hành tại các NMĐHN tương tự.
2. Dữ liệu về kinh nghiệm vận hành bao gồm:
a) Hồ sơ các trạng thái bất thường và sự cố xảy ra trong quá trình vận hành;
b) Lỗi do nhân viên vận hành;
c) Hoạt động của hệ thống an toàn;
d) Độ tin cậy của các hạng mục quan trọng về an toàn;
đ) Liều bức xạ;
e) Việc sinh ra chất thải phóng xạ.
3. Trong suốt thời gian hoạt động của NMĐHN, phải thu thập dữ liệu trên cơ sở các chỉ số chất lượng an toàn của nhà máy. Phải sử dụng dữ liệu về kinh nghiệm vận hành một cách phù hợp, cùng với việc sử dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong phương pháp phân tích an toàn và các kết quả nghiên cứu liên quan nhằm cập nhật kết quả phân tích an toàn và đánh giá hệ thống quản lý.
Thông tư 12/2015/TT-BKHCN quy định về phân tích an toàn đối với nhà máy điện hạt nhân do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
- Số hiệu: 12/2015/TT-BKHCN
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 20/07/2015
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Trần Việt Thanh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 949 đến số 950
- Ngày hiệu lực: 05/09/2015
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 4. Phạm vi áp dụng phân tích an toàn
- Điều 5. Phân tích an toàn trong thiết kế NMĐHN
- Điều 6. Kết quả của phân tích an toàn tất định và an toàn xác suất
- Điều 7. Yêu cầu riêng đối với phân tích an toàn tất định
- Điều 8. Phân tích độ bất định và phân tích độ nhạy
- Điều 9. Chương trình tính toán trong phân tích an toàn
- Điều 10. Sử dụng kinh nghiệm vận hành trong phân tích an toàn
- Điều 11. Yêu cầu về việc thiết lập tiêu chí chấp nhận
- Điều 12. Tiêu chí chấp nhận đối với phân tích an toàn tất định về hậu quả của phát tán phóng xạ
- Điều 13. Tiêu chí chấp nhận chung đối với phân tích an toàn tất định
- Điều 14. Tiêu chí chấp nhận cụ thể đối với phân tích an toàn tất định
- Điều 15. Tiêu chí chấp nhận đối với phân tích an toàn xác suất