Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2015/TT-BCA

Hà Nội, ngày 02 tháng 3 năm 2015

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT TỐ CÁO TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật Tố cáo năm 2011;

Căn cứ Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo năm 2011;

Căn cứ Nghị định số 91/2013/NĐ-CP ngày 12/8/2013 của Chính phủ Quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân;

Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17/11/2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định quy trình giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định quy trình giải quyết tố cáo, giải quyết lại tố cáo trong Công an nhân dân, bao gồm việc thụ lý, xác minh, kết luận nội dung tố cáo; việc xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo và việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan, đơn vị Công an các cấp, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết tố cáo, người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo trong Công an nhân dân

2. Người tố cáo; cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo (sau đây gọi chung là người bị tố cáo); cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến nội dung tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an các cấp.

Điều 3. Nguyên tắc giải quyết tố cáo

1. Việc giải quyết tố cáo phải đảm bảo kịp thời, chính xác, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định của pháp luật; bảo đảm an toàn cho người tố cáo; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tập thể, cơ quan, đơn vị, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.

2. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, người giải quyết tố cáo, cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao xác minh nội dung tố cáo phải áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền hoặc báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền để áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo khi có yêu cầu, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm pháp luật.

Điều 4. Áp dụng pháp luật

1. Việc giải quyết tố cáo thông qua hoạt động của Đoàn thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra và các quy định khác có liên quan.

2. Việc giải quyết tố cáo cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân vi phạm phẩm chất đạo đức, quy tắc ứng xử, tiêu chuẩn cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân và các quy định khác của Bộ Công an thực hiện theo Thông tư này.

3. Biểu mẫu sử dụng trong giải quyết tố cáo quy định tại Thông tư này được sử dụng theo biểu mẫu của Bộ Công an quy định.

Điều 5. Giải quyết tố cáo có nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay

1. Việc giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự có nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay thực hiện theo quy định tại Điều 33 của Luật Tố cáo; không áp dụng trình tự, thủ tục giải quyết theo quy trình tại Thông tư này.

2. Việc công khai kết quả giải quyết tố cáo thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định 91/2013/NĐ-CP ngày 12/8/2013 của Chính phủ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân.

Điều 6. Xử lý tố cáo trong trường hợp người tố cáo rút tố cáo

1. Trong trường hợp người tố cáo xin rút nội dung tố cáo và xét thấy việc rút tố cáo là có căn cứ thì người giải quyết tố cáo ra quyết định đình chỉ không xem xét, giải quyết nội dung tố cáo đó. Việc rút tố cáo trong trường hợp trên chỉ được xem xét ở thời điểm trước khi có quyết định thụ lý giải quyết tố cáo của người có thẩm quyền. Nếu xét thấy hành vi vi phạm pháp luật vẫn chưa được phát hiện và xử lý thì người giải quyết tố cáo vẫn phải xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

2. Trong trường hợp có căn cứ cho rằng việc rút tố cáo do người tố cáo bị đe dọa, ép buộc thì người giải quyết tố cáo phải áp dụng các biện pháp bảo vệ để bảo vệ người tố cáo, xử lý nghiêm đối với người đe dọa, ép buộc người tố cáo, đồng thời phải xem xét, giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp người tố cáo xin rút nội dung tố cáo nhằm che giấu hành vi vi phạm pháp luật, trốn tránh trách nhiệm hoặc vì vụ lợi thì người giải quyết tố cáo vẫn phải tiến hành xem xét, giải quyết tố cáo; đồng thời phải xem xét xử lý hành vi rút tố cáo của người tố cáo tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Tiếp nhận, xử lý tố cáo tiếp và giải quyết lại tố cáo

1. Tiếp nhận xử lý tố cáo tiếp

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được tố cáo tiếp, người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người có trách nhiệm giải quyết tố cáo xem xét, xử lý như sau:

a) Trong trường hợp đã quá thời hạn giải quyết tố cáo mà vụ việc chưa được giải quyết hoặc có nội dung tố cáo chưa được giải quyết thì yêu cầu người có trách nhiệm giải quyết tố cáo phải giải quyết, đồng thời yêu cầu báo cáo rõ lý do về việc chưa giải quyết tố cáo.

b) Đối với tố cáo đã được giải quyết đúng pháp luật nhưng có tình tiết mới chưa được phát hiện trong quá trình giải quyết tố cáo có thể làm thay đổi kết quả giải quyết tố cáo thì yêu cầu người đã giải quyết tố cáo phải tiếp tục giải quyết tố cáo đó theo thẩm quyền.

c) Trường hợp tố cáo tiếp nhưng không có tình tiết mới, không phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thì không thụ lý giải quyết, đồng thời thông báo bằng văn bản cho người tố cáo, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư này.

2. Dấu hiệu vi phạm pháp luật để thụ lý, giải quyết lại tố cáo

Khi phát hiện thấy một trong những dấu hiệu vi phạm pháp luật sau đây thì phải thụ lý giải quyết lại tố cáo:

a) Có vi phạm pháp luật nghiêm trọng về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo có thể làm thay đổi kết quả giải quyết tố cáo;

b) Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận nội dung tố cáo;

c) Kết luận nội dung tố cáo không phù hợp với những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được;

d) Việc xử lý cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo và các tổ chức, cá nhân liên quan không phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật đã được kết luận;

đ) Có bằng chứng về việc người giải quyết tố cáo hoặc người tiếp nhận tố cáo, người xác minh nội dung tố cáo đã làm sai lệch hồ sơ vụ việc;

e) Có dấu hiệu vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo nhưng chưa bị phát hiện.

3. Việc tiếp nhận, xử lý tố cáo tiếp và giải quyết lại tố cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo và quy trình quy định tại Thông tư này.

Chương II

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TỐ CÁO

Điều 8. Tiếp nhận tố cáo, kiểm tra điều kiện thụ lý tố cáo

1. Sau khi nhận được tố cáo thuộc thẩm quyền của mình thì người giải quyết tố cáo phải tổ chức kiểm tra, xác minh về họ tên, địa chỉ người tố cáo và các nội dung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 Luật Tố cáo để quyết định thụ lý hay không thụ lý giải quyết.

2. Đối với tố cáo thuộc các trường hợp không thụ lý giải quyết được quy định tại khoản 2 Điều 20 của Luật Tố cáo thì người giải quyết tố cáo thông báo bằng văn bản cho người tố cáo về việc không thụ lý giải quyết tố cáo theo mẫu quy định.

3. Đối với tố cáo đủ điều kiện để thụ lý giải quyết thì đơn vị chức năng hoặc người đã kiểm tra, xác minh các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này báo cáo, đề xuất trình người giải quyết tố cáo xem xét, quyết định việc thụ lý giải quyết tố cáo.

4. Đối với tố cáo tiếp thuộc trường hợp không giải quyết lại được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 27 Luật Tố cáo thì người giải quyết tố cáo thông báo bằng văn bản cho người tố cáo, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan biết về việc không thụ lý giải quyết tố cáo tiếp và đề nghị chấm dứt việc tố cáo.

5. Trong trường hợp nhiều người cùng tố cáo bằng đơn thì yêu cầu phải cử người đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định 76/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo năm 2011; việc kiểm tra họ tên, địa chỉ người tố cáo, liên hệ với người tố cáo, gửi thông báo thụ lý tố cáo, thông báo kết quả giải quyết tố cáo được thực hiện với người đại diện của người tố cáo.

6. Không thụ lý giải quyết đối với đơn tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ và không có chữ ký hoặc không có điểm chỉ trực tiếp của người tố cáo.

7. Trường hợp nội dung tố cáo trong đơn không ghi họ tên, địa chỉ, không có chữ ký hoặc không có điểm chỉ trực tiếp của người tố cáo nhưng có nội dung tố cáo cụ thể, rõ ràng có đủ cơ sở để kiểm tra hoặc xác minh, kết luận thì giao cho cơ quan thanh tra hoặc cơ quan chức năng khác tiến hành thanh tra hành chính đột xuất theo quy định tại Điều 37 của Luật Thanh tra.

8. Khi cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo không đồng ý với kết luận nội dung tố cáo và cung cấp thông tin tài liệu, bằng chứng về việc giải quyết tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người đã kết luận nội dung tố cáo giao cho cơ quan thanh tra hoặc cơ quan chức năng cùng cấp xem xét, kiểm tra lại theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này; trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo không đồng ý nhưng không có tài liệu, bằng chứng gì mới thì không thụ lý giải quyết. Việc không thụ lý giải quyết được thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan biết.

Điều 9. Ban hành quyết định thụ lý giải quyết tố cáo và xác minh, kết luận nội dung tố cáo

1. Người giải quyết tố cáo phải ban hành quyết định thụ lý giải quyết tố cáo (sau đây gọi tắt là quyết định thụ lý). Việc thay đổi, bổ sung nội dung quyết định thụ lý phải thực hiện bằng quyết định của người giải quyết tố cáo.

2. Trong trường hợp người giải quyết tố cáo trực tiếp tiến hành xác minh thì trong quyết định thụ lý phải thành lập Đoàn xác minh tố cáo hoặc Tổ xác minh tố cáo (sau đây gọi chung là Tổ xác minh) có từ hai người trở lên, trong đó giao cho một người là Trưởng đoàn xác minh hoặc Tổ trưởng Tổ xác minh (sau đây gọi chung là Tổ trưởng Tổ xác minh). Quyết định thụ lý và thành lập Tổ xác minh phải ghi rõ tên cơ quan, tổ chức, đơn vị bị tố cáo; họ tên, chức vụ, chức danh, địa chỉ của cá nhân bị tố cáo; họ tên, chức vụ, chức danh của từng người trong Tổ xác minh; nội dung cần xác minh; thời hạn xác minh; quyền hạn, trách nhiệm của Tổ xác minh. Quyết định thụ lý và thành lập Tổ xác minh thực hiện theo mẫu quy định.

3. Trong trường hợp người giải quyết tố cáo giao nhiệm vụ cho cơ quan thanh tra cùng cấp hoặc cơ quan chức năng khác tiến hành xác minh nội dung tố cáo thì trong quyết định thụ lý phải ghi rõ cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ xác minh; cơ quan, tổ chức, đơn vị bị tố cáo; họ tên, địa chỉ của người bị tố cáo; nội dung cần xác minh; thời hạn xác minh. Thủ trưởng cơ quan thanh tra hoặc cơ quan chức năng khác được giao xác minh nội dung tố cáo có trách nhiệm thành lập Tổ xác minh theo Khoản 2 Điều này. Quyết định thành lập Tổ xác minh thực hiện theo mẫu quy định.

4. Người giải quyết tố cáo phải thông báo bằng văn bản cho người tố cáo về việc thụ lý tố cáo và các nội dung tố cáo được thụ lý theo mẫu quy định.

Điều 10. Lập hồ sơ giải quyết tố cáo và nhật ký Tổ xác minh

1. Ngay sau khi có quyết định thụ lý giải quyết tố cáo, Tổ trưởng Tổ xác minh có trách nhiệm lập hồ sơ giải quyết tố cáo, trình người giải quyết tố cáo hoặc Thủ trưởng cơ quan thanh tra, cơ quan chức năng được giao xác minh nội dung tố cáo ký quyết định lập hồ sơ giải quyết tố cáo theo quy định của Bộ về hướng dẫn công tác hồ sơ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Công an nhân dân.

2. Tổ trưởng Tổ xác minh có trách nhiệm lập sổ nhật ký Tổ xác minh và ghi chép đầy đủ những hoạt động của Tổ xác minh trong quá trình giải quyết tố cáo.

Điều 11. Lập kế hoạch xác minh nội dung tố cáo

1. Kế hoạch xác minh nội dung tố cáo do Tổ trưởng Tổ xác minh lập và trình người ra quyết định thành lập Tổ xác minh phê duyệt.

2. Kế hoạch xác minh nội dung tố cáo gồm:

a) Căn cứ quyết định xác minh của người có thẩm quyền để tiến hành xác minh;

b) Mục đích, yêu cầu của việc xác minh;

c) Nội dung xác minh: Xác định cụ thể từng nội dung tố cáo phải xác minh làm rõ; biện pháp và các bước tiến hành xác minh từng nội dung tố cáo phải chi tiết, cụ thể, phải xác định xem việc gì cần làm trước, việc gì làm sau để đạt hiệu quả tốt nhất;

d) Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân cần phải làm việc để thu thập, xác minh các thông tin, tài liệu, bằng chứng; dự kiến thời gian thực hiện từng công việc;

đ) Phối hợp lực lượng xác minh (nếu có);

e) Các điều kiện, phương tiện cần thiết phục vụ cho việc xác minh;

g) Việc báo cáo tiến độ thực hiện;

h) Các nội dung khác có liên quan đến việc giải quyết tố cáo.

3. Họp Tổ xác minh để thống nhất và triển khai kế hoạch xác minh, phân công các thành viên thực hiện những nhiệm vụ sau:

a) Chuẩn bị kế hoạch thu thập tài liệu, hồ sơ có liên quan;

b) Chuẩn bị nội dung và kế hoạch làm việc với người tố cáo;

c) Chuẩn bị nội dung và kế hoạch làm việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo; chuẩn bị nội dung bằng văn bản để Tổ trưởng Tổ xác minh ký yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo giải trình;

d) Chuẩn bị nội dung làm việc với đối tượng có liên quan đến nội dung tố cáo;

đ) Tổ trưởng Tổ xác minh phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Tổ xác minh;

Việc họp Tổ xác minh phải được lập thành biên bản để lưu hồ sơ hoặc ghi vào sổ nhật ký Tổ xác minh.

Điều 12. Công bố quyết định thụ lý giải quyết tố cáo hoặc quyết định xác minh nội dung tố cáo

1. Tổ xác minh phải tổ chức công bố Quyết định thụ lý hoặc Quyết định xác minh nội dung tố cáo; thành phần dự công bố gồm:

a) Đại diện cơ quan thanh tra, cơ quan chức năng được giao xác minh nội dung tố cáo; Tổ xác minh nội dung tố cáo;

b) Tập thể lãnh đạo đối với trường hợp đối tượng bị tố cáo là cơ quan, tổ chức, đơn vị;

c) Đối với người bị tố cáo là Đảng ủy viên, lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị thì thành phần gồm: Tập thể Thường vụ hoặc Đảng ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị người bị tố cáo và đại diện các đoàn thể (nếu có);

d) Đối với người bị tố cáo là cán bộ không giữ chức vụ thì thành phần tham dự gồm: Lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị của người bị tố cáo, đại diện các đoàn thể (nếu có) và người bị tố cáo.

2. Nội dung công bố:

a) Tổ trưởng Tổ xác minh công bố Quyết định thụ lý hoặc Quyết định xác minh;

b) Nêu các yêu cầu về cung cấp hồ sơ, tài liệu, nội dung giải trình của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo; thông báo lịch làm việc của Tổ xác minh.

3. Việc công bố Quyết định thụ lý hoặc Quyết định xác minh nội dung tố cáo được lập thành biên bản có chữ ký của Tổ trưởng Tổ xác minh, đại diện của cơ quan, đơn vị của người bị tố cáo và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo. Biên bản được lập ba bản, giao một bản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo, người đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị bị tố cáo và lưu trong hồ sơ giải quyết tố cáo.

4. Đối với người bị tố cáo thuộc diện quản lý của cấp ủy địa phương, trong trường hợp cần thiết, người giải quyết tố cáo hoặc Thủ trưởng cơ quan thanh tra hoặc cơ quan chức năng khác được giao xác minh tố cáo đề nghị cấp ủy địa phương đó cử cán bộ Ủy ban kiểm tra Đảng tham gia Tổ xác minh.

Điều 13. Thu thập, xử lý thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung tố cáo

1. Việc thu thập thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung tố cáo phải căn cứ vào kế hoạch xác minh đã được phê duyệt, yêu cầu của việc giải quyết tố cáo. Khi tiếp nhận thông tin, tài liệu, bằng chứng do người tố cáo, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp trực tiếp thì Tổ xác minh phải lập biên bản giao nhận.

2. Các thông tin, tài liệu, bằng chứng được thu thập trực tiếp phải thể hiện rõ nguồn gốc. Khi thu thập bản sao, Tổ xác minh phải đối chiếu với bản chính; nếu không có bản chính thì phải ghi rõ trong biên bản giao nhận. Các thông tin, tài liệu, bằng chứng do cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân cung cấp phải có xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân cung cấp. Trong trường hợp tài liệu cũ nát, không nguyên vẹn thì phải mô tả rõ tình trạng tài liệu trong biên bản giao nhận.

3. Tổ xác minh phải kiểm tra tính xác thực của thông tin, tài liệu, bằng chứng đã thu thập được, chú trọng những thông tin, tài liệu, bằng chứng do người tố cáo cung cấp để tố cáo hành vi vi phạm và thông tin, tài liệu, bằng chứng do cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo cung cấp để giải trình, chứng minh tính đúng, sai của nội dung tố cáo.

4. Tổ xác minh phải đánh giá về giá trị chứng minh của những thông tin, tài liệu, bằng chứng đã thu thập trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật, các nguyên tắc trong giải quyết tố cáo. Thông tin, tài liệu, bằng chứng sử dụng làm chứng cứ để kết luận nội dung tố cáo phải rõ nguồn gốc, đảm bảo tính khách quan, tính liên quan, tính hợp pháp.

5. Các thông tin, tài liệu bằng chứng thu thập được trong quá trình giải quyết tố cáo phải được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng quy định; chỉ cung cấp hoặc công bố khi người có thẩm quyền cho phép.

Điều 14. Tiến hành xác minh

1. Làm việc với người tố cáo

a) Tổ xác minh phải làm việc trực tiếp với người tố cáo; yêu cầu người tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng để làm rõ nội dung tố cáo.

b) Trong trường hợp không làm việc trực tiếp được với người tố cáo vì lý do khách quan thì người ra quyết định thành lập Tổ xác minh hoặc Tổ trưởng Tổ xác minh có văn bản yêu cầu người tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng để làm rõ nội dung tố cáo.

2. Làm việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo

a) Tổ xác minh phải làm việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo; yêu cầu người bị tố cáo giải trình bằng văn bản về những nội dung bị tố cáo, cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung tố cáo, nội dung giải trình.

b) Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo giải trình chưa rõ; thông tin, tài liệu, bằng chứng do người bị tố cáo cung cấp chưa đầy đủ thì Tổ xác minh yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo tiếp tục giải trình, cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng về các vấn đề chưa rõ.

3. Làm việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan

a) Người ra quyết định thành lập Tổ xác minh hoặc Tổ trưởng Tổ xác minh yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung tố cáo. Việc yêu cầu thực hiện bằng văn bản.

b) Trong trường hợp cần thiết, Tổ xác minh trực tiếp làm việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan để thu thập thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan nội dung tố cáo và yêu cầu báo cáo, giải trình bằng văn bản.

4. Nguyên tắc làm việc

Khi tiến hành làm việc với người tố cáo, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan, người chủ trì làm việc phải lập thành biên bản, có chữ ký của người tố cáo, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan và giao một bản cho người tố cáo, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo, cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan (nếu có yêu cầu).

5. Căn cứ kế hoạch xác minh, tình tiết vụ việc hoặc chỉ đạo của người ra quyết định thành lập Tổ xác minh, Tổ xác minh tiến hành xác minh thực tế ở những địa điểm cần thiết để thu thập, kiểm tra, xác định tính chính xác, hợp pháp của các thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan nội dung tố cáo. Quá trình xác minh nếu xét thấy cần thiết Tổ xác minh có thể công khai sử dụng các phương tiện kỹ thuật như: Máy ghi âm, ghi hình để hỗ trợ việc xác minh; trưng cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định khi xét thấy cần có sự đánh giá về nội dung liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận nội dung tố cáo, xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.

Điều 15. Gia hạn giải quyết tố cáo

Trong trường hợp cần thiết, Tổ trưởng Tổ xác minh báo cáo người giải quyết tố cáo hoặc Thủ trưởng cơ quan thanh tra, cơ quan chức năng được giao xác minh kết luận nội dung tố cáo quyết định việc gia hạn thời hạn giải quyết tố cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 21 của Luật Tố cáo. Quyết định gia hạn thực hiện theo mẫu quy định.

Điều 16. Dự thảo báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo

1. Trước khi dự thảo báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo, Tổ xác minh phải tổ chức họp để đánh giá, đối chiếu về những thông tin, tài liệu, bằng chứng đã thu thập được trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật với những nội dung tố cáo; dự thảo báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo phải báo cáo người ra quyết định thành lập Tổ xác minh biết để chỉ đạo tiếp. Dự thảo báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo phải được các thành viên trong Tổ xác minh thảo luận, đóng góp ý kiến.

2. Báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo gồm các nội dung sau:

a) Nội dung tố cáo và kết quả xác minh của Tổ xác minh;

b) Tài liệu, bằng chứng để chứng minh tính đúng, sai của nội dung tố cáo; cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo;

c) Nhận xét đánh giá về hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; thiệt hại về vật chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật gây ra; đối tượng bị thiệt hại; nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Nội dung tố cáo đúng, đúng một phần hoặc tố cáo sai;

d) Kiến nghị với người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành vi vi phạm pháp luật và buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.

Báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo thực hiện theo mẫu quy định.

3. Tổ xác minh họp để thống nhất dự thảo báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo và báo cáo Thủ trưởng có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Trường hợp các thành viên có ý kiến khác nhau nhưng không ảnh hưởng đến bản chất của việc kết luận thì Tổ trưởng Tổ xác minh quyết định và chịu trách nhiệm. Trường hợp các ý kiến trái nhau, ảnh hưởng đến việc kết luận thì phải báo cáo xin ý kiến người ra quyết định thành lập Tổ xác minh, người giải quyết tố cáo. Trường hợp vụ việc phức tạp, cần thiết phải tham khảo ý kiến tư vấn của các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý cấp trên hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác có liên quan thì người ra quyết định thành lập Tổ xác minh hoặc người giải quyết tố cáo quyết định.

Nội dung họp Tổ xác minh phải được lập thành biên bản; biên bản phải ghi đầy đủ, cụ thể ý kiến tham gia của từng thành viên; những nội dung không đồng ý phải ghi rõ lý do, nguyên nhân không đồng ý và hướng giải quyết tiếp theo của việc không đồng ý đó.

Điều 17. Thông báo dự thảo báo cáo kết quả xác minh và hoàn chỉnh báo cáo chính thức

1. Tổ xác minh làm việc riêng với người tố cáo, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo để thông báo từng nội dung tố cáo và kết quả xác minh để họ nêu ý kiến của mình. Nếu người tố cáo, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo chưa nhất trí thì yêu cầu nêu rõ lý do và cung cấp tài liệu chứng cứ để chứng minh; nếu người tố cáo, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo không cung cấp được tài liệu gì mới thì Tổ xác minh kết luận theo tài liệu đã xác minh và chịu trách nhiệm về kết luận của mình; nếu có tài liệu mới cần xác minh thì Tổ trưởng xác minh phải báo cáo người ra quyết định xác minh quyết định việc xác minh để làm rõ.

Nội dung làm việc với người tố cáo, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo phải được lập thành biên bản, trường hợp có nhiều nội dung tố cáo thì phải nêu từng nội dung để họ có ý kiến và ký xác nhận vào từng nội dung. Trong trường hợp người tố cáo không yêu cầu phải giữ bí mật, ý kiến của người tố cáo và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo có mâu thuẫn thì có thể tổ chức đối chất.

2. Sau khi thông báo dự thảo kết quả xác minh nội dung tố cáo cho người tố cáo, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo, nếu không có nội dung, tình tiết mới cần phải xác minh, Tổ trưởng Tổ xác minh có trách nhiệm hoàn thành dự thảo báo cáo kết quả xác minh để tổ chức thông báo.

3. Tổ chức thông báo dự thảo báo cáo kết quả xác minh

a) Thành phần dự thông báo dự thảo kết quả xác minh như thành phần buổi công bố quyết định thụ lý và quyết định thành lập Tổ xác minh nội dung tố cáo;

b) Tổ trưởng Tổ xác minh thông báo dự thảo báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo;

c) Những người tham dự họp phát biểu ý kiến; những ý kiến không đồng ý với dự thảo báo cáo cáo kết quả xác minh phải nêu cụ thể về nội dung không đồng ý, lý do không đồng ý và tài liệu, bằng chứng chứng minh nội dung không đồng ý;

d) Tổ trưởng Tổ xác minh căn cứ vào tài liệu, chứng cứ, thu thập được để giải đáp; những ý kiến không đồng ý với dự thảo báo cáo kết quả xác minh nếu có tài liệu, bằng chứng chứng minh hợp pháp, Tổ xác minh sẽ tiếp thu; những ý kiến không có tài liệu, bằng chứng chứng minh hợp pháp thì Tổ xác minh không tiếp thu.

Việc thông báo dự thảo báo cáo kết quả xác minh phải lập biên bản; biên bản phải ghi rõ nội dung nào nhất trí, nội dung nào không nhất trí, lý do cụ thể và ghi đầy đủ các ý kiến, những đề nghị của các thành viên tham gia dự họp và kết luận của Tổ trưởng Tổ xác minh.

4. Hoàn thành báo cáo kết quả xác minh

Sau khi đã tổ chức thông báo dự thảo báo cáo kết quả xác minh, Tổ xác minh phải họp thống nhất lần cuối nội dung dự thảo báo cáo kết quả xác minh trước khi Tổ trưởng Tổ xác minh ký để báo cáo Thủ trưởng cơ quan được giao xác minh nội dung tố cáo hoặc người giải quyết tố cáo.

Điều 18. Kết luận nội dung tố cáo, thông báo kết luận nội dung tố cáo

1. Căn cứ kết quả xác minh nội dung tố cáo, Tổ trưởng Tổ xác minh dự thảo kết luận nội dung tố cáo trình người giải quyết tố cáo ký. Trường hợp giao cơ quan thanh tra hoặc cơ quan chức năng khác thì Thủ trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo phải báo cáo người có thẩm quyền giải quyết tố cáo về nội dung báo cáo kết quả xác minh tố cáo và dự thảo kết luận nội dung tố cáo trình người giải quyết tố cáo ký.

2. Kết luận nội dung tố cáo phải có các nội dung sau:

a) Nội dung tố cáo; kết quả xác minh nội dung tố cáo;

b) Tài liệu, bằng chứng để chứng minh tính đúng, sai của nội dung tố cáo;

c) Kết luận về hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra; đối tượng bị thiệt hại; nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong nội dung tố cáo đúng, đúng một phần hoặc tố cáo sai;

d) Các biện pháp được người giải quyết tố cáo áp dụng để trực tiếp xử lý vi phạm, buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật gây ra;

đ) Nội dung chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị cá nhân thuộc quyền quản lý của người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp theo thẩm quyền để xử lý vi phạm, buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật gây ra;

e) Kiến nghị với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác áp dụng biện pháp theo thẩm quyền để xử lý vi phạm, buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.

Văn bản kết luận nội dung tố cáo thực hiện theo mẫu quy định.

3. Trường hợp giải quyết lại tố cáo thì ngoài các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều này, người giải quyết tố cáo phải kết luận về nội dung vi phạm pháp luật, sai lầm hoặc kết luận không phù hợp của việc giải quyết tố cáo trước đó (nếu có); xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết tố cáo trước đó.

4. Tổ chức thông báo kết luận nội dung tố cáo:

a) Sau khi có kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao xác minh tố cáo tổ chức cuộc họp để thông báo trực tiếp hoặc gửi kết luận nội dung tố cáo cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người bị tố cáo và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo biết để thực hiện;

b) Thành phần dự công bố kết luận nội dung tố cáo như thành phần dự thông báo quyết định thụ lý, quyết định thành lập Tổ xác minh.

Điều 19. Xử lý tố cáo

1. Căn cứ kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo xử lý tố cáo như sau:

a) Đối với hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về nhiệm vụ, công vụ và các quy định khác của Bộ Công an thuộc thẩm quyền xử lý của mình thì người giải quyết tố cáo tiến hành các thủ tục để xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khác theo quy định của pháp luật để xử lý hành vi vi phạm, buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra; ban hành quyết định thu hồi tiền, tài sản (nếu có);

b) Đối với hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về nhiệm vụ công vụ và các quy định khác của Bộ Công an thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của mình thì người giải quyết tố cáo chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đó xử lý vi phạm và buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra;

c) Đối với hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu của tội phạm thì có văn bản chuyển hồ sơ về hành vi vi phạm đó cho Cơ quan điều tra để giải quyết theo quy định của pháp luật. Hồ sơ bàn giao cho Cơ quan điều tra là hồ sơ được lập trong quá trình giải quyết tố cáo phải được sao lại để lưu trữ theo quy định. Việc bàn giao hồ sơ được lập thành biên bản theo mẫu quy định;

d) Đối với hành vi vi phạm pháp luật không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều này thì có văn bản kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý vi phạm, đồng thời gửi kèm hồ sơ về hành vi vi phạm đó;

đ) Trường hợp người tố cáo cố ý tố cáo sai sự thật thì người giải quyết tố cáo phải áp dụng biện pháp theo thẩm quyền để xử lý người tố cáo hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Các văn bản xử lý tố cáo nêu tại điểm a, b khoản 1 Điều này phải ghi rõ thời gian hoàn hành các nội dung xử lý, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc tổ chức thực hiện; kết quả thực hiện phải báo cáo Thủ trưởng và cơ quan thanh tra cấp trên trực tiếp để quản lý công tác giải quyết tố cáo.

3. Nếu quá thời hạn mà kiến nghị xử lý tố cáo không được thực hiện thì người giải quyết tố cáo, Thủ trưởng cơ quan được giao xác minh nội dung tố cáo có văn bản đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được giao thực hiện việc xử lý tố cáo. Sau khi đôn đốc mà kiến nghị xử lý tố cáo không được thực hiện thì báo cáo Thủ trưởng có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật và kỷ luật của ngành.

Điều 20. Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo và thông báo kết quả giải quyết tố cáo cho người tố cáo

1. Người giải quyết tố cáo có trách nhiệm công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo theo quy định tại Điều 12 Nghị định 91/2013/NĐ-CP ngày 12/8/2013 của Chính phủ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân.

2. Trường hợp người tố cáo có yêu cầu thì người giải quyết tố cáo phải thông báo kết quả giải quyết cho người tố cáo. Việc thông báo kết quả giải quyết được thực hiện bằng một trong hai hình thức sau:

a) Gửi kết luận nội dung tố cáo, quyết định, văn bản xử lý tố cáo cho người tố cáo nếu kết luận, quyết định, văn bản đó không có nội dung, thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của ngành Công an;

b) Gửi văn bản thông báo tóm tắt kết quả giải quyết tố cáo theo nội dung tố cáo cho người tố cáo biết, không đưa những nội dung, thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước, bí mật của ngành Công an vào văn bản thông báo.

Điều 21. Kết thúc việc giải quyết tố cáo

1. Sau khi Thủ trưởng có thẩm quyền đồng ý và ký Kết luận nội dung tố cáo và các quyết định xử lý tố cáo (nếu có) được thực hiện theo quy định tại Điều 19, Điều 20 của Thông tư này thì kết thúc việc giải quyết tố cáo; Tổ trưởng Tổ xác minh có trách nhiệm tổ chức họp Tổ xác minh để đánh giá ưu, khuyết điểm rút kinh nghiệm qua giải quyết tố cáo.

2. Tổ trưởng Tổ xác minh làm thủ tục kết thúc hồ sơ, trình người giải quyết tố cáo hoặc Thủ trưởng cơ quan thanh tra, cơ quan chức năng được giao xác minh nội dung tố cáo ký quyết định kết thúc hồ sơ để nộp lưu theo quy định.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 4 năm 2015.

Thông tư này thay thế các quy định về giải quyết tố cáo tại Quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Công an nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 1371/2007/QĐ-BCA(V24) ngày 07/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an.

Điều 23. Trách nhiệm thi hành

1. Tổng cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

2. Thanh tra Bộ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Thông tư này. Thanh tra Công an các cấp có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Thông tư này trong phạm vi đơn vị, địa phương mình.

3. Trong quá trình thực hiện Thông tư này nếu có vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ (qua Thanh tra Bộ) để hướng dẫn, bổ sung.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 12/2015/TT-BCA quy định quy trình giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

  • Số hiệu: 12/2015/TT-BCA
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 02/03/2015
  • Nơi ban hành: Bộ Công An
  • Người ký: Trần Đại Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 505 đến số 506
  • Ngày hiệu lực: 20/04/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản