BỘ NÔNG TRƯỜNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 1191-NT/LT | Hà Nội, ngày 17 tháng 05 năm 1962 |
Thi hành Chỉ thị số 1190 ngày 17/05/1962 của Bộ về việc mở rộng thực hiện chế độ trả lương theo sản phẩm trong các nông trường quốc doanh, thông tư này hướng dẫn cụ thể thực hiện chỉ thị nói trên.
Để quán triệt và chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị của Bộ, giám đốc các nông trường cần nắm vững các vấn đề then chốt dưới đây:
I. MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA VÀ TÁC DỤNG CỦA VIỆC MỞ RỘNG CHẾ ĐỘ TRẢ LƯƠNGTHEO SẢN PHẨM
Việc chấp hành chế độ tiền lương trong nông trường quốc doanh phải theo nguyên tắc phân phối theo lao động. Nông trường quốc doanh bao gồm nhiều loại sản xuất khác nhau với quy mô, thiết bị điều kiện và tính chất sản xuất khác nhau, theo mùa, theo vụ. Sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thiên nhiên, vào hoàn cảnh đất đai từng nơi. Công nhân sản xuất có nhiều loại nhiều nghề.
Thực hiện kế hoạch năm 1961, các nông trường quốc doanh đều thu được thành tích to lớn, tuy nhiên khả năng tiềm tàng về sức người, sức của, sức máy trong nông trường còn nhiều, năng suất lao động đang còn thấp, giá thành cao và do đó điều kiện để cải thiện đời sống cán bộ công nhân cũng có phần bị hạn chế. Việc thi hành hình thức lương ngày theo việc định mức có thưởng vừa qua ở số đông nông trường, tuy có một số tác dụng nhất định, nhưng vẫn có nhiều nhược điểm, còn nhiều bất hợp lý, nó chưa khuyến khích công nhân vì lợi ích vật chất mà quan tâm nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản xuất. Nó chưa khuyến khích công nhân hăng hái thi đua hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, sử dụng tốt các thiết bị máy móc. Cuộc vận động hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, việc thực hiện lương sản phẩm ở một số nông trường chỉ mới bước đầu phát huy lực lượng tiềm tàng đó, khả năng tăng năng suất lao động ở các nông trường còn nhiều…
Để khắc phục tình trạng nói trên, các nông trường quốc doanh cần khẩn trương tiến hành mở rộng từng bước có lãnh đạo chặt chẽ chế độ trả lương theo sản phẩm. Trong giai đoạn xã hội chủ nghĩa hình thức phân phối hợp lý nhất là chế độ lương theo sản phẩm và các chế độ tiền thưởng, nó thể hiện nguyên tắc phân phối theo lao động. Nếu thực hiện được tốt, chế độ lương sản phẩm sẽ góp phần thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước xã hội chủ nghĩa phát triển rộng rãi và góp phần nâng cao hơn nữa năng suất lao động.
Chế độ trả lương theo sản phẩm có rất nhiều tác dụng:
1. Thực hiện chế độ trả lương theo sản phẩm sẽ góp phần quan trọng làm cho năng suất lao động ở các nông trường không ngừng nâng cao, sản xuất không ngừng phát triển giá thành dần dần hạ thấp, chất lượng sản phẩm ngày càng tốt, vừa tăng phần tích lũy cho Nhà nước, vừa tăng thu nhập cho công nhân trong nông trường quốc doanh.
2. Chế độ trả lương theo sản phẩm đãi ngộ thỏa đáng cho người công nhân theo kết quả lao động của mình. Người công nhân thấy rõ yêu cầu nâng cao đời sống của nhân dân, của công nhân là chính đáng. Nhưng yêu cầu ấy chỉ có thể thỏa mãn trên cơ sở tăng nhanh năng suất lao động, không ngừng nâng cao tốc độ phát triển của nền kinh tế quốc dân. Lương sản phẩm sẽ có tác dụng khuyến khích người công nhân phát huy được mọi khả năng sáng tạo của mình, cố gắng trau dồi kỹ thuật, nghiệp vụ, đi sâu cải tiến phương pháp làm việc, phương pháp canh tác, cải tiến công cụ và lợi dụng được đầy đủ nhất công suất máy móc, thiết bị, thời gian làm việc.
3. Chế độ trả lương theo sản phẩm có tác dụng thúc đẩy việc cải tiến tổ chức quản lý, cải tiến tổ chức lao động, sử dụng hợp lý lực lượng lao động. Vì mọi nguyên nhân làm ảnh hưởng, đình trệ sản xuất, như bố trí giây chuyền sản xuất, cung cấp nguyên vật liệu, dụng cụ máy móc đều trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất, đến năng suất lao động và thu nhập của công nhân. Do đó mà mỗi cán bộ, công nhân đều cố gắng đóng góp với lãnh đạo làm cho việc tổ chức, quản lý sản xuất ngày càng hoàn thiện hơn, tinh thần làm chủ tập thể được nâng cao hơn.
4. Chế độ trả lương theo sản phẩm thúc đẩy phong trào thi đua phát triển sâu rộng. Mọi người cùng cố gắng thi đua sản xuất nhiều của cải vật chất nhằm thỏa mãn lợi ích của xã hội trong đó có lợi ích của mình. Bản thân chế độ đó đã mang tính chất thi đua vì tất cả mọi công tác đều có định mức tương đối tiên tiến làm mục tiêu phấn đấu cho người công nhân. Kết quả lao động được ghi chép và phân tích đầy đủ là những căn cứ rất chính xác để đánh giá kết quả thi đua.
II. CÁC CHẾ ĐỘ TRẢ LƯƠNG THEO SẢN PHẨM CÓ THỂ ÁP DỤNG TRONG NÔNG TRƯỜNG QUỐC DOANH
1. Hình thức trả lương theo từng công việc một hoặc trả theo từng dây chuyền công tác (khoán bộ phận công trình)
Trong các loại cây công nghiệp, hoa màu, lương thực có thể phân chia thành 2 loại. Một loại công việc có thể chia ra từng động tác để định được kết quả cụ thể như: đào hố, phát hoang, trục gốc, gặt lúa, cày bừa, gieo tỉa v.v…; một loại công việc tuy có thể tách ra từng động tác một để định mức nhưng có liên quan nhau từ động tác này sang động tác khác để đảm bảo số lượng và chất lượng trong hệ dây chuyền như: làm phân chuồng, phân lá, trồng mới, vườn ươm v.v… Sau một thời gian nhất định mới kiểm tra được chất lượng công việc.
a. Đối với loại công việc có thể định mức và kiểm tra được số lượng, chất lượng cụ thể, cần tiến hành trả lương theo kết quả của công việc đó.
Nông trường nghiên cứu định mức cụ thể cho từng loại công việc để giao khoán cho tổ sản xuất. Tổ sản xuất ký hợp đồng với đội và nông trường rồi phân công lại cho từng cá nhân thực hiện. Tổ sản xuất hoàn toàn chịu trách nhiệm về mặt kết quả chất lượng và số lượng của công việc đã giao, theo dõi kiểm tra, nghiệm thu, thống kê và tính toán lương cho cá nhân. Nếu cá nhân, tổ rút ngắn được thời gian hoặc làm tăng thêm số lượng thì được hưởng toàn bộ kết quả công việc đó theo đơn giá quy định. Trường hợp do thiên tai bất ngờ tổ phản ảnh nông trường điều chỉnh lại định mức xét thấy có thiệt hại.
Ví dụ: Tổ anh A nhận đào hố với diện tích 10ha loại cà phê chè. Mỗi cá nhân đảm bảo 50 hố bình quân, kích thước hố 0m80x0,60x0,60, thời gian 10 ngày rưỡi. Toàn tổ anh 15 công nhân. Đơn giá mỗi hố 1,04 (cả phụ cấp khu vực 10%). Tổng số tiền nhận khoán là 335đ20. Do tăng năng suất lao động, toàn tổ hoàn thành công trình giao chỉ trong 9 ngày, mỗi cá nhân bình quân 60 hố. Toàn tổ được hưởng tất cả số tiền lương trên.
Những loại công việc chỉ định được mức chung vẫn giao cho toàn tổ thực hiện. Sau một ngày công tác tổ tiến hành bình công cho từng cá nhân, dựa theo những điều kiện cụ thể sau:
- Tinh thần trách nhiệm và thái độ công tác.
- Khối lượng ước tính nhiều hay ít và sự thực hiện các biện pháp kỹ thuật của chuyên môn.
Cá nhân nào công tác hăng và đảm bảo được kỹ thuật thì bình điểm cao hơn.
b. Đối với loại công việc có thể liên kết lại thành những dây chuyền động tác thì tiến hành giao khoán trong một khoảng thời gian dài hơn, mục đích để kiểm tra được số lượng, chất lượng chính xác như:
- Làm phân chuồng, phân lá: từ cắt lá bỏ chuồng, ra phân, đào, ủ, tưới, chăm sóc với khoảng thời gian từ 2 đến 3 tháng mới hoàn thành được một khối lượng phân tốt. Tuy rằng mỗi công việc cụ thể có thể định được mức nhưng cần liên kết lại để khoán chung. Nông trường nghiên cứu định giá 1 tấn phân là bao nhiêu, thời gian hoàn thành và giao cho tổ thực hiện.
- Loại trồng mới: Từ bứng bầu, bó bầu, vận chuyển và trồng cây con có thể kết hợp lại giao cho tổ thực hiện. Mức định 1 cây con trồng sống là bao nhiêu tiền. Với 1 diện tích là bao nhiêu; thời gian giao việc và thời gian nhận xét kết quả.
Ngoài ra rất nhiều công tác trong nông nghiệp có thể kết hợp lại để giao khoán chung được để vừa đảm bảo đẩy mạnh năng suất, đảm bảo được chất lượng phát huy được tinh thần tập thể tương trợ và quản lý lẫn nhau khi công tác. Các nông trường định mức cụ thể, tổng hợp tính thành giá thành thực tế định đơn giá cụ thể và giao cho đội công tác, tổ công tác thi hành. Thời gian dài hay ngắn do nội dung công việc đó quyết định. Cách trả lương này đòi hỏi một công trình định mức và tính toán tương đối cụ thể hơn.
Các tổ, đội công tác nhận khoán phải giao mức cụ thể và kiểm tra kết quả hàng ngày, cuối đợt tính toán lương cho công nhân. Nếu tổ đảm bảo tốt đúng tỷ lệ quy định thì hưởng 100% mức khoán, vượt lên bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, hụt bao nhiêu trừ bấy nhiêu. Trường hợp bị thiên tai hạn hán xét có ảnh hưởng nặng thì được xét miễn giảm tuỳ theo mức độ hư hại của loại công việc đó.
2. Nội dung chế độ khoán công kết hợp giao sản lượng có thưởng hoàn thành vượt mức
Hình thức khoán công kết hợp giao sản lượng có thưởng hoàn thành vượt mức có thể áp dụng cho tất cả các loại cây lương thực, công nghiệp ngắn hạn vì chu kỳ các loại này từ 3 đến 6 tháng có thể thu hoạch được sản lượng. Chế độ trả lương này liên kết chặt chẽ tăng năng suất lao động và nâng cao sản lượng cuối vụ, thúc đẩy được tinh thần chăm lo cây cối và thi hành các biện pháp kỹ thuật chăm bón tốt đạt sản lượng cao. Có thể nghiên cứu những loại cây dài ngày có thể chia ra từng thời kỳ:
Tùy theo từng loại cây lương thực, cây công nghiệp và thời gian thu hoạch các loại sản xuất đó, nông trường nghiên cứu định mức công từng loại và tổng hợp chung toàn bộ, từ cày bừa, trồng trỉa, chăm sóc đến thu hoạch v.v…, mỗi đợt tốn bao nhiêu công trâu, công máy, công người, công vận chuyển; về nguyên vật liệu bao nhiêu giống, phân, số nông cụ cần có; Về kỹ thuật cần có các biện pháp cụ thể từng thời gian thi hành các biện pháp đó. Dự kiến xong nông trường cùng đội trao đổi và tổ chức cho các tổ sản xuất trao đổi đóng góp thêm ý kiến. Sau khi nhất trí, đội và tổ sản xuất chịu trách nhiệm ký hợp đồng và tổ chức thực hiện theo những chỉ tiêu từng mặt: công, nguyên vật liệu, biện pháp kỹ thuật, chỉ tiêu sản lượng đã quy định trong hợp đồng. Đội sản xuất lại ký kết các hợp đồng với các đội máy kéo, đội vận chuyện do nông trường chủ trì. Trong quá trình thực hiện nông trường chịu trách nhiệm giúp đỡ, đôn đốc kiểm tra về các điều khoản đã ký kết và cung cấp đầy đủ các yêu cầu trong hợp đồng về nguyên liệu, người. Đội gặp khó khăn nông trường cần phát hiện kịp thời để giúp đỡ giải quyết. Nếu đội thừa công, nông trường điều động công tác khác hoặc giao thêm nhiệm vụ. Đội sản xuất tiến hành giao công từng đợt cho các tổ thực hiện. Cách kiểm tra theo dõi như hình thức khoán việc hay khoán công. Cuối mỗi đợt nông trường kiểm tra và thanh toán 50% số công vượt mức, giữ lại 50% cuối vụ mới thanh toán. Nếu không đảm bảo được các chỉ tiêu quy định, không thanh toán thêm. Đội sản xuất tổ chức kiểm điểm để rút kinh nghiệm cho đợt sau. Đội thanh toán lương cho công nhân như cách thức khoán việc, số công tăng năng suất chỉ thanh toán một nửa.
Sau khi thu hoạch xong cơ sở sản lượng đã đạt được để định tiền thưởng theo nguyên tắc sau:
1. Sản lượng vượt mức kế hoạch, giá thành hạ, được xét thưởng từ 25 đến 30% giá trị sản lượng vượt tính theo giá thành thực tế của đội.
2. Sản lượng vượt mức kế hoạch, giá thành đạt mức kế hoạch thì xét thưởng khuyến khích 5% sản lượng vượt tính theo giá thành thực tế của đội.
3. Sản lượng và giá thành đạt mức kế hoạch, thì không xét thưởng.
Tất cả số công vượt còn lại được thanh toán đủ đối với 3 trường hợp trên.
Nếu do đội sản xuất không bảo đảm quy trình kỹ thuật chăm bón không kỹ, không phát hiện kịp thời sâu bệnh v.v… thì đội sản xuất chịu trách nhiệm. Khi điều tra nhận định tình hình xong, giám đốc và Hội đồng định mức quyết định tỷ lệ hao hụt để xét rút bớt số công vượt từ 20% đến 70%. Số còn lại sẽ thanh toán tiếp (chính sách sử dụng tiền thưởng quy định riêng).
Nếu do thiên tai bất thường thì căn bản là điều chỉnh mức sản lượng. Kêu gọi công nhân nâng cao tinh thần phấn đấu chống thiên tai để giữ vững mùa màng đảm bảo sản phẩm cho Nhà nước.
4. Người công nhân nông nghiệp, trong nông trường còn rất nhiều loại sản xuất khác như: chăn nuôi, xây dựng cơ bản, vận tải cơ giới, máy kéo, sản xuất nông cụ, chế biến v.v… Tất cả các loại công nhân này đều thống nhất thi hành chế độ trả lương theo sản phẩm trong Thông tư số 4-LĐTT ngày 11/02/1959 của Bộ Lao động. Công nhân chăn nuôi các loại sẽ nghiên cứu quy định cụ thể sau.
Muốn thực hiện tốt chế độ trả lương theo sản phẩm cần có mấy Điều kiện cơ bản dưới đây:
1. Sản xuất ổn định (đất đai, súc vật, dụng cụ, lao động). Kế hoạch chính xác các khâu trong giây chuyền sản xuất hoạt động nhịp nhàng cân đối.
2. Các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật được xác định. Những công trình, sản phẩm, những loại sản xuất, chế biến v.v… đều quy định được mức, và theo dõi kiểm tra được kết quả thực hiện.
1. Điều kiện cụ thể:
- Củng cố đội, tổ sản xuất, chấn chỉnh các giây chuyền sản xuất, sử dụng nhân công hợp lý tránh chỗ thừa chỗ thiếu.
- Quy định chức trách, nhiệm vụ cho các phòng giúp việc rõ ràng trong quá trình thực hiện, chấn chỉnh công tác thống kê, nghiệm thu sản phẩm.
- Cải tiến việc sử dụng và cung cấp máy móc nguyên vật liệu, dụng cụ sát với yêu cầu, kịp thời đảm bảo đúng hợp đồng đã quy định với các đội, tổ sản xuất.
- Phải có kế hoạch sản xuất từ tổ sản xuất trở lên, kế hoạch an toàn lao động, kế hoạch cải thiện đời sống cho cán bộ.
2. Chuẩn bị về tư tưởng:
Khi tiến hành phải coi trọng công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng. Phải làm cho công nhân nhận thức đúng đắn ý nghĩa tác dụng của việc thực hiện chế độ lương theo sản phẩm, trên cơ sở đó mà hăng hái thực hiện, nâng cao nhiệt tình lao động sản xuất, khắc phục những sai trái trong quá trình thực hiện như: định mức không đúng, làm dối, làm ẩu không đảm bảo đúng kỹ thuật, chất lượng, chạy theo tiền lương, chỉ thấy lợi ích riêng mà coi nhẹ lợi ích tập thể, làm giảm sút tinh thần tương trợ trong tổ sản xuất hoặc đối với các tổ, các bộ phận khác.
Đối với cán bộ các cấp cần thấy rõ trả lương theo sản phẩm, theo khối lượng công việc là một công tác quan trọng trong việc lãnh đạo sản xuất, quản lý xí nghiệp, khắc phục khuynh hướng cầu toàn, ngại khó hoặc đơn giản xem nhẹ công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho quần chúng.
Khi thực hiện phải theo đúng đường lối quần chúng, kết hợp lãnh đạo với quần chúng, kết hợp chính trị với cải tiến quản lý, kết hợp chặt chẽ lợi ích chung của nông trường và lợi ích riêng của công nhân. Cần tránh những biện pháp hành chính có tính chất mệnh lệnh mà phải chuẩn bị về tổ chức, tư tưởng cho chu đáo, đi sâu sản xuất nắm tình hình cụ thể, tính toán cân nhắc kỹ lưỡng. Thông qua quần chúng để quyết định từng bước kế hoạch về giáo dục, tổ chức cho đúng đắn.
3. Chuẩn bị về định mức và đơn giá trả lương:
Trong mọi mặt công việc phải nghiên cứu định mức, định cấp bậc công việc cho hợp lý. Cấp bậc lương tiêu biểu cho chất lượng lao động, cấp bậc công việc tiêu biểu cho giá trị những công việc đó.
Định mức là một vấn đề quan trọng có ảnh hưởng đến việc nâng cao năng suất lao động, hạ thấp giá thành, việc tổ chức phân phối lao động, phân phối tiền lương.
Định mức có thể định mức thời gian bằng công, mức theo khối lượng công việc như: ha, m2, m3, tấn phân, cây còn sống v.v… mức theo sản lượng như: kg thịt, sữa, tấn lúa, tấn ngô v.v…
Định mức phải là mức trung bình tiên tiến
Mỗi công việc làm của người công nhân đều phải nghiên cứu định mức. Mức phải tương đối tiên tiến (trung bình tiên tiến) và phải không ngừng cải tiến theo tình hình thực tế của trình độ sản xuất, mức càng cụ thể càng hợp lý càng có tác dụng thúc đẩy sản xuất rất lớn.
Vấn đề định mức trong nông trường rất phức tạp, dễ thay đổi chịu nhiều ảnh hưởng về thời tiết, đất đai. Muốn nghiên cứu định mức cho sát cần phải:
1. Trên cơ sở định mức của lương ngày theo việc, mức thu hoạch hàng vụ, thống kê nhận định lại kết hợp với chỉ tiêu bình quân công 1 ha của kế hoạch sản xuất đã nhận xét.
2. Nghiên cứu đất đai, tình hình thời tiết, phương tiện canh tác, công suất máy móc, khả năng của cây trồng.
3. Nghiên cứu sức lao động bình quân của từng cấp bậc lương và trình độ khả năng công nhân về trình độ kỹ thuật phương pháp làm việc.
4. Bấm giờ, theo dõi động tác sản xuất, công suất máy móc, loại trừ bớt giờ chết. Nghiên cứu các yếu tố trên kết hợp với tình hình thực tế nhận định đề ra mức mới về khối lượng hoặc mức sản lượng. Cùng làm một việc như nhau, cùng phương tiện sản xuất như nhau, thì định mức như nhau:
Việc định mức do giám đốc nông trường quyết định, sau khi được Hội đồng định mức đã nghiên cứu kỹ lưỡng và thống nhất ý kiến.
Thay đổi mức
Sản xuất nông nghiệp còn có đặc điểm khác với sản xuất công nghiệp trong các xí nghiệp quốc doanh là còn phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên, đất đai, khí hậu từng vùng, nên việc thay đổi mức có thể ngắn hơn khi xét cần thiết.
Việc thay đổi mức cần dựa mấy điều kiện dưới đây:
a. Điều kiện làm việc thay đổi (khó hay dễ) điều kiện đất đai, cây cối do thời tiết thay đổi v.v….
b. Kỹ thuật sản xuất, phương pháp làm việc thay đổi theo những sáng kiến đã được phổ biến thực hiện chung.
c. Thiết bị máy móc, dụng cụ sản xuất, nguyên vật liệu có thay đổi.
d. Tổ chức lao động, tổ chức sản xuất thay đổi.
đ. Qua thao diễn kỹ thuật, mức định cũ đã lạc hậu v.v…
Tuy không định kỳ thay đổi mức, nhưng 1 tháng có thể thay đổi 2 lần. Trong các loại công tác khác như: công nghiệp chế biến, chăn nuôi, xưởng sửa chữa v.v… thời gian thay đổi mức có thể kéo dài hơn. Phải có dự kiến định mức cụ thể cho những trường hợp khác nhau, nhưng điều mấu chốt là phải giáo dục chính sách, lãnh đạo tư tưởng, nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa làm tăng thêm tin tưởng vào khả năng có thể nâng cao năng suất lao động, đồng thời phát hiện được những thiếu sót trong công tác quản lý những bất hợp lý trong công tác sản xuất, trong phương pháp sản xuất của công nhân và trong việc định mức để trả lương theo sản phẩm.
Khi thay đổi mức, cán bộ cần đi sát giúp đỡ công nhân giải quyết khó khăn đồng thời phải có sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng bộ và sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, công đoàn, thanh niên và các bộ môn lao động tiền lương, kỹ thuật, kế hoạch tránh tình trạng buông trôi để cho công nhân hụt mức ảnh hưởng tư tưởng.
Xét duyệt mức: Để động viên và phát huy được mọi khả năng của các tổ chức trong nông trường và của quần chúng vào việc xây dựng mức và thực hiện mức, đảm bảo chính xác trong công tác định mức. Nông trường thành lập Hội đồng định mức do giám đốc nông trường chủ trì.
Thành phần Hội đồng định mức gồm có:
- Giám đốc nông trường: chủ tịch
- Đại diện Ban chấp hành Công đoàn: ủy viên
- Đại diện chi đoàn Thanh niên lao động: ủy viên
- Trưởng hoặc phó phòng Kế toán: ủy viên
- Trưởng hoặc phó phòng Kế hoạch tài vụ: ủy viên
- Đội trưởng sản xuất: ủy viên
- Trưởng phòng lao động tiền lương: ủy viên thường trực
Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng định mức.
1. Thảo luận, góp ý vào kế hoạch tiến hành xây dựng và thay đổi mức.
2. Phân tích, xác minh giúp Giám đốc nông trường, đơn vị xét duyệt các định mức năng suất đã được xây dựng.
3. Thảo luận, góp ý kiến vào kế hoạch lãnh đạo thực hiện mức và kế hoạch phân công cho các tổ chức có đại diện trong Hội đồng, chỉ đạo thực hiện tốt các định mức, theo nhiệm vụ và cương vị của mỗi tổ chức.
4. Thường xuyên theo dõi tình hình thực hiện mức, phát hiện những bất hợp lý, những khó khăn trở ngại trong quá trình thực hiện, có kế hoạch giải quyết khó khăn đảm bảo cho công nhân đạt và vượt mức quy định.
5. Thu thập ý kiến, đúc rút và phổ biến kinh nghiệm trong việc thực hiện và chỉ đạo thực hiện mức. Hội đồng định mức là một tổ chức giúp Giám đốc nông trường trong công tác định mức nên những Nghị quyết, kế hoạch của Hội đồng đề ra phải được Giám đốc thông qua trước khi thi hành. Trong trường hợp hiện nay, Bộ chưa có thể quản lý các mức cụ thể, chỉ ban hành mức trung bình từng đơn vị diện tích cho từng loại. Bộ ủy nhiệm Giám đốc nông trường quản lý và xét duyệt các mức sản xuất và thường xuyên hàng tháng, hàng quý báo cáo về Bộ.
Các mức về công trình xây dựng của Ủy ban kế hoạch Nhà nước đã ban hành, nông trường thực hiện và có thể điều chỉnh những mức đã lạc hậu, sau đó báo cáo về Bộ.
Cách tính đơn giá:
Trên cơ sở định mức đúng và phân cấp công việc hợp lý thì việc định đơn giá sản phẩm mới đúng. Dựa vào mức định cho từng loại việc và tiền lương của cấp công việc ấy mà tìm ra đơn giá sản phẩm hay khối lượng công việc. Ví dụ:
- Đào hố cà phê xác định mức cho công nhân là 50 hố theo cấp bậc 4 công nhân tiền lương 1 ngày là 1đ84. Đơn giá 1 hố sẽ là:
1đ84 | = 0,0368 (tính số lẻ và đơn giá, phải tính từ 4 đến 5 số) |
50 |
- Những sản phẩm cần phải có nhiều trình độ mới làm được thì đơn giá sẽ cộng tiền lương của anh em cùng làm chia cho mức định. Ví dụ:
Rèn rựa phải cần có 3 người thợ trình độ: 1 người bậc 1, 1 người bậc 2, 1 người bậc 3, cả 3 người 1 ngày sản xuất được 8 cái rựa thì đơn giá 1 cái rựa là:
1 ngày công thợ bậc 1: 1 ngày công thợ bậc 2: 1 ngày công thợ bậc 3: | 1đ43 1đ70 1đ98 |
Cộng | 5đ11 |
Tiền công của 3 người thợ 1 ngày là 5đ11 mà sản xuất được 8 rựa: đơn giá 1 cái rựa là:
5đ11 | = 0,6387 (những nơi có phụ cấp khu vực được cộng vào để tính đơn giá). |
8 |
Đối với công nhân làm những việc nóng có hại thì đơn giá sẽ tính trên cơ sở mức lương nóng có hại. Ngày nào làm việc nơi bình thường thì tính trên cơ sở mức lương bình thường.
- Những trường hợp công nhân làm ca, kíp nếu trúng vào kíp làm đêm từ 0 giờ đến 5 giờ sáng, có chế độ phụ cấp làm thêm giờ ban đêm đó.
- (Nghiên cứu thông tư 32-LĐTT của Bộ Lao động về định mức để thi hành).
IV. MỘT SỐ ĐIỂM CẦN CHÚ Ý CHẾ ĐỘ TRẢ LƯƠNG THEO SẢN PHẨM, THEO KHỐI LƯỢNG CÔNG TÁC
a. Việc thi hành các chế độ đối với công nhân được hưởng lương sản phẩm, lương theo khối lượng công việc:
Công nhân thực hiện chế độ lương theo sản phẩm, theo khối lượng công việc vẫn được hưởng các chế độ lao động cũng như các loại công nhân khác.
Các quyền lợi của công nhân về tiền lương trong những ngày lễ, nghỉ phép, các khoản phụ cấp (trừ phụ cấp khu vực, thêm giờ, đã được tính vào đơn giá) về quyền lợi xã hội, bảo hiểm lao động đều hưởng như các loại công nhân lương tháng, lương ngày.
Trong những ngày thực tế sản xuất thì tiền lương dựa vào đơn giá để tính theo khối lượng công việc. Trong những trường hợp điều động công tác, hội nghị, học tập, mưa bão v.v… thì được hưởng như các trường hợp quy định ngừng việc.
Trong ngày lễ nếu công nhân làm ra được bao nhiêu sản phẩm thì tính theo đơn giá loại sản phẩm đó, còn được lĩnh thêm ngày lương cấp bậc. Nếu làm việc ngày chủ nhật thì căn cứ sản phẩm làm ra mà tính lương.
b. Một số vấn đề khác:
- Trong khi áp dụng một trong các hình thức trả lương trên, nếu công nhân làm tăng bao nhiêu, thì được hưởng bấy nhiêu, nếu hụt bao nhiêu thì trừ bấy nhiêu, song không được thấp quá 80% lương cấp bậc. Trường hợp những công nhân tạm tuyển nếu thấp quá dưới tối thiểu được hưởng lương tối thiểu. Đối với các hình thức trả lương dài ngày hơn, hàng tháng nông trường ứng cho anh em số tiền lương bằng 95%. Lương cấp bậc bản thân, cuối từng đợt sẽ thanh toán cho anh em.
- Nếu sản phẩm làm ra bị kém phẩm chất thì nông trường định một đơn giá thấp hơn mức đã định để thanh toán, nếu làm hỏng phải làm lại (chỉ trả lương 1 lần).
Trường hợp bị mất mát dụng cụ, sản phẩm không có lý do chính đáng thì phải bồi thường.
Trường hợp bị thiên tai được xét rút mức đã giao, nếu bị thiên tai nhẹ xét không ảnh hưởng thì không miễn giảm.
- Các hợp đồng đã ký kết giữa đội và nông trường trong thời gian 3, 6 tháng nếu gặp trường hợp định mức lao động nâng lên, hoặc gặp trường hợp khách quan khác xét có ảnh hưởng thì phải bổ sung thêm hợp đồng.
- Khi giao mức thì giao luôn cả thời gian phải hoàn thành, tỷ lệ công nhân đau ốm để toàn bộ phấn đấu thực hiện. Công ốm đau thanh toán theo thực tế.
- Trường hợp công nhân bậc 4 và 5, nếu do trường hợp bố trí điều động không hợp với công việc hoặc cố gắng vượt bậc mà không đảm bảo thu nhập, cần được chiếu có trả nguyên lương do đội nhận xét đề nghị nông trường quyết định. Số tiền trả thêm ghi vào quỹ phụ cấp khác thuộc quỹ lương.
Việc thi hành chế độ trả lương theo sản phẩm, theo khối lượng công việc có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành kế hoạch Nhà nước, nó cổ vũ lòng hăng hái phấn khởi của công nhân trong nông trường. Nhưng đồng thời cũng rất khó khăn phức tạp, đòi hỏi tổ chức chu đáo, giáo dục kỹ lưỡng và lãnh đạo chặt chẽ. Các nông trường cần tích cực chấp hành, mở rộng việc thực hiện trong năm 1962 theo đúng chỉ thị số 1190 ngày 17/05/1962 của Bộ đã quy định. Mỗi nông trường cần xây dựng bản nội quy điều lệ để thực hiện lương sản phẩm. Cần nghiên cứu biểu mẫu thống kê thống nhất (sẽ hướng dẫn sau).
Thông tư này thi hành kể từ ngày ban hành.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Thông tư 1191-NT/LT năm 1962 hướng dẫn thi hành chế độ trả lương theo sản phẩm cho công nhân sản xuất trong các nông trường quốc doanh các đơn vị trực thuộc Bộ Nông trường do Bộ Nông trường ban hành
- Số hiệu: 1191-NT/LT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 17/05/1962
- Nơi ban hành: Bộ Nông trường
- Người ký: Đặng Kim Giang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 20
- Ngày hiệu lực: 17/05/1962
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định