Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 114-TCHQ/PC

Hà Nội, ngày 01 tháng 2 năm 1988

THÔNG TƯ

CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 114-TCHQ/PC NGÀY 1-2-1988 QUY ĐỊNH NGUYÊN TẮC VÀ THỦ TỤC KHAI BÁO TÍNH THUẾ, NỘP THUẾ, THU THUẾ XUẤT KHẨU, THUẾ NHẬP KHẨU HÀNG MẬU DỊCH

Căn cứ Nghị định số 8-HĐBT ngày 30-1-1988 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch;
Căn cứ công văn số 36-CT ngày 30-1-1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tạm thời cho áp dụng tỷ giá kết toán nội bộ hiện hành để tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch trong khi Ngân hàng Nhà nước chưa công bố tỷ giá chính thức của đồng Việt Nam so với đồng tiền nước ngoài;
Căn cứ Điều lệ Hải quan do Hội đồng Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 3-CP ngày 27-2-1960;
Căn cứ Nghị định số 139-HĐBT ngày 20-10-1984 của Hội đồng Bộ trưởng quy định nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức Tổng cục Hải quan;
Sau khi trao đổi với các Bộ Tài chính, Ngoại thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Tổng cục Hải quan quy định nguyên tắc và thủ tục khai báo tính thuế, nộp thuế, thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch để các tổ chức kinh tế Việt Nam và nước ngoài được phép xuất nhập khẩu hàng hoá (dưới đây gọi là tổ chức xuất nhập khẩu) và các cấp Hải quan thực hiện.

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Tất cả các tổ chức kinh tế được phép xuất khẩu, nhập khẩu khi có hàng hoá xuất khẩu hoặc nhập khẩu qua biên giới Việt Nam đều phải khai báo và nộp thuế xuất khẩu hoặc thuế nhập khẩu hàng mậu dịch tại Hải quan tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi là Hải quan tỉnh) và chịu sự kiểm tra thực tế của Hải quan cửa khẩu.

2. Muốn làm thủ tục khai báo và nộp thuế các tổ chức xuất nhập khẩu hoặc các tổ chức được Uỷ thác xuất nhập khẩu (dưới đây gọi là tổ chức nộp thuế) phải nộp đủ các giấy tờ hợp lệ do Tổng cục Hải quan quy định.

Hải quan cửa khẩu cho hàng hoá xuất khẩu hoặc nhập khẩu trên cơ sở được Hải quan tỉnh xác nhận hàng đã làm đầy đủ thủ tục hải quan, đã nộp đủ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch đối với hàng hoá phải chịu thuế.

II. THỦ TỤC KHAI BÁO HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU HOẶC NHẬP KHẨU ĐỂ NỘP THUẾ.

A. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC NỘP THUẾ

Khi đến Hải quan tỉnh làm thủ tục khai báo để xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hoá phải:

1. Làm tờ khai xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hoá mậu dịch:

a) Trên cơ sở giấy phép xuất hàng hoặc nhập hàng do bộ Ngoại thương, làm tờ khai xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hoá mậu dịch (dưới đây gọi tắt là tờ khai hàng) theo mẫu thống nhất do Tổng cục Hải quan phát hành.

Đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu là thiết bị toàn bộ tuy chỉ có một giấy phép nhưng có thể có nhiều tờ khai hàng. Một tờ khai hàng cho một vận đơn, hoặc một tờ khai hàng cho nhiều vận đơn là tuỳ thuộc vào tình hình thực tế.

b) Tờ khai hàng mỗi lần khai phải làm thành ba bản (đối với hàng xuất khẩu) hoặc bốn bản (đối với hàng nhập khẩu) bằng tiếng Việt Nam (có thể ghi thêm chữ bằng tiếng nước ngoài) rõ ràng đầy đủ, đúng cột mục, có đủ họ, tên, chữ ký của người khai hàng.

Trong trường hợp người khai hàng và nộp thuế (gọi tắt là người khai hàng) là người đại diện có thẩm quyền của tổ chức nộp thuế thì phải có giấy uỷ quyền hợp lệ của người đứng đầu tổ chức này.

2. Nộp và xuất trình các giấy tờ sau đây:

a) Đối với hàng hoá xuất khẩu:

- Phải nộp:

Giấy phép xuất hàng: 4 bản

Tờ khai xuất khẩu hàng: 3 bản

Bản kê chi tiết hàng: 2 bản

Hợp đồng bán hàng (bản sao chính thức): 1 bản

Giấy chứng nhận quy cách phẩm chất: 1 bản

- Phải xuất trình:

Giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu là hàng hoá phải kiểm dịch): 1 bản

Giấy phép của cơ quan có chức năng quản lý (văn hoá, nội vụ, ngân hàng...) nếu là các mặt hàng thuộc diện quản lý của cơ quan này: 1 bản

b) Đối với hàng hoá nhập khẩu:

- Phải nộp:

Giấy phép nhập hàng: 4 bản

Tờ khai nhập khẩu hàng: 4 bản

Bản kê chi tiết hàng: 2 bản

Hợp đồng mua hàng (bản sao chính thức): 1 bản

Giấy chứng nhận quy cách phẩm chất: 1 bản

- Phải xuất trình:

Vận đơn (bản chính thức): 1 bản

Giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu là hàng phải kiểm dịch: 1 bản

Giấy phép của các cơ quan có chức năng quản lý (văn hoá, nội vụ...) nếu là các mặt hàng thuộc diện quản lý của các cơ quan này: 1 bản.

c) Không có trường hợp nào người khai hàng được nộp thiếu hoặc làm giấy cam đoan nộp và xuất trình sau các giấy tờ quy định ở các tiết a, b thuộc điểm 2 nói trên.

3. Hàng hoá xuất khẩu hoặc nhập khẩu có thể làm thủ tục khai báo và nộp thuế tại bất cứ Hải quan tỉnh nào mà tổ chức nộp thuế thấy thuận tiện nhất.

B. TRÁCH NHIỆM CỦA HẢI QUAN TỈNH

Sau khi tiếp nhận và kiểm tra tờ khai hàng, giấy phép xuất hàng hoặc nhập hàng và các giấy tờ khác kèm theo, nếu thấy hợp lệ phải đóng dấu "ngày tiếp nhận" vào khung giữa phía trên trang đầu tờ khai hàng, đồng thời ghi vào khung bên trái trang đầu tờ khai hàng số, ngày, giờ, và nơi đăng ký tờ khai hàng.

III. VIỆC TÍNH THUẾ, THU THUẾ XUẤT KHẨU, THUẾ NHẬP KHẨU HÀNG MẬU DỊCH

A. TRÁCH NHIỆM CỦA HẢI QUAN TỈNH

1. Tính thuế:

Việc tính thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch dựa trên tờ khai hàng đã được vào sổ "đăng ký tờ khai hàng".

a) Căn cứ để tính thuế:

- Số lượng từng mặt hàng hoá xuất khẩu hoặc nhập khẩu ghi trong tờ khai hàng.

- Giá tính thuế bằng đồng Việt Nam.

- Thuế suất nhóm hàng, mặt hàng ghi trong biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch.

b) Cách tính thuế:

- Số thuế xuất khẩu hoặc thuế nhập khẩu phải nộp bằng (=) số lượng từng mặt hàng hoá nhân (x) với giá tính thuế nhân (x) với thuế suất nhóm hàng, mặt hàng ghi trong biểu thuế kèm theo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch. Trong đó:

- Lượng hàng hoá. Được ghi theo đơn vị số lượng, và trọng lượng phù hợp với từng mặt hàng hoá.

- Giá tính thuế. Không tính bằng tiền nước ngoài mà tính bằng đồng Việt Nam như sau:

Giá tính thuế xuất khẩu là giá bán tại cửa khẩu đi bằng tiền nước ngoài theo hợp đồng nhân (x) với tỷ giá giữa đồng Việt Nam với tiền nước ngoài, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.

Giá tính thuế nhập khẩu là giá mua tại cửa khẩu đến bằng tiền nước ngoài, kể cả phí vận tải, phí bảo hiểm theo hợp đồng nhân (x) với tỷ giá giữa đồng Việt Nam với tiền nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.

- Trong trường hợp mua và bán theo các phương thức khác thì người khai hàng phải xuất trình các chứng từ hợp lệ để chứng minh.

(Ví dụ: Nếu nhập theo phương thức FOB thì phải xuất trình các chứng từ I và F; nếu nhập theo phương thức CF thì phải xuất trình chứng từ I...); nếu các chứng từ này chưa đủ điều kiện để định giá tính thuế thì tuỳ theo từng trường hợp cụ thể căn cứ vào giá do Bộ Ngoại thương xác định.

- Trong trường hợp mua và bán không có hợp đồng cụ thể thì căn cứ giá ghi trên các chứng từ hợp lệ được Bộ Ngoại thương xác nhận.

c) Thời điểm áp dụng tỷ giá giữa đồng Việt Nam với tiền nước ngoài là tỷ giá hiện hành do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố và thuế suất áp dụng là thuế suất hiện hành trong biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch được Hải quan tỉnh đăng ký tờ khai hàng.

d) Trong thời hạn tám (8) giờ làm việc kể từ khi đăng ký tờ khai hàng phải tính thuế xong để thông báo chính thức cho người khai hàng biết.

2. Việc thu thuế:

a) Căn cứ vào số thuế phải nộp ghi trên thông báo chính thức khớp với số thuế ghi trên "Séc chuyển khoản" của tổ chức nộp thuế thì mới viết biên lai thu thuế (3 liên).

b) Thu "Séc chuyển khoản" và đóng dấu "đã thu tiền" trên biên lai thu thuế (3 liên).

3. Việc nộp thuế thu được vào ngân sách Nhà nước:

Sau mỗi ngày:

a) Lập bản kê số "Séc chuyển khoản" và tiền mặt (nếu có) thu được trong ngày theo từng tổ chức nộp thuế cùng chung trong mục lục ngân sách Nhà nước.

b) Lập "Giấy nộp tiền" (có phân tích khoản, hạng mục) để nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch thu được trong ngày và Ngân hàng Nhà nước ở địa phương (kèm theo bản kê số "Séc chuyển khoản" và tiền mặt (nếu có) thu được trong ngày).

B. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC NỘP THUẾ:

1. Phải nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch cho Hải quan tỉnh bằng "Séc chuyển khoản" trong thời hạn 72 giờ, tức 3 ngày làm việc (không kể ngày lễ và chủ nhật), kể từ khi nhận được thông báo chính thức số thuế phải nộp. Nếu số thuế từ một nghìn (1.000) đồng trở xuống thì có thể nộp bằng tiền mặt.

2. Nếu chậm nộp thuế, mỗi ngày nộp thuế chậm bị phạt 5 phần nghìn (0,5%) trên số thuế nộp chậm.

3. Trong trường hợp tổ chức nộp thuế có khiếu nại về số thuế đã được thông báo chính chức, thì vẫn phải nộp đủ số thuế đó cho Hải quan tỉnh, đồng thời có quyền khiếu nại lên Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan giải quyết trong thời hạn bảy (7) ngày kể từ khi nhận được khiếu nại. Nếu vẫn không đồng ý thì có quyền khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Tài chính. Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính là quyết định cuối cùng.

IV. VIỆC KIỂM HOÁ, KIỂM TRA THỰC TẾ VÀ KẾT THÚC THỦ TỤC

A. VIỆC KIỂM HOÁ:

1. Việc kiểm hoá hàng xuất khẩu hoặc nhập khẩu do Hải quan tỉnh đảm nhiệm, sau khi tổ chức nộp thuế đã nộp thuế xong. Trong trường hợp cần thiết Hải quan tỉnh có thể giao cho Hải quan cửa khẩu kiểm hoá những chuyến hàng xuất khẩu hoặc nhập khẩu cụ thể.

Tuy nhiên, trong trường hợp tổ chức nộp thuế yêu cầu kiểm hoá tại những địa điểm khác theo Quyết định số 1104-TCHQ/GQ ngày 21-10-1985 của Tổng cục Hải quan thì phải được Hải quan tỉnh chấp nhận; đồng thời phải bố trí mọi điều kiện thuận tiện (phương tiện làm việc, cân đo...) để cán bộ Hải quan làm nhiệm vụ.

2. Hàng hoá phải được kiểm hoá trước mặt người khai hàng. Cán bộ hải quan tiến hành kiểm hoá bằng cách đối chiếu giấy phép với tờ khai hàng và các giấy tờ kèm theo để xác định số lượng, trọng lượng, quy cách, phẩm chất hàng; đồng thời xác định hàng đã nộp thuế hoặc chưa nộp thuế xuất khẩu hoặc thuế nhập khẩu hàng mậu dịch.

3. Người khai hàng có nhiệm vụ xuất trình hàng hoá để cán bộ hải quan kiểm hoá và phải chịu mọi phí tổn vận chuyển hoặc đóng mở các kiện hàng.

Hàng hoá để trong kho, không ai được tự tiện mở các kiện hàng hoặc thay đổi bao bì hay di chuyển các kiện hàng chưa được kiểm hoá, nếu không có sự đồng ý của cán bộ hải quan. Nếu được làm các việc trên thì khi tiến hành phải có sự giám sát cán bộ hải quan.

4. Ngày kiểm hoá do Hải quan tỉnh và tổ chức nộp thuế thoả thuận ấn định, trên nguyên tắc các loại hàng hoá sau đây được ưu tiên kiểm hoá trước:

a) Đối với hàng hoá xuất khẩu dễ hư hỏng (hoa quả, rau, thịt; hải sản tươi, động vật sống).

b) Đối với hàng hoá nhập khẩu không phải nộp thuế xuất khẩu hoặc thuế nhập khẩu và hàng hoá cần thiết để phục vụ cho quốc kế dân sinh.

5. Tổ chức nộp thuế phải bảo đảm cho việc kiểm hoá của Hải quan được tiến hành theo đúng thời gian thoả thuận.

Nếu tổ chức nộp thuế cần thay đổi thời gian và địa điểm kiểm hoá thì phải thông báo kịp thời cho Hải quan tỉnh biết trước sáu (6) giờ để đăng ký lại ngày, giờ và địa điểm kiểm hoá.

Nếu đúng ngày giờ ấn định, cán bộ Hải quan đến địa điểm kiểm hoá mà chưa có hàng thì cán bộ Hải quan phải làm biên bản. Trong trường hợp này tổ chức nộp thuế phải chịu trách nhiệm và phải thanh toán mọi phí tổn cần thiết cho Hải quan.

Trong trường hợp Hải quan tỉnh chưa thể cử cán bộ đến địa điểm kiểm hoá đúng ngày, giờ ấn định thì phải thông báo kịp thời cho tổ chức nộp thế biết trước sáu (6) giờ; đồng thời ấn định ngày, thời gian mới của việc kiểm hoá. Nếu không thông báo trước thì tổ chức nộp thuế phải lập biên bản. Trong trường hợp này Hải quan tỉnh phải chịu trách nhiệm và phải thanh toán mọi phí tổn cần thiết cho tổ chức nộp thuế.

6. Việc kiểm hoá của Hải quan chỉ làm 1 lần. Trong trường hợp có nghi vấn cần phải kiểm hoá lần thứ hai một phần hay toàn bộ hàng hoá thì phải do Hải quan tỉnh quyết định.

7. Phương pháp kiểm hoá đối với các loại hàng hoá khác nhau do Tổng cục Hải quan quy định.

8. Sau khi kiểm hoá, cán bộ kiểm hoá phải tự tay ghi và ký tên vào tất cả các tờ khai hàng, nói rõ phương pháp kiểm hoá kết quả nhận xét (về số lượng các kiện hàng, loại hàng, quy cách phẩm chất, ký mã hiệu... và mọi việc xẩy ra nếu có). Mọi trường hợp hàng hoá phát hiện thấy thừa, thiếu hoặc chưa nộp thuế phải lập biên bản ngay tại chỗ, có xác nhận của người khai hàng để gửi về Hải quan tỉnh xử lý. Nếu có phần hàng xuất khẩu kém phẩm chất thì cũng lập biên bản để yêu cầu tổ chức nộp thuế tái chế phần hàng kém phẩm chất đó rồi mới cho xuất khẩu.

Người khai hàng phải ký xác nhận kết quả kiểm hoá vào tất cả các tờ khai hàng.

Trong trường hợp kiểm hoá lần thứ hai thì cán bộ kiểm hoá lại phải tự tay ghi phương pháp kiểm hoá kết quả nhận xét và cùng với người khai hàng ký tên vào tất cả các tờ khai hàng.

9. Trên cơ sở kết quả kiểm hoá, Trưởng phòng giám quản hoặc Trưởng phòng nghiệp vụ được quyền quyết định:

a) Nếu đủ điều kiện thì cho hàng xuất khẩu hoặc nhập khẩu. Trong trường hợp này phải ghi rõ vào tất cả các tờ khai hàng là "đủ điều kiện xuất khẩu hoặc nhập khẩu", sau đó ghi rõ chức vụ, họ tên, ký và đóng dấu của Hải quan tỉnh.

b) Nếu chưa đủ điều kiện thì chưa cho hàng xuất khẩu hoặc nhập khẩu. Trong trường hợp này thì ghi rõ vào tất cả các tờ khai hàng là " chưa đủ điều kiện xuất khẩu hoặc nhập khẩu" (ghi rõ lý do). Nếu có hàng thừa hoặc thiếu thì phải lập biên bản chứng nhận (thừa thì tạm giữ phần thừa đó lại và cho xuất hoặc nhập phần đúng trong tờ khai), sau đó ghi rõ chức vụ, họ tên, ký và đóng dấu của Hải quan tỉnh; đồng thời báo cáo ngay tình hình thực tế (kèm theo biên bản chứng nhận) để Giám đốc Hải quan tỉnh quyết định.

10. Sau khi hoàn tất việc kiểm hoá Hải quan tỉnh phải:

a) Đối với hàng xuất khẩu:

Làm "Phiếu gửi" ba (3) tờ khai hàng (kể cả đối với hàng không có thuế) và 2 bản kê chi tiết hàng, giao người khai hàng chuyển cho Hải quan cửa khẩu để tiến hành kiểm tra thực tế và kết thúc thủ tục hải quan. Còn tất cả các giấy tờ khác kèm theo lưu lại phòng Giám quản hoặc phòng Nghiệp vụ.

b) Đối với hàng nhập khẩu;

Trên cơ sở 5 tờ khai hàng đã tiến hành kiểm hoá và các giấy tờ khác kèm theo, phòng Giám quản hoặc phòng Nghiệp vụ của Hải quan tỉnh có trách nhiệm thanh khoản giấy phép và kết thúc thủ tục hải quan.

B. VIỆC KIỂM TRA THỰC TẾ VÀ KẾT THÚC THỦ TỤC HẢI QUAN:

1. Đối với hàng xuất khẩu:

a) Hải quan cửa khẩu có trách nhiệm kiểm tra thực tế hàng hoá bằng cách đối chiếu tờ khai hàng và bản kê chi tiết hàng với thực tế hàng hoá để xác định số lượng, trọng lượng, ký mã hiệu các kiện hàng xuất khẩu, hàng đã nộp thuế hoặc chưa nộp thuế và giám sát việc bốc xếp hàng lên phương tiện vận tải.

Đối với hàng chưa nộp thuế thì chưa cho xuất khẩu mà phải lập biên bản tạm giữ để báo cáo Giám đốc Hải quan tỉnh xử lý.

Sau đó Trưởng Hải quan cửa khẩu chứng nhận "hàng đã thực xuất" vào tất cả các tờ khai hàng để:

- Trả lại người khai hàng 1 tờ khai hàng.

- Gửi về Hải quan tỉnh 2 tờ khai hàng, 1 bản kê chi tiết hàng để thanh khoản giấy phép.

- Lưu 1 bản kê chi tiết hàng tại Hải quan cửa khẩu.

b) Sau đó Hải quan tỉnh:

- Trả người khai hàng 1 bản giấy phép sau khi đã thanh khoản.

- Gửi về Tổng cục Hải quan 1 tờ khai hàng, 1 bản giấy phép; về Bộ Ngoại thương 1 bản giấy phép.

- Lưu tất cả các giấy tờ khác còn lại tại Hải quan tỉnh.

c) Trong trường hợp tổ chức nộp thuế nộp thuế xuất khẩu tại Hải quan tỉnh khác, thì Hải quan cửa khẩu nơi có hàng xuất:

- Trả lại người khai hàng 1 tờ khai hàng.

- Làm "Phiếu gửi" chuyển toàn bộ các giấy tờ còn lại cho Hải quan tỉnh trực tiếp của mình để gửi trả lại (bằng đường bưu điện) cho Hải quan tỉnh nơi người khai hàng nộp thuế.

- Hải quan tỉnh nơi người khai hàng nộp thuế có trách nhiệm thanh khoản giấy phép và luân chuyển các giấy tờ nhận được cho các cơ quan hữu quan như nói tại tiết b, điểm 1, phần b trên đây.

2. Đối với hàng nhập khẩu:

Sau khi thanh khoản giấy phép và kết thúc thủ tục hải quan thì Trưởng phòng Giám quản hoặc Trưởng phòng Nghiệp vụ của Hải quan tỉnh chứng nhận "hàng đã thực nhập" vào tất cả các tờ khai hàng. Sau đó:

- Chuyển 1 tờ khai hàng (kể cả đối với hàng không có thuế) cho Chi cục (hoặc Phòng thu quốc doanh) tỉnh để thu thuế hàng hoá nhập khẩu mậu dịch.

- Trả lại người khai hàng 1 tờ khai hàng, 1 bản giấy phép.

- Chuyển 1 tờ khai hàng và 1 bản kê chi tiết hàng cho Hải quan cửa khẩu tiến hành kiểm tra hàng đã nộp thuế nhập khẩu để hàng được chuyển từ cửa khẩu vào nội địa hoặc giám sát hàng sang mạn. Sau đó Hải quan cửa khẩu phải gửi trả Hải quan tỉnh tờ khai hàng này để lưu.

- Gửi về Tổng cục Hải quan 1 tờ khai hàng, 1 bản giấy phép; về Bộ Ngoại thương 1 bản giấy phép.

- Lưu các giấy tờ khác còn lại tại Hải quan tỉnh.

Trong trường hợp tổ chức nộp thuế nộp thuế nhập khẩu tại Hải quan tỉnh khác, thì sau khi chứng nhận "hàng đã thực nhập" Hải quan tỉnh nơi có hàng nhập:

- Trả lại người khai hàng 1 tờ khai hàng.

- Chuyển 1 tờ khai hàng nhập và 1 bản kê chi tiết hàng cho Hải quan cửa khẩu tiến hành kiểm tra hàng đã nộp thuế nhập khẩu để hàng được chuyển từ cửa khẩu vào nội địa hoặc giám sát hàng sang mạn. Sau đó Hải quan cửa khẩu chuyển tờ khai này về Hải quan tỉnh trực tiếp để làm "phiếu gửi" chuyển bằng đường bưu điện cho Hải quan tỉnh nơi người khai hàng nộp thuế cùng với toàn bộ các giấy tờ còn lại.

- Sau khi thanh khoản giấy phép thì Hải quan tỉnh nơi người khai hàng nộp thuế luân chuyển các giấy tờ nhận được như sau:

Trả lại người khai hàng 1 bản giấy phép.

Gửi về Tổng cục Hải quan 1 tờ khai hàng, 1 bản giấy phép; về Bộ Ngoại thương 1 bản giấy phép.

Lưu các giấy tờ khác còn lại tại Hải quan tỉnh.

V. KHOẢN THI HÀNH

Để tích cực góp phần bảo đảm thực hiện kế hoạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá của Nhà nước:

1. Hải quan tỉnh và Hải quan cửa khẩu phải tiến hành nhanh gọn và chỉ làm 1 lần mọi thủ tục khai báo, tính thuế, kiểm hoá. Nhưng, phải bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch và các quy trình nghiệp vụ. Nếu Hải quan tỉnh không thực hiện đúng quy định của phần A - chương III Thông tư này khiến tổ chức nộp thuế phải bị phạt do chậm bốc xếp hàng, phạt lưu kho, lưu bãi, bị thiệt hại về hàng hoá xuất nhập khẩu, về tiền vay Ngân hàng để nộp thuế, thì phải đền bù toàn bộ số thiệt hại đó cho tổ chức nộp thuế.

2. Cán bộ, chiến sĩ hải quan phải thành thục và thực hiện nghiêm chỉnh các quy trình nghiệp vụ, nêu cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, có tác phong và thái độ hoà nhã, không được gây phiền hà cho tổ chứ nộp thuế.

3. Các tổ chức nộp thuế phải thi hành đúng thủ tục khai hàng, nộp thuế, kiểm hoá, nghiêm chỉnh thi hành mọi quyết định của Hải quan đối với hàng xuất khẩu hoặc nhập khẩu và tạo kiện dễ dàng thuận tiện cho cán bộ chiến sĩ hải quan thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ.

4. Mọi hành vi gian lận trong việc nộp thuế đều bị xử lý bằng biện pháp hành chính theo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch.

Ngành Hải quan xử lý bằng biện pháp hành chính các hành vi vi phạm nói trên.

Trong trường hợp không đồng ý với quyết định của cơ quan Hải quan thì vẫn phải chấp hành biện pháp xử lý đó, đồng thời có quyền khiếu nại lên Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan giải quyết trong thời hạn bảy (7) ngày, kể từ khi nhận được khiếu nại.

Quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan là quyết định cuối cùng.

5. Cá nhân nào kể cả cán bộ, chiến sĩ hải quan có hành vi vi phạm các quy định về tính thuế, nộp thuế, thu thuế thì tuỳ theo mức độ nặng nhẹ bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy tố trước pháp luật theo quy định của Bộ luật hình sự.

6. Các cấp Hải quan và các tổ chức nộp thuế có trách nhiệm phổ biến và quán triệt cho các cán bộ chiến sĩ và cán bộ nhân viên các đơn vị trực thuộc của mình để chấp hành nghiêm chỉnh Thông tư này.

7. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 2 năm 1988.

Lâm Văn Độ

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 114-TCHQ/PC-1988 quy định nguyên tắc và thủ tục khai báo tính thuế, nộp thuế, thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 114-TCHQ/PC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 01/02/1988
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Lâm Văn Độ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản