Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 114/2005/TT-BTC

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2005

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VỀ KIỂM TRA SAU THÔNG QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Hải quan số 42/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan;
Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể một số nội dung về kiểm tra sau thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu như sau:

Phần 1:

HƯỚNG DẪN CHUNG

1. Kiểm tra sau thông quan là hoạt động nghiệp vụ do cơ quan chuyên trách của ngành Hải quan thực hiện nhằm thẩm định tính chính xác, trung thực của việc khai hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan và đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của người khai hải quan làm cơ sở xem xét mức độ ưu tiên trong việc làm thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan và xử lý vi phạm (nếu có).

2. Kiểm tra sau thông quan được thực hiện thông qua việc kiểm tra hồ sơ hải quan, các chứng từ kế toán, sổ kế toán, báo cáo tài chính và các chứng từ có liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; trong trường hợp cần thiết và đủ điều kiện thì kiểm tra hàng hoá nhập khẩu đã được thông quan của các tổ chức, cá nhân (gọi là đơn vị được kiểm tra) sau đây:

a) Chủ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

b) Tổ chức được chủ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu uỷ thác và trực tiếp thay mặt bên uỷ thác làm thủ tục hải quan.

c) Người được uỷ quyền hợp pháp (áp dụng trong trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, vật phẩm không nhằm mục đích thương mại) thay mặt chủ hàng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại.

d) Đại lý làm thủ tục hải quan.

đ) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế thay mặt chủ hàng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo đường bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế.

3. Kiểm tra sau thông quan được thực hiện theo nguyên tắc sau:

Hồ sơ hải quan của hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã thông quan đều được kiểm tra sau thông quan theo nguyên tắc kiểm tra hải quan được quy định tại khoản 1a Điều 15 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Hải quan và được tiến hành theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin; bảo đảm khách quan, chính xác, không gây cản trở đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của đơn vị được kiểm tra.

4. Dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ (sau đây gọi là Nghị định số 154/2005/NĐ-CP) gồm:

a) Chứng từ thuộc hồ sơ hải quan không hợp pháp, hợp lệ theo quy định về hình thức, nội dung ghi chép, trình tự thời gian (như không khớp, không đúng, không thống nhất, thiếu tính hợp lý giữa các chứng từ trong hồ sơ hải quan liên quan đến các thông tin về tên hàng; số lượng; trọng lượng; dung tích, thể tích; nhãn hiệu; mã số, thuế suất; tính chất; thành phần, cấu tạo; công dụng; quy cách đóng gói và các thuộc tính khác của hàng hoá), hoặc có dấu hiệu giả mạo chứng từ.

b) Giá tính thuế hàng hoá nhập khẩu bất hợp lý:

- Chênh lệch thấp hơn nhiều, hoặc cao hơn nhiều so với: Giá bán của hàng hoá đó trên thị trường trong nước sau khi đã trừ thuế, các chi phí và lợi nhuận hợp lý; Giá tính thuế nhập khẩu của hàng hoá giống hệt, hàng hoá tương tự do các đơn vị khác nhập khẩu tại cùng thời điểm, cùng thị trường, cùng phương thức giao hàng;

- Khai không đúng các khoản phải cộng vào hoặc các khoản bị trừ ra khỏi trị giá giao dịch, mối quan hệ đặc biệt giữa người mua và người bán; Phương thức và thời gian thanh toán thực tế không đúng với khai hải quan;

- Bất hợp lý trong việc khai phương thức vận tải, phương tiện vận tải, quãng đường vận tải, tuyến đường vận tải, cước phí vận tải, phí bảo hiểm có liên quan đến xác định trị giá hải quan.

c) Gian lận trong việc hưởng ưu đãi về thuế, gian lận thương mại như: Sử dụng không đúng mục đích, gian lận định mức tiêu hao nguyên liêu, phụ liệu đối với hàng gia công, hàng nhập khẩu sản xuất hàng xuất khẩu; gian lận để được hưởng chế độ miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; nhập khẩu hàng hoá vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ và vi phạm quy định về xuất xứ hàng hoá.

d) Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo quản lý chuyên ngành nhưng giấy phép không hợp lệ hoặc không đủ điều kiện để xuất khẩu, nhập khẩu; Chứng thư giám định, phân tích, phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu không đúng với thực tế của hàng hoá.

5. Thời hạn kiểm tra tại trụ sở đơn vị được kiểm tra

a) Trước khi tiến hành kiểm tra theo kế hoạch, cơ quan Hải quan phải thông báo Quyết định kiểm tra cho đơn vị được kiểm tra chậm nhất là 05 (năm) ngày làm việc. Trường hợp cơ quan Hải quan có cơ sở xác định đơn vị có dấu hiệu về hành vi tiêu huỷ hồ sơ, tài liệu thì việc kiểm tra được thực hiện ngay sau khi công bố quyết định kiểm tra mà không phải thông báo trước.

b) Ngày làm việc tại trụ sở đơn vị được kiểm tra quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 68 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP là ngày cơ quan Hải quan thực tế tiến hành kiểm tra tại đơn vị, trường hợp gián đoạn kiểm tra phải ghi rõ lý do vào biên bản.

6. Trách nhiệm của cơ quan Hải quan các cấp trong việc kiểm tra sau thông quan

a) Kiểm tra sau thông quan là trách nhiệm của Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan các tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

b) Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các đơn vị trong toàn ngành Hải quan về công tác kiểm tra sau thông quan, quyết định kiểm tra sau thông quan theo hướng dẫn tại Thông tư này.

Cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan là cơ quan chuyên trách giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các đơn vị trong ngành Hải quan thực hiện công tác kiểm tra sau thông quan, tiến hành kiểm tra sau thông quan theo quy định.

c) Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện công tác kiểm tra sau thông quan trong phạm vi địa bàn quản lý về kiểm tra sau thông quan được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Phòng Kiểm tra sau thông quan thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là đơn vị chuyên trách giúp Cục trưởng Cục Hải quan thực hiện công tác kiểm tra sau thông quan.

d) Cán bộ công chức chuyên trách làm công tác kiểm tra sau thông quan ngoài những tiêu chuẩn chung của công chức hải quan phải có những kiến thức và kỹ năng cần thiết đã qua đào tạo về Pháp luật Thuế, Kế toán, Kiểm toán và Pháp Luật về Thanh tra, kiểm tra. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, có trách nhiệm quy định cụ thể tiêu chuẩn, tổ chức đào tạo, bố trí cán bộ làm công tác kiểm tra sau thông quan.

7. Thẩm quyền quyết định kiểm tra sau thông quan

a) Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định kiểm tra đối với các đơn vị được kiểm tra thuộc địa bàn quản lý (nơi đăng ký mã số thuế); Trường hợp đơn vị được kiểm tra sau thông quan không thuộc địa bàn quản lý nhưng đã làm thủ tục hải quan trong địa bàn quản lý, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm thì thực hiện kiểm tra theo các trình tự như sau:

- Tiến hành kiểm tra hồ sơ, tài liệu có liên quan của đơn vị được kiểm tra tại trụ sở cơ quan Hải quan;

- Nếu cần thiết phải kiểm tra trực tiếp tại trụ sở đơn vị được kiểm tra thì báo cáo Tổng cục Hải quan và thông báo Cục Hải quan quản lý địa bàn.

b) Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan đối với các trường hợp có nội dung kiểm tra phức tạp, phạm vi kiểm tra liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan được ủy quyền cho Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan quyết định kiểm tra sau thông quan.

Phần 2:

HƯỚNG DẪN CỤ THỂ

I. Hình thức và phương pháp kiểm tra sau thông quan

Hồ sơ hải quan của hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã thông quan được tiến hành kiểm tra sau thông quan theo các hình thức và phương pháp sau:

1. Kiểm tra tại trụ sở cơ quan Hải quan theo phương pháp đối chiếu, so sánh giữa nội dung khai tại hồ sơ hải quan với các thông tin nghiệp vụ hải quan và các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Kiểm tra tại trụ sở đơn vị được kiểm tra theo phương pháp đối chiếu, so sánh giữa sổ kế toán, chứng từ kế toán, báo cáo tài chính và các chứng từ khác có liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu với nội dung khai hải quan. Trong trường hợp cần thiết và đủ điều kiện thì kiểm tra thực tế hàng hoá đã được thông quan

II. Trình tự và nội dung kiểm tra sau thông quan

1. Kiểm tra tại trụ sở cơ quan Hải quan

a) Kiểm tra hồ sơ hải quan:

- Kiểm tra sự đầy đủ, tính hợp pháp, hợp lệ của các chứng từ trong hồ sơ hải quan đối chiếu với các nội dung khai trong tờ khai hải quan;

- Kiểm tra việc khai, tính thuế, nộp thuế thông qua việc xác định các căn cứ tính thuế bao gồm: Trị giá tính thuế; thuế suất; số lượng hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;

- Kiểm tra các điều kiện liên quan đến việc hưởng ưu đãi về thuế như miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế (nếu có), các khoản điều chỉnh thuế và các khoản thu khác;

- Kiểm tra việc tuân thủ các quy định về chính sách quản lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quyền sở hữu trí tuệ và các quy định khác có liên quan đến thủ tục hải quan.

b) Kết thúc việc kiểm tra hồ sơ hải quan, cán bộ kiểm tra sau thông quan có trách nhiệm kết luận về kết quả kiểm tra:

- Đối với những hồ sơ hải quan đã đầy đủ, rõ ràng, không có vi phạm thì xác nhận kết quả kiểm tra;

- Đối với những hồ sơ hải quan chưa rõ ràng, chưa đầy đủ hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cán bộ kiểm tra sau thông quan ghi rõ vào phiếu ghi kết quả kiểm tra và báo cáo với thủ trưởng trực tiếp.

c) Đối với những hồ sơ hải quan chưa rõ ràng, chưa đầy đủ thì cơ quan Hải quan có trách nhiệm thực hiện việc xác minh tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và thông báo đến đơn vị được kiểm tra để giải trình, bổ sung các thông tin, tài liệu cần thiết.

- Trường hợp qua xác minh hoặc đơn vị được kiểm tra giải trình, bổ sung đầy đủ các thông tin tài liệu và chứng minh việc khai hải quan là đúng thì hồ sơ hải quan đó được xác nhận theo quy định. Nếu qua xác minh hoặc giải trình và hồ sơ tài liệu chưa đủ chứng minh việc khai là đúng thì yêu cầu đơn vị khai bổ sung. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan mà đơn vị được kiểm tra tự kiểm tra, rà soát đối với các lô hàng đã được thông quan về tính chính xác, trung thực của khai hải quan, tính thuế, nộp thuế, tự giác thông báo với cơ quan Hải quan và tự nộp số thuế còn thiếu, số tiền phạt chậm nộp thì được miễn các hình thức xử phạt khác về thuế;

- Trường hợp quá thời hạn 60 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai mà đơn vị được kiểm tra không tự phát hiện và khắc phục hậu quả hoặc kết quả xác minh, kiểm tra, đối chiếu của cơ quan Hải quan đã xác định được vi phạm thì cán bộ kiểm tra phải lập Bản kết luận kiểm tra và xử lý kết quả theo quy định tại điểm 3 mục II phần B Thông tư này;

- Trường hợp đơn vị không đến làm việc, hoặc có đến làm việc nhưng không giải trình được và những hồ sơ, tài liệu bổ sung không đủ căn cứ để chứng minh việc khai hải quan là đúng thì cơ quan Hải quan căn cứ vào thông tin, tài liệu để ra kết luận hoặc thực hiện kiểm tra tại trụ sở đơn vị được kiểm tra.

2. Kiểm tra tại trụ sở đơn vị được kiểm tra

a) Khi tiến hành kiểm tra tại trụ sở đơn vị được kiểm tra, cán bộ kiểm tra sau thông quan thực hiện:

- Công bố Quyết định kiểm tra sau thông quan;

- Kiểm tra chứng từ kế toán, sổ kế toán, báo cáo tài chính có liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan;

- Kiểm tra dữ liệu thương mại, bao gồm những chứng từ chủ yếu sau: Hợp đồng mua bán hàng hoá; chứng từ vận tải, chứng từ bảo hiểm; chứng từ thanh toán quốc tế và các chứng từ, tài liệu khác có liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan;

- Trong trường hợp cần phải làm rõ nội dung khai hải quan, cán bộ kiểm tra sau thông quan thực hiện việc xác minh tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

b) Trường hợp cần thiết thì thực hiện kiểm tra:

- Dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị có liên quan đến việc sản xuất, chế biến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;

- Kiểm tra thực tế hàng hoá nhập khẩu hoặc hàng hoá là sản phẩm của quá trình gia công, sản xuất, chế biến từ hàng hoá nhập khẩu đang được lưu giữ tại các kho hàng của đơn vị. Việc kiểm tra thực tế hàng hoá được thực hiện khi đủ điều kiện, nếu hàng hoá không mất đi những đặc tính cơ bản so với thời điểm thông quan, đang được cơ quan Hải quan, đơn vị được kiểm tra, các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác lưu giữ.

c) Kết thúc kiểm tra, trưởng đoàn kiểm tra lập Bản kết luận kiểm tra. Bản kết luận kiểm tra phải có chữ ký của trưởng đoàn kiểm tra và đại diện hợp pháp của đơn vị được kiểm tra, trường hợp đại diện của đơn vị được kiểm tra không ký Bản kết luận kiểm tra thì trưởng đoàn kiểm tra phải ghi rõ lý do. Bản kết luận kiểm tra phải được gửi đến người quyết định kiểm tra làm căn cứ để xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định điểm 3 mục II phần B Thông tư này.

3. Xử lý kết quả kiểm tra

a) Trường hợp phải truy thu thuế, các khoản thu khác, người quyết định kiểm tra sau thông quan xử lý theo thẩm quyền hoặc có ý kiến bằng văn bản để người có thẩm quyền ra quyết định truy thu theo quy định của pháp luật về thuế. Số tiền truy thu được nộp vào tài khoản tạm giữ của Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi quyết định kiểm tra. Trường hợp Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định kiểm tra thì số tiền truy thu được nộp vào tài khoản tạm giữ của Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi quản lý địa bàn đơn vị được kiểm tra đóng trụ sở.

b) Trường hợp phải hoàn thuế, hoàn các khoản thu khác, người quyết định kiểm tra sau thông quan xử lý hoặc thông báo bằng văn bản và chuyển hồ sơ cho Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố làm thủ tục hải quan cho lô hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu để xem xét và thực hiện việc hoàn theo quy định của pháp luật về thuế.

c) Trường hợp phải xử lý hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan Hải quan thì người quyết định kiểm tra sau thông quan xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan Hải quan thì người quyết định kiểm tra sau thông quan chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

d) Trường hợp có hành vi vi phạm phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

4. Theo dõi xử lý kết quả kiểm tra

Người quyết định kiểm tra sau thông quan có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc đơn vị được kiểm tra thực hiện quyết định xử lý theo kết luận kiểm tra. Áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật về thuế và pháp luật khác có liên quan. Thời hạn thực hiện việc truy thu thuế, truy hoàn thuế, phạt tiền và các hình thức xử lý khác được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

b) Thông báo cho Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố, Chi cục Hải quan cửa khẩu có liên quan về kết luận của đoàn kiểm tra, các biện pháp xử lý vi phạm pháp luật đối với đơn vị được kiểm tra (nếu có).

c) Cập nhật các thông tin về kết quả kiểm tra vào hệ thống cơ sở dữ liệu theo quy trình hướng dẫn của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Phần 3:

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KHỞI KIỆN; KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM

1. Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện

Việc khiếu nại, tố cáo, khởi kiện liên quan đến kiểm tra sau thông quan được thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Khen thưởng, xử lý vi phạm

a) Công chức hải quan có hành vi vi phạm pháp luật về kiểm tra sau thông quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại cho đơn vị được kiểm tra thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, cá nhân khác có hành vi vi phạm quy định pháp luật về kiểm tra sau thông quan thì bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm.

b) Cơ quan Hải quan, công chức hải quan có thành tích trong việc kiểm tra sau thông quan; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thành tích trong việc phối hợp, thực hiện việc kiểm tra sau thông quan được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Phần 4:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có trách nhiệm ban hành Quy trình kiểm tra sau thông quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và hướng dẫn các Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố thực hiện thống nhất.

2. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Thông tư số 96/2003/TT-BTC ngày 10/10/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 102/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 của Chính phủ quy định về kiểm tra sau thông quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu./.

Nơi nhận:
- Văn phòng TƯ Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Viện kiểm sát Nhân dân tối cao;
- Toà án Nhân dân tối cao;
- Các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan TƯ của các đoàn thể;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Phòng TM-CN Việt nam;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố;
- Lưu VT,TCHQ (VP, Cục KTSTQ).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trương Chí Trung

PHỤ LỤC

DANH SÁCH PHÂN ĐỊNH ĐỊA BÀN QUẢN LÝ VỀ KIỂM TRA SAU THÔNG QUAN THUỘC CỤC HẢI QUAN TỈNH, THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 114/2005/TT-BTC ngày 15/12/2005 của Bộ Tài chính)

SỐ

TT

ĐƠN VỊ CỤC HẢI QUAN

TỈNH, LIÊN TỈNH, THÀNH PHỐ

CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ LÀ

ĐỊA BÀN QUẢN LÝ VỀ

KIỂM TRA SAU THÔNG QUAN

1

Cục Hải quan tỉnh An Giang

Tỉnh An Giang

2

Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa –VũngTàu

Tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu

3

Cục Hải quan tỉnh Bình Dương

Tỉnh Bình Dương

4

Cục Hải quan tỉnh Bình Định

Các tỉnh Bình Định và Phú Yên

5

Cục Hải quan tỉnh Bình Phước

Tỉnh Bình Phước

6

Cục Hải quan tỉnh Cao Bằng

Các tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên và Bắc Cạn

7

Cục Hải quan tỉnh Cà Mau

Các tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu

8

Cục Hải quan thành phố Cần Thơ

Thành phố Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh

9

Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng

Thành phố Đà Nẵng

10

Cục Hải quan tỉnh Đắc Lắc

Các tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng

11

Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai

Các tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận

12

Cục Hải quan tỉnh Đồng Tháp

Tỉnh Đồng Tháp

13

Cục Hải quan tỉnh Gia Lai

Các tỉnh Gia Lai và Kon Tum

14

Cục Hải quan tỉnh Hà Giang

Các tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang

15

Cục Hải quan thành phố Hà Nội

Thành phố Hà Nội và các tỉnh Hà Tây, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hoà Bình

16

Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh

Tỉnh Hà Tĩnh

17

Cục Hải quan thành phố Hải Phòng

Thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thái Bình, HưngYên, Hải Dương

18

Cục Hải quan tỉnh Khánh Hoà

Các tỉnh Khánh Hoà và Ninh Thuận

19

Cục Hải quan tỉnh Kiên Giang

Tỉnh Kiên Giang

20

Cục Hải quan tỉnh Điện Biên

Các tỉnh Điện Biên, Lai Châu và Sơn La

21

Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn

Các tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang

22

Cục Hải quan tỉnh Lào Cai

Các tỉnh Lào Cai và Yên Bái

23

Cục Hải quan tỉnh Long An

Các tỉnh Long An, Bến Tre và Tiền Giang

24

Cục Hải quan tỉnh Nghệ An

Tỉnh Nghệ An

25

Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình

Tỉnh Quảng Bình

26

Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam

Tỉnh Quảng Nam

27

Cục Hải quan tỉnh Quảng Ngãi

Tỉnh Quảng Ngãi

28

Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh

Tỉnh Quảng Ninh

29

Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị

Tỉnh Quảng Trị

30

Cục Hải quan tỉnh Thanh Hoá

Các tỉnh Thanh Hoá, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình

31

Cục Hải quan tỉnh Thừa Thiên - Huế

Tỉnh Thừa Thiên - Huế

32

Cục Hải quan tỉnh Tây Ninh

Tỉnh Tây Ninh

33

Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 114/2005/TT-BTC hướng dẫn về kiểm tra sau thông quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 114/2005/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/12/2005
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trương Chí Trung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 21 đến số 22
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản