Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 110/2006/TT-BTC | Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 2006 |
Căn cứ Hiệp định tín dụng giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia VC-01 ký ngày 10/10/2005 về việc Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Vương quốc Campuchia một Khoản tín dụng ưu đãi trị giá không quá 25,8 triệu Đô la Mỹ;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 1/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc giải ngân, thu hồi nợ và thanh quyết toán Khoản tín dụng như sau:
1. Mục đích, phạm vi sử dụng Khoản tín dụng:
Khoản tín dụng ưu đãi theo Hiệp định tín dụng VC-01 giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia được sử dụng để tài trợ cho các danh mục chi phí được ghi tại Phụ đính I của Hiệp định tín dụng để đầu tư nâng cấp Quốc lộ 78 (đoạn từ Banlung Km 126 đi O Yadav Km195+577), bao gồm:
- Chi phí cho Công ty tư vấn Việt Nam (Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải, gọi tắt là TEDI) để thiết kế kỹ thuật và chuẩn bị hồ sơ mời thầu. Các đề xuất về tài chính và kỹ thuật của TEDI đối với nội dung này phải được phía Campuchia (Bộ Giao thông Công chính và Bộ Kinh tế và Tài chính) đồng ý trên cơ sở thông lệ quốc tế;
- Các chi phí đầu tư xây dựng, nâng cấp Quốc lộ 78 (đoạn từ Banlung Km 126 đi O Yadav Km195+577);
- Các chi phí cho Công ty tư vấn giám sát của phía Campuchia;
- Các chi phí khác (nếu có) được Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia chấp thuận.
2.Giải thích từ ngữ:
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
“Hiệp định tín dụng” là Hiệp định ký giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia số VC-01 ngày 10/10/2005 về việc Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Vương quốc Campuchia một khoản tín dụng ưu đãi trị giá không quá 25,8 triệu đô la Mỹ để đầu tư xây dựng, nâng cấp Quốc lộ 78.
“Quốc lộ 78” là con đường nằm trên lãnh thổ Campuchia (đoạn từ Banlung Km 126 đi O Yadav Km195+577) giáp với biên giới Việt Nam.
“Bên cho vay” là Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà đại diện là Bộ Tài chính Việt Nam (MOF).
“Bên vay” là Chính phủ Vương quốc Campuchia mà đại diện là Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia (MEF).
“Ngân hàng Phát triển Việt Nam” (trong Hiệp định tín dụng ghi là Quỹ Hỗ trợ Phát triển Việt Nam nay đổi tên là Ngân hàng Phát triển Việt Nam) là cơ quan được Bên cho vay uỷ quyền thực hiện việc huy động vốn, thanh toán và trực tiếp thu hồi vốn vay từ Bên vay.
“Chủ đầu tư” là Chính phủ Vương quốc Campuchia hoặc cơ quan được Chính phủ Vương quốc Campuchia uỷ quyền.
“Nhà thầu” là các đơn vị, tổ chức kinh tế của Việt Nam và các liên danh Việt Nam –Campuchia, ký hợp đồng kinh tế xây dựng, cung ứng hàng hoá, dịch vụ cho Chủ đầu tư để thực hiện dự án Quốc lộ 78 tại Campuchia.
“Hợp đồng kinh tế” là hợp đồng ký kết giữa Chủ đầu tư Campuchia và nhà thầu phù hợp với các điều kiện nêu tại Điều 3 của Hiệp định tín dụng.
1.1 Các Văn bản pháp lý:
a/ Văn bản của Bộ Tài chính uỷ quyền cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện huy động vốn, thanh toán và thu hồi nợ theo nội dung của Hiệp định tín dụng, được Ngân sách Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất theo quy định tại Thông tư này.
b/ Bản sao Hiệp định tín dụng, và các văn bản liên quan đến việc giải ngân của phía Campuchia (nếu có) do Bộ Tài chính Việt Nam gửi cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam để làm căn cứ cấp phát, thanh toán cho các Nhà thầu.
c/ Bản đăng ký mẫu chữ ký của người đại diện cho Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia được quyền ký Giấy đề nghị thanh toán (theo Mẫu số 01) của Hiệp định tín dụng, được gửi cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam để làm thủ tục cấp vốn thanh toán cho Nhà thầu.
1.2 Mở và sử dụng tài khoản tín dụng:
a/ Ngân hàng Phát triển Việt Nam mở cho Bên vay một tài khoản mang tên “Tín dụng đường 78 của Chính phủ Vương quốc Campuchia” (gọi tắt là Tài khoản tín dụng VC-01) để hạch toán theo dõi quá trình giải ngân, thu hồi trả nợ đối với khoản tín dụng này.
b/ Tài khoản tín dụng VC-01 được hạch toán bằng đô la Mỹ (USD), trường hợp đồng tiền thanh toán thực tế là đồng Việt Nam hoặc đồng Riel Campuchia thì việc quy đổi ra đô la Mỹ áp dụng tỷ giá bình quân giữa tỷ giá mua vào và tỷ giá bán ra tại thời điểm thanh toán, cụ thể là:
+ Tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ do Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – VCB) quy định, trong trường hợp thanh toán bằng đồng Việt Nam;
+ Tỷ giá giữa đồng Riel Campuchia và đô la Mỹ do Ngân hàng Trung ương Campuchia quy định, trong trường hợp thanh toán bằng đồng Riel Campuchia.
c/ Ngày Ngân hàng Phát triển Việt Nam ghi nợ tài khoản tín dụng và bắt đầu tính lãi cho Chính phủ Vương quốc Campuchia là ngày Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện cấp phát, thanh toán cho Nhà thầu.
1.3 Đồng tiền rút vốn và thanh toán:
a/ Đồng tiền ghi trên Giấy đề nghị thanh toán và ghi nhận nợ cho phía Campuchia là đô la Mỹ.
b/ Căn cứ theo đề nghị của Bên vay và yêu cầu chi mua hàng hoá, dịch vụ, căn cứ vào giá trị đồng tiền ghi trong Hợp đồng kinh tế giữa Chủ đầu tư (Campuchia) và Nhà thầu, được Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia chấp thuận, Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ xem xét và thực hiện cấp thanh toán bằng tiền đồng Việt Nam(VND), tiền Riel Campuchia hoặc một phần bằng đô la Mỹ cho những hạng mục hợp lệ của Dự án.
1.4 Tổng số tiền, thời hạn cấp vốn và thanh toán:
Tổng số tiền cấp thanh toán theo Hiệp định tín dụng không vượt quá 25,8 triệu USD. Ngày cấp thanh toán cuối cùng cho Bên vay là ngày 10/10/2009, trừ khi có thoả thuận khác của hai Bên vay và Bên cho vay.
1.5 Phê duyệt Hợp đồng kinh tế:
Tất cả các Hợp đồng kinh tế phải được gửi đến Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia để làm thủ tục phê duyệt chấp thuận hợp đồng; Bản phê duyệt chấp thuận Hợp đồng của Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia được gửi cho Bộ Tài chính Việt Nam để xem xét, nếu phù hợp với các quy định của Hiệp định tín dụng thì Bộ Tài chính thông báo xác nhận Hợp đồng cho Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia, đồng thời có công văn chấp thuận gửi cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
1.6 Điều kiện cấp vốn:
a/ Đối với toàn bộ Hiệp định, điều kiện để được cấp vốn phải có:
- Bản đăng ký mẫu chữ ký của người được uỷ quyền ký Giấy đề nghị thanh toán của Bên vay do Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia gửi Bộ Tài chính Việt Nam.
- Trong trường hợp một Ngân hàng hoặc một cơ quan của Vương quốc Campuchia được uỷ quyền thực hiện giải ngân, Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia sẽ gửi cho Bộ Tài chính Việt Nam văn bản chính thức về sự uỷ quyền này.
b/ Đối với mỗi Hợp đồng kinh tế, điều kiện để được cấp vốn phải có:
- Bản sao Hợp đồng kinh tế do Nhà thầu sao chụp có đóng dấu xác nhận của Nhà thầu đồng thời xuất trình Bản gốc để đối chiếu.
- Bản chính Thư chấp thuận Hợp đồng của Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia trong đó ghi rõ trị giá được sử dụng vốn vay của Hợp đồng.
- Bản sao thông báo xác nhận Hợp đồng và công văn chấp thuận của Bộ Tài chính Việt Nam.
Các tài liệu nói trên phải được gửi đến Bộ Tài chính Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
c/ Đối với từng lần cấp vốn phải có:
- Giấy đề nghị thanh toán do Bên vay lập có chữ ký của người đại diện có thẩm quyền đã đăng ký chữ ký với Bên cho vay bằng tiếng Anh (theo mẫu quy định trong Hiệp định tín dụng VC-01).
- Giấy đề nghị giải ngân do Nhà thầu/Nhà cung cấp lập gửi Chủ đầu tư bằng tiếng Anh (theo mẫu quy định trong Hiệp định tín dụng VC-01).
- Các loại hoá đơn hoặc các chứng từ cần thiết khác:
* Đối với việc thanh toán tiền hàng hoá, thiết bị:
+ Hoá đơn thương mại đối với hàng hoá được cung cấp;
+ Bộ chứng từ hàng hoá bao gồm: hoá đơn, chứng từ vận tải, chứng nhận bảo hiểm hàng hoá, chứng nhận xuất xứ hàng hoá, hoá đơn đóng gói, chứng nhận kiểm định trước khi giao hàng.
+ Biên bản giao nhận hàng hoá, thiết bị, phiếu nhập kho.
+ Các chứng từ khác (nếu có) theo quy định của Hợp đồng kinh tế.
* Đối với việc thanh toán tiền dịch vụ:
+ Hoá đơn hoặc đề nghị thanh toán của đơn vị Tư vấn;
+ Xác nhận tiến độ thực hiện Hợp đồng tư vấn của Chủ đầu tư;
+ Các chứng từ khác (nếu có) theo quy định của Hợp đồng kinh tế.
* Đối với việc thanh toán phần xây dựng:
+ Giấy đề nghị giải ngân của Nhà thầu ghi theo mẫu trong Hiệp định tín dụng.
+ Biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành có xác nhận của Tư vấn giám sát và của Chủ đầu tư.
+ Các chứng từ khác (nếu có) theo quy định của Hợp đồng kinh tế.
* Đối với việc thanh toán tạm ứng:
+ Giấy yêu cầu thanh toán của Nhà thầu theo Hợp đồng;
+ Giấy bảo lãnh thanh toán tạm ứng do Ngân hàng của Nhà thầu cấp.
Các hoá đơn, chứng từ nói trên phải được gửi đến Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
1.7 Phương thức cấp vốn:
a/ Thanh toán cho người được thụ hưởng:
- Sau khi nhận hồ sơ giải ngân đầy đủ và hợp lệ, trong thời hạn tối đa 5 ngày làm việc, Ngân hàng Phát triển Việt Nam tiến hành kiểm tra và thực hiện việc cấp vốn trực tiếp cho Người thụ hưởng theo đề nghị của Bên vay. Trường hợp Ngân hàng Phát triển Việt Nam không chấp thuận thanh toán một phần hay toàn bộ thì phải thông báo rõ cho Bên vay biết và báo cáo Bộ Tài chính Việt Nam để giải quyết.
- Trường hợp thanh toán cho các Nhà thầu vào tài khoản mở tại các Ngân hàng của Việt Nam thì thực hiện theo quy định hiện hành của Việt Nam.
b/Thông báo kết quả giải ngân và lịch trả nợ:
- Sau mỗi lần cấp vốn, Ngân hàng Phát triển Việt Nam có trách nhiệm lập văn bản thông báo cho Bên vay và Bộ Tài chính trong đó ghi rõ: Người thụ hưởng; số tiền; tỷ giá; ngày thanh toán; luỹ kế số cấp vốn; số nợ lãi phải trả.
- Hàng quý, Ngân hàng Phát triển Việt Nam gửi cho Bộ Tài chính bản sao kê số dư (Account Statement) tài khoản Tín dụng tín dụng VC-01.
- Khi hết thời hạn cấp vốn thanh toán hoặc đã cấp đủ vốn theo Hiệp định (như đã ghi tại điểm 1.4 nêu trên) mà không có thông báo nào khác về việc tiếp tục thực hiện giải ngân theo thoả thuận của Bên vay và Bên cho vay, Ngân hàng Phát triển Việt Nam tiến hành lập lịch trả nợ tổng hợp tương ứng với tổng số vốn đã cấp thanh toán để thông báo cho Bên vay và Bộ Tài chính.
2.1 Nợ gốc:
- Nợ gốc được trả trong vòng 8 năm thành 16 lần, vào các ngày 20/5 và 20/11 theo đúng lịch trả nợ được ghi trong Phụ đính III, kỳ hạn trả nợ gốc đầu tiên là ngày 20/11/2012.
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam có thể được thu nợ trước hạn nếu có đề nghị bằng văn bản của Bên vay và được trừ lùi từ cuối thời hạn trả nợ lên.
2.2 Nợ lãi:
- Lãi được trả 6 tháng một lần vào các ngày 20/5 và 20/11 hàng năm bắt đầu trả từ ngày 20/11/2006, nếu ngày trả lãi trùng vào ngày lễ hoặc ngày nghỉ, thì việc trả lãi sẽ được thực hiện vào ngày làm việc đầu tiên kế tiếp sau ngày nghỉ.
- Lãi suất tiền vay là 1,5 %/năm trên số dư nợ thực tế (hạch toán bằng USD) trong kỳ tính lãi. Lãi suất quá hạn được áp dụng là 3%/Năm (Một năm được tính là 360 ngày).
2.3 Trình tự trả nợ:
Khi nhận được một khoản nợ, Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện trừ nợ theo thứ tự ưu tiên như sau:
- Lãi quá hạn;
- Gốc quá hạn;
- Lãi đến hạn;
- Gốc đến hạn.
3.1 Thu hồi nợ:
- 30 ngày trước mỗi kỳ hạn trả nợ, Ngân hàng Phát triển Việt Nam gửi thông báo tới Bên vay và Bộ Tài chính về số nợ gốc và nợ lãi phải trả cho kỳ hạn đó.
- Khi Bên vay dùng USD trả nợ thì Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ tiến hành các thủ tục thu nợ theo các quy định của Hiệp định tín dụng và quy định nêu tại Thông tư này, đồng thời lập thông báo ghi giảm nợ vay tương ứng (Credit advice) gửi Bên vay và thông báo cho Bộ Tài chính biết để theo dõi.
3.2 Nợ quá hạn:
- Trường hợp đến kỳ hạn trả nợ vay mà Ngân hàng Phát triển Việt Nam chưa nhận được số tiền trả nợ thì số tiền này sẽ được hạch toán sang tài khoản nợ quá hạn của Bên vay để áp dụng mức lãi suất phạt quá hạn từ ngày đến hạn chưa thanh toán đến ngày Bên vay thanh toán hết các khoản nợ gốc và lãi quá hạn theo quy định tại Hiệp định.
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam thông báo cho Bên vay và Bộ Tài chính về số nợ quá hạn (gốc và lãi) theo mức lãi suất quá hạn của Hiệp định là 3%/năm.
- Trường hợp số nợ gốc và nợ lãi mà Bên vay không trả được như Điều 7 của Hiệp định tín dụng và để tồn đọng nhiều thì Ngân hàng Phát triển Việt Nam thông báo cho Bộ Tài chính biết để cùng bàn biện pháp xử lý, trường hợp cần thiết sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
3.3 Thanh lý các khoản vay:
Khi nghĩa vụ trả nợ theo Hiệp định được Bên vay hoàn thành, Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ tất toán và đóng các tài khoản có liên quan, đồng thời thông báo để Bên vay và Bộ Tài chính biết.
Khoản chênh lệch lãi suất giữa lãi suất huy động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và lãi suất cho vay theo Hiệp định tín dụng được Bộ Tài chính cấp bù hàng năm cùng với các khoản cấp bù chênh lệch lãi suất khác do Chính phủ uỷ quyền cho Ngân hàng phát triển Việt Nam huy động vốn và cho vay theo các chương trình tín dụng của Nhà nước.
Thông tư này có hiệu lực kể sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và áp dụng cho việc triển khai các nội dung của Hiệp định tín dụng VC-01 ký ngày 10/10/2005.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan phản ánh kịp thời để Bộ Tài chính xem xét giải quyết ./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Thông tư 110/2006/TT-BTC hướng dẫn việc giải ngân, thanh toán vốn và thu hồi nợ vay theo Hiệp định tín dụng Việt Nam và Campuchia VC-01 ký ngày 10/10/2005 do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 110/2006/TT-BTC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 04/12/2006
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Trần Xuân Hà
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 21 đến số 22
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra